TRƯỜNG THCS PHÚ THƯỢNG | ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Phần I. (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về.
(Ngữ Văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2016, trang 4, 5)
Câu 1. (0.5 điểm) Nhận biết
Nêu xuất xứ của đoạn trích trên. Xác định nội dung chính của đoạn trích.
Câu 2. (1 điểm) Thông hiểu
Chỉ ra và nêu tác dụng của một nét nghệ thuật đặc sắc trong câu văn sau: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần”.
Câu 3. (1.5 điểm) Vận dụng cao
Từ tinh thần của đoạn trích trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng ½ trang) theo kiểu Tổng – phân – hợp, trình bày suy nghĩ của bản thân về phương pháp đọc sách sao cho hiệu quả.
II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1: (2.5 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ theo cách lập luận tổng – phân – hợp bàn về tâm niệm của Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Trong đó sử dụng ít nhất hai phép liên kết. (Gọi tên và xác định từ ngữ liên kết)
Câu 2: (4.5 điểm)
Phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho con gái qua đoạn trích sau đây:
[…] Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được ngà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc… Mỗi ngày anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi… cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” … Những đêm nhớ con,… anh lấy cây lược ra ngắm nghía, rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không mảy xảy ra… Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập 1)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
PHẦN I.
1.
Phương pháp: căn cứ bài Bàn về đọc sách
Cách giải:
- Đoạn trích nằm trong văn bản Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm.
- Nội dung chính của đoạn trích: Đọc sách không cốt nhiều mà quan trọng là chọn tinh, đọc kĩ.
2.
Phương pháp: căn cứ bài So sánh
Cách giải:
Trong câu: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần” sử dụng biện pháp so sánh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách cho kĩ để tiếp thu được hết những tinh hoa chứa đựng trong một quyển sách.
3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng đoạn tổng phân hợp và dung lượng mà đề bài yêu cầu.
- Diễn đạt trôi chảy, luận điểm sáng rõ.
Yêu cầu về nội dung:
a. Thế nào đọc sách có hiệu quả?
- Đọc sách có hiệu quả là khả năng tích lũy được những tri thức, rút ra được điều gì cho riêng mình, có ích đối với bản thân trong quá trình đọc sách.
- Mục đích và vai trò của việc có phương pháp đọc sách hiệu quả: Để đọc sách có hiệu quả thì bản thân mỗi người cần phải có phương pháp và xây dựng được chiến lược đọc sách cho riêng mình. Mỗi người phù hợp với một phương pháp riêng. Việc tìm được và vận dụng phương pháp đọc sách phù hợp sẽ nâng cao khả năng đọc và tiếp thu vốn tri thức mà sách mang lại.
b. Phương pháp đọc sách sao cho hiệu quả:
* Cần xác định được các bước đọc sách:
- Bước 1: Xác định mục đích đọc sách
- Bước 2: Tìm hiểu địa chỉ và review về cuốn sách, lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu của cuốn sách.
- Bước 3: Đọc một vài đoạn.
- Bước 4: Đọc thực sự (đọc sâu): Một vài kĩ năng: Đọc lướt qua, Đọc có trọng điểm, Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ; Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách; Đọc thụ động; Đọc chủ động; Đọc nông; Đọc sâu,…
* Tích cực tư duy khi đọc.
* Tập trung chú ý cao độ khi đọc sách.
* Rèn luyện khả năng đọc và có kĩ thuật đọc hợp lí: Chọn loại sách phù hợp, không gian đọc, tư thế đọc và chuẩn bị một quyển sổ để ghi chép những điều đáng lưu tâm vừa đọc được.
* Ghi chép một cách khoa học những điều đã đọc.
- Bản thân Lê-nin là người có trí nhớ tuyệt vời nhưng luôn ghi chép đầy đủ những điều đã đọc, đã nghĩ.
- Mendelev nói: “Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt”.
=> Ghi chép sau khi đọc là quá trình tái hiện và tái tạo tri thức, giúp người đọc có khả năng hệ thống lại, nghiền ngẫm, thậm chí là vận dụng để tạo ra những tri thức mới.
c. Liên hệ bản thân: Bản thân em đã đọc sách có hiệu quả chưa? Phương pháp mà em đã dùng để đọc sách có hiệu quả là gì?...
II. Làm văn
Câu 1:
* Yêu cầu về hình thức
- Đoạn văn 200 chữ, sử dụng phép lập luận tổng – phân – hợp.
- Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai phép liên kết (Gọi tên và xác định từ ngữ liên kết).
- Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về nội dung:
Đoạn văn đảm bảo các nội dung chính sau:
- Giải thích: “tấm lòng” là những tình cảm tốt đẹp, đáng trân trọng ở con người. Trịnh Công Sơn muốn khẳng định sống trong đời sống, mỗi người cần có một tấm lòng biết quan tâm, yêu thương, biết dành những điều tốt đẹp cho người khác.
- Vì mỗi người chỉ được sống có một lần trong cuộc đời, và “người với người sống để yêu nhau” nên phải dành tất cả những gì tốt đẹp cho mọi người xung quanh thì mới làm cho cuộc sống đẹp hơn, đáng sống hơn.
- Biểu hiện của việc sống có tấm lòng:
+ Tấm lòng trong cuộc sống để biết cảm thông và chia sẻ: biết sẻ chia, chúng ta nhân đôi niềm vui, chia vợi nửa nỗi buồn. Khi con người biết quan tâm đến nhau, thế giới sẽ không còn khổ đau và bất hạnh.
+ Tấm lòng trong cuộc sống để biết tha thứ và bao dung, để không có sự ích kỉ, hận thù, để xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm êm.
+ Tấm lòng của sự dũng cảm, của đức hi sinh: Dũng cảm để xả thân vì lí tưởng cao đẹp, để biết hi sinh cho những điều xứng đáng.
- Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, vẫn không ít người thiếu những “tấm lòng”, sống nhỏ nhen, chỉ biết vun vén cho bản thân.
- Bài học hành động và liên hệ bản thân: không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nuôi dưỡng tâm hồn, tấm lòng để biết sống vì người khác, biết cho đi.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
Phần I (4 điểm)
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca về lao động và về thiên nhiên đất nước.
1. Nhận biết
Cho biết tên tác giả và năm sáng tác của bài thơ đó.
2. Thông hiểu
Xác định các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên ở những câu thơ sau:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng”.
Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ này có tác dụng gì?
3. Nhận biết
Ghi lại chính xác câu thơ trong một bài thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh mà em đã được học ở chương trình Ngữ Văn Trung học cơ sở có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng.
4. Vận dụng cao
Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ hình ảnh người lao động ở khổ thơ dưới dây, trong đó sử dụng phép lặp để liên kết và câu có thành phần phụ chú (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép lặp và thành phần phụ chú)
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”
(Trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Phần II. (6 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Thôi, chấm dứt tiết mục hái hoa – Người con trai bất chợt quyết định – Bác lái xe chỉ cho ba mươi phút thôi. Hết năm phút rồi. Cháu nói qua công việc của cháu, năm phút. Còn hai mươi phút, mời bác và cô vào nhà uống chè, cho cháu nghe chuyện. Cháu thèm nghe chuyện dưới xuôi lắm. Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định tới gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cái thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cốc li phân mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm, không nhìn mây, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn, muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.
(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long,
Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2016, trang 183, 184)
Câu 1. (0,5 điểm) Nhận biết
Nêu hoàn cảnh sáng tác của văn bản chứa đoạn trích trên.
Câu 2. (1,5 điểm) Thông hiểu
Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…”
Câu 3. (4 điểm) Vận dụng cao
Viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích trên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Phần I.
1.
Phương pháp: căn cứ nội dung bài
Cách giải:
- Tác giả của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là Huy Cận.
- Bài thơ được sáng tác năm 1958.
2.
