Phân tích bài ca dao Thương thay thân phận con tằm

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

1. Mở bài

- Từ xa xưa, những bài ca dao Việt Nam với âm hưởng da diết, nhịp nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc đã được người dân sáng tác và lưu truyền cho tới ngày nay.

- “Thương thay thân phận con tằm” là một ví dụ tiêu biểu, nêu lên thân phận bé nhỏ của người nông dân trong xã hội cũ.

2. Thân bài

- Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát, âm hưởng mộc mạc, mềm mại.

- Hình ảnh con tằm: Ẩn dụ cho con người nhỏ bé, con tằm nhả tơ óng ánh, xong là kết thúc chu kì sống, con người bị bóc lột sức lao động.

- Hình ảnh con kiến: li ti nhỏ bé, chăm chỉ tha mồi, đại diện cho con người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

- Những hình ảnh quen thuộc đại diện cho người nông dân.

3. Kết bài

- Cảm nghĩ về bài thơ: Xã hội phong kiến giống như địa ngục trần gian của những người nhân dân lao động, cuộc sống lầm than khổ cực khiến họ phải cất tiếng than ai oán qua những bài ca dao.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Em hãy phân tích bài ca dao thương thay thân phận con tằm

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Ca dao – dân ca là tấm gương phản chiếu trung thực về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của nhân dân ta. Đó là cuộc sống cần cù, giản dị, chất phác, đậm đà phong vị dân tộc nhưng đó cũng là một cuộc sống trái ngang, gặp nhiều bất công, bất hạnh trong một xã hội rối ren, tăm tối. Và những lúc như vậy, nhân dân ta chỉ biết gửi gắm những lời than thân, than thở của mình trong các bài ca.

Ca dao than thân có số lượng lớn trong ca dao – dân ca Việt Nam. Nhân vật trữ tình thường là những người nông dân, người đi ở, kẻ đi phu, người lính, người phụ nữ. Và thân phận nhỏ bé, bé mọn của họ thường được ví với các con vật vất vả, lam lũ trong cuộc sống:

“Thương thay thân phận con tằm

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ

Thương thay lũ kiến li ti

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi

Thương thay hạc lánh đường mây

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi

Thương thay con cuốc giữa trời

Dầu kêu ra máu có người nào nghe”

Bài thơ là lời của những người lao động. Trong bài ca dao này xuất hiện bốn con vật. Mỗi cặp câu bắt đầu bằng hai tiếng “thương thay”, "thương thay" là vừa thương, vừa đồng cảm, thương cho người khác mà cũng là thương cho chính mình. Bài ca dao bày tỏ niềm thương cảm đến bốn đối tượng. Đó là thương con tằm suốt đời tằm chỉ ăn lá dâu, cuối đời phải rút ruột tận cùng để làm thành tơ quý. Thương con kiến là loài sinh vật nhỏ bé nhất, cần ít thức ăn nhất, ăn thức ăn tầm thường nhất, nhưng từng đàn phải kéo đi kiếm ăn hàng ngày; còn con hạc, con chim thì cuộc đời phiêu bạt vô định và những cố gắng vô vọng để kiếm mồi. Tác giả dân gian còn thương cho thân phận con cuốc,nhỏ nhoi, cô độc giữa không gian rộng lớn, vô tận, suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lực.

Sinh ra để làm tơ, nhả tơ, con tằm rút ruột mình để cho người sợi tơ óng. Lúc rút hết ruột mình cũng là lúc con tằm kết thúc đời tằm, chỉ còn xác nhộng vô tri. Làm đẹp cho người, tằm phải tự kết liễu đời mình. Một nắm lá dâu thôi, tằm cho những sợi tơ quý. Và khi lấy được tơ rồi, ngay lập tức, tằm bị rẻ rúng, bị gạt sang bên lề của cuộc sống. Người lao động xưa cũng thế, vắt kiệt sức mình, họ làm giàu cho bọn địa chủ, quan tham để rồi gục chết mà không nhận được chút lòng thương. Vứt xác tằm cũ, một lứa tằm mới lại được nuôi để hiến tơ. Kiếp người cũng thế, hết cha lại con, đời đời kiếp kiếp đem sức mình, còng lưng, sấp mặt làm ra của cải cho chúng chất thành núi còn thân xác ngày một xác xơ đến tận cùng như con tằm bị rút tơ. Mượn hình ảnh con tằm và sự bòn rút tận ruột gan, bài ca dao dồn nén bằng nghệ thuật ẩn dụ đã gợi ra bao nỗi thảm thương của thân phận con người trong xã hội phong kiến khi mà đất nước còn nô lệ. Và hơn hết ta thầm ước một sự đổi đời cho đất nước và mỗi kiếp người.

Từ con tằm rút tận cùng thân xác để cho tơ rồi chết trong sự ghẻ lạnh ta đến với con kiến cũng đáng thương không kém con tằm. Bản thân con kiến bé li ti, ai cũng biết và hẳn phần nó ăn cũng tí ti như thế. Vậy nhưng, lúc nào thấy kiến ta cũng gặp sự mải miết, vội vàng, không ngừng nghỉ. Nó kiếm mồi để còn nuôi kiến chúa. Loại kiến to kềnh chỉ nằm trong hang sẵn chờ kiến thợ mang mồi về ăn. Nằm trong hệ thống hình ảnh ẩn dụ, "lũ kiến bé tí ti" chính là những kiếp người. Họ làm nhiều, rất nhiều đấy nhưng nào hưởng thụ được bao bởi phần lớn của cải họ làm ra phải dành cho "kiến chúa", cho bọn chỉ chuyên "ngồi mát ăn bát vàng" không hiếm ở nông thôn xưa.

Tên gọi của trái bần gợi sự liên tưởng đến thân phận người nghèo. Trong ca dao Nam Bộ, hình ảnh trái bần, trái mù u, trái sầu riêng thường gợi đến những cuộc đời đầy đau khổ, đắng cay.

Thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia có khác gì trái bần nhỏ bé liên tiếp bị gió dập sóng dồi. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào hoàn cảnh, không có quyền tự mình quyết định cuộc đời. Xã hội phong kiến luôn muốn nhấn chìm họ, phủ nhận vai trò của họ.

Tóm lại, cả bài ca dao trên đều xoay quanh nội dung thân thân trách phận. Cuộc đời của người nông dân nghèo đói xưa là một bể khổ mênh mông không bờ không bến. Hiện thực thì tăm tối, tương lai thì mù mịt, họ chẳng biết đi về đâu. Điều đó chỉ chấm dứt từ khi có ánh sáng Cách mạng của Đảng soi đường dẫn lối, giải phóng nông dân ra khỏi xiềng xích áp bức của giai cấp phong kiến thống trị kéo dài bao thế kỉ.

Ngày nay, cuộc sống buồn đau, cơ cực đã lùi vào dĩ vãng. Tuy vậy, mỗi khi đọc những bài ca dao trên, chúng ta lại càng hiểu, càng thương hơn ông bà, cha mẹ đã phải chịu kiếp đói nghèo trong rơm rạ của một dĩ vãng đen tối đã lùi xa.

2. Bài văn mẫu số 2

Từ xa xưa, những bài ca dao Việt Nam với âm hưởng da diết, nhịp nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc đã được người dân sáng tác và lưu truyền cho tới ngày nay. Nội dung của các bài ca dao ấy cũng rất phong phú, có những bài ca dao được sáng tác để phản ánh lịch sử, có những bài được sáng tác nhằm phản ánh đời sống tình cảm nhân dân hoặc phản ánh đời sống xã hội cũ. Trong số các bài ca dao phản ánh đời sống xã hội cũ thì bài ca dao “thương thay thân phận con tằm” là một ví dụ tiêu biểu, nêu lên thân phận bé nhỏ của người nông dân trong xã hội cũ giống như những con tằm, con kiến.

Bài ca dao còn là tiếng nói của những con người thấp bé trong xã hội phải vất vả làm lụng, bài ca dao cũng là lời tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn ác đã chèn ép người dân đến bước đường cùng.

Bài ca dao “thương thay thân phận con tằm” được viết theo thể thơ lục bát, âm hưởng của bài ca dao mềm mại, câu từ mộc mạc, giản dị đã làm cho bài ca dao trở nên phổ biến trong dân gian Việt Nam:

“Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi”

Người lao động xưa khi nhìn thấy những con vật nhỏ bé tội nghiệp thường có sự đồng cảm tự nhiên và hay vận vào thân phận của mình. Chính vì vậy, toàn bộ bãi ca dao là hình ảnh ẩn dụ đặc sắc về số phân hẩm hiu, khốn khổ. Con tằm bé nhỏ mà thật có ích. Chúng nhả ra những sợi tơ vàng óng dùng để dệt thành vải, lụa là phục vụ cho nhu cầu may mặc của con người. Nhưng chúng chỉ được ăn lá dâu – thứ lá tầm thường nơi bãi sông đồng ruộng. Đã vậy, sau khi giúp con người lấy được thứ cần thiết, thỏa mãn nhu cầu của con người thì tằm cũng chết. Cuộc đời tằm thật đáng thương, sống thì chẳng ăn được mấy mà cống hiến cho tới lúc lìa đời. Cuộc đời như thế khác nào cuộc đời người lao động xưa kia, suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lực công lao. Họ bỏ ra quá nhiều nhưng chẳng hề được hưởng thụ dù chỉ là một chút thành quả lao động của mình. Đó chính là nguyên nhân của nghèo đói, của vất vả khó khăn và kéo dài trong bất công vô vọng.

Bé nhỏ hơn cả tằm là lũ kiến li li. Kiến sống thành đàn, đoàn kết hỗ trợ và giúp đỡ nhau. Ấy thế mà cả đời vẫn chỉ ngược xuôi tất bật. Người lao động trước đây cũng vậy, suốt đời vất vả ngược xuôi, cần cù làm lụng mà vẫn cơ cực nghèo khổ. Họ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, một nắng hai sương với đồng ruộng cây lúa mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

“Thương thay hạc lánh đường mây

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi

Thương thay con cuốc giữa trời.

Dầu kêu ra máu có người nào nghe”

Hình ảnh cánh chim, con hạc, con cuốc nhà những hình ảnh vô cùng quen thuộc trong ca dao, có lẽ những người nông dân lao động tìm thấy sự đồng điệu giữa hình ảnh gầy guộc, lầm lũi của con vật với chính bản thân mình. Những chú chim mải miết bay đi tìm ăn, bay đến mỏi cánh mà không biết ngày nào sẽ kết thúc cuộc hành trình ấy, cũng giống như cuộc đời phiêu bạt lận đận của những người dân lao động. Những con người bé nhỏ ấy phải cố gắng kiếm sống ngày qua ngày mà không biết khi nào cuộc sống ấy mới chấm dứt, không biết bao giờ mới hết đói hết khổ.

Hình ảnh con cuốc ở hai câu thơ cuối mới đáng thương làm sao, con cuốc bé nhỏ giữa bầu trời rộng lớn dẫu có kêu gào đến mức nào cũng không có ai thấu hiểu, không có ai lắng nghe. Con cuốc ấy cũng là hiện thân của người dân lao động thấp cổ bé họng, dù họ có kêu tới mức nào thì cũng không ai hiểu cho nỗi khổ của họ, không ai có thể cứu vớt họ khỏi cuộc sống tăm tối, khổ cực. Họ hoàn toàn không nhận được sự đồng cảm của mọi người, đặc biệt là giai cấp thống trị xã hội lúc bấy giờ vì vậy tiếng kêu than của họ cũng trở nên vô vọng.

Người lao động xưa phải chịu nỗi khổ nhiều bề và tiếng kêu, tiếng than ai oán của họ thực sự khiến người đọc xúc động cảm thương. Trước mỗi hình ảnh bất hạnh đáng thương là mô-típ quen thuộc trong ca dao: mô-típ thương thay. Điệp ngữ ấy nối nhau kéo dài suốt tám dòng thơ diễn tả sự xót xa vô hạn, nỗi thương cảm dâng trào như những con sóng ập vào lòng người đọc. Đọc hết bài ca dao, ta nhận ra rằng, tác giả dân gian không phải chỉ thương thay, chỉ là người đứng bên cạnh cảm thông chia sẻ với những số phận bất hạnh, hẩm hiu mà đáng thương cho chính thân phận nghèo khổ bé mọn của mình

Hiện thực đen tối, tương lai mù mịt khiến nhân dân lao động xưa phải cất lên tiếng kêu, tiếng than ai oán. Ngày nay, cuộc sống chúng ta ấm no hạnh phúc vì có ánh sáng của Đảng, Cách mạng soi đường. Nhưng đọc những câu ca dao của một thời, chúng ta càng hiểu và đồng cảm với cha ông ta xưa, biết xót thương quá khứ, quý trọng cuộc sống hiện tại.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?