TRƯỜNG THPT UÔNG BÍ | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trở thành một “cao thủ thuyết phục”, chuyên gia đàm phán, nhưng lại không có sách nào dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. Khi bạn bắt đầu hiểu được những thứ bên trong của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác một cách rất tự nhiên. Nếu như không hiểu được chính mình, bạn sẽ khiến nội tâm bị nhiễu loạn, làm nguy hại đến môi trường giao tiếp với mọi người. Sự tương tác giả dối với người khác sẽ là mầm họa lớn nhất khiến cho bạn tự trách mình và trách người, nó cũng là mầm mống tạo ra những giông bão cả phía bên trong và bên ngoài của bạn.
Sự đối nhân xử thế rất quan trọng! Nhưng bạn bắt buộc phải hiểu được chính mình, giao tiếp với chính mình, thì lúc đó bạn mới hiểu và tương tác lành mạnh với người khác. Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì. Điều này sẽ giúp ích cho hành trình xuất phát lại từ đầu của sự nghiệp cũng như sự điều chỉnh lại trong gia đình, tất cả đều bắt đầu từ việc bạn buộc phải hiểu được chính mình!
(Lư Tô Vỹ, Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác, NXB Dân trí, 2017, tr.206 – 207)
Câu 1: Theo tác giả, trên thế giới có quá nhiều loại sách nào và còn thiếu loại sách nào?
Câu 2: Cũng theo tác giả, chúng ta chỉ “nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác” khi nào?
Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng, “biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì”?
Câu 4: Trong văn bản trên, tác giả đề cao việc “làm thế nào để đối thoại với chính mình”. Vì từ “đối thoại với chính mình” mới hiểu được mình để có cách ứng xử và hành động hợp lí.
Theo anh/chị, có thể coi đoạn văn sau trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao là lời “đối thoại với chính mình” của Chí Phèo không? Sau những lời này, Chí Phèo có thực sự “hiểu được chính mình” không?
Hắn nhìn bát cháo hành bốc khói mà bâng khuâng […]. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm cho người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo.
Hắn tự hỏi rồi tự trả lời: Có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa!
(Trích Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, NXB Giáo dục 2007, tr.150)
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.
Câu 2.
Để hiểu được thể loại văn học kịch, SGK Ngữ văn 11 (Bộ chuẩn, NXB Giáo dục 2007, Tr.110) cho rằng:
Tập trung chú ý vào lời thoại của các nhân vật.
Theo anh/chị, tại sao phải chú ý vào lời thoại của các nhân vật? Phân tích ý nghĩa cuộc đối thoại giữa hồn và xác trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ để trả lời câu hỏi trên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Loại sách có nhiều: sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trởthành một “cao thủ thuyết phục”, chuyên gia đàm phán.
- Loại sách còn thiếu: dạy con người ta đối thoại với chính mình.
Câu 2:
- Khi “bạn bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân” tức hiểu chính mình khi ấy sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của mọi người.
Câu 3:
- “Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì” vì: Thấu hiểu bản thân là điều vô cùng khó khăn, bởi chúng ta luôn có xu hướng tự che giấu, tự bao biện cho những mong muốn hoặc sai lầm của bản thân. Bởi vậy, chỉ khi thực sự hiểu bản thân cần gì, muốn gì thì khi ấy mới có thể hiểu người khác muốn gì.
Câu 4:
- Có thể coi đó là lời đối thoại của Chí Phèo với chính mình.
- Sau những lời thoại đó Chí Phèo đã hiểu bản thân hơn và hắn khao khát được làm hòa với mọi người, hắn thèm được sống lương thiện.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Hiểu mình tức là hiểu bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu gì để phát huy. Hiểu bản thân cần gì, muốn gì để từ đó có những phương hướng, hành động đúng đắn.
- Hiểu người là hiểu những suy nghĩ, cảm nhận của những người xung quanh mình để từ đó có những ứng xử sao cho phù hợp.
* Bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.
+ Đối với bản thân, hiểu được chính mình là điều quan trọng và không dễ dàng thực hiện. Hiểu mình sẽ giúp phát huy năng lực, sở trường của bản thân, sửa chữa những mặt còn hạn chế. Hiểu được chính mình cũng giúp bạn xác định được mục tiêu, hướng đi đúng đắn cho bản thân.
+ Đối với người khác, việc hiểu được họ cũng có ý nghĩa quan trọng. Hiểu người khác sẽ giúp bạn có cách hành xử đúng mực. Thấu hiểu không chỉ là yếu tố để xây dựng và duy trì những mối quan hệ lành mạnh và tích cực, mà còn góp phần giúp con người làm việc hiệu quả hơn và thành công hơn trong cuộc sống. Không chỉ vậy còn khiến mọi người yêu quý, tôn trọng.
- Làm thế nào để hiểu bản thân và hiểu người khác.
+ Với bản thân: để hiểu chính mình cần chấp nhận sự thật và những chỉ trích từ những người xung quanh. Chấp nhận mình có điểm yếu kém để thay đổi. Chấp nhận chỉ trích để rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Hiểu điểm mạnh để phát huy khả năng hơn nữa.
+ Với những người xung quanh: luôn luôn quan sát mọi người; biết lắng nghe những câu chuyện của họ; có cái nhìn bao dung, độ lượng cảm thông với lầm lỗi của những người xung quanh; chấp nhận sự khác biệt ở họ.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy.
Phận là cái phận mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người.Phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi,… Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, là đã phải lo làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra nó ở phận nào , theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi.
Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở.
Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng? Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người.
Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua cả một thời gian dài.
Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí.
(Thanh niên và số phận – Nguyễn Khắc Viện, dẫn theo Ngữ Văn 11 Nâng cao, tập 2, trang 139)
Câu 1. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?
Câu 2. Theo tác giả đoạn trích, vì sao đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ trăn trở nhiều về số phận của bản thân?
Câu 3. Theo Nguyễn Khắc Viện, vì sao thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ, trăn trở về số phận?
Câu 4. Theo tác giả, những yếu tố nào có ý nghĩa quyết định đối với thành công và hạnh phúc của một con người trong thời đại ngày nay?
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về sức mạnh của niềm tin và đạo lí.
Câu 2:
Về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, có ý kiến cho rằng: “Tô Hoài không chỉ có tài năng bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật mà còn có tấm lòng nhân đạo sâu sắc.”
Anh/chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong “đêm tình mùa xuân” để làm sáng tỏ ý kiến.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Thao tác lập luận chủ yếu là: so sánh.
Câu 2:
- Đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ, trăn trở về số phận vì: ai đã có phận nấy, như người xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Qua cách nói hình ảnh tác giả đã nói lên hiện tượng thanh niên trong xã hội xưa phải tuân theo sự sắp đặt của gia đình và hoàn toàn thụ động không được quyết định số phận của bản thân.
Câu 3:
Thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ, trăn trở về số phận vì:
- Tuy cái phận vẫn còn nhưng trước mắt mọi người vẫn luôn mở ra những con đường mới, giúp thanh niên thay đổi số phận.
- Cơ hội được chia đều cho mọi người.
- Ngày nay, thanh niên có quyền được lựa chọn và cố gắng, ngoài ra còn có sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của mỗi cá nhân.
Câu 4:
- Theo tác giả, yếu tố có nghĩa ý quyết định đối với sự thành công và hạnh phúc của mỗi người trong thời đại ngày nay là: “Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định”.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giải thích
- Niềm tin: sự tin tưởng, tín nhiệm vào những điều có thể làm trongcuộc sống dựa trên cơ sở hiện thực nhất định. Sức mạnh niềm tin trong cuộc sống là sức mạnh tinh thần, giúp conngười làm được những điều mong ước, hoàn thành những dự định.
- Đạo lý là nghĩa lý phù hợp khuôn phép, chuẩn mực đạo đức xã hội.
2. Phân tích, bình luận
a. Vì sao cần có sức mạnh niềm tin và đạo lí trong cuộc đời
- Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.
- Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, cuộcsống của chúng ta luôn có những tổn thương bất ngờ nên cần có niềm tin đểvượt qua.
=> Niềm tin là yếu tố quan trọng giúp con người vượt qua những khó khăn, giông bão trong cuộc đời. Niềm tin giúp ta có động lực để làm bất cứ điều gì để đạt được thành công.
- Đạo lí là nguyên tắc để chúng ta hành động, là giới hạn của chúng ta trước những điều xấu, những việc làm sai.
=> Vì vậy, niềm tin phải luôn đi kèm với đạo lý. Làm điều mình tin tưởng nhưng phải phù hợp với luân lí, chuẩn mực đạo đức của xã hội.
b. Biểu hiện của sức mạnh niềm tin và đạo lí trong cuộc đời
- Luôn lạc quan, yêu đời, không gục ngã trước bất kì khó khăn, thửthách nào.
- Hành động dựa vào sự tin tưởng vào những điều mình đã lựa chọn.
- Tỉnh táo để tìm những lời giải cho những bài toán mà cuộc sống đặtra cho chúng ta.
- Biết truyền niềm tin, niềm lạc quan cho người khác và cho cộngđồng. Luôn sống theo những chuẩn mực đạo lí của cha ông, của cộng đồng – xã hội.
c. Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, phân tích ngắn gọn.
d. Mở rộng
- Niềm tin là sức mạnh để vượt qua những thử thách nhưng không phảichỉ cần niềm tin là đủ. Niềm tin ấy phải dưa trên những thực lực thựctế.
- Niềm tin của mỗi người cần phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Không nên tin vào những điều phù phiếm rồi dẫn đến những hành động trái với luân thường đạo lý.
=> Niềm tin phải xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, phù hợp với truyền thống, văn hóa của dân tộc.
3. Bài học hành động và liên hệ bản thân
- Em có những niềm tin vào bản thân, gia đình và xã hội như thế nào.Em đã và đang làm gì để thực hiện hóa niềm tin ấy.
- Em thấy vấn đề đạo lí trong xã hội hiện nay có gì đáng để tâm?
- Liên hệ bản thân.
Câu 2:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
2.1. Giải thích ý kiến:
- Tâm lí, tính cách con người bao giờ cũng là đối tượng phản ánh của văn học. Lịch sử văn học dân tộc xét cho cùng là lịch sử tâm hồn của nhân dân.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí là nhà văn sử dụng các phương tiện, biện pháp nghệ thuật để tái hiện thế giới tâm lí phong phú, phức tạp của con người trong tác phẩm của mình.
- Chủ nghĩa nhân đạo (còn gọi là chủ nghĩa nhân văn) là toàn bộ những tư tưởng quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp. Chủ nghĩa nhân đạo không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần , mà còn bao hàm cả cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản chất…) trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và đồng loại.
- Biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo rất đa dạng, là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm quý trọng các giá trị của con người, nhưng trong văn học có thể phân ra bốn biểu hiện chính, đó là: thông cảm, thấu hiểu cho số phận con người; khám phá và tôn vinh vẻ đẹp con người; tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người; nâng niu ước mơ của con người hay mở ra một tương lai tươi sáng cho con người.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Tôi ưa nói, ưa tranh luận, nhưng khi tôi 17 tuổi nếu tôi giơ tay phát biểu trước lớp về một vấn đề không đồng ý với quan điểm của thầy cô, tôi bị dòm ngó, tẩy chay, cười mỉa... Hình như ở Việt Nam, người ta rất khó chấp nhận chuyện người nhỏ hơn mình “sửa sai” hay tranh luận thẳng thắn với người lớn.
Khi lớn, tôi có đọc “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của GS Trần Ngọc Thêm, ông có giải thích về văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, “sống lâu lên lão làng”... Tôi không rõ lắm, nhưng nói như vậy để thấy 17 tuổi tôi không được ủng hộ cho chuyện được nói lên suy nghĩ của bản thân, nếu tôi nói khác với số đông, tôi lập tức là “cá biệt” mà không cần biết đúng hay sai.
Còn ở nhà, 17 tuổi tôi phải nhất nhất làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, nếu tôi dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào “hỗn hào và bất hiếu”.
Bao giờ mới trưởng thành?
Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi thật sự thấy mình đã trưởng thành (22 tuổi mới thấy trưởng thành, có lẽ khá muộn so với độ tuổi của bạn bè trên thế giới), khi đã có công việc và tự lập với thu nhập kiếm được. Tôi nghĩ có lẽ cuộc sống của mình đã “dễ thở” hơn. Đó cũng là lúc tôi thấy con đường mà tôi đã đi như ý gia đình là không sai, nhưng thật tình như bạn nói: rất tẻ nhạt.
Tôi luôn có cảm giác không được sống đúng với sở thích, cá tính của bản thân. Nói đến đây, chắc rất nhiều bạn hỏi sao tôi không đấu tranh, không đủ dũng khí sống với cá tính, đam mê của mình mà lúc nào cũng nhất nhất nghe theo gia đình. Cũng “khởi nghĩa” vài lần, nhưng kết quả thì lần nào cũng thất bại, vì bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý.
.... Đừng nói là 17 tuổi, đến 27 tuổi tôi vẫn chẳng thể tự do quyết định cuộc sống của mình. Và tôi biết có rất nhiều bạn trẻ giống tôi.
Tất cả những sự thay đổi trong tư tưởng đều cần rất nhiều thời gian. Tôi sẽ không thể thay đổi mình, thay đổi hoàn cảnh năm tôi 17 tuổi, nhưng tôi hi vọng thế hệ sau tôi có được điều đó, khi các em có được những người bố, người mẹ là chúng tôi.
(Đặng Anh, Sống đúng là mình, Tuoitre.vn, 9/9/2013)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2. Khi viết văn bản này, người viết mong muốn điều gì?
Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng trong xã hội của người Việt bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý?
Câu 4. Theo anh/chị, người nhỏ tuổi nên hay không khi sửa sai hay tranh luận thẳng thắn với người lớn? Vì sao?
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN
Câu 1.
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tư duy áp đặt được đề cập đến trong văn bản phần Đọc hiểu.
Câu 2.
Phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (SGK Ngữ văn 12, tập II, NXB Giáo dục). Từ đó liên hệ với hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương (SGK Ngữ văn 11, tập I, NXB Giáo dục) để làm rõ tư tưởng nhân đạo của hai tác giả.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2:
Khi viết văn bản này, người viết mong muốn thế hệ sau sẽ được thay đổi (không phải chịu sự áp đặt từ cha mẹ hay người lớn).
Câu 3:
Tác giả cho rằng trong xã hội của người Việt bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý bởi vì:
- Văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, vậy nên con cái thường phải làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, không dám (hoặc ít khi) làm ngược lại, hay thay đổi.
- Nếu dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào hỗn hào và bất hiếu.
Câu 4:
- Nếu HS trả lời theo hướng đồng thuận (nên) thì cần lập luận:
+ Vì đôi khi người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Tranh luận giúp người khác nhận ra sai lầm để sửa chữa là việc nên làm.
+ Qua việc tranh luận, người nhỏ tuổi được bộc lộ quan điểm, suy nghĩ, bản thân cũng trưởng thành hơn. Tuy nhiên cần phải thái độ lễ phép, lập luận khéo léo, thuyết phục…
- Nếu HS trả lời theo hướng không đồng thuận (không nên) thì cần lập luận:
+ Người lớn tuổi thường giàu kinh nghiệm, ít khi sai.
+ Người nhỏ tuổi chưa đủ tri thức cũng như kinh nghiệm sống để phản bác hay sửa sai cho người lớn nên cần tôn trọng, lắng nghe và học hỏi từ người lớn…
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN
Câu 1:
a. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tư duy áp đặt.
b. Học sinh có thể trình bày theo cách của mình nhưngcơ bản cần đạt được các ý sau:
• Giải thích: Tư duy áp đặt là kiểu tư duy luôn cho mình là đúng, bắt buộc người khác phải suy nghĩ và hành động theo quan điểm của mình.
• Phân tích, bình luận:
- Tư duy áp đặt là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp lúa nước, là lối tư duy của chế độ phong kiến, mang tính gia trưởng vẫn tồn tại khá sâu sắc trong không ít gia đình Việt (dẫn chứng).
- Mặt tích cực: tránh cho người trẻ những vấp ngã, sai lầm không đáng có do sự nông nổi, thiếu chín chắn (dẫn chứng).
- Mặt hạn chế:
+Với người mang tư duy áp đặt: luôn có cái nhìn phiến diện, một chiều, không tiếp thu cái mới, không khắc phục được khuyết điểm, hạn chế của bản thân…
+ Với người bị áp đặt: không dám sống với suy nghĩ, sở thích, cá tính của riêng mình, luôn cảm thấy không được là chính mình, thấy cuộc sống tẻ nhạt....
+ Với xã hội: sự áp đặt của người lớn lên suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ sẽ tạo ra những lớp người thụ động, lười nhác trong suy nghĩ và làm việc, thích dựa dẫm, ngại sáng tạo đổi mới, làm cho xã hội, đất nước trì trệ, tụt hậu…
- Mở rộng, nâng cao vấn đề, rút ra bài học:
+ Cần phân biệt tư duy áp đặt với sự quyết đoán cần thiết trong những tình huống cụ thể và dám chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình.
+ Người trẻ cần có thái độ lễ phép, trân trọng tiếp thu hợp lí ý kiến người lớn tuổi, người đi trước; mạnh dạn trao đổi, khéo léo thuyết phục khi đưa ra chủ kiến hay tranh luận.
c. Đảm bảo kết cấu đoạn văn chặt chẽ, trình bày rõ ràng, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp…
Câu 2:
• Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
• Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài, từ đó liên hệ với hình tượng bà Tú để làm rõ tư tưởng nhân đạo của hai tác giả.
• Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, trau chuốt, văn viết có cảm xúc, biết phân tích văn bản theo đặc trưng thể loại để làm nổi bật vấn đề nghị luận…
2.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, dẫn dắt vấn đề nghị luận.
2.2. Phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài.
- Được tái hiện trong tình huống nghịch lý, qua cái nhìn trực tiếp của nhân vật Phùng:
+ Ngoại hình thô kệch xấu xí, lam lũ, vất vả.
+ Bị chồng đánh đập một cách tàn bạo mà vẫn im lặng không van xin, chống trả hay chạy trốn… chỉ tỏ ra đau đớn, xấu hổ, nhục nhã vì làm tổn thương tâm hồn những đứa con thơ dại.
⟹ Chân dung chứa đựng những nghịch lý éo le, bất hạnh.
- Qua câu chuyện đời tự kể:
+ Thời con gái thua thiệt về nhan sắc, muộn duyên. Lấy chồng nhưng hoàn cảnh cơ cực, nghèo khổ, thuyền chật, con đông, mưu sinh bằng nghề sông nước nhọc nhằn đầy bất trắc; thường xuyên bị hành hạ về thể xác, đày đoạ về tinh thần, là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình…
+ Có tình yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng hi sinh bản thân, sống cam chịu, nhẫn nhục, không muốn ly hôn với người chồng vũ phu, độc ác chỉ vì thương con, thấu hiểu, bao dung với chồng…
+ Có lòng vị tha, bao dung, thất học mà không tăm tối, quê mùa mà sâu sắc hiểu đời, vượt lên trên nỗi đau bản thân để sống và chắt chiu hạnh phúc…
-Nguyễn Minh Châu đã đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo và từ những
điểm nhìn khác nhau; nhân vật được khắc hoạ rõ nét qua bút pháp tương phản giữa bề ngoài và bên trong, thân phận và phẩm chất…
(Học sinh có thể phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài theo các cách khác nhau song cần đảm bảo làm rõ những nét chính về cuộc đời, số phận, phẩm chất… và nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn).
2.3. Liên hệ với hình tượng bà Tú.
- Cuộc sống lam lũ, công việc mưu sinh mưa nắng, vất vả, chứa đầy những hiểm nguy, bất trắc…
- Đảm đang tần tảo, thảo hiền nhu thuận, giàu đức hy sinh, nhẫn nại vì một chút duyên với ông Tú mà phải vất vả lặn lội đầu sông cuối bãi, bươn chải lam lũ giữa chợ đời phồn tạp…
- Bằng giọng điệu trữ tình, chất chứa đầy cảm thương, pha chút hóm hỉnh, Tú Xương thể hiện sự thấu hiểu, tri ân, xót thương da diết, ngợi ca bà Tú, ngợi ca người phụ nữ với vẻ đẹp truyền thống.
2.4. Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn.
- Điểm chung:
+ Cả hai nhà văn đều thể hiện lòng cảm thương đối với những người phụ nữ bình dân vất vả, lam lũ vì mưu sinh, cuộc sống chứa đựng nhọc nhằn và cả nhục nhằn.
+ Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ: giàu đức hy sinh, bao dung và mang nặng tình yêu với gia đình, chắt chiu hạnh phúc đời thường…
- Điểm riêng:
+ Người đàn bà hàng chài là phương tiện để Nguyễn Minh Châu khái quát hiện thực và thể hiện tình cảm nhân đạo, bộc lộ sự quan tâm đến những bi kịch cá nhân, những số phận nhỏ bé, khuất lấp giữa cuộc sống đời thường. Nhà văn còn khái quát triết lí về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, nghệ sĩ và cuộc đời; thể hiện tư tưởng khát khao kiếm tìm, phát hiện và tôn vinh những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người…
+ Qua việc khắc hoạ hình tượng người vợ, Tú Xương bộc lộ tấm lòng thương vợ. Nhà thơ vừa cảm thương, trân trọng mà cũng xót xa cho người vợ hiền của mình, giữa thời buổi loạn lạc, công danh của ông lận đận nên bà phải vất vả, tảo tần. Từ đó, nhà thơ lên tiếng phê phán những bất công đối với người phụ nữ…
2.5. Lý giải.
- Nguyên nhân tạo nên điểm chung:
+ Đề tài người phụ nữ là đề tài truyền thống trong văn học, giàu chất hiện thực.
+ Cả hai nghệ sỹ đều nặng tình người, tình đời.
+ Cả hai sáng tác đều viết ở những giai đoạn khó khăn của đất nước, số phận con người cá nhân chưa được quantâm. Đó là tiền đề cho cảm hứng nhân văn, nhân đạo lên ngôi.
- Nguyên nhân tạo nên điểm riêng:
+ Cảm hứng, ý đồ sáng tạo của mỗi nghệ sỹ khác nhau.
+ Hai văn bản thuộc thời kì văn học khác nhau, thi pháp khác nhau.
+ Sự độc đáo trong bút pháp của mỗi nghệ sỹ và đặc trưng thể loại của mỗi tác phẩm: Tú Xương là bậc thầy về thơ Nôm trữ tình, giản dị chân thực mà sâu sắc; Nguyễn Minh Châu là cây bút văn xuôi sắc sảo, tinh anh, tài năng…
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Uông Bí. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !