Nghị luận xã hội về lỗi lầm và sự biết ơn trong cuộc sống

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lỗi lầm và sự biết ơn.

b. Thân bài:

- Ý nghĩa của lỗi lầm và sự biết ơn: Câu chuyện về hai người bạn đi trên sa mạc nhắc nhở ta về cách ứng xử đúng đắn khi bị xúc phạm thì biết tha thứ và khi mang ơn người khác thì phải khắc ghi trong lòng. Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người.

- Bàn luận về lỗi lầm và sự biết ơn:

+ Thế nào là sự tha thứ và lòng biết ơn: tha thứ là việc bỏ qua, không trách cứ, chấp nhặt, hay trừng phạt những sai trái, lỗi lầm của người khác; lòng biết ơn là sự thể hiện việc hiểu và nhớ công ơn của người khác đối với mình.

+ Vì sao trong cuộc sống con người cần có sự tha thứ và lòng biết ơn? Trong cuộc sống ai cũng có lúc gây ra những lỗi lầm, sai trái vì vậy cần phải nhận được sự tha thứ, bao dung của mọi người. Bởi chính sự tha thứ giúp cho người mắc lỗi có cơ hội được sửa chữa; giúp cho bản thân tìm thấy được sự thanh thản và làm cho cuộc sống bớt đi sự căng thẳng, xung đột và thêm đi sự hoà hợp, yêu thương, có nghĩa là phải biết viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát …

+ Phải biết khắc ghi những ân nghĩa vào lòng, phải biết ơn những người đã đem đến cho mình những điều tốt đẹp, và biết khắc ghi những ân nghĩa lên đá, như cách ứng xử giữa những con người trong câu chuyện trên.

- Suy nghĩ của bản thân:

+ Sự tha thứ và lòng biết ơn là một trong phẩm chất cần thiết, cao đẹp để hình thành nên một con người chân chính, bởi bên cạnh việc thu nhận kiến thức thì việc tu dưỡng, rèn luyện cho bản thân những đức tính về sự tha thứ và lòng biết ơn có một ý nghĩa rất lớn trên con đường hoàn thiện nhân cách của mỗi con người

+ Sự tha thứ và lòng biết ơn không chỉ được thể hiện ở một cá nhân hay một bộ phận mà những đức tính đó cần phải được gắn kết và tạo thành những phẩm chất, đạo lí trong cuộc sống. Bởi đó chính là những nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam.

- Bài học nhận thức và hành động :

+ Cần phải biết sống có tấm lòng bao dung, vị tha; biết ghi ơn những con người đã mang lại cho mình những điều tốt đẹp.

+ Cần phải được thể hiện sự tha thứ và lòng biết ơn của mình trên cả nhận thức và hành động cụ thể.

+ Phải biết quên đi nỗi đau buồn và sự thù hận, ghi nó lên bãi cát và luôn ghi nhớ ân nghĩa để nó được khắc ghi lên đá, trong lòng người. Và hãy nhớ rằng một trái tim khỏe mạnh là một trái tim luôn hướng về lòng nhân đạo, niềm vui và không có chỗ cho sự hận thù.

c. Kết bài:

- Câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” là thông điệp sâu sắc về sự tha thứ, lòng khoan dung trong cuộc sống này. Câu chuyện nhẹ nhàng nhắc nhở: Có thể sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta sống vì người khác nhưng chắc chắn sẽ tốt đẹp và hạnh húc hơn.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận về vấn đề lỗi lầm và biết ơn trong cuộc sống.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Trong cuộc sống của chúng ta, đã là con người thì ai cũng có những sai lầm, thiếu sót. Cả cuộc đời của chúng ta là sự cho – nhận, vay – trả... Thế nên khi chúng ta mắc lỗi lầm cần có người khoan dung, rộng lượng tha lỗi; khi giúp ích được chúng cho người khác, ta sẽ nhận lại sự biết ơn. Điều đó thể hiện rõ qua câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn”. Sau đây tôi xin trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Dân gian có câu chuyện: Hai người bạn rất thân cùng nhau đi dạo ngắm biển và tranh luận về một vấn đề. Anh này không chịu anh kia đã buông lời xúc phạm bạn mình, người bị xúc phạm ghi lên cát lỗi lầm của bạn. Lúc sau, hai người quyết định đi bơi, người bị xúc phạm khi nãy bây giờ bị đuối sức, được bạn mình kéo lên. Anh ta liền khắc lên đá công ơn, sự giúp đỡ của bạn. Qua câu chuyện, ta hiểu được rằng: có những lỗi lầm cần phải quên đi, có những công ơn nghĩa tình cần phải được lưu lại và khắc sâu trong tim mãi mãi. Vậy “lỗi lầm” là gì? “Lỗi lầm” là những sai sót mà bản thân chúng ta mắc phải trong cuộc sống. Vì có những “lỗi lầm” nên mới cần đến sự tha thứ, khi chúng ta cứu giúp người khác, sẽ nhận lại “sự biết ơn”. “Biết ơn” là bày tỏ tình cảm, ghi nhớ công ơn đối với những gì cứu giúp khi gặp nạn, một lời an ủi hay cử chỉ ân cần cũng được xem như là đã giúp đỡ người khác về mặt tinh thần rồi. Câu chuyện trên là một bài học mang đậm tính giáo dục, nhân văn, sâu sắc về sự tha thứ và lòng biết ơn.

