THIÊN NHIÊN VIỆT NAM MANG TÍNH BÁN ĐẢO KHÁ RÕ NÉT
1. LÝ THUYẾT
Vùng biển rộng chi phối tính bán đảo (hay tính biển) của tự nhiên Việt Nam.
- Nước Việt Nam nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương tiếp giáp với Biển Đông rộng lớn với đường bờ biển dài 3260 km chạy dọc theo lãnh thổ từ Bắc xuống Nam khiến cho đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam, chỉ trừ ở vùng núi phía Bắc, có đường bờ biển chỉ cách đường biên giới trên đất liền trên dưới 300km. Nếu như so sánh chỉ số tương quan giữa diện tích đất liền với diện tích biển của thế giới là 1:2,43 thì ở Việt Nam là 1:3 hoặc tương quan giữa diện tích đất liền với đường bờ biển của thế giới là 600km2 có 1km đường bờ biển thì ở Việt Nam chỉ cần hơn 100km2 đã có lkm đường bờ biển. Ngoài ra còn phải kể đến Việt Nam có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác ven bờ và các đảo xa ngoài biên khơi.
Bán đảo Sơn Trà
Các luồng gió mùa, gió mậu dịch cũng như gió đất - biển thường xuyên hoạt động từ hướng biển tới đã mang lại cho đất nước một lượng ấm lớn, một lượng mưa rất đáng kể và sự điều hoà nhiệt độ khá rõ nét. Vì thế có thể nói lãnh thổ Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc của biển. Ảnh hưởng của biển đối với các điều kiện tự nhiên nước ta được thể hiện cụ thể trên các mặt sau:
a) Vùng biển nhiệt đới nóng ẩm có tác động sâu sắc đến đặc điểm khí hậu
Tác dụng điều hoà khí hậu của biển được thể hiện rất rõ. Vào thời kì mùa đông, nhiệt độ của nước biển ấm hơn đất liền. Lượng nhiệt và ẩm của biển đã làm bớt độ lạnh và khô của khí hậu mùa đông ở miền Bắc. Vào thời kì mùa hạ, lượng nhiệt và ẩm lớn của biển làm tăng cường lượng mưa và độ ẩm trên đất liền, nhất là ở những nơi có địa hình chắn gió thuận lợi. Biển tạo nên khí hậu mát mẻ, trong lành cho nên nhiều nơi ở vùng biển Việt Nam đã được xây dựng trở thành các địa điểm du lịch nghỉ mát, an dưỡng nổi tiếng. Mặt khác, trên Biển Đông hàng năm thường xuất hiện các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có sức tàn phá lớn và ảnh hưởng trên một diện rộng các vùng ven biển.
b) Biển đã góp phần tạo nên các dạng địa hình ven biển rất đa dạng và đặc sắc
Do tác động của các quá trình ngoại lực trong mối tương quan biển - lục địa đã tạo nên ở vùng ven biển Việt Nam các dạng địa hình rất đa dạng và đặc sắc. Đó là các dạng địa hình bồi tụ tam giác châu với các cánh đồng phù sa màu mỡ, các bãi triều rộng lớn, các bãi cát, các vịnh cửa sông, các bờ biển mài mòn, các vùng vịnh nước sâu, các bãi, rạn san hô...
Các dạng địa hình này đã và đang được khai thác và cải tạo phục vụ thiết thực cho các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của các địa phương ven biển.
c) Biển đã tạo nên ở vùng ven biển các hệ sinh thái rất phát triển
Tại các khu vực cửa sông, các bãi triều trong những điều kiện khí hậu, thuỷ văn và hải văn của vùng nhiệt đới đã hình thành nên nhiều hệ sinh thái rất phát triển, các cảnh quan đặc trưng mà điển hình là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng cửa sông nước lợ, hệ sinh thái đầm phá có năng suất sinh học rất cao và sự đa dạng của các loài sinh vật. Các hệ sinh thái này vừa là nguồn tài nguyên vừa là môi trường sống lí tưởng của các loài sinh vật rất cần được chăm sóc, bảo vệ.
d) Biển là nơi chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú
Trước hết là tài nguyên sinh vật biển, loại tài nguyên được khai thác sớm nhất và lâu đời nhất. Vùng biển Việt Nam có nhiều ngư trường lớn ở gần bờ và xa bờ với nhiều loại hải sản quý. Ngoài việc khai thác, đánh bắt nguồn lợi hải sản tự nhiên, việc nuôi trồng thuỷ hải sản cũng có những tiềm năng vô cùng to lớn.
Biển còn là nơi cung cấp muối vô tận. Các tài nguyên khoáng sản kim loại và phi kim cũng có trữ lượng lớn. Đặc biệt là các mỏ dầu và khí đốt ở thềm lục địa phía nam.
Các cảnh quan thiên nhiên nhiệt đới vùng biển Việt Nam với các bãi biển đẹp, hoang sơ và khí hậu trong lành với các thủy cung thần bí của muôn loài sinh vật biển là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh trên biển mang lại những lợi ích to lớn và nhiều mặt cho đất nước.
Trước hết có thể tập trung vào các ngành khai thác và chế biến dầu khí; đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản; giao thông vận tải biển; và du lịch biển. Đồng thời phải đặc biệt chú trọng tới vùng biển vì đây là một hướng chiến lược quan trọng đế bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc phòng của đất nước.
2. BÀI TẬP VÍ DỤ
Câu 1: Dựa vào hình 24.3 (SGK trang 89), em hãy cho biết hướng chảy của các dòng biển hình thành trên Biển Đông tương ứng với hai mùa gió chính khác nhau như thế nào?
Trả lời
Dòng biển hình thành trên Biển Đông tương ứng với hai mùa gió chính:
- Dòng biển mùa đông chảy theo hướng đông bắc.
- Dòng biển mùa hạ chảy theo hướng tây nam.
Câu 2: Quan sát hình 24.2 (SGK trang 88), em hãy cho biết nhiệt độ nước biển tầng mặt thay đổi như thế nào?
Trả lời
- Nhiệt độ nước biển tầng mặt tháng 7 cao hơn tháng 1.
- Biên độ nhiệt tháng 1 và tháng 7 nhỏ (tháng 1 có biên độ nhiệt cao hơn tháng 7).
- Vào tháng 1, nhiệt độ nước biển tầng mặt tăng dần từ bắc vào nam.
- Vào tháng 7, nhiệt độ nước biển tầng mặt ở vùng biển phía bắc và phía nam giảm dần từ bờ ra ngoài khơi; còn ở vùng biển Duyên hải Nam Trung Bộ nhiệt độ nước biển tầng mặt lại tăng dần từ bờ ra ngoài khơi.
3. BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Nước Việt Nam nằm ở tiếp giáp với Biển Đông
A. rìa phía đông của bán đảo Đông Dương
B. rìa phía tây của bán đảo Đông Dương
C. rìa phía nam của bán đảo Đông Dương
D. rìa phía bắc của bán đảo Đông Dương
Đáp án A. rìa phía đông của bán đảo Đông Dương
Giải thích:
Nước Việt Nam nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương tiếp giáp với Biển Đông rộng lớn với đường bờ biển dài 3260 km chạy dọc theo lãnh thổ từ Bắc xuống Nam khiến cho đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam, chỉ trừ ở vùng núi phía Bắc, có đường bờ biển chỉ cách đường biên giới trên đất liền trên dưới 300km.
Câu 2: Nước Việt Nam tiếp giáp với
A. Biển Đen
B. Biển Đông
C. Biển Địa Trung Hải
D. tất cả đều đúng
Đáp án B. Biển Đông
Giải thích:
Nước Việt Nam nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương tiếp giáp với Biển Đông rộng lớn với đường bờ biển dài 3260 km chạy dọc theo lãnh thổ từ Bắc xuống Nam khiến cho đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam, chỉ trừ ở vùng núi phía Bắc, có đường bờ biển chỉ cách đường biên giới trên đất liền trên dưới 300km.
Câu 3: Đặc điểm của vùng biển Việt Nam là
A. Vùng biển nhiệt đới nóng ẩm có tác động sâu sắc đến đặc điểm khí hậu
B. Biển đã góp phần tạo nên các dạng địa hình ven biển rất đa dạng và đặc sắc
C. Biển đã tạo nên ở vùng ven biển các hệ sinh thái rất phát triển
D. Biển là nơi chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú
E. tất cả đều đúng
Đáp án E. tất cả đều đúng
Câu 4: Vùng biển Việt Nam có tính chất
A. Nhiệt đới
B. Hàn đới
C. Ôn đới
D. Tất cả đều đúng
Đáp án A. Nhiệt đới
Giải thích:
Vùng biển Việt Nam có tính chất của vùng nhiệt đới và mang tính bán đảo khá rõ nét.
---(Hết)---
Trên đây là toàn bộ nội dung Chuyên đề Thiên nhiên Việt Nam mang tính bán đảo môn Địa Lý 8 năm 2021. Để xem thêm nhiều tài liệu hữu ích khác, các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tốt!