Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Quế Võ

TRƯỜNG THPT QUẾ VÕ

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Vào giờ này năm ngoái, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng Internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là “fake new” – tin giả. Trước nữa lại càng không. Quan niệm phổ biến trong thời đại hiện nay là ai cũng trở nên thông minh, vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình – cái gì cũng được gắn thêm từ smart(*), từ nhà cửa, xe hơi, thẻ thanh toán cho đến điện thoại – nên không dễ bị lừa.

Thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà một tin tức hoàn toàn bịa đặt như việc ngôi sao điện ảnh Keanu Reeves tuyên bố vào ngày 21/11/2017 vừa qua rằng “những nhân vật tinh túy ở Hollywood đã dùng máu của trẻ sơ sinh để thăng tiến” đã đứng đầu danh sách nội dung tìm kiếm trên YouTube và lan truyền như virus trên Facebook với hơn 26.000 lượt tương tác chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Đó là một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat(**) hoặc các mạng xã hội.

[…] Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribe hay tận châu Phi, fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội. Fake news tồn tại từ rất lâu trong đời sống, nhưng chính nhờ mạng xã hội mà nó mới bùng phát tới cấp độ khủng khiếp như hiện nay. Đặc điểm nổi bật của mạng xã hội là người dùng không cần phải tìm kiếm thông tin mà thông tin tự tìm kiếm đến người dùng. Fake news cũng chủ động tiếp cận và tấn công người dùng theo cách đó.

Fake news không chỉ bóp méo thông tin theo kiểu vô thưởng vô phạt, fake news không chỉ là câu chuyện cắt dán tin tức bừa bãi để kiếm tiền quảng cáo… Hơn thế, fake news đang làm gia tăng tình trạng nhục mạ các cá nhân, làm cho doanh nghiệp, tổ chức lao đao khốn khổ, fake news thậm chí còn được lợi dụng vào các âm mưu chính trị và làm rối loạn xã hội…

(Lê Quốc Minh – Cuộc chiến chống lại fake news và trách nhiệm xã hội của báo chí, dẫn theo VietnamPlus)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là fake news (tin giả)?

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội?

Câu 4: Theo anh/chị, mỗi chúng ta cần có cách ứng xử như thế nào để hạn chế sự lan truyền của những tin tức giả trên mạng xã hội?

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của việc truyền bá những thông tin sai lệch, giả mạo trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2.

Phân tích sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ Văn 12 Tập hai, Nxb Giáo dục, 2015). Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ được nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phong cách ngôn ngữ: chính luận.

Câu 2:

- Fake new có thể hiểu là những tin tức giả, tin tức bịa đặt về một vấn đề, sự kiện nào đó.

Câu 3:

“Fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội” vì:

- Fake new đang lan tỏa với tốc độ khủng khiếp từ châu Âu sang châu Á, châu Phi.

- Nhờ mạng xã hội mà fake new bùng phát tới cấp độ vô cùng khủng khiếp như hiện nay.

- Fake new tự tìm đến với người dùng, chủ động tiếp cận và tấn công người dùng.

Câu 4:

Cách ứng xử để hạn chế sự lan truyền của những tin tức giả trên mạng xã hội:

- Đối với người đọc cần lựa chọn trang tin tức uy tín để đọc; khi đọc phải trở thành người đọc thông minh, biết lựa chọn và phân tích vấn đề trong mỗi tin tức; luôn có quan điểm của bản thân, phản biện vấn đề để không bị truyền thông dắt mũi.

- Với người viết, cần phải là người có tâm với nghề, đưa tin trung thực, chính xác.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

* Bàn luận vấn đề

- Thực trạng: hiện nay việc truyền bá thông tin giả mạo diễn ra ngày càng phổ biến. Theo thống kê có đến 63% người đọc các bài trên facebook đều đang đọc thông tin giả mạo.

- Nguyên nhân:

+ Người viết muốn kiếm tiền quảng cáo, vì lợi ích cá nhân.

+ Người đọc muốn đọc những tin ngắn, giật gân.

- Tác hại:

+ Khiến cho người đọc hoang mang.

+ Gây nên bất ổn xã hội

+ Tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

- Giải pháp:

+ Kiểm soát chặt chẽ các thông tin được đưa lên mạng xã hội, có hình thức phạt nghiêm minh với những kẻ lan truyền thông tin giả.

+ Bản thân mỗi người cần tạo ra “sức đề kháng” trước rừng thông tin hiện nay. Chủ động tìm đến những nguồn thông tin đáng tin cậy; đọc và lọc thông tin, kiểm chứng thông tin trước khi lan truyền đến người khác.

Câu 2:

1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

- Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu chia thành hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.

- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu.

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.

2. Phân tích

2.1. Giới thiệu về nghệ sĩ Phùng và câu chuyện của anh

- Phùng vốn là người lính của một thời đất nước rực lửa chiến tranh. Người lính thuở ấy luôn là biểu tượng của tình yêu, niềm tự hào, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc.

- Hiện tại anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự hòa hợp giữa nghệ sĩ với chiến sĩ tạo nên ở anh những phẩm chất cao quý.

- Do sự phân công của trưởng phòng mà Phùng cần phải đến vùng biển miền Trung – nơi từng là chiến trường cũ của anh để săn một bức ảnh nghệ thuật cho vào bộ lịch năm sau với chủ đề thuyền và biển. Và chính chuyến đi này đã cho Phùng những trải nghiệm và nhận thức mới về cuộc sống.

2.2. Phân tích sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng

Sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng gắn liền với tình huống truyện và những phát hiện lí thú của anh.

a. Tình huống nhận thức

* Phát hiện thứ nhất - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện:

- “Cảnh đắt trời cho”:

+ Hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.

+ Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.

=> Là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến.

- Cảm nhận của người nghệ sĩ:

+ Thấy rung động.

+ Thấy tâm hồn mình được thanh lọc, gột rửa.

+ Thấy hạnh phúc.

* Phát hiện thứ hai – về hiện thực cuộc sống:

- Sự thật kinh ngạc:

+ Đằng sau cái đẹp toàn mĩ là hiện thân của cái xấu, là hiện thực trần trụi: bước ra khỏi chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là người đàn bà xấu xí trạc ngoài 40 tuổi, rỗ mặt…Đi sau người đàn bà là người đàn ông cao lớn, dữ dằn, tấm lưng rộng và cong như lưng của một chiếc thuyền…

+ Đằng sau cái đẹp được gọi là toàn thiện là hiện thân của cái ác, là cảnh tượng tàn nhẫn, điển hình của bạo lực gia đình: người đàn bà đi trước, người đàn ông lẳng lặng đi sau không nói câu nào…đột nhiên bỗng trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay,…, dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp lên người của người đàn bà, người đàn bà đứng im không chống trả, đứa bé chạy ra…

=> Cảm nhận của nghệ sĩ Phùng: “kinh ngạc đến thẫn thờ”, “mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “chết lặng”…

=> Tình huống mang đến cho Phùng những nhận thức về cuộc sống:

- Cuộc sống không hề đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng rất nhiều nghịch lý. Cuộc sống luôn tồn tại những điều tốt – xấu, thiện – ác.

- Đừng bao giờ nhầm lẫn hiện tượng và bản chất, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hình thức bề ngoài với nội dung thực chất bên trong, đừng vội đánh giá sự vật, con người ở dáng vẻ bên ngoài mà phải tìm hiểu thực chất bề sâu đằng sau vẻ ngoài ấy.

b. Tình huống ở tòa án huyện với câu chuyện của người đàn bà hàng chài

* Nguyên nhân: Sau một tuần phục kích, Phùng đã có được cảnh đắt trời cho. Và anh chứng kiến cảnh người chồng bạo hành, anh định lao ra thì thằng con trai của gia đình xông vào đánh bố. Sau mấy ngày, Phùng lại chứng kiến cảnh tương tự diễn ra. Anh can thiệp và bị đánh bị thương. Anh quyết định nhờ đến Đẩu – người có chỗ dựa vững chắc của pháp luật sẽ đứng ra can thiệp để giúp đỡ gia đình này.

* Câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện:

- Hoàn cảnh gia đình

- Lí do không muốn bỏ chồng

=> Câu chuyện này đã làm cho Phùng có những vỡ lẽ:

(+) Nhận thức về con người:

- Về chánh án Đẩu:

+ Mới chỉ đứng trên phương diện của luật pháp mà chưa hiểu được lí lẽ của cuộc đời ⟶ Sau khi nghe xong câu chuyện chánh án Đẩu mới vỡ lẽ: không thể đơn giản và dễ dãi trong việc đánh giá, nhìn nhận con người, sự việc, đừng để những thứ bề ngoài đánh lừa, đánh giá một cách vội vã để rồi dẫn đến sai lầm.

- Về các thành viên của gia đình hàng chài:

+ Người đàn bà hàng chài: Đằng sau vