1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Trình bày những nét khái quát về tác giả Trần Tế Xương: một ánh sao lạ vụt sáng trên bầu trời văn chương nước Việt với những bài thơ mang tư tưởng li tâm Nho giáo.
- Thương vợ là một bài thơ tiêu biểu của Trần Tế Xương. Không chỉ thể hiện thành công hình tượng trung tâm là bà Tú mà bài thơ cũng đặc biệt thành công hình ảnh ông Tú với những phẩm chất đáng quý.
b. Thân bài:
* Ông Tú là người có tấm lòng thương vợ sâu sắc:
- Ông thương bà Tú vì phải mang gánh nặng gia đình, quanh năm lặn lội “mom sông”:
+ Thời gian “quanh năm”: làm việc liên tục, không trừ ngày nào.
+ Địa điểm “mom sông”:phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định.
⇒ Ông Tú thương hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định, bà không những phải nuôi con mà phải nuôi chồng.
- Ông thương vợ khi phải lặn lội bươn chải khi làm việc:
+ “Lặn lội”: Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân, lo lắng
+ Hình ảnh “thân cò”: gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn + khi quãng vắng: thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu
+ “Eo sèo… buổi đò đông”: gợi cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc. Buổi đò đông: Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc cũng chứa đầy những sự nguy hiểm, lo âu.
⇒ Tấm lòng thương xót da diết của ông Tú trước thực cảnh mưu sinh của bà Tú.
* Ông phát hiện và trân trọng, ngợi ca những đức tính tốt đẹp của vợ:
- Ông cảm phục bởi tuy vất vả nhưng bà Tú vẫn chu đáo với chồng con:
+ “Nuôi”: chăm sóc hoàn toàn
+ “Đủ năm con với một chồng”: một mình bà Tú phải nuôi cả gia đình, không thiếu
- Ông Tú trân trọng sự chăm chỉ, tần tảo đảm đang của vợ:
+ “Một duyên hai nợ âu đành phận”: chấp nhận, không than vãn
+ “Dám quản công”: Đức hy sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.
⇒ Trần Tế Xương đã trân trọng đề cao phẩm chất cao đẹp của bà Tú: đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.
* Ông ý thức được bản thân là gánh nặng của vợ và căm phẫn trước xã hội đẩy người phụ nữ vào bất công:
- Người đàn ông trong xã hội phong kiến đáng lẽ ra phải có sự nghiệp hiển hách để lo cho vợ con, nhưng ở đây, ông Tú ý thức được bản thân là gánh nặng của vợ:
+ “Nuôi đủ năm con với một chồng” : Tú Xương ý thức được hoàn ảnh của mình, nhận mình có khiếm khuyết, phải ăn bám vợ, để vợ phải nuôi con và chồng coi mình là một đứa con đặc biệt.
+ “Một duyên hai nợ”: Tú Xương cũng tự ý thức được mình là “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu.
+ “Có chồng hờ hững cũng như không”: Tú Xương ý thức sự hờ hững của mình cũng là một biểu hiện của thói đời.
+ Từ tấm lòng thương vợ, Tú Xương cũng chửi cả thói đời đen bạc đẩy người phụ nữ vào bất công.
+ “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: tố cáo hiện thực, xã hội quá bất công với người phụ nữ, quá bó buộc họ để những người phụ nữ phải chịu nhiều cay đắng vất vả.
⇒ Bất mãn trước hiện thực, Tú Xương đã vì vợ mà lên tiếng chửi, ông căm phẫn xã hội đẩy người phụ nữ vào ngang trái bất công.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại những nét nghệ thuật tiêu biểu góp phần thể hiện thành công hình ảnh ông Tú.
- Trình bày suy nghĩ bản thân.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn nêu cảm nhận về nhân cách của Tú Xương qua bài thơ Thương vợ.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Thơ xưa viết về người vợ đã ít mà viết về vợ khi đang còn sống lại càng hiếm hoi hơn. Các thi nhân chỉ làm thơ khi người bạn trăm năm đã qua đời, kể cũng là điều nghiệt ngã, khi người vợ đi vào thiên thư mới được đi vào địa hạt thi ca. Bà Tú có thể đã chịu nghiệt ngã của cuộc đời nhưng lại có được niềm hạnh phúc mà bao kiếp người vợ xưa không có được. Ngay lúc còn sống, bà đã đi vào thơ ông với tất cả niềm yêu thương, trân trọng của chồng. Ông Tú phải thương vợ lắm thì mới hiểu và viết được như thế. Trong thơ ông ta bắt gặp hình ảnh bà Tú hiện lên phía trước, ông Tú khuất lấp theo sau.
