TRƯỜNG THCS HÀM NGHI | ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Câu 1: (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới
(1) Đã lâu lắm rồi tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U23 Việt Nam thi đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sang bước vào trận đấu.
(2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Xem xong trận bóng đá, con tôi lại hỏi “Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca”.
(Theo Lê Văn Thu, Quốc ca Việt Nam, báo Thanh Niên số ngày 8-6-2015)
a. Xác định một phép liên kết trong đoạn (2). (0,5 điểm)
b. Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam? (0,5 điểm)
c. Cho biết ý nghĩa của việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên. (1 điểm)
d. Em có nhận xét gì về thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay? (1 điểm)
Câu 2: (3 điểm)
- Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình;…
- Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến;…
- Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình.
- Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Câu 3: (4 điểm):
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám may mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh)
Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ khác về đề tài thiên nhiên mã em biết để thấy được điểm gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Câu 1. (3,0 điểm)
a. Xác định một phép liên kết có trong đoạn (2): Phép lặp (tôi, hát, quốc ca); phép thế (đó: thế cho một cảm xúc mãnh liệt) (0,5 điểm)
b. Những cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam: niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước hoặc cảm xúc mãnh liệt, một cảm giác thật khó tả, một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng. (0,5 điểm)
c. Ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên: Các thế hệ đều có chung nhận thức về tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc (hoặc cả gia đình đều thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc) ; sự việc trên còn có tác dụng lan tỏa, khơi dậy, nhắc nhở mọi người về tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc… (1 điểm)
d. Nhận xét về thực trạng hát quốc ca trong nhà trường hiện nay: Với những góc nhìn khác nhau, học sinh có thể đưa ra các ý nhận xét khác nhau. Chẳng hạn: học sinh nghiêm túc khi hát; khi hát thể hiện rõ tình yêu tổ quốc và tự hào dân tộc; học sinh có sự chuyển biến từ chưa nghiêm túc đến ý thức cao khi hát quốc ca; một số học sinh chưa ý thức khi hát, chưa nghiêm túc khi hát (chưa thuộc lời, không hát, đùa giỡn…) (1 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
a. yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
- Bố cục đầy đủ, rõ ràng. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp, các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận (giải thích, chứng minh, bình luận…) để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng, dẫn chứng cần lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân
- Diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, lập luận chặt chẽ. Không mắc lỗi diễn đạt, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, trình bày bài rõ ràng.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
Câu 1: (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.
Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức...
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)
a. Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành phần ấy. (0,5 điểm)
b. Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời, cũng giống vẽ một bức tranh vậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (0,5 điểm)
c. Nêu nội dung văn bản trên. (1,0 điểm)
d. Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ? Trả lời trong khoảng 3 - 5 dòng (1,0 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nêu yêu thương?
Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.
---(Để xem những câu hỏi còn lại của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
Câu 1: (3 điểm)
Đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Văn bản 1:
Trong bức ảnh chụp cùng thần tượng Michael Phelps cách đây 8 năm, Joseph Schooling mới chỉ là cậu bé con đeo kính cận dày cộp, cao ngang vai Phelps. Nhưng 8 năm sau, khi có cơ hội tranh tài với thần tượng của mình ở nội dung 100m bơi bướm tại Thế vận hội mùa hè 2016, cậu bé năm nào không chỉ tự tin thể hiện tài năng mà còn buộc thần tượng chấp nhận chịu thua, nhường lại chiếc Huy chương Vàng tuyệt đẹp cho mình.
Chiến thắng của Schooling không chỉ là phần thưởng ngọt ngào cho những năm tháng miệt mài ngụp lặn trong bể bơi, mà nó còn thắp lên trong trái tim trẻ niềm tin: Khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay.
(Dựa theo Hình ảnh Joseph Schooling và thần tượng Michael Phelps lan truyền chóng mặt, Lê Ái, Báo Thanh niên ngày 13/08/2016)
Văn bản 2:
Diễn viên điện ảnh Jack Nicholson từng thần tượng Marlon Brando điên đảo đến mức nói một câu trứ danh: "Chừng nào ông ấy còn sống thì chẳng anh diễn viên nào ngóc đầu lên nổi". Tất nhiên đây chỉ là một cách nói thậm xưng. Jack Nicholson học phương pháp diễn xuất thần sầu của Marlon và ông thậm chí còn vượt qua thần tượng của mình khi giành tới 3 giải Oscar so với 2 giải của Marlon.
(Trích Từ Phelps đến Schooling, từ Marlon Brando đến Leonardo Di Caprio. Lê Hồng Lâm - Thịnh Joey, Báo Tuổi trẻ ngày 16/8/2016)
a) Dựa vào văn bản trên, hãy cho biết những thành tích nào của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng. (0,5 điểm)
b) Chỉ ra một phép liên kết câu có trong đoạn đầu của văn bản 1. (0,5 điểm)
c) Xác định thông điệp chung của hai văn bản trên. (1.0 điểm)
d) Em có nhận xét gì về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng. (1.0 điểm)
Câu 2: (3 điểm)
Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?
Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật)
Cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác cũng viết về người lính để thấy được nét gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.
Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
Đề 1: Bài viết cần đảm bảo các ý sau:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, hai khổ thơ cần phân tích.
- Cảm nhận về hai khổ thơ: Cần thấy được:
+ Vẻ đẹp của hình tượng người lính: thể hiện qua tư thế hiên ngang, tình thần dũng cảm, coi thường gian khổ, hiểm nguy, cái nhìn lạc quan, tươi vui… Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp và sức mạnh tinh thần lớn lao của họ.
+ Vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật: hình ảnh thơ độc đáo, ngôn ngữ thơ rất gần với lời nói, có những câu như văn xuôi tạo nên giọng điệu ngang tàng, thể hiện cái hiên ngang của người lính, thể thơ tự do với số câu linh hoạt.
- Học sinh tự chọn một tác phẩm khác cũng viết về đề tài người lính (trong hoặc ngoài sgk) để liên hệ với hai khổ thơ trên. Cần nói qua về nội dung của tác phẩm được chọn, chỉ ra nét gặp gỡ của các tác giả (có thể về nội dung hoặc nghệ thuật hoặc cả nội dung và nghệ thuật, tùy theo tác phẩm được chọn) khi viết về người lính. Trên cơ sở đó, khẳng định ý nghĩa của đề tài người lính và đóng góp của mỗi nhà văn khi viết về đề tài này.
---(Để xem đầy đủ của đáp án Đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 5
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Cảm nhận của em về tình cảm mà người cha dành cho con trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình
Đề 2:
Mỗi bài thơ của chúng ta
Phải như một ô cửa
Mở tới tình yêu
(Trích Liên tưởng tháng Hai, Lưu Quang Vũ)
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ, hãy viết về một bài thơ hoặc một đoạn thơ “như một ô cửa / mở tới tình yêu” trong em.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
Đề 1:
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.
- Cảm nhận về tình cảm mà người cha dành cho con
+ Vẻ đẹp của tình cảm mà người cha dành cho con thể hiện qua: nỗi mong nhớ và khát khao gặp con trong tám năm xa cách; mong muốn gần gũi, chăm sóc con trong ba ngày nghỉ phép; tình cảm dâng trào trong giờ phút chia xa; niềm thương nhớ con khi quay lại chiến khu (ân hận dai dẳng vì trót đánh con; vui sướng khi làm chiếc lược ngà cho con;…). Tình cảm mà người cha dành cho con là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, bất diệt. Đây là tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản bền vững được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng. Chính tình cha con là động lực tinh thần to lớn cho anh Sáu trong những ngày kháng chiến.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 5 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Hàm Nghi. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !