Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 môn Ngữ Văn - Trường THCS Vũ Ninh

TRƯỜNG THCS VŨ NINH

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (2.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các yêu cầu bên dưới.

Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.

Lại đến một buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai ai đem rắc lên trên.

Rồi ngày mưa rào. Mưa giăng giăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống biển óng ánh đủ màu: xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc,…. Có quãng biển thâm xì, nặng trịch. Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khỏe nhẹ, bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt.

(Trích Biển đẹp, Vũ Tú Nam, Ngữ văn 6, tập 2, NXBGD)

Câu 1: (0.5 điểm) Nhận biết

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản

Câu 2: (0.5 điểm) Thông hiểu

Biển được miêu tả ở những thời điểm nào? Tác giả miêu tả như vậy với dụng ý gì?

Câu 3: (1.0 điểm) Vận dụng

Trong văn bản có nhiều hình ảnh so sánh, em ấn tượng nhất với hình ảnh nào? Vì sao? Trình bày khoảng 5 -7 dòng.

PHẦN II. LÀM VĂN (8.0 điểm)

Câu 1. (3.0 điểm) Vận dụng cao

Người Nga có câu: Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng. Cả tâm hồn cũng cần được ăn uống. Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 đến 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.

Câu 2. (5.0 điểm) Vận dụng cao

Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật.

(Dẫn theo Lí luận văn học, Hà Minh Đức chủ biên, NXB Giáo dục)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về một số tác phẩm/ Đoạn trích trong chương trình ngữ văn 9 hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I.

Câu 1:

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: miêu tả.

Câu 2:

Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích

Cách giải:

Biển được miêu tả ở những thời điểm:

+Buổi sớm nắng sáng

+Buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng

+Một ngày mưa rào.

Tác giả miêu tả như vậy nhằm:  cho thấy vẻ đẹp của biển vào mỗi thời khắc khác nhau. Mỗi thời khác, biển lại hiện lên với một vẻ đẹp riêng, mơ mộng.  

Câu 3:

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Em có thể chọn bất cứ hình ảnh so sánh nào mà mình cảm thấy ấn tượng nhất và lí giải cách chọn lựa của mình cho phù hợp.

Ví dụ: Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.

Vì:

- Làm câu văn  thêm phần sinh động, hấp dẫn.

- Làm nổi bật vẻ đẹp rực rỡ của những cánh buồn, chúng như một sinh thể sống vô cùng sinh động.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Học vấn chỉ là một phần trong quá trình học hỏi mà thôi. Thông qua học hỏi, bạn sẽ đạt được nhiều thứ hơn: hình thành tính cách, mở mang trí tuệ, học cách tôn trọng người khác và khiêm tốn hơn, bởi vì càng học hỏi bạn càng hiểu rằng kho tàng kiến thức là vô tận. Và bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ mọi gười chung quanh, từ mỗi trải nghiệm, hay những khó khăn, giông tố trong đời.

(Theo Cho đi là mãi mãi, Azim Jamal & Harvey McKinnon, biên dịch: Huế Phượng, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, năm 2017, tr.67 – 68)

Câu 1. Nhận biết

Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Nhận biết

Tìm một phép liên kết câu, xác định từ ngữ thực hiện phép liên kết ấy được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3. Thông hiểu

Trong đoạn trích trên, em hãy chọn một ý kiến và lí giải vì sao em đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến đó.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Vận dụng cao

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc không ngừng học hỏi.

Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao

NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI

(trích)

Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không 
sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.
Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng…
Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặt là mặt trời nung nóng.

Chị Thảo thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình.

Hồi còi thứ hai của chị Thao. Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, 
chui vào ruột quả bom…

Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng.

Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái, đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếg nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, tập hai, trang 117-118)

Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong đoạn trích trên. Từ đó lí giải ngắn gọn vì sao chuyện kể về những cô gái thanh niên xung phong được đặt tên là Những ngôi sao xa xôi.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I.

Câu 1:

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.

Câu 2:

Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Cách giải:

Học sinh có thể tìm được một trong hai phép liên kết sau:

- Phép lặp ở câu (1) và câu (2). Từ ngữ lặp để liên kết là “học hỏi”.

- Phép nối ở câu (2) và câu (3). Từ ngữ nối là liên từ “và”.

Câu 3:

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

Có thể tùy theo quan điểm/sở thích mà mỗi học sinh tự chọn một ý kiến và lí giải.

Ví dụ chọn ý kiến: “Và bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ mọi người chung quanh, từ mỗi trải nghiệm hay những khó khăn, giông tố trong đời”.

Tán đồng với ý kiến trên, có thể lí giải như sau:

+ Mỗi người có những hoàn cảnh riêng và những trải nghiệm riêng. Nếu có cơ hội được nghe ai đó chia sẻ, có thể ta sẽ rút ra được nhiều bài học cho chính mình.

+ Mỗi trải nghiệm, mối giông tố hay khó khăn trong cuộc đời sẽ cho ta những bài học khác nhau về sự dũng cảm, kiên cường, cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống để từ đó ta ngày một khôn lớn, trưởng thành. Kết quả nào cũng sẽ có một hành trình xứng đáng.

II.

Câu 1.

Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp

Cách giải:

Yêu cầu về hình thức

- Bài văn hoặc đoạn văn

- Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả.

Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau:

1. Nêu vấn đề:

2. Giải thích vấn đề:

- Học hỏi là gì tìm tòi, hỏi han để học tập.

=> Không ngừng học hỏi là liên tục tìm tòi, hỏi han để học tập, tích lũy tri thức. Đây là quá trình quan trọng, cần thiết đối với mỗi con người trong cuộc đời để khôn lớn, trưởng thành và đạt được thành công.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề:

- Tại sao cần không ngừng học hỏi?

+ Tri thức của nhân loại là vô tận, những gì mà ta biết chỉ là giọt nước trong đại dương bao la. Học hỏi để tích lũy tri thức cho chính mình, rèn luyện kĩ năng và xây dựng kinh nghiệm sống.

+ Sự phát triển của văn hóa – xã hội với nền kinh tế tri thức không ngừng đòi hỏi con người phải nâng cao trình độ hiểu biết của mình.

+ Trong thời kì hiện đại, người công dân phải trở thành người công dân toàn cầu, do vậy mà con người không ngừng hoàn thiện mình về mọi mặt.

- Ý nghĩa của việc học hỏi:

+ Mở rộng hiểu biết bản thân, giúp bạn tự tin về mọi mặt trong cuộc sống.

+ Học hỏi sẽ giúp tâm hồn rộng mở, bắp kịp xu thế của thời đại.

+ Dễ dàng đạt được sự thành công.

- Nếu không học hỏi, nâng cao bản thân, con người sẽ tụt hậu. Mỗi cá nhân tụt hậu sẽ kéo theo sự thoái hóa về nhiều mặt trong xã hội.

---(Để xem tiếp đáp án những câu hỏi còn lại vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích cho xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng”

(Trích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan, Ngữ văn 9, tập 2)

Câu 1: (0.5 điểm) Thông hiểu

Đoạn trích trên đề cập vấn đề gì?

Câu 2: (0.5 điểm) Nhận biết

Xác định phép liên kết hình thức trong hai câu đầu của đoạn trích.

Câu 3: (1.0 điểm) Thông hiểu

Em hiểu thế nào là thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”?

Câu 4: (2.0 điểm) Vận dụng cao

Từ nội dung được đề cập trong đoạn trích, em thấy cần phải làm gì để phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của bản thân (Trình bày trong 5 – 7 dòng)

PHẦN II: LÀM VĂN  (6.0 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đoạn thơ sau:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

 

Cá nhụ cá nhim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

 

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

(Trích Đoàn thuyền đánh ca, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I.

Câu 1.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

 Đoạn trích đề cập đến cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam.

Câu 2.

Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Cách giải:

- Phép liên kết hình thức trong hai câu đầu: Phép thế.

“Bản chất trời phú ấy” trong câu 2 thay thế cho “sự thông minh, nhạy bén với cái mới” trong câu 1.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

Thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng” được hiểu như sau: khuynh hướng nghiêng về một cách thiên lệch những môn học được một số đông người ham chuộng, ưa thích trong một thời gian nào đó nhưng không lâu bền.

Câu 4.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Cần nhận biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình.

- Với những điểm mạnh, cần học tập và trau dồi thêm kiến thức để duy trì ổn định.

- Với những điểm yếu, mình cần phân tích rõ những cái yếu đó mấu chốt nằm ở đâu, sau đó cần học tập và rèn luyện để hạn chế những lỗ hổng đó.

- Không nên tự mãn với chính mình, tự phự. Biết lắng nghe những ý kiến của những người xung quanh mình để hoàn thiện bản thân.

II.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Trước cách mạng tháng Tám, Huy Cận là một tên tuổi nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Thơ ông có cảm quan vũ trụ và mang nặng một nỗi sầu nhân thế, sầu vũ trụ -> “Nhà thơ cả vạn lí sầu”

- Sau cách mạng, Huy Cận nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Thơ ông thời kì này vẫn giàu cảm hứng vũ trụ song tràn đầy niềm vui.

 -> Là một trong những gương mặt xuất sắc của nền thơ Việt Nam hiện đại.

Tác phẩm:

- Năm 1958, trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng biển Quảng Ninh.

- In trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958)

- Đoạn trích đã vẽ một cách chân thực, sinh động cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển

2. Cảm nhận

* Hình ảnh đoàn thuyền được tái hiện chân thực, sinh động hơn:

- Không gian vũ trụ bao la được mở ra nhiều chiều:

+ Cao: bầu trời, mặt trăng.

+ Rộng: mặt biển.

+ Sâu: lòng biển.

- Để thấy đoàn thuyền đánh cá hoàn toàn tương xứng với không gian ấy:

+ Khi sóng biển cồn lên, cánh buồm như chạm vào cả mây trời.

+ Khi buông lưới con thuyền như dò thấu tận đáy đại dương.

+ Hệ thống động từ: “lái”, “lướt”… -> tư thế làm chủ của đoàn thuyền…

+ Hệ thống hình ảnh: “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” -> con thuyền như mang sinh lực của đất trời để đánh cá trên biển.

- Gợi hình tượng người lao động trên biển:

+ Tầm vóc lớn lao sánh cùng vũ trụ.

+ Làm chủ cả vũ trụ.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Vũ Ninh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?