1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm Chiều tối.
- Dẫn dắt chất tình và chất thép trong tác phẩm Chiều tối.
b. Thân bài:
- Chất trữ tình trong Chiều tối chính là những cảm xúc, rung động của nhà thơ trước cái đẹp của tạo vật, của tình người.
- Chất thép trong bài thơ Chiều tối là ý chí bất khuất kiên cường, sự tự tin, niềm kiêu hãnh, luôn lạc quan tin tưởng vào mục tiêu trước mắt của người chiến sĩ cách mạng.
- Phân tích tình và thép trong Chiều tối:
+ Hai câu đầu là bức tranh thiên nhiên nổi bật, Bác thể hiện tình yêu thiên nhiên, nâng niu từng sự sống. Đó là tiếng thơ trữ tình, dào dạt cảm xúc.
+ Hai câu sau: Dù trong hoàn cảnh nào, Bác cũng không quên nghĩ tới con người. Hình ảnh thiếu nữ xay ngô tối với Bác chứa đựng niềm vui, niềm lạc quan. Những cảm xúc ấy là sự hài hòa chất tình và chất thép trong thơ. Kết thúc với hình ảnh ngọn lửa hồng mang lại cảm giác phấn chấn, lạc quan. Bởi vì có niềm lạc quan đó, Bác mới có thêm nghị lực sống, mới quyết tâm vượt qua cảnh ngộ lưu đày. Đó là chất thép, là bản lĩnh, phong thái cứng cỏi của người chiến sĩ cách mạng trong thơ và trong chính con người Bác.
- Từ chất thép, chất tình trong thơ Bác ta thấy được gì về con người Bác và phong cách thơ Hồ Chí Minh:
+ Một con người đẹp: đẹp vì thép cứng rắn, vì tình cao cả, nhưng đẹp nhất chính là sự hài hòa giữa thép và tình đã làm nên một con người bình thường mà vĩ đại, vừa gần gũi lại khiến mọi người phải kính trọng, yêu mến.
+ Một phong cách thơ đẹp mang nét riêng của Bác: sự hài hòa lí tưởng, tuyệt đẹp giữa thép và tình, giữa chiến sĩ và thi sĩ như một điều vốn dĩ.
c. Kết bài:
- Cảm nhận về chất tình và chất thép của Chiều tối.
- Ý nghĩa của chất tình và chất thép của Chiều tối.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy phân tích chất tình và chất thép trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Bài thơ được tả theo hướng vận động từ chiều cho đến tối, từ ngày sang đêm nhưng không gợi sự tối tăm, bi quan, trái lại đầy hơi ấm và ánh sáng được hắt lên từ ánh lửa chiều hôm. Thể hiện nhịp sống của con người được toát lên từ trái tim lạc quan yêu đời của Hồ Chí Minh.
Bài thơ Chiều tối toát lên vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh trong trạng thái bị áp giải, bị đau đớn về thể chất nhưng vẫn vươn lên trên cảnh ngộ cũng để cảm nhận sự tươi đẹp của cuộc sống. Thể hiện tinh thần của Bác là tinh thần thép, nhưng trái tim vẫn bát ngát nghĩa tình. Từ đó mỗi bản thân chúng ta cũng học hỏi được từ Bác rất nhiều điều. Là cần phải biết sống có nghị lực, sống có quyết tâm, vươn lên, vượt khó để rồi từ đó ta mới cảm thấy yêu thương. Ta càng cảm thấy trân trọng hơn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Hồ Chí Minh.
Tố Hữu từng khóc Hồ Chí Minh bằng những vần thơ như thế. tình thương của Hồ Chí Minh trải theo chiều rộng, thấm vào chiều sâu, vươn đến tầm xa. Ông thương yêu nhiều, tình thương yêu đó dành cho thiên nhiên, cho quê hương, cho con người, cho những người đồng khổ. Riêng trong Chiều tối, tình yêu thiên nhiên thể hiện khá rõ (điều này không cần nhắc lại, vì hẳn là giáo viên nào cũng đã phân tích kĩ cho các em về tình yêu thiên nhiên). Nhưng bên cạnh tình yêu thiên nhiên đó, nổi bật hơn lại là tình yêu với con người, đặc biệt là người lao động. Mà ở đây lại là một người lao động của xứ người - xứ Trung Hoa. Đối với Hồ Chí Minh, đã là giai cấp lao động, thì dù ở đâu cũng đáng yêu đáng quí. tình thương của nhà thơ không có sự ràng buột về mặt địa lí. Đó được gọi là "tình hữu ái giai cấp".
Bài thơ còn nổi bật ở một điểm đó là có lẽ cái sức mạnh của bài thơ lại được tập trung ở hình ảnh “lô dĩ hồng”, một trong những đặc điểm của thơ Bác đó là thơ Người luôn luôn vận động, hướng vận động đi từ hiện tại tới tương lai, từ bóng tối để hướng đến ánh sáng. “Chiều tối” không nằm ngoại lệ, “Chiều tối” có nghĩa là chiều tối, ngỡ tưởng sẽ kết thúc bằng một màn đêm đen đặc. Nhưng không, với cái nhìn của người chiến sĩ, Bác đã kết thúc bài thơ của mình bằng màu hồng. Vì vậy, có lẽ chất thép của bài thơ dồn đổ mạnh nhất đó là ở chữ hồng ở bài thơ này. Chữ “hồng” ở đây là hình ảnh đa nghĩa. Ta không nên hiểu nó theo một nghĩa đơn nào mà nó là một hình ảnh đa nghĩa. Hiểu theo nghĩa tường minh, đây là màu hồng của lò than. Lò than ấy có lẽ đã hồng từ lúc buổi chiều. Điều này thể hiện rõ qua sắc thái của chữ “dĩ”. Trời cứ tối dần, ma lực của màu hồng càng phát sáng.
Chất tình nhờ chất thép mà thêm nồng hậu. Nhờ tinh thần vững vàng nên trái tim luôn rung cảm sâu sắc với nhiều kiếp người. Chất thép cũng nhờ chất tình mà được nâng lên. Trái tim chan chứa yêu thương và tấm lòng nghĩ về cuộc đời đã nuôi dưỡng và củng cố cho Hồ Chí Minh đương đầu với mọi thử thách và bền bỉ gìn giữ niềm lạc quan cách mạng. Đấy chính là nét đẹp trong bài Chiều tối, trong tập Nhật kí trong tù, trong sự nghiệp văn học, sự nghiệp cách mạng và trong bản thân con người Hồ Chí Minh.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Bác Hồ với tâm hồn tha thiết yêu con người, đất nước bao nhiêu thì cũng thiết tha yêu thiên nhiên cuộc sống bấy nhiêu. Tâm hồn ấy trong những tháng ngày tù đày tăm tối luôn hướng về tự do, ánh sáng, sự sống và tương lai. Trên đường bị giải đi trong chiều buồn ở tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc lòng nhà thơ – người tù bỗng ấm lên và phấn chấn vui vẻ trước thiên nhiên đẹp và hình ảnh cuộc sống bình dị ấm cúng. Đây là bài thơ thứ 31 của tập “Nhật ký trong tù” vào cuối thu 1942. “Chiều tối” là bài thơ mang màu sắc cổ điển, thể hiện ở thể thơ tứ tuyệt, hình ảnh ước lệ, tượng trưng, nghệ thuật điểm xuyết quen thuộc trong thơ ca trung đại và tinh thần hiện đại - lấy sự vận động của con làm hình tượng thơ, lấy con người làm đối tượng trung tâm cho bức tranh thiên nhiên.
Trước hết cần hiểu hai khái niệm trên nghĩa là gì? thép là sự ẩn dụ cho lòng kiên cường, sự bất khuất, cứng cỏi, không dễ khuất phục. Đó là biểu hiện của tinh thần bền bỉ, ý chí vững vàng. tình là sự rung cảm, là cảm xúc. Nó xuất phát từ rung động của trái tim luôn nóng hổi, sôi nổi nhiệt tâm. Hai khái niệm này có vẻ mâu thuẫn. Mâu thuẫn, mà sao lại tồn tại chung đụng với nhau như thế? Lại còn là nét tiêu biểu, đặc trưng cho phong cách của một nhà thơ lớn như Hồ Chí Minh?
Chất thép trong bài thơ Chiều tối được thể hiện đầu tiên là ở lòng nhân đạo của người chiến sĩ Cộng sản. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt với hai câu thơ đầu hiện lên là bức tranh thiên nhiên được Bác vẽ bằng tâm hồn của một thi sĩ lãng mạn thông qua những thi liệu, rất cổ điển. Đó là hình ảnh cánh chim và chòm mây trở đi trở lại nhiều trong thơ cổ trung đại.
Người thiếu nữ trong thơ Bác lại đang xay ngô: “ma bao túc”. Vì vậy, câu thơ ánh lên giá trị, vẻ đẹp của con người trong lao động. Không chỉ dừng lại ở đó bởi thơ hay ý tại ngôn ngoại, lời ít ý nhiều. Chất thép trong câu thơ lại được biểu hiện một lần nữa thông qua tình thương của Bác đối với người thiếu nữ đang xay ngô trong thời điểm lẽ ra phải được nghỉ ngơi.
Thật ra thì, chất thép và chất tình chính là hai mặt cùng tồn tại và làm nền tảng cho nhau, tạo nên tính cách đáng quí của Hồ Chí Minh và trở thành nét đặc biệt trong sáng tác của ông. Tinh thần bền bỉ của tác giả thể hiện ở chỗ, trong cái khó, cái khổ, ông vẫn không hề nao núng; bị gông cùm xiềng xích, ông vẫn can đảm đối diện; nguy hiểm cận kề, ông vẫn ung dung tự tại...
Cần phải khẳng định chất thép trong thơ là một hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ. Nó là tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ Cộng sản; là lòng yêu nước già dặn, mãnh liệt, sôi nổi của một con người; thậm chí nó còn là thái độ ung dung tự tại của một tù nhân ở ngay trong tù ngục. Vì vậy, khi bộc lộ trong thơ, nó không thể là tiếng nói trần trụi của một ý chí. Nó phải chuyển hóa linh hoạt thành hình tượng thơ, thành tình cảm thơ vì thơ là sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm, hình ảnh và lý trí. Nếu tình cảm là gốc rễ, lý trí là thân cành thì hình ảnh sẽ là hoa trái. Như vậy, đi tìm thép trong tập Nhật ký trong tù, nhất là trong bài thơ “Chiều tối” nói riêng, ta không thể đi tìm thứ thép lộ thiên mà phải tìm nó trong hình tượng thơ, trong tình cảm thơ. Chất thép càng chuyển hoá thành hình tượng, thành tình cảm sâu sắc bao nhiêu thì nó càng cao siêu, cao cường bấy nhiêu. Cao siêu nhất, cao cường nhất chính là ở điểm như Hoài Thanh đã nói: “Không phải có nói chuyện thép, lên giọng thép mới là có tinh thần thép".
Tuy nhiên ta phải hiểu chữ hồng trong câu thơ này không nên theo nghĩa tường minh mà phải theo nghĩa hàm ẩn. Hồng ở đây chính là màu hồng trong tâm tưởng của Bác. Đó là màu hồng của cuộc cách mạng đang đến gần. Dường như Người nhìn thấy cuộc Cách mạng tháng Tám của đồng bào ta đang đến gần. Nhận định về vấn đề này, một nhà phê bình văn học khẳng định: “Thơ Bác, thơ người chiến sĩ cộng sản tay nắm chắc chân lý, mắt nhìn thấu cõi tương lai.” Chữ “hồng” ấy ta cũng không loại trừ đó là tình thương, là lòng nhân đạo của Hồ Chí Minh.
Bài thơ bốn dòng, hai mươi bảy chữ, đã thể hiện tinh thần lạc quan, ung dung, tự tại, kiêng cường vượt qua mọi hoàn cảnh sống và vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Hồ Chí Minh - người chiến sĩ, nghệ sĩ với tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Qua bài thơ, người ta càng cảm nhận được tấm lòng nhân ái, yêu nước thương nòi và hi sinh đến quên mình của Bác. Bài thơ rất hay và ý nghĩa, giàu ý nghĩa sâu sắc.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----