A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
I. Mở bài
- Giới thiệu về câu tục ngữ: Có chí thì nên.
- Câu tục ngữ là lời khuyên của ông cha muốn nói với con cháu phải biết kiên trì, nỗ lực thì mới thành công.
II. Thân bài
- Giải thích câu tục ngữ:
+ "Chí": Tức là ý chí, nghị lực, tinh thần của một con người.
+ "Nên": Ở đây chỉ sự thành công, chỉ mục đích đạt được mà con người ta mơ ước đạt tới trong cuộc sống.
+ "Có chí thì nên": Muốn khuyên chúng ta rằng ai có ý chí thì sẽ có được thành công. Vậy nên phải biết giữ vững ý chí, tinh thần của mình, quyết tâm kiên trì thực hiện mục tiêu đã đặt ra thì ắt sẽ làm "nên", ắt sẽ có được thành công như ý muốn.
- Tại sao nói "có chí thì nên"?
+ Khi bạn có ý chí thì bạn sẽ có động lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình tiến bước tới thành công.
+ Có ý chí, có mơ ước làm "nên" thì sẽ biết tìm tòi, khám phá, biết vạch rõ con đường để tới được mục tiêu của mình.
+ Có ý chí thì sẽ có được sự kiên trì, quyết tâm, nỗ lực tới cùng để thực hiện mơ ước của mình.
- Làm thế nào để thực hiện câu tục ngữ "Có chí thì nên"?
+ Phải xây dựng cho mình một mục tiêu phấn đấu. Có lý tưởng, có mơ ước thì mới bắt tay thực hiện giấc mơ của mình được.
+ Phải lập ra những kế hoạch nhỏ, những công việc nhỏ làm bước tiến dần tới mục tiêu lớn hơn cũng như tiến dần tới mơ ước của mình.
+ Phải luôn luôn tự mình nỗ lực trước mọi khó khăn sóng gió và thử thách, luôn kiên trì, quyết tâm thì sẽ thành công.
- Dẫn chứng:
+ Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký tuy hai tay không thể viết nhưng thầy đã luyện viết bằng bàn chân và trở thành một giảng viên đại học.
+ Nhà bác học Edison đã phát minh ra bóng đèn sau hơn hai ngàn lần thử nghiệm...
- Ý nghĩa của câu tục ngữ đối với mỗi người trong xã hội:
+ Đối với lớp trẻ: Cần có lý tưởng, thực hiện lý tưởng của mình
+ Đối với thế hệ sinh viên, học sinh: Cần phải biết phấn đấu trong sự nghiệp học hành để lớn lên giúp ích cho xã hội.
III. Kết bài
- Khẳng định lại bài học mà câu tục ngữ khuyên dạy chúng ta.
- Là thế hệ con cháu chúng ta cần làm gì cho xứng đáng với lời dạy của cha ông.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Em hãy phân tích ý nghĩa câu tục ngữ Có chí thì nên
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Tục ngữ được coi là chiếc túi khôn của nhân loại. Mỗi một câu tục ngữ đều nhắn nhủ đến con người một bài học ý nghĩa về cuộc sống. Một trong số đó là đã câu tục ngữ “Có chí thì nên”.
Trước hết cần phải hiểu “chí” ở đây là ý chí, nghị lực của mỗi người - nó thuộc về yếu tố tinh thần. Còn “nên” muốn chỉ đến sự thành công trong cuộc sống. Câu tục ngữ sử dụng mối quan hệ nhân quả thông qua từ “thì” ý chỉ nghị lực sẽ vượt qua được mọi khó khăn và tiến đến với mục tiêu mà bản thân mong muốn đạt được. Như vậy, đây là lời khuyên của ông cha ta dành cho thế hệ sau về nghị lực trong cuộc sống. Sự kiên trì, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Trải qua bao ngàn năm xây dựng và giữ nước, ông cha ta đã để lại cho con cháu biết bao điều về những trang sử hào hùng của dân tộc. Không chỉ vậy, họ còn để lại cho chúng ta một kho tàng đồ sộ về văn hóa dân tộc. Những kho tàng về ca dao tục ngữ chính là những lời khuyên răn, lời dạy dỗ mà cha ông ta muốn nói cho chúng ta được đúc rút qua bao thế hệ. Khi ông bà ta muốn khuyên con cháu phải chọn lấy bạn bè, chọn lấy người để học hỏi, ông bà ta khuyên "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Cũng như vậy bằng câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim", ông cha muốn khuyên ta rằng phải biết kiên trì cố gắng thì mới thành công. Còn khi muốn khuyên ta phải có lý tưởng, có ý chí thì mới làm nên được sự nghiệp thì ông bà ta dạy rằng "Có chí thì nên".
Vậy "Có chí thì nên" là gì? "Chí" ở đây tức là ý chí, chí hướng, là nghị lực tinh thần của một con người, mà thông qua đó con người sẽ có thêm động lực để làm nên sự nghiệp của mình. Còn "nên" ở đây được hiểu là chỉ sự thành công, là sự nghiệp viên mãn, là lý tưởng, mục tiêu đã được thực hiện. Câu tục ngữ "Có chí thì nên" có ý muốn khuyên chúng ta rằng có ý chí, có quyết tâm thì con người sẽ làm nên được những việc to lớn. Phải biết giữ vững ý chí, lòng quyết tâm, cũng như nỗ lực to lớn đó, nhất định chúng ta sẽ làm được điều mà mình mong muốn.
Con đường đời của mỗi người không hẳn khi cũng bằng phẳng, dễ dàng, mà sẽ có những khúc trắc trở, gập ghềnh. Đứng trước những đoạn đường khó khăn ấy, chẳng lẽ chúng ta sẽ lại dừng, hay quay đầu mà không bước tiếp nữa? Nếu như thế thì chắc chắn rằng con người sẽ chẳng bao giờ phats triển và có thể đạt được thành công. Thay vì điều đó, tại sao ta không cố gắng, vững chí để quyết tâm vượt qua những tảng đá sắc nhọn ấy, cho dù phải mất một khoảng thời gian dài, hay quá trình ấy sẽ gây ra nhiều cực nhọc, đau đớn, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn phải vượt qua và tiếp tục công cuộc hành trình đó.
Nếu có ý chí, nghị lực cùng với sự quyết tâm thì điều gì cũng sẽ trở nên đơn giản với mỗi chúng ta. Nhưng nếu chỉ biết nhụt chí, nản lòng không dám bước lên phía trước khi gặp gian nan, thử thách thì liệu bạn sẽ làm được gì trong cuộc sống của mình? Từ xưa, trong buổi chiến tranh, ông cha ta đã kiên cường, anh dũng chống trả lại kẻ thù xâm lược để giữ nước, tất cả đều nhờ vào ý chí quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, không run sợ trước những kẻ thù mạnh.
Ngày hôm nay, trong thời hòa bình, nhân dân ta cũng đã và đang cố gắng xây dựng đất nước đi lên, mang vinh quang về cho Tổ Quốc. Có lẽ với mỗi người dân Việt Nam, không ai có thể quên được những kỳ tích U23 Châu Á vừa qua, những chàng “dũng sĩ” trên sân bóng đã mang vinh quang cho toàn thể dân tộc với một ý chí quyết tâm, kiên cường thi đấu hết mình, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết không từ bỏ bất kỳ một cơ hội nào và cuối cùng họ đã thành công và làm lay động hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam.
Trong cuộc sống của chúng ta, không ít những tấm gương với ý chí, nghị lực vươn lên, chứng minh cho câu tục ngữ "Có chí thì nên" của ông cha ta. Hẳn bạn đã từng một lần nghe tới cái tên của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - người bị liệt đôi bàn tay và không thể nào cầm bút viết được. Thế nhưng giờ đây, Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành một giảng viên đại học. Thầy đã dùng đôi bàn chân của mình thay thế cho đôi tay học lấy những con chữ để khai sáng cho tâm hồn mình và cả cho những thế hệ sau. Thầy đã dạy cho chúng ta biết về ý chí, về lòng quyết tâm, nỗ lực hướng tới mục tiêu của mình. Nếu không có lý tưởng, có mục tiêu phải biết được con chữ, thì liệu thầy có làm nên được điều mà không phải ai cũng làm được đó không? Nếu không có ý chí kiên cường, làm sao đôi chân có thể thay đôi tay khéo léo học được cách viết chữ chứ?
Hay như nhà bác học Thomas Edison cũng khiến người ta phải khâm phục về ý chí của mình. Ông là người đã sáng tạo ra bóng đèn điện qua hai ngàn lần thử nghiệm. Mỗi lần thử nghiệm thất bại, ông đều tự nhủ lần sau sẽ là thành công. Cứ như vậy tới hơn hai ngàn lần thì ông đã thành công thực sự. Vậy nên mỗi bước nhỏ trong kế hoạch cũng đều là một viên gạch để giúp chúng ta bước gần hơn tới mục tiêu của mình. Nếu như không có ý chí thì liệu hai con người này có thể làm nên được những điều kỳ diệu đến thế không? Liệu Nguyễn Ngọc Ký có trở thành một người thầy giáo khiến bao thế hệ phải thán phục? Hay Thomas Edison liệu có được cả thế giới nhắc tới như một nhà bác học vĩ đại nhất hay không?
Với lớp trẻ, lớp thanh niên, câu tục ngữ muốn nhắc nhở chúng ta về ý chí, về chí hướng cần có trong đời để làm nên sự nghiệp, giúp ích cho xã hội. Nếu không có ý chí, chắc chắn sẽ không thể có được thành công, thậm chí có thể đi theo hướng sai lầm. Khi còn là học sinh, sinh viên, chúng ta cũng cần đặt ra cho mình những hướng đi rõ ràng và thực hiện nó bằng tất cả nỗ lực của mình bằng việc học tập, tu dưỡng tốt.
Câu tục ngữ “Có chí thì nên” là lời dạy vô cùng quý giá mà ông cha ta đã để lại cho thế hệ sau. Cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt nếu như ta không có mục tiêu để phấn đấu và sẽ buồn chán hơn khi ta không đủ nghị lực để đạt được ước mơ đó. Sự cố gắng sẽ sẽ mang lại những thành quả lại vô cùng ngọt ngào. Vậy hãy cố gắng ngay từ khi vẫn là học sinh luôn cố gắng từ những điều nhỏ nhất, để mang lại những điều tốt đẹp cho bản thân.
2. Bài văn mẫu số 2
Cuộc đời mỗi người cũng giống như một bức tranh muôn màu, muôn sắc. Sẽ có màu hồng, nhưng cũng sẽ có những vệt đen, đó chính là những khó khăn thử thách trong cuộc sống mà ta cần rầy công tận sức mà mà vượt qua. Muốn vậy, con người ta cần phải có ý chí, nghị lực, quyết tâm để xoá đi được những vệt đen ấy. Chính vì thế, ông cha ta đã có câu “Có chí thì nên”.
Câu tục ngữ nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản nhưng ẩn chứa một tầng ý nghĩa thật lớn lao. “Chí” có thể hiểu là sự quyết tâm, nghị lực, hoài bão, lý tưởng khi thực hiện một kế hoạch hay làm một điều gì đó. “Có chí thì nên”: “nên” ở đây tức là đạt được thành công, đạt được kết quả như mong muốn, như đã đặt ra. Như vậy, cùng với cách nói “Có… thì”, như một lời khẳng định đanh thép, ông cha ta đã đặt ra vài trò của ý chí, nghị lực trong cuộc sống, cụ thể là trên con đường thành công của mỗi người. Con người ta cần có sự kiên trì, quyết tâm, lý tưởng thì mọi khó khăn, gian nan, thử thách, thất bại đều sẽ có thể vượt qua và đạt được kết quả như mong ước.
Đầu tiên, con đường đời của mỗi người không phải lúc nào cũng bằng phẳng, dễ đi, mà sẽ có những khúc cua gập ghềnh, trắc trở. Đứng trước những đoạn đường ấy, chẳng lẽ ta sẽ cứ đứng lại, hoặc quay đầu trở về mà không bước đi nữa? Nếu như vậy, con người ta sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được thành công, vĩnh viễn không thể trưởng thành được. Thay vì điều đó, tại sao ta không vững chí, quyết tâm mà leo bước lên, vượt qua những tảng đá cứng nhọn ấy, dù chỉ là mất một khoảng thời gian, dù cho quá trình ấy sẽ có thể đau đớn,cực nhọc làm sao, nhưng cuối cùng ta vẫn sẽ vượt qua và tiếp tục cuộc hành trình.
Thực tế trong cuộc sống cho ta biết được rất nhiều điều. Chẳng hạn như Thầy Nguyễn Ngọc Ký, từ nhỏ đã bị liệt cả hai tay, nhưng vì lòng ham học và có ý chí, nghị lực vươn lên, thầy đã tập viết chữ bằng chân. Nhờ sự cố gắng, kiên trì, bền bỉ mà giờ đây Thầy đã là tấm gương sáng để học trò noi theo. Hoặc như là Mạc Đĩnh Chi, nhà nghèo, phải nhờ ánh sáng của đom đóm làm đèn mà học. Nhờ sự chịu khó, kiên trì như thế mà ông đã đỗ đạt làm quan lớn giúp ích cho nhân dân. Như vậy, kiên trì và nhẫn nại là đức tính cần có của mỗi con người. Trong cuộc sống, ai mà chẳng có ước mơ, hoài bão, nhưng ước mơ sẽ vẫn mãi là ước mơ nếu ta không kiên trì theo đuổi. Nhẫn nại luôn là động lực, là sức mạnh giúp con người vượt qua khó khăn và tiến lên phía trước.
Trái ngược với người “Có chí thì nên” là kẻ “thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Những kẻ ấy thường bi quan, không có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc là đùn đẩy, có suy nghĩ là không làm được và từ đó từ bỏ tất cả mọi thứ. Sống cho qua ngày, sống một cách vô nghĩa, vô dụng thì không bao giờ chạm đến thành công. Thử hỏi, trong một xã hội đầy rẫy những kẻ như thế thì xã hội đó đâu còn phát triển, còn đâu mà đi lên?
Nhìn vào cuộc sống, ta sẽ bắt gặp vô vàn tấm gương với ý chí phi thường. Họ đã làm được bao điều lớn lao cho đời, thật đáng ngưỡng mộ. Ông Cao Bá Quát xưa tuy có tài năng văn phú hơn người nhưng vì chữ xấu mà luôn thấy xấu hổ với mọi người. Ông đã tự răn mình bằng cách thường xuyên thức khuya rèn chữ, buộc tóc lên trần nhà, ngủ gật thì tóc sẽ giật đau, tỉnh dậy lại rèn chữ tiếp. Nhờ sự kiên trì nỗ lực, ông để lại tiếng thơm muôn đời không chỉ bởi văn chương tài ba mà còn bởi chữ viết như “rồng bay phượng múa.” Trông rộng ra hơn một chút, ở nước ngoài, Thomas Edison - nhà sáng chế với hơn mười nghìn lần thất bại để tìm ra chất liệu cho dây tóc bóng đèn. Tự hỏi rằng nếu ngày ấy từ bỏ sớm, liệu nhân loại sau này có thể được hưởng nền văn minh như bây giờ? Và có lẽ, đáng ngưỡng mộ hơn cả là bác Hồ. Hơn ba mươi năm trời người đi khắp bốn bể năm châu để đi tìm con đường cứu nước: “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng về tổ quốc/Chẳng yên lòng khi ngắm một cành hoa” (Chế Lan Viên). Cả một đời Người cố gắng vì dân vì nước và đã đánh đổi tất cả cho chúng ta hưởng sự yên bình của hôm nay.
Thật đáng thương cho những người dễ nản chí, nhụt chí, thấy khó khăn đã vội chùn bước mà không nghĩ đến cách giải quyết nó. Họ sẽ dễ có những cái nhìn bi quan về cuộc sống, cảm thấy áp lực với mọi việc xung quanh. Họ sống không mục đích, không lý tưởng mà dễ trở nên oán trách xã hội, quay lại hại những người khác. Điều đó thật đáng sợ biết bao! Tự họ lại biến thành gánh nặng của người khác, làm chậm lại quá trình phát triển của xã hội.
Những người có ý chí nghị lực thì họ nhận được hạnh phúc và luôn thành đạt. Còn những con người không có ý chí nghị lực thì cuộc đời họ như đã chết, chẳng còn ý nghĩa gì cả mà cuộc sống trở nên tầm thường tẻ ngắt và không có mục đích lý tưởng, ý chí vươn lên. Thậm chí họ sống chỉ là có hại cho gia đình, cho đất nước và xã hội ngày nay. Cũng bởi vậy mà mỗi chúng ta sống cần phải có ý chí nghị lực, có vậy thì cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa, có sự cạnh tranh công bằng, đất nước ngày càng phát triển và xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, không còn những tệ nạn xã hội.
Những người có ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống họ đều xuất phát từ những hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương hơn những người khác. Cũng xuất phát từ đó mà họ đã có ý chí vươn lên và họ thành đạt. Còn những người không có ý chí nghị lực là những người xuất phát từ sự ngu muội, không vững vàng vào lòng tin của chính mình và những người ấy lại có một kết cục bi thảm và đau thương hơn những người khác. Họ bị xã hội phê phán, lên án và chán ghét.
Từ nhận thức trên chúng ta hiểu rằng sống cần phải có ý chí nghị lực. Có như vậy thì cuộc sống mới có ý nghĩa và chúng ta sẽ trở thành những người thành đạt, là những người có ích, không hổ thẹn với bản thân với mọi người và với đất nước.
Tóm lại câu tục ngữ đã đề cao tinh thần sống có ý chí nghị lực, ý chí nghị lực cũng cần được giữ gìn và phát huy. Ta nhận định rằng câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----