Vậy nỗi buồn đau là gì mà ta phải ghi nó lên cát? Nỗi buồn là khi em bé bị ốm, gia đình khát khao có tiếng cười của em... Nỗi buồn là khi ông nội tôi qua đời, là khi đứa cháu bé bỏng ngày nào vẫn được ông thương yêu, chiều chuộng khóc sưng cả mắt vì nhớ ông... Hay nỗi buồn chỉ đơn giản là khi bị mẹ mắng vì làm sai, là khi bị điểm kém và hối hận vì đã đi chơi không lo học bài... Hàng ngày ta gặp phải nhiều nỗi buồn đau, bất hạnh và nhiều khó khăn thử thách trong cuộc sống. Nhưng hãy nhìn về phía tương lai đừng để những nỗi buồn dày vò bạn. Vì thế, hãy quên đi những nỗi buồn đau đã làm khổ bạn và tiếp tục bước đi.

Thế nhưng qua những lỗi lầm ấy, ta tìm thấy được sự giúp đỡ từ mọi người. Ta cần phải biết ơn sự giúp đỡ ấy: Đó là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Đó chính là một phương tiện để ta thực hiện việc biết ơn ấy. Đá luôn tồn tại và những ân tình ta khắc ghi trên đá cũng sẽ tồn tại và những ân tình ta khắc ghi trên đá cũng sẽ tồn tại mãi mãi. Cũng giống như câu: “Thêm một người bạn là bớt một kẻ thù”. Tất cả sẽ làm cho đời sống tinh thần của bạn trở nên thanh thản và bình yên hơn.

Bạn biết không hậu quả ghê gớm và tai hại nhất do nỗi buồn gây ra chính là sự thù hận. Ta thù hận những người đã làm cản trở bước tiến trên con đường sự nghiệp mà ta hằng mơ ước. Ta thù hận những người bạn đã chế giễu ta chỉ vì ta sinh ra trong một gia đình nghèo. Hay ta hận những người đã chà đạp lên tình cảm trong trắng của lứa tuổi học trò, chúng đưa ra làm trò cười là đề tài chế giễu của những kẻ ngu ngốc. Bạn đừng nghĩ rằng sự thù hận chỉ là những ghen tức ở trong lòng, mà nó chính là thứ vũ khí sắc bén nhất cho những tội ác. Nó dẫn ta lấn sâu vào con đường tội lỗi. Và dường như cái đích của sự thù hận chính là khi ta đã " trả thù" cho những người đã gieo dắt vào trong long ta sự thù hận đó chính là những tội ác không thể tha thứ được. Và đau khổ hơn nữa, khi ta đã đi đến cái đích cuối cùng thì không chỉ đối phương hay nói cách khác là kẻ thù của ta bị tổn thương mà ngay cả bản thân mình cũng tan nát.

Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống có những người luôn sống trong hận thù, ganh ghét, không bao giờ tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, lại còn có những người không biết tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô, những người giúp đỡ mình. Thật là đáng trách! Hiểu được những điều này, ta cần khắc ghi những công ơn lên “đá” – tức là trái tim mình, xóa bỏ những lỗi lầm, hận thù, ghen ghét, đố kị.

Tóm lại “lỗi lầm” và “sự biết ơn” là yếu tố quan trọng mà một con người không thể không có. Con người sống nhờ lòng khoan dung và truyền thống cội nguồn. Ngay từ khi còn là học sinh, chúng ta phải luyện cho mình câu “xin lỗi” và “cảm ơn”, phải cố gắng khắc phục những khuyết điểm về mọi mặt để hoàn thiện mình, hơn thế nữa, khi con người giúp đỡ mình, phải biết nhớ ơn họ. Là học sinh em sẽ tập sống tha thứ và thể hiện lòng biết ơn vì đó là những thái độ sống đúng đắn mà một người cần phải có trong cuộc sống hiện nay.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Trong cuộc sống có lẽ ai cũng cần đến sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ từ những người xung quanh để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. Và cũng không ít lần ta thất vọng vì những việc làm sai trái của bè bạn, người thân. Bạn nên làm gì trong những hoàn cảnh đó? Hãy tha thứ, quên đi những hận thù và phải luôn ghi nhớ công ơn của những người đã giúp đỡ bạn, người đã mang đến cho bạn cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay. Đó cũng chính là ý nghĩa giáo dục mà câu chuyện "Lỗi lầm và sự biết ơn" muốn gửi đến chúng ta.

"Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người". Đó là câu nói của người bị miệt thị trong câu chuyện. Thật vậy, câu nói đã mang đến cho người đọc, người nghe rút ra được bài học kinh nghiệm sống đẹp cho bản thân.

Câu chuyện kể về, anh chàng bị miệt thị đã viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”. Và khi anh chàng kia cứu anh thoát chết, anh cũng đã khắc lên đá rằng: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”. Khi được hỏi vì sao, anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”. Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.

Quả thật như vậy, cát luôn là những hạt li ti, nhỏ bé, chỉ cần vài cơn sóng mạnh, những nỗi buồn sẽ bị xóa đi. Còn đá, đá là một vật thể cứng, bền chắc, dù thời gian có trôi qua thì đá vẫn còn nguyên vẹn. Khi khắc ghi những ân nghĩa lên đá, nó sẽ tồn tại mãi mãi và vĩnh viễn về sau. Con người ai mà chẳng có một lần lầm lỗi. Chúng ta nên học cách tha thứ để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Tâm hồn bạn sẽ thanh thản hơn khi không còn những lo toan, hận thù, ghen ghét. Thử hỏi, cuộc sống của bạn có thanh thản, nhẹ nhàng không khi trong đầu bạn chỉ toàn là sự thù hận? Cát một thứ vô tri vô giác nhưng nó có thể xóa đi dấu vết một cách nhanh chóng.

Thay vì luôn nhớ tới nỗi buồn và thù hận bạn hãy khắc ghi những ân nghĩa trong lòng. Vậy bạn có biết ân nghĩa là gì? Ân nghĩa là khi ta nhận từ bố món quà sinh nhật, là khi cầm trên tay quả khế do tay bà vun trồng. Ân nghĩa là những hành động thể hiện sự biết ơn được nhắc trong bài thơ "Biết ơn".

Qua câu chuyện "Lỗi lầm và sự biết ơn" và những việc làm thiết thực trong đời sống hãy rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân để hướng tới một tương lai tốt đẹp đang chờ đón bạn. Phải biết quên đi nỗi dau buồn và sự thù hận, ghi nó lên bãi cát và luôn ghi nhớ ân nghĩa để nó được khắc ghi lên đá, trong lòng người. Và hãy nhớ rằng một trái tim khỏe mạnh là một trái tim luôn hướng về lòng nhân đạo, niềm vui và không có chỗ cho sự hận thù.

Tuy nhiên, cuộc sống quanh ta vẫn còn những thù hằn, ghen ghét, đố kị lẫn nhau. Đó chính là những người có lối sống nhỏ nhoi, ích kỉ. Họ thậm chí còn không biết được khái niệm của sự tha thứ và biết ơn. Đó quả là những hành động đáng bị phê phán.

Nói tóm lại, chúng ta sẽ chẳng mất nhiều công sức để làm cho cuộc sống thêm đẹp hơn. Cuộc sống luôn có lỗi lầm và hãy học cách chấp nhận điều đó. Hãy trở thành những con người biết tha thứ và biết ơn. Vậy mỗi chúng ta nên học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?