TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ DIỆU | ĐỀ KIỂM TRA HK1 MÔN NGỮ VĂN 10 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
I. Phần Đọc hiểu: (3,0 điểm)
Đọc bài ca dao sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
MƯỜI CÁI TRỨNG
“Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm, được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái
Về nuôi ba tháng; hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,
Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,
Bảy trứng: cũng ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ quắp
Con mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”
(Ca dao Bình Trị Thiên)
Câu 1: Chỉ ra một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu ca dao sau:
“Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,
Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,
Bảy trứng: cũng ung”
Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật vừa chỉ ra ở câu 1.
Câu 3: Nêu nội dung của hai câu ca dao: Chớ than phận khó ai ơi!/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây?
Câu 4: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi ra từ hai câu ca dao sau (viết khoảng 6 đến 8 dòng):
“Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”
II. Phần Làm văn: (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.
---------HẾT----------
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. Đọc Hiểu (3đ)
1. Liệt kê/lặp từ/ lặp cấu trúc ngữ pháp (cú pháp)/tăng cấp (tăng tiến)/ẩn dụ...
(HS có thể kể một trong các biện pháp tu từ trên)
2. - Tác dụng của liệt kê, lặp từ, lặp câu trúc, tăng cấp: Liệt kê và nhấn mạnh nỗi khổ của người lao động xưa.
- Biện pháp ẩn dụ: "Trứng ung" – những mất mát liên miên xảy ra đối người lao động.
=> Hình ảnh tượng trưng về nỗi khổ của người lao động xưa.
(HS có thể chọn một biện pháp nghệ thuật, chỉ ra biện pháp nghệ thuật đó và nêu đúng tác dụng).
3. - Câu ca dao là lời tự động viên mình của người lao động xưa.
- Là lời nhắn nhủ mọi người hãy luôn lạc quan, tin tưởng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.
(HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn đảm bảo một trong hai nội dung trên)
4. - Nội dung: HS có thể nói về một trong các thông điệp sau:
Tinh thần lạc quan trong cuộc sống;
Biết chấp nhận khó khăn để tìm cách vượt qua...
- Hình thức:
Khoảng 6 – 8 dòng (có thể hơn hoặc kém 1 dòng),
Đúng chính tả, ngữ pháp.
(HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo thể hiện suy nghĩ sâu sắc, chân thành, tích cực về một thông điệp gợi ra từ câu ca dao)
II. Phần Tập làm văn (3đ)
HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các yêu cầu sau:
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25)
2. Xác định được vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận bài thơ Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão. (0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
a. Mở bài (0,5)
- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão; giới thiệu tác phẩm: Tỏ lòng (Thuật hoài).
- Nêu vấn đề nghị luận: Bài thơ Tỏ lòng.
- Sơ lược về nhà Trần (0,5)
+ Trong các triều đại phong kiến nhà Trần là triều đại để lại nhiều dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ nhất.
+ Thời đại ấy hun đúc nên những con người vĩ đại và trở lại, con người lại làm vẻ vang cho thời đại sản sinh ra mình.
- Nội dung:
+ Vẻ đẹp con người: (3,0)
-
Hình tượng con người kì vĩ (Hai câu đầu).
-
Vẻ đẹp tư tưởng nhân cách (Hai câu sau).
-
Vẻ đẹp thời đại (HS có thể trình bày lồng vào vẻ đẹp con người) (1,0)
-
Chân dung thời đại được phản ánh qua hình tượng con người trung tâm.
-
Hình ảnh con người trầm tư suy nghĩ về ý chí lí tưởng, hoài bão của mình là sự khúc xạ tuyệt đẹp của chân dung thời đại.
- Nghệ thuật: (0,5)
+ Thể thơ thất ngôn tư tuyệt Đường luật ngắn gọn, đạt tới độ súc tích cao.
+ Từ ngữ hình ảnh to lớn để miêu tả tầm vóc của con người thời đại nhà Trần.
c. Kết bài: Nhận xét đánh giá: Con người và thời đại nhà Trần (Thời đại Đông A) thật gần gũi, đẹp đẽ. (0.5)
4. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu trong tiếng Việt. (0,25)
2. ĐỀ SỐ 2
Phần đề thi:
Câu 1 (4,0 điểm)
Cho đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
a.(1đ) Hãy xác định tên bài thơ, tên tác giả trong đoạn thơ trên?
b. (1đ) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật và nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong câu thơ sau: Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
c. (2đ) Từ hai câu thơ sau:
“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
Viết một đoạn văn ngắn (10 đến 15 câu) suy nghĩ của em về lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay.
Câu 2 (6,0 điểm)
Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới số 43) của Nguyễn Trãi.
---------HẾT----------
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Câu 1 (4,0 điểm)
a. - Tên bài thơ: Tỏ lòng (Thuật hoài) (0,5đ)
- Tên tác giả: Phạm Ngũ Lão (0,5đ)
b. - NT: so sánh, phóng đại: ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu. (0,25đ)
- Tác dụng: (0,75đ)
Cụ thể hoá sức mạnh vật chất
Khái quát hoá sức mạnh tinh thần
-> Hình ảnh quân đội nhà Trần hiện lên sôi sục khí thế quyết chiến quyết thắng, đó là sức mạnhđoàn kết của dân tộc ta.
(HS diễn đạt thêm)
c. HS viết thành đoạn văn và phải đảm bảo nội dung sau:
Chí làm trai trong hai câu thơ: (1,0đ)
"Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu"
Sống có trách nhiệm, hy sinh vì nghĩa lớn.
Khát vọng đem tài trí để tận trung báo quốc, đó là lẽ sống lớn của một con người đầy tài năng và hoài bão.
Lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay: (1,0đ)
Vai trò của tầng lớp thanh niên có lí tưởng trong đời sống cá nhân, xã hội?
Lẽ sống, niềm tin và những đóng góp của thanh niên hiện nay?
Những kì vọng của gia đình và xã hội.
---Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy---
3. ĐỀ SỐ 3
Phần đề thi:
I. ĐỌC HIỂU: (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc.
(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)
1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0.5 điểm)
2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng chủ yếu trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. (1.0 điểm)
3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống (1.0 điểm)
4. Đặt nhan đề cho văn bản trên. (0.5 điểm)
II. LÀM VĂN: (7 điểm)
Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những câu chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian về buổi đầu của lịch sử dân tộc – một câu chuyện vừa mang nét hiện thực vừa mang nét huyền thoại thời Âu Lạc.
Hãy hóa thân thành An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ (có thể thay đổi một số tình tiết ở đoạn cuối câu chuyện).
--------HẾT----------
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I- ĐỌC HIỂU: (3 điểm)
Câu 1: (0.5 điểm)
- Phong cách ngôn ngữ Báo chí
Câu 2: (1 điểm):
- Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là phép điệp cấu trúc câu (Mồ hôi rơi). (0.5 điểm)
- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi của con người. (0.5 điểm)
Câu 3: (1 điểm)
Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến những người nông dân, công nhân trong cuộc sống.
Câu 4: (0.5 điểm)
Nhan đề của văn bản: Yêu Tổ quốc, hoặc Tổ quốc của tôi.
---Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy---
4. ĐỀ SỐ 4
I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“...Một lần, Khổng Tử cùng học trò đi đến biên giới giữa nước Trần và nước Thái thì lương thực vừa cạn hết. Mấy thầy trò còn phải ăn cháo loãng. Những ngày sau, ngay cả cháo cũng không còn, phải ăn rau dại cầm hơi. Khổng Tử ngày một gầy đi. Tử Lộ và Nhan Hồi, hai học trò yêu của Khổng Tử thì trong lòng như lửa đốt.
Một hôm, Nhan Hồi đang ôm bụng đói mà rẽ đường, băng lối, vượt đồng không mông quạnh tìm thức ăn thì may thay thấy được một mái nhà tranh. Ông lão chủ nhà nghe chuyện mấy thầy trò khổ cực làm vậy, mới vội vàng vào nhà xúc gạo đưa cho Nhan Hồi.
Về nhà, thấy Khổng Tử đang ngủ, Nhan Hồi chẳng dám kinh động thầy, lặng lẽ xuống bếp nhóm lửa, nấu cơm. Mùi cơm chín bay khắp nhà. Khổng Tử tỉnh giấc nhìn quanh, bất giác bắt gặp Nhan Hồi đang nhón tay bốc một nắm cơm trong nồi ăn. Ông thở dài rồi than thở: “Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”.
Rồi Khổng Tử vờ như không thấy, quay mặt vào tường ngủ tiếp. Một lát sau, Nhan Hồi kính cẩn bước vào nhà trong, nhẹ nhàng lay thầy dậy: “Thưa Phu tử, cơm đã dọn xong, mời Phu tử xuống dùng bữa!”. Khổng Tử ngồi dậy, nói với học trò: “Các trò ạ, ta vừa mơ thấy cha mẹ mình. Chi bằng ta xới một bát cơm để dâng tế họ trước là hơn”. Đoạn, Khổng Tử bê bát cơm chuẩn bị mang đi cúng.
Nhưng Nhan Hồi vội vàng ngăn thầy lại rồi thưa: “Thưa Phu tử, nồi cơm này đã không còn sạch sẽ. Lúc nãy, khi nấu cơm, con sơ ý để bụi bẩn rơi vào nồi. Con định xới chỗ cơm bẩn ấy bỏ đi. Nhưng nghĩ bụng chút gạo này phải nhọc nhằn lắm mới kiếm được, thật quý giá biết bao, bỏ phí thì đúng là tội lớn. Con xới riêng phần cơm bẩn ấy ra rồi tự mình ăn trước, đã đắc tội với thầy và các sư huynh đệ. Bây giờ, con chỉ xin ăn rau. Còn nồi cơm đã không còn sạch sẽ, quyết không thể mang dâng tế được!”.
Nhan Hồi kể lại sự tình, Khổng Tử nghe mà ứa nước mắt, rồi thuật lại chuyện mình đã hiểu lầm người học trò yêu ra sao với mọi người. Khổng Tử cũng gật gù tâm đắc khi có được một học trò đức độ, lễ nghĩa như Nhan Hồi.”
Nhưng sau này, Nhan Hồi yểu mệnh, qua đời khi mới vừa 40 tuổi. Cái chết của Nhan Hồi khiến Khổng Tử đau xót, thống khổ. Ông không cầm nổi đau thương, ngửa mặt khóc to lên rằng: “Trời đã diệt ta rồi! Trời đã diệt ta rồi!”.
(https://www.dkn.tv/van-hoa/hoc-tro-hanh-xu-vo-le-khong-tu-da-xu-tri-ra-sao.html)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
2. Vì sao Khổng Tử lại kể với học trò giấc mơ thấy cha mẹ mình và bê bát cơm chuẩn bị mang đi cúng? Lời thưa của Nhan Hồi khi ngăn thầy bê bát cơm đi cúng cho thấy vẻ đẹp gì ở người học trò này?
3. Thái độ của Khổng Tử thay đổi như thế nào sau khi nghe lời thưa của Nhan Hồi?
4. Anh/chị rút ra được bài học gì từ văn bản trên? Viết một đoạn văn ngắn khoảng 5 câu nêu suy nghĩ của anh/chị về bài học đó?
II. LÀM VĂN (7.0 Điểm)
Học sinh chọn một trong hai đề sau:
1. Đề 1. Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Tấm trong truyện cổ tích “Tấm cám”. (sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
2. Đề 2. Phân tích hào khí Đông A trong bài thơ “Tỏ lòng” (“Thuật hoài”) của Phạm Ngũ Lão. (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
………………… Hết………………….
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: tự sự
Câu 2:
- Bởi Khổng Tử muốn tạo điều kiện để học trò nói ra hành động của mình, cho học trò cơ hội để giải thích, tránh hiểu sai. Khổng Tử đã rất khéo léo mang vấn đề ra hỏi, vì thế mà sự việc được rõ ràng.
- Nhan Hồi là học trò trọng lễ nghĩa, đạo lý, biết kính trên nhường dưới. Nhan Hồi là một trong những học trò mà Khổng Tử yêu quý nhất.
Câu 3:
- Ban đầu, khi nhìn thấy hành động bốc nắm cơm trong nồi ăn của Nhan Hồi, Khổng Tử rất thất vọng về hành động của người học trò
- Sau khi nghe lời thưa của Nhan Hồi, Khổng Tử vô cùng xúc động, tự trách bản thân suýt chút nữa đã trở thành kẻ “hồ đồ” trách nhầm học trò của mình.
Câu 4: Bài học rút ra:
- Học sinh có thể rút ra những bài học sau: tôn sư trọng đạo, những điều mắt thấy tai nghe chưa chắc đã là sự thực. Để nhìn nhận, đánh giá đúng về sự việc thì hãy tìm hiểu và đứng ở góc độ của đối tượng, đặt bản thân vào vị trí của đối tượng thì mới có thể đánh giá khách quan, chính xác. Khi nhìn nhận, đánh giá một con người cũng vậy. Phải rất thận trọng, phải khách quan, toàn diện, cụ thể, không nên kết luận chỉ qua hành vi bên ngoài.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Cảm nhận về nhân vật Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám”
a. Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
b. Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
Mở bài:
- Giới thiệu truyện cổ tích “Tấm Cám”
- Dẫn dắt vấn đề
Thân bài:
1. Thân phận, con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm
a) Hoàn cảnh, thân phận: mồ côi, ở với dì ghẻ
=> Hoàn cảnh đáng thương, côi cút, đối xử bất công, tệ bạc
b) Mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám
- Mâu thuẫn có ở hai giai đoạn: mâu thuẫn gia đình (từ đầu đến Tấm đi hội) và mâu thuẫn xã hội dữ dội một mất một còn (từ khi Tấm chết cho đến hết)
=> Tấm là nhân vật đại diện cho cái thiện, mẹ con Cám là nhân vật đại diện cho cái ác. Mâu thuẫn giữa Tấm và Cảm không đơn thuần chỉ là mâu thuẫn, xung đột giữa dì ghẻ và con chồng trong gia đình mà còn là mâu thuẫn, xung đột giữa cái thiện và cái ác.
c) Con đường tìm đến hạnh phúc:
- Giai đoạn đầu: Tấm thụ động, yếu đuối, khi bị áp bức, đối xử bất công, Tấm chỉ biết ôm mặt khóc
- Sự xuất hiện của nhân vật Bụt: nhờ Bụt giúp đỡ, từ cô gái mồ côi nghèo trở thành hoàng hậu. => Thể hiện quan niệm triết lí của nhân dân “ở hiền gặp lành”, thể hiện khát vọng, ước mơ của nhân dân về hạnh phúc, lẽ công bằng trong cuộc sống.
=> Con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm dù nhiều khó khăn, trắc trở nhưng cuối cùng Tấm vẫn tìm được hạnh phúc cho bản thân mình. Đó cũng là con đường đến với hạnh phúc của nhân vật lương thiện trong truyện cổ tích Việt Nam nói riêng, truyện cổ tích thế giới nói chung.
2. Cuộc đấu tranh giành lại hạnh phúc của Tấm
- Tấm trở thành hoàng hậu, bị mẹ con Cám hãm hại
- Những lần hóa thân của Tấm:
+ Chim vàng anh
+ Cây xoan đào
+ Khung cửi
+ Cây thị, quả thị
- Ý nghĩa của quá trình hóa thân:
+ Khẳng định sự bất diệt của cái thiện. Cái thiện không chết đi một cách oan ức, không bị khuất phục trước cái ác.
+ Sự hóa thân của Tấm thể hiện tính chất gay gắt, quyết liệt của cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Cái thiện luôn chiến thắng.
+ Những sự vật mà Tấm hóa thân đều là những sự bậy bình dị, quen thuộc với người dân lao động. Đó cũng chính là những hình đẹp đẽ của làng quê Việt Nam xưa.
ð Tấm không còn thụ động, yếu đuối, không còn sự xuất hiện của nhân vật Bụt. Một cô Tấm mạnh mẽ, quyết liệt, chủ động giành và giữ hạnh phúc cho mình.
3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Xây dựng những mẫu thuẫn có sự tăng tiến để thể hiện sự phát triển trong hành động nhân vật
- Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập để khắc họa nhân vật
- Sử dụng các yếu thần kì.
Kết bài: Nêu cảm nhận của bản thân về nhân vật Tấm.
---Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 năm 2020 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 năm 2020 Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 năm 2020 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu có đáp án
-
Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 năm 2020 Trường THPT Trần Hưng Đạo
Chúc các em học tập tốt !