“Thương vợ” là bài thơ cảm động nhất trong những bài thơ trữ tình của Tú Xương. Nó là bài thơ tâm sự, đồng thời cũng là bài thơ thế sự. Bài thơ chứa chan tình thương yêu nồng hậu của ông Tú đối với người vợ hiền thảo của mình. Sáu câu thơ đầu nói lên hình ảnh của bà Tú trong gia đình và ngoài cuộc đời - hình ảnh chân thực về một người vợ tần tảo, một người mẹ đôn hậu, giàu đức hi sinh.
Hai câu thơ trong phần đề giới thiệu bà Tú là một người vợ rất đảm đang, chịu thương chịu khó. Nếu như bà vợ của Nguyễn Khuyến là một phụ nữ “hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, chân nam đá chân chiêu, vì tớ đần trong mọi việc” câu đối của Nguyễn Khuyến thì bà Tú là một người đàn bà.
Từ "đủ" trong "nuôi đủ" vừa nói rõ số lượng, vừa nới chất lượng. bà Tú nuôi cả con, cả chồng, nuôi đảm bảo đến mức: "Cơm hai bữa cá kho rau muống. Quà một chiều: khoai lang, lúa ngô". Tuy chỉ ẩn hiện đằng sau hình ảnh bà Tú, khó thấy, nhưng khi đã thấy rồi thì ấn tượng thật sâu đậm, ở đây cũng vậy, ông Tú không xuất hiện trực tiếp nhưng vẫn hiển hiện qua từng câu thơ. Đằng sau cốt cách khôi hài, trào phúng là một tấm lòng không chỉ thương mà còn là tri ân vợ. Có người cho rằng, trong câu thơ trên, ông Tú tự coi mình là một đứa con đặc biệt để bà Tú phải nuôi. Tú Xương đã không gộp mình với con để nuôi mà tách riêng rạch ròi là để ông tự tri ân vợ. Nhà thơ không chỉ cảm phục biết ơn sự hi sinh rất mực của vợ mà ông còn tự trách mình, tự lên án bản thân. Ông không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệm. Bà Tú lấy ông là do duyên, nhưng duyên một mà nợ hai. Tú Xương tự coi mình là cái nợ mà bà Tú phải gánh chịu. Nợ gấp đôi duyên, duyên ít, nợ nhiều. Ông chửi thói đời bạc bẽo, vì thói đời là một nguyên nhân sâu xa khiến bà Tú phải khổ, sự hờ hững của ông với vợ con cũng là một biểu hiện của thói đời bạc bẽo.
Ở cái xã hội đã có luật bất thành văn đối với người phụ nữ: "Xuất giá tòng phu", đối với quan hệ vợ chồng thì "phu xướng, phụ tuỳ" thế mà có một nhà thơ dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám tự thừa nhận mình là quân ăn bám vợ, không những đã biết nhận ra thiếu sót, mà còn dám tự nhận khuyết điểm. Một con người như thế chẳng đẹp lắm sao. Nhan đề Thương vợ chưa nói hết sự sâu sắc trong tình cảm của Tú Xương đối với vợ cũng như chưa thể hiện đầy đủ vẻ đẹp nhân bản của tâm hồn Tú Xương. Ở bài thơ này, tác giả không chỉ biết thương vợ mà còn biết ơn vợ, không chỉ để lên án thói đời mà còn là để trách bản thân. Nhà thơ dám tự nhận khuyết điểm, càng thấy mình khiếm khuyết, càng thương yêu, quý trọng vợ hơn.
Có thể nói tâm sự của Tú Xương chính là tâm sự chung của những người bị xã hội đen bạc gạt ra ngoài cuộc sống mà bản thân họ cũng không thể chấp nhận. Càng chứng kiến xã hội bất công, càng hiểu về nỗi niềm của ông, ta càng thêm cảm phục cho một tâm hồn, một nhân cách. Người đọc biết đến Tú Xương ở hai mảng thơ trào phúng và trữ tình và hai mảng thơ này đã góp phần hoàn thiện nên bức chân dung tinh thần của ông. Thơ trào phúng là tiếng nói của một con người biết hết lề thói của cõi đời đen bạc, hiểu nên đứng trên nó một cách ngông nghênh, ngạo nghễ. Thơ trữ tình lại là những phút giây ông sống trong nỗi niềm băn khoăn, day dứt của một nhà thơ yêu nước trước vận mệnh của quê hương, đất nước, trước sự tha hoá, biến chất của con người trong xã hội Tây tàu lẫn lộn, cũng như những nỗi niềm của yêu thương dành cho người dân, dành cho những người thân yêu của ông, đặc biệt là bà Tú.
Bà Tú không hề coi chồng là ăn ở bạc, nhưng ông Tú thi gọi đích đanh tội lỗi của mình ra như vậy, vợ chồng với nhau mà như thế thì còn gì mà không ông Tú lại không nói trực tiếp là mình ăn ở bạc mà khái quát nó lên thành thói đời. Thói đời đen bạc tượng trưng cho bản chất của xã hội kim tiền dưới thời thực dân phong kiến, ở thành thị điều đó càng tệ hại hơn. Hoá ra đệ tử của thánh hiền là ông tú mà cũng bị nhiễm cái thói đời xấu xa ấy. Như vậy là từ hổ thẹn, ông Tú đã đi tới chỗ xót xa, tự trách.
Tóm lại, sáu câu thơ đầu, bằng tấm lòng biết ơn và cảm phục, Tú Xương đã phác họa một vài nét rất chân thực và cảm động về hình ảnh bà Tú, người vợ hiền thảo của mình với bao đức tính đáng quý: đảm đang, tần tảo, chịu thương, chịu khó, thầm lặng hi sinh cho hạnh phúc gia đình. Tú Xương thể hiện bút pháp điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ và sáng tạo hình ảnh. Các từ láy, các số từ, phép đối, đảo ngữ, sử dụng sáng tạo thành ngữ và hình ảnh “thân cò”… đã tạo nên ấn tượng và sức hấp dẫn của văn chương.
Hai câu kết, Tú Xương sử dụng từ ngữ thông tục, lấy tiếng chửi nơi “mom sông”, lúc “buổi đò đông” đưa vào thơ rất tự nhiên, bình dị. Ông tự trách mình “ăn lương vợ” mà “ăn ở bạc”. Vai trò người chồng, người cha chẳng giúp ích được gì, vô tích sự, thậm chí còn “hờ hững” với vợ con. Lời tự trách sao mà chua xót thế!
3.2. Bài văn mẫu số 2
Tú Xương sống trong thời kỳ mà bức tranh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX là một bức tranh xám xịt, nham nhở. Đời sống thành thị bị tha hóa trong thứ xã hội nửa tây, nửa ta nhốn nháo, hỗn tạp. Ở những vùng kẻ chợ như Hà Nội, Nam Định (quê Tú Xương) thì phơi bày cảnh đồi bại, lố lăng. Tú Xương là con người đầy đủ bản lĩnh và lương tri của một tri thức Việt Nam phong kiến chân chính. Ông nhận thức được tất cả những gì đang diễn ra nhưng không thể làm gì để thay đổi nên đành bất lực. Với tài thơ văn xuất chúng, có cái tâm của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, yêu nước, thương xót giống nòi của mình; có cái trí của một kẻ sĩ, của một người đủ tinh tế để nhận biết tất cả những gì đang diễn ra, để biết mình có thể chấp nhận, phủ nhận gì. Thơ văn ông thể hiện nỗi lòng đau đáu về một xã hội cũ đang tan rã và một xã hội mới đang hình thành “với những vai tuồng mới, lố bịch, bất tài, vô hạnh và vong quốc”.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật với bố cục được chia làm bốn phần: đề, thực, luận, kết. Mỗi phần hai câu nhằm khắc họa một cách sắc nét hình ảnh bà Tú- vợ Tú Xương, cũng như đang nói lên một phần nào đó hình ảnh người phụ nữ ở xã hội xưa.
Trong hai cầu đề Tú Xương đã giới thiệu một cách khái quát về công việc của bà Tú. Đó là sự tần tảo “quanh năm” buôn bán ở mom sông, việc mua bán này không hề có cửa tiệm hay vốn liếng nhiều. Đây là một công việc vất vả, cực nhọc, thu nhập bất ổn song bà Tú vẫn đang “nuôi đủ” năm con với một chồng mà không một lời oán trách.Trong câu này, tác giả tách mình một bên, con một bên nhằm nhấn mạnh việc, mặc dù ông đỗ tú tài nhưng không được làm quan, phải đặt gánh nặng lên đôi vai của người vợ, người mà ông yêu thương. Câu thơ như là lời trách nặng nề của tác giả đối với chính bản thân mình, Nhưng qua câu thơ ta cũng thấy được cái tình cảm yêu thương mà Tú Xương dành tặng cho vợ mình.
Quanh năm buôn bán có nghĩa là không nghỉ ngơi ngày nào. Hơn nữa, chữ mom sông càng tô đậm thêm cái thế chênh vênh, không vững vàng của công việc làm ăn. Mom sông ba bề là nước, có thể đổ ùm xuống sông lúc nào không biết. Ở cái mỏm đất chênh vênh ấy, hình ảnh bà Tú dường như càng nhỏ bé và cô đơn. Một mình bà phải xông pha nơi đầu sóng ngọn nguồn, vất vả tội nghiệp biết bao! Trên đây là thời gian, không gian và cả tính chất công việc làm ăn buôn bán của bà Tú.
Tại sao bà Tú lại chấp nhận sự lam lũ, vất vả như thế? Đương nhiên là để nuôi chồng, nuôi con. Ngày xưa, xã hội phong kiến dành cho phụ nữ bổn phận là thờ chồng, nuôi con. Với bà Tú, chắc chắn là có chuyện thờ chổng. Thờ chồng bao hàm cả nghĩa vụ nuôi chồng. Đó là sự bất công của xã hội, nhưng xét về mặt đức độ thì sức đảm đang tháo vát của những người vợ như bà Tú thật đáng nể phục.
Buôn bán cũng là một nghề như mọi nghề khác, người ta hành nghề để kiếm sống. Người xưa còn coi đây là nghề duy nhất nếu muốn làm giàu (phi thương bất phú). Nhưng việc buôn bán của bà Tú thì không được thế. Chẳng có cửa hàng, cửa hiệu, quán xá gì, mà chỗ bà “kinh doanh” là ở “mom sông”. Hai chữ “mom sông” đã gợi lên hình ảnh một khoảng đất nhô ra ở bờ sông, có thể nước xuống thì còn, nước lên thì mất, có thuyền qua thì thành chợ không thì thôi, cũng có thể chợ họp một lát vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Lèo tèo đôi ba gánh hàng, chỗ dành cho người buôn thúng bán bưng, lưng vốn ít ỏi, lấy công làm lãi, chắc chắn thu nhập chẳng đáng là bao. Thế mà công việc khó nhọc ấy, bà Tú không chỉ chịu đựng một hai buổi mà phải theo đuổi “quanh năm”. Chữ “quanh năm” gợi một thời gian đằng đẵng, là 12 tháng, từ tháng giêng đến tháng chạp, cũng có nghĩa là hết năm này đến năm khác. Cái công việc nặng nề ấy dường như theo đuổi bà Tú suốt cả đời, bởi nó chẳng làm cho bà khá hơn lên để có việc khác nhàn nhã hơn hoặc phát triển việc “buôn bán” lên một cấp độ cao hơn.
Công việc thì nhọc nhằn, thu nhập thì ít ỏi, nhưng bà Tú lại phải lo lắng cho cả một gia đình sáu miệng ăn. Hơn nữa, không phải là sáu mà là “năm con với một chồng”, “Năm con” là số nhiều, nhưng dù sao cũng chịu được, lo cho chúng chỉ cần bát cơm, manh áo. Nhưng ông chồng, là “một”, nhưng là chi phí bằng cả năm đứa con kia. Có khi còn hơn thế nữa! Mỗi khi ông lều chõng đi thi, tiền lưng gạo bị lại đổ lên đầu vợ, chưa nói đến khi đồng chè đồng rượu, cao hứng còn lên phố đi hát, cũng tiền vợ nốt.. Nhiều khoản chi như thế nhưng lúc nào bà cũng lo “đủ”. Thật là đảm đang tháo vát biết chừng nào, chiều chồng biết chừng nào!
Câu kết là sự phán xét vô cùng đau đớn nhưng cũng rất công minh, ông Tú xỉ vả mình là ăn ở bạc, nhưng xét ra cái bạc ấy cũng chỉ mới ở mức hờ hững. Hờ hững trước việc nhà, trước mọi lo toan, vất vả, trước thái độ cam phận của vợ. Đã là vợ chồng, trăm sự cùng lo mới phải. Bà Tú không bắt buộc ông vất vả như bà mà chỉ mong ông đừng hờ hững, ông hãy quan tâm lo cho gia đình chút ít, trước hết là ông hiểu cho bà, như thế cũng đủ cho bà ấm lòng và có niềm vui.
Cả bài thơ cô đúc lại ở ý này: ở câu đề, ông chồng có mặt với tư cách là một miệng ăn phải nuôi, ở câu thực, câu luận, ông chồng vắng bóng. Bài thơ chấm dứt bằng sự day dứt, ân hận trong câu kết: Có chồng hờ hững cũng như không, càng làm tăng thêm nỗi thương vợ của nhà thơ. Đó là cách nói của Tú Xương, đã nói gì là nói ráo riết đến tận cùng. Tuy nhiên, có điều này ông đã nói oan cho mình: đó là hai chữ hờ hững. Vì giận mình mà ông nói thế thôi, chứ thật lòng ông đâu có hờ hững với bà. Bởi nếu ông hờ hững thì đã không có bài Thương vợ thấm thía và cảm động đến như vậy.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----