1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Dẫn dắt về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu.
- Khái quát rõ quan điểm tình yêu của nhà thơ Xuân Diệu.
b. Thân bài:
- Tình yêu cuộc sống mãnh liệt, niềm vui háo hức được sống và thỏa mình tận hưởng vẻ đẹp tuyệt diệu của tình yêu, thiên nhiên.
- Những đòi hỏi, ước muốn tưởng như vô lý nhưng lại rất có lý đối với một tâm hồn quá đỗi yêu thương, muốn giữ trọn những vẻ đẹp thiên nhiên.
- Mùa xuân hiện lên với vẻ sống động, hấp dẫn, gợi cảm khiến lòng người thổn thức.
- Xuân Diệu có quan niệm yêu vô cùng mới mẻ, táo bạo: Yêu là phải sống hết mình, phải vui trọn vẹn và tận hưởng tất cả các khoảnh khắc ngập tràn yêu thương.
- Tác giả gửi gắm vào vị xuân ấy tất cả lòng nhiệt thành, trái tim yêu đương của mình.
- Khi nhận ra đời người là hữu hạn, xuân ngắn ngủi dễ dàng qua đi,... ông thôi thúc sống hết mình ở hiện tại, tận hưởng bằng niềm yêu cuồng nhiệt nhất dành cho đời.
- Tâm hồn nồng nhiệt, tham lam muốn chiếm hữu, tận hưởng lất tất cả những sắc hương tuyệt diệu nhất.
- Vội vàng hơn, hối hả hơn vì sợ thời gian sẽ qua đi, những điều đẹp đẽ sẽ không còn nữa.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại quan điểm yêu của Xuân Diệu qua Vội vàng.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy nêu cảm nhận của bản thân về quan điểm tình yêu trong Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trước khi vào tìm hiểu bài thơ này, ta hãy điểm qua một số nét trong quan niệm yêu đương của Xuân Diệu - một chàng trai trẻ, hiền hậu và say mê Tóc như mây vương trên đài trán thơ ngây, miệng cười rộng nở như tấm lòng hăm hở, hối hả và tham lam nữa trong ái ân!
Thời ấy, trong những lạc thú sống trên đời, Xuân Diệu chọn tình yêu là đề tài, là nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác. Quả thật, anh có duyên nợ với thơ tình, đó là con người của trời đất, người đã nhận kiếp trước mình đã yêu, cả kiếp này ngọn lửa yêu ấy vẫn bất diệt.
Mùa xuân hiện lên thực sống động, thực hấp dẫn và gợi cảm. Nó khiến lòng người thổn thức yêu trước vẻ đẹp muôn sắc ấy. Vẻ đẹp rất ngọt ngào, đắm say, tươi mới, làm ngây ngất niềm vui, thôi thúc tình yêu trỗi dậy trong mọi ngõ ngách của tâm hồn. Nếu như với nhiều nhà thơ, tiếng yêu ngại ngùng không dám nói, hay là tình yêu cao thượng nguyện hi sinh vì người mình yêu thì Xuân Diệu có một quan niệm yêu rất mới mẻ, táo bạo. Yêu là phải sống hết mình với tình yêu ấy, phải vui trọn vẹn và tận hưởng tất cả các khoảnh khắc ngập tràn yêu thương của thời gian, của yêu đương. Xuân Diệu dường như muốn chiếm hữu tất cả các cung bậc của yêu đương. "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần".
Mùa xuân tươi xanh, quyến rũ hoà vào lòng người. Xuân xanh đến với lòng người như một người yêu để hiến dâng vẻ đẹp bất tận ấy cho con người. Với Xuân Diệu, mục đích của sự sống, điều tuyệt diệu nhất trong cuộc đời chính là tình yêu.
Tuy nhiên ẩn sâu trong khát vọng ngông cuồng, táo bạo ấy lại là một tình yêu cuộc sống đến tha thiết, khắc khoải. Xuân Diệu muốn tắt nắng để màu đừng nhạt, muốn buộc gió để hương đừng bay, vậy là người thi sĩ muốn lưu lại những vẻ đẹp tự nhiên, thanh khiết của cuộc đời để mãi lưu giữ khoảnh khắc của thời tươi.
Xuân Diệu đã gắn tuổi trẻ với mùa xuân và đưa ra quan niệm của mình về thời gian: Tuổi trẻ, mùa xuân, tình yêu tuy đẹp nhưng không phải mãi mãi, vô hạn mà hữu hạn, ngắn ngủi chỉ như cái chớp mắt. Bởi vậy để sống có ý nghĩa, để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của sự sống, của tình yêu, của cuộc đời người, Xuân Diệu đã chủ trương sống “vội vàng”.
Tâm hồn nồng nhiệt, tham lam muốn chiếm hữu, tận hưởng lấy tất cả những sắc hương tuyệt diệu nhất. Vội vàng hơn, hối hả hơn vì sợ thời gian sẽ qua đi, những điều đẹp đẽ sẽ không còn nữa. Ông không e dè cũng không đợi chờ mà sống thực với chính cảm xúc yêu của mình để chiếm lĩnh mọi vẻ đẹp của đời sống thực tại. Ông khát khao yêu, khát khao giao cảm với vũ trụ với thiên nhiên đất trời.
Qua “Vội vàng”, nhà thơ Xuân Diệu không chỉ thể hiện tình yêu tha thiết với cuộc đời mà còn kín đáo thể hiện những quan niệm sống, triết lí sống đầy ý nghĩa. Với vẻ đẹp ấy, triết lí ấy, “Vội vàng” là bài thơ trữ tình có thể làm xao xuyến trái tim độc giả bao thế hệ.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thi ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới cùng những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Cũng như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Từ sau cách mạng, thơ Xuân Diệu gắn liền với đất nước và rất giàu tính thời sự. Bài thơ “Vội vàng” là một trong số những thi phẩm về lòng yêu cuộc sống của người trẻ, được in trong tập “Thơ Thơ”. “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (Xuân Diệu). Vì thế, sống và để yêu thương và khát vọng luôn song hành cùng tuổi trẻ. Đó là tính quy luật muôn đời.
Nỗi sợ vô hình ấy cứ ám ảnh nhà thơ mãi không thôi. Chính vì lẽ đó mà Xuân Diệu đã khát vọng chiếm đoạt quyền năng của tạo hóa, buộc vũ trụ ngừng quay, thời gian dừng lại. Từ đó, thi nhân được hưởng trọn vẹn những phút giây đẹp nhất của đời người. Khát khao ấy nghe có vẻ ngông cuồng, điên rồ nhưng lại rất hợp lý. Có người từng bảo rằng: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa”. Tuổi thanh xuân, là quãng thời gian mà con người cảm thấy mình đẹp nhất, sung sức nhất. Nhà thơ muốn được níu giữ, được tận hưởng thời trẻ, điều đó cũng không quá khó hiểu. Đây chính là khát vọng đầy chất nhân văn của tác giả. Xuân Diệu, qua đó, cũng nhắc nhở người đọc: “Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm”. Nghĩa là ta phải nhanh lên để tình non chẳng chóng già, để một mai ngẫm lại ta không hối tiếc vì đã “chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Tác giả sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, lột tả chân thực khát vọng mãnh liệt của bản thân cũng như làm tăng sức truyền cảm đối với độc giả. Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ mở đầu, mà các động từ mạnh “tắt”, “buộc”,… cùng với điệp ngữ “Tôi muốn” đồng loạt xuất hiện, góp phần nhấn mạnh nội dung của thi phẩm, đồng thời tạo nên cái hay cho đoạn thơ, mang đậm phong cách thơ Xuân Diệu.
Với Xuân Diệu cái đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người là mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Trôi qua những cái đó, cuộc đời chỉ còn là vô nghĩa. Nỗi ám ảnh và sự hối thúc về thời gian của nhà thơ còn cho ta một nhận thức về nhân sinh: Cuộc đời vô thủy vô chung, dòng đời trôi không đứng đợi, tuổi trẻ chẳng thắm lại lần hai và mùa xuân chẳng bao giờ quay lại. Triết lí ấy lại là một bước tiến vượt bậc trong tư tưởng của nhà thơ.
Tác giả đang hạnh phúc cùng với đất trời, tận hưởng dư vị yêu thương trong tâm hồn trước trời xuân. Xuân mang đến hạnh phúc, mang đến tình yêu và lòng đắm say của tuổi trẻ. Xuân như một người tình mới mẻ và tin yêu. Xuân mang đến mê say của tình yêu, của cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà ông gửi gắm vào vị xuân ấy tất cả lòng nhiệt thành, trái tim yêu đương của mình. Khi nhận ra đời người là hữu hạn, xuân ngắn ngủi dễ dàng qua đi, ngọn lửa yêu trong tâm hồn ấy như thúc giục sống vội hơn và yêu cũng vội hơn, không nghĩ về quá khứ đã qua, không chờ đón một tương lai vô vọng. Xuân Diệu thôi thúc sống hết mình ở hiện tại, tận hưởng bằng niềm yêu cuồng nhiệt nhất dành cho đời.
Xuân Diệu, một hồn thơ tình tuyệt mỹ đã mang đến cho chúng ta một quan niệm yêu và sống rất tích cực: Cần phải sống hết mình, yêu hết mình với thanh xuân. Sống đúng với cảm xúc của mình, hãy sống và yêu như thể ngày mai mình không còn nữa, mãnh liệt, thiết tha, và chân thành.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----