Phương pháp: căn cứ bài Trường tự vựng
Cách giải:
- Các từ ngữ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên trong hai câu thơ là: gió, trăng, mây, biển.
- Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ có tác dụng:
+ Khắc họa hình ảnh con thuyền:
Khắc họa hình ảnh đoàn thuyền ra khơi tìm luồng cá với một tư thế mới, đẹp một cách hùng tráng và thơ mộng.
Tô đậm hình ảnh con thuyền ra khơi: con thuyền nhỏ bé bỗng được nâng lên tầm vóc lớn lao khi được đặt trong tương quan với bốn hình ảnh kì vĩ: gió, trăng, mây cao, biển bằng. Con thuyền ở giữa, làm chủ tất cả, lấy gió làm lái, lấy trăng làm buồm, lấy mây cao, biển bằng làm không gian lướt sóng.
+ Gợi hình ảnh con người trong tư thế đẹp đẽ, không chỉ hòa mình vào thiên nhiên mà con người còn mang tầm vóc vũ trụ, làm chủ vũ trụ và cuộc đời.
3.
Phương pháp: căn cứ nội dung bài học
Cách giải:
Câu thơ trong bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng là:
“Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
4.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về hình thức:
- Đoạn văn 12 câu theo cách lập luận diễn dịch.
- Trong đoạn văn có sử dụng phép lặp để liên kết và câu có thành phần phụ chú (gạch dưới những từ ngữ dùng làm phép lặp và thành phần phụ chú).
- Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về nội dung:
Đoạn văn của học sinh đảm bảo những ý chính sau:
- Huy Cận là một họa sĩ tài ba: ông sử dụng hình khối và ánh sáng rất điêu luyện khiến cảnh kéo lưới hiện ra như trong một bức tranh sơn mài rực rỡ. Đoạn thơ đã khắc họa hình ảnh con người lao động khỏe khoắn là trung tâm của bức tranh lao động trong thời gian gần sáng.
- Con người đang chạy đua cùng thời gian, kéo lưới cho “kịp” trời sáng, nhịp điệu lao động gấp gáp, khẩn trương hơn, con người say mê lao động và say mê thiên nhiên.
- Vẻ đẹp của ngư dân lao động tụ vào hai chữ “xoăn tay” đầy chất tạo hình, thật gân guốc, chắc khỏe, gợi những đường cơ bắp cuồn cuộn kéo lên mẻ lưới trĩu nặng cá bạc cá vàng.
- Hình ảnh “chùm cá nặng” gợi vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ của người lao động và một mẻ lưới bội thu, đồng thời gợi sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cho con người.
- Câu thơ “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông” tạo một hiệu quả kép: chữ “lóe” khiến rạng đông như bừng lên từ vẩy bạc đuôi vàng, sắc cá làm ra sắc trời, mặt khác, rạng đông làm lóe sắc cá màu hồng của bình minh tưới vào vũ trụ làm ấm bức tranh, vẩy cá, đuôi cá bắt ánh sáng lóe sắc bạc sắc vàng hay là bạc vàng trong kho trời vô tận thưởng công cho nỗ lực lao động của con người.
=> Đoạn thơ khắc họa hình ảnh con người lao động bình dị mà lớn lao, phi thường.
PHẦN II.
a.
Phương pháp: căn cứ bài Lặng lẽ Sa Pa
Cách giải:
Hoàn cảnh sáng tác của văn bản chứa đoạn trích: tác phẩm là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Được rút ra từ tập: Giữa trong xanh (1972).
b.
Phương pháp: căn cứ bài so sánh
Cách giải:
- Biện pháp nghệ thuật: so sánh: Không khí lặng im như bị gió chặt đứt ra từng khúc, gió lại giống như những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung.
- Tác dụng:
+ Biện pháp so sánh nêu lên cảm nhận của anh thanh niên về sự khắc nghiệt của thời tiết.
+ Khắc họa không gian núi rừng Sa Pa vào lúc 1 giờ sáng – giờ ốp của anh thanh niên: vắng lặng, giá rét…
+ Qua biện pháp so sánh cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên. Người con trai ấy vẫn miệt mài, nghiêm túc thực hiện công việc của mình theo đúng lịch trình dù không có ai theo dõi, dù điều kiện thời tiết khó khăn.
c.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Bài văn đảm bảo những ý chính sau:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
Câu 1: (4 điểm)
Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát cậu đụng phải một tảng đá lớn. Cậu loay hoay tìm cách đẩy nó ra. Dù đã dùng đủ mọi cách, cố hết sức, nhưng rốt cuộc, cậu vẫn không thể đẩy được tảng đá. Đã vậy, bàn tay cậu còn bị trầy xước, rớm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. Ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện, người cha lúc này mới bước ra và nói: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của minh?” Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”. “Không con trai, con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”. Nó rồi người bố cúi xuống, cùng con, bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.
(Theo báo Tuổi trẻ - Bùi Xuân Lộc, phỏng dịch từ Faith to Move Mountains)
Viết một bài văn (khoảng 3 trang) trình bày suy nghĩ của em về những điều câu chuyện trên gợi ra.
Câu 2: (6 điểm)
“Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, y nguyên”
(Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học 2006. Tr 279)
Từ những chiêm nghiệm trên, hãy nói về những điều “chiến tranh không tiêu diệt được” trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
Câu 1.
Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.
- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
* Yêu cầu về nội dung:
1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
2. Giải thích vấn đề
- Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rút ra bài học.
- Cậu bé ban đầu tìm cách tự tháo gỡ khó khăn của chính mình => Bài học về sự tự lực, tự lập.
- Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người chỉ nằm trong chính bản thân mình.
- Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Biết tổng hợp sức mạnh từ những nguồn lực xung quanh sẽ đem đến thành công nhanh chóng hơn.
=> Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết cũng khó thành công.
3. Bàn luận, mở rộng
- Tại sao con người cần tự lập:
+ Tự lập khiến con người chủ động trong cuộc sống của chính mình.
+ Tự lập khiến con người trở nên dũng cảm, có trách nhiệm và dám sống với những ước muốn và những hướng đi riêng của mình.
+ Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh nên tự lập chính là cách tốt nhất để ta luôn có được sự bình tâm trước những biến cố.
Tuy nhiên trong một vài trường hợp đặc biệt, con người vẫn cần đến sự giúp đỡ của những người thân, bạn bè.
- Tại sao mỗi người nên nhận sự giúp đỡ của người khác?
+ Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, bất ngờ vượt khỏi khả năng của mỗi cá nhân; có những vấn đề phải nhiều người mới giải quyết được.
+ Mỗi người luôn có khát vọng được thành công trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên hiểu biết và năng lực của mỗi con người lại nằm trong giới hạn. Vì vậy con người cần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
- Ý nghĩa của sự giúp đỡ từ người khác:
+ Sự thành công sẽ nhanh và bền vững hơn.
+ Người nhận sự giúp đỡ có thêm sức mạnh và niềm tin, hạn chế được những rủi ro và thất bại.
+ Tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết giữa người với người, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay.
- Giúp đỡ không phải là làm thay; giúp đỡ phải vô tư, chân thành, tự nguyện.
- Phê phán những người tự cao không cần đến sự giúp đỡ của người khác, những người ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.
3. Bài học nhận thức và hành động
- Phải nhận thấy sức mạnh của cá nhân là sức mạnh tổng hợp.
- Chủ động tìm sự giúp đỡ và chỉ nhận sự giúp đỡ khi bản thân thực sự cần.
- Có thói quen giúp đỡ mọi người.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
* Phạm Tiến Duật
Tác giả:
- Là nhà thơ khoác áo lính, một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.
- Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.
- Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.
Tác phẩm: Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”.
Đoạn trích: ba khổ thơ cuối bài đã thể hiện tình đồng đội keo sơn, gắn bó và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những người lính.
* Lê Minh Khuê
- Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.
- Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:
+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.
+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.
- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Phú Thượng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !