TRƯỜNG THCS KINH BẮC | ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Câu 1:
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:
…Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bụt
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
(Ngữ Văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.143)
a. Nhận biết
Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
b. Thông hiểu
Trong các từ nhóm trên, từ nào được dùng với nghĩa gốc, từ nào được dùng với nghĩa chuyển. Giải thích nghĩa gốc, nghĩa chuyển của từ nhóm trong đoạn thơ.
c. Thông hiểu
Nêu hiệu quả nghệ thuật của từ nhóm trong đoạn thơ trên.
Câu 2: Vận dụng cao
Hãy viết một đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch từ 12 đến 15 câu trình bày suy nghĩ của em về lối sống giản dị, trong đó có sử dụng một phép liên kết (gạch chân dưới phương tiện liên kết và tên phép liên kết được sử dụng)
Câu 3: Vận dụng cao
Về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long có ý kiến cho rằng: Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường mà cao đẹp.
Hãy phân tích nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr 180) để làm sáng tỏ ý kiến trên
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ nội dung bài Bếp lửa
Cách giải:
Đoạn thơ trên trích trong văn bản “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt.
b.
Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ. Phương pháp phân tích, lí giải.
Cách giải
- Từ nhóm trong câu thơ 1,3 được dùng theo nghĩa gốc, từ nhóm trong câu thơ 2,,4 được dùng theo nghĩa chuyển.
+ Nghĩa gốc: là động từ thể hiện một hành động làm cho lửa bén, cháy bén, cháy lên ngọn lửa và một bếp lửa hoàn toàn có thật có thể cảm nhận bằng mắt thường.
+ Nghĩa chuyển: (hình ảnh bếp lửa và bà) khơi dậy niềm yêu thương, những kí ức đẹp cho cháu. Bà đã truyền hơi ấm tình người, khơi dậy trong tâm hồn cháu tình yêu thương gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Và cũng chính từ hình ảnh bếp lửa, bà đã khơi dậy cả những kí ức, kỉ niệm tuổi thơ ấu trong cháu để cháu luôn nhớ về nó cũng có nghĩa là nhớ về cội nguồn, dân tộc.
c.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Từ nhóm được điệp lại 4 lần trong đoạn thơ trên nhằm: Nhóm lên ngọn lửa của tình người nồng ấm giữa cuộc đời thiếu thốn. Nhóm lên ngọn lửa tâm hồn cháu để cháu biết yêu thương khoai sắn ngọt bùi, cháu biết vui trước niềm vui bình dị nhất.
Câu 2.
Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm đoạn văn nghị luận xã hội.
Cách giải:
*Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.
- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Đoạn văn đáp ứng yêu cầu về hình thức từ 8 đến 10 câu và có sử dụng phép thế.
*Yêu cầu về nội dung:
Giới thiệu vấn đề: Lối sống giản dị.
1. Giải thích vấn đề:
- Lối sống giản dị là lối sống không cầu kì, xa hoa, kiểu cách, sống phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Sống giản dị còn là không lãng phí, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài.
- Biểu hiện: Giản dị trong sinh hoạt (trong cách ăn mặc), giản dị trong quan hệ với mọi người, giản dị trong lời ăn, tiếng nói.
2. Bàn luận, mở rộng
- Tại sao con người cần có lối sống giản dị?
+ Của cải, vật chất là thành quả lao động của con người. Bởi vậy mình cần phải xây dựng và rèn luyện cho mình lối sống giản dị và tiết kiệm. Đó cũng là cách biểu hiện sự tôn trọng những giá trị lao động.
+ Lối sống giản dị là truyền thống tốt đẹp của cha ông bao đời, chúng ta cần phát huy bền vững. Hơn nữa, người sống giản dị sẽ nhận được sự cảm thông và giúp đỡ của những người xung quanh.
+ Lối sống giản dị giúp con người tiết kiệm thời gian, sức lực và làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa, chân thành và gắn bó. Nó cũng là cách di dưỡng những phẩm giá tốt đẹp của nhân cách và tinh thần con người.
+ Lối sống giản dị cũng giúp chúng ta hướng đến những giá trị đích thực, biết trân trọng những gì có ở xung quanh mình và vun đắp những điều có ý nghĩa.
- Làm sao để rèn luyện lối sống giản dị?
+ Tăng cường học tập, tích lũy tri thức để bản thân trở thành những người thực sự hiểu biết.
+ Trong sinh hoạt, nên mua sắm những gì cần thiết, điều chỉnh sinh hoạt hợp lí với điều kiện cá nhân, gia đinh và xã hội.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU
Có một cậu bé ngỗ nghịch hay bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu thét lớn: “Tôi ghét người”. Khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu bé hốt hoảng quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có tiếng người ghét cậu.
Người mẹ cầm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người”. Lạ lùng thay, cậu bé vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó, người mẹ mới giải thích cho con hiểu: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì ắt gặt bão. Nếu con thù ghét thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”.
(Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ, 2002)
Câu 1. Nhận biết
Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. Nhận biết
Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta.”
Câu 3. Thông hiểu
Thông điệp mà câu chuyện trên mang đến cho người đọc.
Câu 4. Vận dụng cao
Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề cho và nhận trong cuộc sống.
II. LÀM VĂN (6.0 điểm) Vận dụng cao
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mười
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I.
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự.
Câu 2:
Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập
Cách giải:
Thành phần biệt lập – thành phần gọi – đáp: Con ơi.
Câu 3:
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Thông điệp: Con người nếu cho đi những điều gì sẽ nhận lại được những điều như vậy, cho đi điều tốt đẹp sẽ nhận được điều tốt đẹp.
Câu 4:
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Nêu vấn đề.
* Giải thích vấn đề:
- Cho tức là hành động đem những thức thuộc về mình mang đến cho người khác. Cho chính là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim của một người. Dù “cho” rất nhỏ, rất đời thường nhưng đó là cả một tấm lòng đáng quý.
- Nhận là hành động cầm lấy cái được trao cho mình. Nhận ở đây còn là nhận sự yêu thương của người khác với mình, là nhận lại sự đáp trả, đền ơn.
=> Cho và nhận là một mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều mối quan hệ tương trợ, bổ sung cho nhau.
* Bàn luận vấn đề:
+ Nếu con người biết cho và nhận, cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc hơn, các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
+ Phê phán những người cho đi có mục đích, chỉ biết nhận mà không biết cho.
+ Liên hệ bản thân: Em đã cho và nhận những gì trong cuộc sống.
II.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Là một nhà thơ cách mạng, sự nghiệp thơ văn của ông gắn với hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
- Thanh Hải để lại số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vẫn tạo được dấu ấn riêng nhờ vẻ đẹp bình dị, trong sáng, ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, cảm xúc chân thành, đằm thắm.
Tác phẩm:
- Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1980 – thời điểm Thanh Hải ốm nặng và chỉ mấy tuần lễ sau ông qua đời.
- Được sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt nhưng bao trùm bài thơ lại là tình yêu, là sự gắn bó thiết tha với quê hương, đất nước, là cả một khát vọng sống đẹp của tác giả.
- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý.
2. Phân tích
a. Niềm nguyện ước chân thành của tác giả:
- Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được khơi gợi từ những cảm nhận về một mùa xuân mới, mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của cuộc sống lao động và chiến đấu của dân tộc.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
Phần I. Đọc hiểu
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.
Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đó là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt mộtt thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bai giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!” Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nối khát khao của tôi.
(Cánh diều tuổi thơ – Tạ Duy Anh, Tiếng Việt 4, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Câu 1. Nhận biết
Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Nhận biết
Tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cánh diều?
Câu 3. Thông hiểu
Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ.
Câu 4. Thông hiểu
Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua hình ảnh cánh diều? Trả lời trong khoảng 3 đến 5 dòng.
Phần II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm) Vận dụng cao
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ về vai trò của khát vọng trong cuộc sống.
Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
(Trích Sang thu – Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I.
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2:
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Những chi tiết tác giả chọn để tả cánh diều:
+ Cánh diều mềm mại như cánh bướm.
+ Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng.
+ Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
Câu 3:
Phương pháp: căn cứ nội dung bài So sánh.
Cách giải:
- Biện pháp tu từ được sử dụng: so sánh. Tác giả so sánh bầu trời đêm với một tấm thảm nhung.
- Tác dụng: Gợi vẻ đẹp của bầu trời đêm. Tấm thảm nhung có đặc tính mềm, mịn; bầu trời đêm cũng mịn và không một gợn mây, mở ra không gian cao rộng.
Câu 4:
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Qua hình ảnh cánh diều tác giả muốn nói:
+ Cánh diều là những kỉ niệm tuổi thơ của tác giả với những người bạn nơi thôn quê. Đó là kí ức đẹp theo tác giả suốt đời.
+ Cánh diều tuổi thơ là nơi chở những khát vọng, những ước mơ của tác giả bay cao, bay xa.
II.
Câu 1.
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Yêu cầu về hình thức
- Bài văn hoặc đoạn văn
- Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả.
Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau:
1. Nêu vấn đề.
2. Giải thích vấn đề
- Khát vọng là những mong muốn lớn lao, tốt đẹp của mỗi con người, nó mang một sức thôi thúc mạnh mẽ mà khiến họ cần phải hành động để đạt được khát vọng của bản thân.
- Mỗi con người sẽ có những khát vọng riêng trong cuộc sống của mình. Khát vọng là động lực để con người phát triển và vươn tới thành công.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Vai trò của khát vọng với con người:
+ Có khát vọng tức là con người có những ước mơ. Một người sống không thể thiếu ước mơ vì những ước mơ, khát vọng giúp con người nỗ lực và phấn đấu không ngừng.
+ Có khát vọng, con người sẽ có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc sống.
+ Con người có khát vọng là con người sống có lí tưởng riêng và những người như vậy nhất định sẽ thành công.
- Khát vọng khác với tham vọng. Cần phải tỉnh táo để không biến những khát vọng của mình thành những tham vọng.
- Phê phán những người sống không có khát vọng, sống như những cỗ máy.
- Liên hệ bản thân: Em đã phải là người sống có khát vọng chưa? Hãy chia sẻ về những khát vọng của mình?
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
Câu 1: (2.0 điểm)
a. Nhận biết
Xác định biện pháp tu từ trong ngữ liệu sau:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Thông hiểu
Viết lại câu đằng sau bằng cách chuyển phần in đậm thành khởi ngữ.
Anh ấy chạy nhanh nhất đội tuyển
c. Thông hiểu
Cho đoạn văn sau, tìm câu có chứa hàm ý và cho biết nội dung hàm ý đó là gì?
Tôi lên tiếng mở đường cho nó:
- Cháu phải gọi “Ba chắt nước giùm con”, phải nói như vậy.
Nó như không để ý đến câu nói của tôi, nó lại kêu lên:
- Cơm sôi rồi, nhão bây giờ
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
Câu 2: (3.0 điểm)
Gia đình luôn hiện về bên ta trên mọi nẻo đường, vực ta dậy mỗi khi vấp ngã, góp một nụ cười khi ta thành công.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 30 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Câu 3: (5.0 điểm)
Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
Biện pháp tu từ: so sánh.
b.
Phương pháp: căn cứ bài Khởi ngữ
Cách giải:
Chạy, anh ấy nhanh nhất đội tuyển.
c.
Phương pháp: căn cứ bài Nghĩa tường minh và Hàm ý
Cách giải:
- Câu văn chứa hàm ý: “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!”
- Hàm ý: Cơm đã sôi rồi, bé Thu muốn ông Sáu chắt nước giúp nó.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giải thích vấn đề:
“Gia đình luôn hiện về bên ta trên mọi nẻo đường, vựa ta dậy mỗi khi vấp ngã, góp một nụ cười khi ta thành công”
=> Vai trò của gia đình đối với con người.
- Gia đình là một trong ba môi trường của xã hội, quyết định trực tiếp tới mặt tự nhiên và xã hội trong mỗi con người. Là nơi để các thành viên sống chân thành với nhau, san sẻ lòng yêu thương, niềm vui, là điểm dựa vững chắc nhất những lúc chúng ta gặp khó khăn, hay thất bại trong cuộc sống.
- Gia đình là những người cùng chung sống dưới một mái nhà, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống, thường gồm có ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt.
2. Bàn luận vấn đề
* Vai trò của gia đình:
- Gia đình là nơi ta được sinh ra, được nuôi dưỡng trưởng thành.
- Gia đình là nơi đầu tiên giúp ta hình thành nhân cách.
- Gia đình là nơi bao bọc, che chở cho mỗi con người.
- Gia đình là cái nôi, là chốn bình yên cho ta trở về sau những giông bão của cuộc đời. Gia đình còn là nơi chia sẻ niềm vui khi ta thành công.
- Gia đình là nguồn động lực, nguồn cổ vũ động viên giúp ta không ngừng phấn đấu.
- Gia đình là nơi nâng đỡ, giúp ta vươn đến những ước mơ của cuộc đời.
=> Gia đình có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
=> Gia đình còn là hạt nhân, tế bào của xã hội. Gia đình vững chắc và bình yên là nơi nuôi dưỡng những con người có ích cho xã hội.
* Mỗi người con phải có trách nhiệm đối với gia đình: luôn yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ. Chăm sóc, phụng dưỡng khi ông bà cha mẹ già yếu.
* Phản đề: Bên cạnh đó vẫn có những người chưa nhận ra được ý nghĩa và có ý thức trân trọng, gìn giữ gia đình, thậm chí là có hành động đi ngược lại điều đó: bất hiếu, đánh đập ông bà, cha mẹ, đây là hành vi đáng lên án và loại bỏ.
* Liên hệ bản thân.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Kinh Bắc. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !