A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
I. Mở bài
- Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy nêu bài học cảnh giác đầu tiên của lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Phần đầu truyện phản ánh vai trò của An Dương Vương trong việc xây dựng và bảo vệ nước Âu Lạc; phần sau là bi kịch nước mất nhà tan do sự mất cảnh giác của cha con An Dương Vương.
- Những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện được thể hiện sinh động qua các tình tiết của truyền thuyết.
II. Thân bài
* Tóm tắt truyện: Lập nước Âu Lạc, An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa nhưng xây rồi lại đổ. Rùa Vàng giúp nhà vua xây thành, còn tặng một cái móng để làm lẫy nỏ chống giặc. Triệu Đà ở phương Bắc xâm lược Âu Lạc. Nhờ nỏ thần, An Dương Vương thắng giặc. Triệu Đà xin hòa, cho con là Trọng Thuỷ sang cầu hôn. Nhà vua không nghi ngờ, gả con là Mị Châu cho Trọng Thủy. Mị Châu bị Trọng Thủy lừa đánh tráo lấy nỏ rồi trở về phương Bắc. Triệu Đà lại tấn công Âu Lạc, An Dương Vương bại trận, cùng con gái chạy đến vùng biên. Rùa Vàng hiện lên, kết tội Mị Châu là giặc. Nhà vua chém Mị Châu rồi đi xuống biển. Trọng Thuỷ thương tiếc Mị Châu, hối hận nhảy xuống giếng tự tử máu Mị Châu chảy xuống biển, loài trai ăn phải, biến thành ngọc.
* An Dương Vương xây thành giữ nước
- An Dương Vương dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh về đồng bằng (Cổ Loa) để phát triển sản xuất và mở rộng lưu thông. Đó là quyết sách sáng suốt và bản lĩnh vững vàng của An Dương Vương.
- Vua cho xây chín vòng thành ốc, đào hào sâu, tìm người chế tạo vũ khí tốt (nỏ thần) … thể hiện tinh thần cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ đất nước, quyết tâm chống giặc của vua tôi Âu Lạc.
- Truyền thuyết phản ánh những sự kiện trên bằng các chi tiết kì ảo. Nhân vật cụ già xuất hiện một cách bí ẩn, Rùa Vàng từ biển Đông hiện lên giúp An Dương Vương xây thành, chế nỏ đều là các chi tiết kì ảo. Những chi tiết đó nhằm khẳng định việc làm của An Dương Vương “được lòng trời, hợp lòng dân” và tính chất chính nghĩa của công cuộc dựng nước, giữ nước của An Dương Vương.
- Xâm lược Âu Lạc, Triệu Đà bị thua to, không dám đối chiến, bèn xin hòa. Điều đó nêu cao bài học cảnh giác giữ nước, khẳng định vai trò của An Dương Vương và thái độ ca ngợi cứu nhân dân đối với hành động có ý nghĩa lịch sử đó.
* Bi kịch mất nước
- Triệu Đà lập mưu cầu hòa, rồi cầu hôn cho con trai. Hôn nhân Mị Châu – Trọng Thuỷ thực chất là một cuộc hôn nhân nhằm mục đích xâm lược. Triệu Đà đã sẵn có âm mưu đen tối, còn An Dương Vương thì mất cảnh giác đã nhận lời.
- Hay tin Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. An Dương Vương ỷ vào sức mạnh nỏ thần vẫn điềm nhiên đánh cờ. Đó là sự chủ quan khinh địch tệ hại nhất dẫn An Dương Vương nhanh chóng đến thất bại không tránh khỏi.
- Hai cha con An Dương Vương vì chủ quan, mất cảnh giác đã làm tiêu tan sự nghiệp và đẩy Âu Lạc đến diệt vong. Đó là bài học cay đắng về sự mất cảnh giác đối với kẻ thù.
- Câu nói của Rùa Vàng “giặc ngồi sau lưng ..” chính là lời kết tội đanh thép của công lý, của nhân dân về hành động vô tình mà phản quốc của Mị Châu. Lời tuyên án đó lập tức khiến An Dương Vương tỉnh ngộ, nhận ra bi kịch của mình. Đó cũng là bài học đắt giá về mối quan hệ cá nhân - công dân.
- Hành động rút gươm chém Mị Châu là hành động quyết liệt, dứt khoát của An Dương Vương đứng về phía công lí và quyền lợi dân tộc để xử án, cũng là hành động thể hiện sự tỉnh ngộ muộn màng đối với lỗi lầm của nhà vua.
* Bi kịch tình yêu
- Mối tình Mị Châu - Trọng Thủy là mối tình éo le, song song và đan cài với sự nghiệp giữ nước Âu Lạc.
- Bi kịch tình yêu Mị Châu - Trọng Thủy thể hiện thái độ phê phán rạch ròi của nhân dân trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Đó là bài học muôn đời cho những ai đặt tình yêu cá nhân lên trên vận mệnh của quốc gia, dân tộc, tách tình yêu khỏi những mối quan tâm chung.
- Trong khi Mị Châu ngây thơ hết lòng vì chồng thì Trọng Thủy đã sẵn có âm mưu chiếm nỏ thần. Nhưng những ngày ở Âu Lạc, bên cạnh người vợ đẹp người, ngoan nết, Trọng Thủy đã nảy sinh mối tình thật sự với Mị Châu, cũng là nảy sinh mâu thuẫn giữa hai tham vọng lớn cùng tồn tại trong con người Trọng Thuỷ, tham vọng chiếm được nước Âu Lạc và trọn tình với người đẹp. Nhưng hai tham vọng đó không thể dung hòa. Vì vậy sau khi chiến thắng, đáng lẽ Trọng Thủy phải là người vui mừng hưởng vinh quang thì lại tự tử vì nỗi tiếc thương Mị Châu khôn cùng.
- Trước khi chết, Mị Châu đã kịp nhận ra mình bị lừa, mà kẻ lừa nàng lại chính là người nàng tin yêu nhất. Hơn nữa, sự nhẹ dạ của nàng đã phải trả giá rất đắt bằng chín sinh mạng nàng, sinh mạng người cha thân yêu và số phận của cả một dân tộc.
- Mị Châu đã ý thức được tội lỗi nặng nề của mình, nàng không xin tha chết, chỉ xin được hóa thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù. Ngọc trai nước giếng tượng trưng cho sự tái ngộ của hai người ở kiếp sau. Đó không phải là biểu tượng của mối tình chung thuỷ mà chỉ là hình ảnh một nỗi oan tình được hóa giải.
- Mị Châu dù có vô tình phạm tội cũng không thể coi là không có tội. Kết cục bi thảm của cha con An Dương Vương mãi mãi là bài học nhắc nhở ý thức công dân của mỗi người đối với cộng đồng.
III. Kết bài
- Đánh giá các nhân vật An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy.
- Rút ra bài học giữ nước do sự mất cảnh giác.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Em hãy phân tích nhân vật Mị Châu, Trọng Thủy trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Trong mỗi câu chuyện truyền thuyết đều thể hiện thời kỳ dựng nước và giữ nước của Việt Nam ta từ xưa tới nay. Trong đó, truyền thuyết "An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy" là một tác phẩm vô cùng tiêu biểu, để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.
Đọc xong câu chuyện, người đọc không thể nào không suy nghĩ đến nhân vật Mị Châu, một người con gái nết na xinh đẹp, nhưng có chút ngây thơ khờ khạo để rồi phải trở thành tội nhân thiên cổ, và chết trong đau đớn. Mị Châu chính là con gái yêu kiều của của vua An Dương Vương, nàng nổi tiếng là cô gái xinh đẹp, trong sáng, ngây thơ, đoan trang đức hạnh, có có gì để phê phán. Nhưng chính âm mưu thâm độc của Trọng Thủy đã khiến cho nàng rơi vào tình trạng không thể giải quyết trọn vẹn giữa hiếu và tình, Mị Châu trở thành kẻ tội đồ phản nghịch bán nước hại dân "cõng rắn cắn gà nhà" làm cho nhân dân lầm than, vua cha mất nước.
Thông qua truyền thuyết thì ta có thấy rằng Mị Châu là một người phản nghịch, một người con không biết nghĩ tới toàn cục. Một người vợ ngây thơ cả tin quá tin tưởng vào người chồng của mình để rồi bị lừa dối, bị phản bội, bản thân nàng cũng nhận hậu quả đáng thương.
Mị Châu ngây thơ, cả tin đến mức: tự tiện sử dụng bí mật quốc gia cho tình riêng, khiến bảo vật giữ nước bị đánh tráo mà hoàn toàn không biết ; Lại chỉ nghĩ đến hạnh phúc cá nhân khi đánh dấu đường cho Trọng Thuỷ đuổi theo. Khi đánh giá về nhân vật này, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, người lên án, kẻ bênh vực. Bị kết tội là giặc ngồi sau lưng ngựa, là đúng và đích đáng, mà người ra tay chính là cha đẻ của nàng. Mị Châu tội lỗi thật nặng nề, thật đáng bị trừng trị nghiêm khắc. Nàng phải trả giá cho những hành động cả tin, ngây thơ, khờ khạo của mình bằng tình yêu tan vỡ, bằng cái chết của chính mình.
Mặc dù là nàng công chúa gây ra hậu quả mất nước, nhưng với Mị Châu, nhân dân thật công bằng, bao dung, độ lượng và nhân hậu khi thờ An Dương Vương trong đền Thượng, mà thờ công chúa Mị Châu trong am bà Chúa, (trong đó thờ bức tượng không đầu). Nhưng công bằng mà nói, Mị Châu cũng thật đáng thương, đáng cảm thông, do tất cả những sai lầm, tội lỗi đó đều xuất phát từ sự vô tình, từ tính ngây thơ nhẹ dạ, cả tin đến mức mù quáng của nàng.
Vì muốn chiều lòng chồng mà nàng đã lấy nỏ thần cho chồng mình xem, Mị Châu thật ngây thơ, khờ khạo trong tình yêu. Nàng không thể nào biết lường trước thủ đoạn khôn lường của người mà nàng luôn tin tưởng kia. Một âm mưu to lớn đằng sau con người lòng lang dạ thú mà nàng vẫn nghĩ đó là chồng mình. Người phụ nữ thời xưa chỉ biết nghe theo lời cha mẹ, rồi khi lớn lên lấy chồng thì nghe lời chồng cuộc sống của họ không có quyền quyết định nên việc Mị Châu nghe lời chồng là một đạo lý mà chính xã hội phong kiến dạy cho nàng.
Suy cho cùng những gì Mị Châu làm đều là một suy nghĩ của một nhi nữ thường tình, một người con gái đoan trang đức hạnh thường có, cả cuộc đời người phụ nữ thường phải phụ thuộc vào người đàn ông người chồng của họ. Mị Châu nào phải người học rộng hiểu nhiều, có tài binh lược để hiểu hết người chồng của mình.
Hình ảnh ngọc trai – ngọc minh châu là hoá thân của nàng. Mị Châu đã phải chịu thi hành bản án của lịch sử xuất phát từ truyền thống yêu nước, tha thiết với độc lập tự do của người Việt cổ. Tuy nhiên số phận Mị Châu chưa dừng lại ở đó. Nhưng nàng không hoá thân trọn vẹn trong một hình hài duy nhất. Nàng hoá thân- phân thân: máu chảy xuống biển, trai ăn phải hoá thành ngọc trai. Xác nàng hoá thành ngọc thạch. Hình ảnh đó vừa thể hiện sự bao dung, thông cảm với sự trong trắng ngây thơ, vô tình khi phạm tội vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc cùng bài học lịch sử về giải quyết quan hệ giữa nhà với nước, chung với riêng.
Bài học về nhân vật Mị Châu là một bài học vô cùng cay đắng xót xa cho người con gái thánh thiện nhưng quá khờ khạo và cả tin. Đó cũng là bài học về sự cảnh giác và đặt niềm tin đúng chỗ cho biết bao thế hệ người Việt Nam chúng ta.
2. Bài văn mẫu số 2
Mị Châu là con gái của Thục Phán An Dương Vương, là một cô công chúa lá ngọc cành vàng, có tâm hồn ngây thơ, trong sáng, nhẹ dạ cả tin và không có chút gì về ý thức công dân. Xuất hiện ở phần sau của truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, nàng cũng là người phải chịu trách nhiệm rất lớn về bi kịch “nước mất nhà tan”.
Mị Châu sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh An Dương Vương “xây thành chế nỏ” và đánh bại quân xâm lược Triệu Đà lần thứ nhất. Có thể nói, nàng sống trong cuộc kháng chiến chống xâm lược mà cha nàng là thủ lĩnh tối cao, nhưng qua truyền thuyết, chúng ta thấy Mị Châu hoàn toàn ngây thơ, không quan tâm và không có chút hiểu biết gì về việc bảo vệ đất nước. Điều đó thể hiện qua việc Mị Châu lén lấy trộm nỏ thần cho Trọng Thủy xem. Hành động đó vừa đáng thương, vừa đáng trách. Đáng thương vì Mị Châu đã làm theo đạo tam tòng nhưng đáng trách vì trong hoàn cảnh đất nước có giặc giã, một nàng công chúa con vua mà chỉ biết làm trọn chữ “tòng” mà không quan tâm đến vận mệnh đất nước, nhân dân là có tội. Mị Châu tin yêu chồng thì không có gì đáng trách nhưng nàng đã vi phạm nguyên tắc “bí mật quốc gia” của một công dân, tất yếu sẽ bị lên án, phê phán.
Trọng Thủy cùng cha đã có những kế hoạch riêng. Đầu tiên, hắn sang Âu Lạc cầu hòa, kết thân với Mị Châu, rồi tiến tới muốn cầu hôn nàng. Mị Châu là người con gái mới lớn, vô cùng hồn nhiên ngây thơ, trong sáng. Nàng đã rơi vào bẫy tình của Trọng Thủy. Được lòng Mị Châu và vua cha, hắn đã cưới nàng và ở rể tại Âu Lạc. Hắn luôn tìm cách kiếm được lòng tin của nàng, lừa nàng để biết được bí mật của vua cha. Hắn đã không mảy may do dự, nhân cơ hội đã đánh tráo chiếc nỏ thần, rồi lừa gạt Mị Châu trở về báo cho Triệu Đà, mang quân sang đánh, mưu sát An Dương Vương.
Trong mối quan hệ vợ chồng, Trọng Thủy đối xử tốt với Mị Châu tất cả là vì đã có âm mưu sẵn có, không hề từ trái tim, cho thấy hắn là một người chồng bạc tình, bạc nghĩa, đã lợi dụng tình yêu của nàng để vụ lợi cho mục đích riêng của mình. Nhưng rồi "ác giả, ác báo", chính Trọng Thủy đã gặp phải bi kịch không lối thoát của mình. Sau thời gian sống chung với Mị Châu, Thủy nhận ra được tình cảm sâu đậm mà vợ đã dành cho mình, nàng luôn chung thủy, tin tưởng mình. Thủy cũng nhận ra mình rất yêu vợ, hắn hối hận với những việc mình đã làm, hắn đã phụ tình với người mình yêu. Và cái chết có thể là cách tốt nhất mà hắn muốn chuộc tội với nàng. Sau cùng, Trọng Thủy cũng chính là một quân cờ của cha mình, bị xoáy vào cuộc chiến của những kẻ tham lam.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, Trọng Thuỷ cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược. Trong tay của Triệu Đà, Trọng Thuỷ không hơn không kém cũng chỉ là một con bài chính trị mà thôi. Hơn nữa, mặc dù là một kẻ độc ác, Trọng Thuỷ cũng không phải hoàn toàn đã mất hết nhân tính của một con người. Chính lời nói của Trọng Thuỷ với Mị Châu trong lúc chia tay, hành động tự vẫn sau chuỗi ngày sống trong sự dày vò, ân hận của hắn đã nói lên điều đó.
Trước lúc chia tay về nước dâng lẫy nỏ thần cho Triệu Đà, Trọng Thuỷ đã nói với Mị Châu: "Tình vợ chồng ... làm dấu". Đây không hoàn toàn là những lời dối trá, lạnh lùng mà nó ẩn chứa ít nhiều tình cảm bùi ngùi, một nỗi đau li biệt.
Tính người của Trọng Thuỷ còn được thể hiện rõ hơn rất nhiều ở phần cuối cùng của tác phẩm khi tác giả dân gian miêu tả tâm trạng của Trọng Thuỷ sau cái chết của Mị Châu. Không đắm mình trong hào quang, danh vọng, trong hạnh phúc của sự thống trị uy quyền, sau khi Mị Châu chết, Trọng Thuỷ luôn sống trong nỗi niềm thương nhớ, trong nỗi ân hận dày vò và cuối cùng bế tắc, cùng đường hắn đã tự tìm cho mình cái chết. Trọng Thuỷ quyên sinh không phải chỉ là hành động sám hối cho một sai lầm mù quáng, mà còn là sự thức tỉnh của nhân tính, sự phủ nhận chiến tranh, sự từ chối mọi vinh quang quyền lực tìm về với cõi thiên thu để có được một tâm hồn thanh thản.
Nhân vật Mị Châu và kết cục của nàng đã khiến cho chúng ta vừa giận, lại vừa đồng cảm và xót thương sâu sắc. Mong rằng ở một thế giới khác, nàng đã tự nhận ra được bài học cho bản thân mình mà có một cuộc sống đúng đắn và thanh thản hơn. Và khi ấy, số phận Mị Châu sẽ khác...
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----