TRƯỜNG THCS KIM CHÂN | ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Câu 1: (3 điểm) Vận dụng cao
Đọc đoạn trích sau:
Hy vọng là một thứ rất tuyệt diệu … Hy vọng đặt đôi chân chúng ta lên con đường mà mắt chúng ta không nhìn thấy được … Hy vọng thúc giục chúng ta hành động khi tinh thần chúng ta không nhận biết được phương hướng nữa … Hy vọng có thể tìm thấy trong mỗi chúng ta và nó mang ánh sáng vào những nơi tăm tối nhất …
(Luôn mỉm cười với cuộc sống – Nhã Nam tuyển chọn, NXB Trẻ.2011)
Từ đoạn trích trên, em hãy viết một bài văn nghị luận với chủ đề: Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!
Câu 2: (7 điểm) Vận dụng cao
Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sỹ mang trong lòng.
(Tiếng nói văn nghệ - Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 9, Tập hai, NXBGD, 2016)
Bằng những hiểu biết về bài thơ Nói với con – Y Phương, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Câu 1.
Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.
- Bài văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
* Yêu cầu về nội dung:
1. Giới thiệu vấn đề: Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!
2. Giải thích vấn đề
- Hy vọng là gì? Hi vọng là niềm lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt tốt sẽ đến với mỗi chúng ta.
=> Sống trong niềm tin, hi vọng là một điều cần thiết đối với mỗi người để vượt qua mọi khó khăn.
3. Bàn luận vấn đề
- Biểu hiện của những người luôn hy vọng: đó là những người luôn sống lạc quan, tin tưởng vào bản thân và tương lai tốt đẹp đang ở phía trước chờ đợi họ.
- Vì sao chúng ta phải sống có hi vọng và niềm tin?
+ Trong cuộc sống mỗi chúng ta sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, vấp ngã, nếu sống không có niềm tin bạn sẽ không thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ trở thành kẻ thua cuộc.
+ Đánh mất sức mạnh hi vọng, niềm tin chúng ta sẽ đánh mất cả tương lai của bản thân.
- Ý nghĩa của sự hy vọng.
+ Đem lại niềm tin cho con người, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
+ Hi vọng giúp con người sẵn sàng khám phá những điều mới mẻ, giúp ta đặt đôi chân chúng ta lên con đường mà mắt chúng ta không nhìn thấy được.
+ Hi vọng còn là nguồn động lực, là ánh sáng giúp chúng ta tìm được lối ra trong những lúc bế tắc nhất của cuộc sống.
+ Những người luôn lạc quan, hi vọng còn được sống một cuộc sống hạnh phúc, họ truyền cảm hứng sống đến những người xung quanh.
- Dẫn chứng
+ Nick Vujicic dù bị cụt cả chân và tay, nhưng với niềm tin, hi vọng anh đã vượt qua mọi trở ngại, trở thành diễn giả nổi tiếng thế giới, truyền cảm hứng đến biết bao người.
+ Sylvester Stallone: Do chấn thương lúc mới sinh, Sylvester liệt một phần mặt và lưỡi, miệng bị lệch. Những dị tật đó khiến ông thường nói lắp, nhưng không thể ngăn cản ông trở thành diễn viên, biên kịch, đạo diễn kiêm nhà sản xuất nổi tiếng.
- Con người không còn hy vọng nữa sẽ thế nào?
+ Khi sống không còn niềm tin, hi vọng gặp khó khăn sẽ dễ chán nản, bỏ cuộc.
+ Không có sức đề kháng khi đương đầu với khó khăn
+ Sẽ trở thành kẻ thất bại.
4. Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Hy vọng không đồng nghĩa với việc bạn chỉ ngồi đợi kết quả mà không có bất cứ hành động nào. Hy vọng phải gắn liền với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, luôn hành động không nản chí, bỏ cuộc, chỉ khi ấy bạn mới có thể thấy ánh sáng nơi cuối con đường.
- Liên hệ bản thân
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giải thích nhận định
- Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác: Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Tác phẩm nghệ thuật là nơi kí thác, gửi gắm tình cảm, tâm tư, chiêm nghiệm của người nghệ sĩ.
- Tác phẩm vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng: Tác phẩm lay động cảm xúc, đi vào nhận thức, tâm hồn con người cũng qua con đường tình cảm. Người đọc như được sống cùng cuộc sống mà nhà văn miêu tả trong tác phẩm với những yêu ghét, buồn vui.
=> Nhận định nêu lên giá trị, chức năng của tác phẩm văn học.
2. Chứng minh nhận định qua tác phẩm “Nói với con”
2.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm “Nói với con”:
- Y Phương là một trong những nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.
- “Nói với con” là một trong những thi phẩm đặc sắc làm nên tên tuổi của ông, được viết vào năm 1980.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan của mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”.
(Nguyễn Quang Sáng – Chiếc lược ngà, SGK Ngữ văn 9, tập một, trang 198)
Câu 1: (1.0 điểm). Nhận biết
Xác định phép liên kết hình thức và từ ngữ liên kết trong các câu: “Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”
Câu 2: (0.5 điểm) Nhận biết
Câu văn “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa” sử dụng phép tu từ gì?
Câu 3: (0.5 điểm) Thông hiểu
Theo em, vì sao tác giả lại nhấn mạnh chi tiết bé Thu “hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”?
Câu 4: (1.0 điểm) Thông hiểu
Em có nhận xét gì về tình cảm bé Thu đối với ông Sáu được thể hiện qua đoạn trích trên?
PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Vận dụng cao
Việc bày tỏ tình cảm của con cái đối với cha mẹ có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau nhưng là một việc rất cần thiết.
Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về điều đó.
Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Sách giáo khoa Ngữ văn 9 có nhận định rằng: Đoạn thơ “Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.
Từ việc cảm nhận của em về đoạn thơ sau, hãy làm sáng tỏ nhận định trên:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
(Nguyễn Du – Truyện Kiều, SGk Ngữ Văn 9, tập một, trang 84,85)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU
1.
Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn.
Cách giải:
- Phép liên kết: Lặp từ ngữ
- Từ liên kết: Nó
2.
Phương pháp: Căn cứ biện pháp tu từ đã học: so sánh, nhân hóa,…
Cách giải:
- Biện pháp tu từ: liệt kê
3.
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Nhấn mạnh chi tiết bé Thu hôn lên vết thẹo dài trên mặt ba, nhằm: Bé Thu được nghe bà ngoại giảng giải, Thu hiểu vết thẹo trên mặt ba là chứng tích tội ác của kẻ thù. Sự nghi ngờ được giải tỏa, nó cảm thấy ân hận, hối tiếc. Tình cảm dành cho cha trào dâng trong phút chia tay. Con bé cuống quýt, hối hận, ăn năn hôn lên cả vết thẹo. Với con bé, tất cả những gì thuộc về ba, nó đều yêu thương tha thiết.
4.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Bé Thu là người có tình yêu thương cha tha thiết, mãnh liệt. Khi những băn khoăn được giải tỏa tình yêu đó được bùng cháy mạnh mẽ, mãnh liệt.
PHẦN II: TẬP LÀM VĂN
Câu 1.
Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.
Cách giải:
*Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.
- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
*Yêu cầu về nội dung:
1. Giải thích vấn đề:
Việc bày tỏ tình cảm của con cái đối với cha mẹ có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau nhưng là một việc rất cần thiết
=> Tầm quan trọng của việc bày tỏ tình yêu thương đối với cha mẹ.
2. Bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của việc bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ:
+ Để cha mẹ có thể cảm nhận được tình cảm, sự chân thành của con cái đối với bản thân.
+ Giúp xóa nhòa khoảng cách giữa con và cha mẹ, giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn.
+ Bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ cũng là cách thức giúp cha mẹ có thể nhanh chóng vượt qua những áp lực cuộc sống.
+ Bày tỏ tình yêu thương giúp gia đình sống hòa thuận và hạnh phúc hơn.
- Cách thức bày tỏ tình yêu thương
+ Bằng lời nói yêu thương, chân thành.
+ Bằng hành động thiết thực: giúp đỡ cha mẹ công việc trong gia đình, chăm ngoan học tập, thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ,…
- Nếu không bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ sẽ ra sao?
+ Nếu tình yêu không được thổ lộ, cha mẹ sẽ không thể biết được tình cảm cảm xúc của con cái với mình.
+ Không khí gia đình luôn buồn tẻ, lạnh lẽo, thiếu hơi ấm của sự hạnh phúc.
3. Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Bên cạnh đó vẫn có những người không có tình yêu thương với đấng sinh thành, sẵn sàng đánh đập mắng chửi. Đó là hành vi, biểu hiện của sự băng hoại đạo đức, lối sống. Những hành vi đó cần lên án và loại bỏ.
---(Để xem tiếp đáp án phần Tập làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
Câu 1: (2.0 điểm)
Đọc phần tích bài viết “Hoàng tử xiếc” Việt Nam và cú nhảy sinh tử của tác giả Hải Yến và trả lời các câu hỏi bên dưới:
(1) Chung kết Britain’s Got Talent 2018 vào tối 3/6 là ngày đặc biệt của khán giả Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam có đại diện tại đêm thi cuối cùng của show truyền hình tìm kiếm tài năng nổi tiếng thế giới. Tuy dừng chân ở Top 5 nhưng hai anh em họ Giang đã khiến nhiều người làm trong ngành nghệ thuật phải nể phục, quê nhà tự hào và khán giả toàn thế giới ngưỡng mộ.
(2) Hình ảnh hai chàng trai dũng mãnh, vững chãi hệt như những chiến sĩ băng đèo vượt suối, chinh phục bao núi cao hiểm trở "xẻ dọc Trường Sơn" khoác trên mình màu cờ sắc áo, lòng tự hào dân tộc.
(3) Bước nhảy cuối cùng hai anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thực hiện trong đêm chung kết có thể coi là sự hội tụ đầy đủ của mọi yếu tố: Bản lĩnh, quyết tâm, kiên cường, lòng dũng cảm, sự say nghề và thành quả kết tinh từ nhiều năm kiên trì tập luyện. […] Và có lẽ, khi đứng trên sân khấu, đứng trên đấu trường quốc tế với quy mô tầm cỡ, hai tiếng Việt Nam đã giúp các anh quên đi sợ hãi, quên đi bản thân mình. Đó không đơn thuần là biểu diễn nghệ thuật, không đơn thuần là lợi ích cá nhân mà nó đại diện cho cả đất nước, lòng tự tôn dân tộc.
(Theo Báo Đời sống và Pháp luật, số 69 ngày 8/6/2018)
a. Nhận biết
Tìm và gọi tên các thành phần biệt lập trong đoạn văn (3)
b. Thông hiểu
Xác định biện pháp tu từ nổi bật ở đoạn văn (2). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy.
Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao
Một trong những yếu tố làm nên sự thành công của anh em, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là lòng dũng cảm. Em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của bản thân về lòng dũng cảm trong cuộc sống.
Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Cảm nhận của em về vẻ đẹp bức tranh mùa thu trong đoạn thơ sau:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
(Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, NXBGD)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập
Cách giải:
Thành phần biệt lập trong đoạn văn (3) là :
+ Thành phần tình thái: "có lẽ".
+ Thành phần phụ chú: sau dấu hai chấm (Bản lĩnh, quyết tâm, kiên cường, lòng dũng cảm, sự say nghề và thành quả kết tinh từ nhiều năm kiên trì tập luyện).
b.
Phương pháp: căn cứ các biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
- Biện pháp tu từ: so sánh.
- Tác dụng: nhấn mạnh vẻ đẹp vững chãi, uy phong, hùng dũng của hình ảnh hai chàng trai đại diện cho dân tộc trên đấu trường quốc tế, họ chính là thế hệ tiêu biểu tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Nêu vấn đề.
* Giải thích vấn đề.
- Dũng cảm là có dũng khí, dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm.
- Lòng dũng cảm là một phẩm chất quan trọng cần có để mỗi người có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, để bảo vệ mình và những người xung quanh.
* Phân tích, bàn luận vấn đề.
- Ý nghĩa của lòng dũng cảm trong cuộc sống:
+ Lòng dũng cảm khiến con người mạnh dạn đối đầu với khó khăn, thử thách.
+ Lòng dũng cảm khiến con người chiến thắng bản thân mình.
+ Lòng dũng cảm giúp con người sống có trách nhiệm hơn.
+ Những con người dũng cảm luôn vượt lên trên hiểm nguy để hành động theo lẽ phải, họ được cả xã hội ca ngợi, tôn vinh.
+ Lòng dũng cảm sẽ giúp tiêu diệt cái xấu, cái ác.
- Biểu hiện lòng dũng cảm:
+ Trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, biết bao anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tuổi xuân và tính mạng của mình cho độc lập tự do của dân tộc.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Kim Chân. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !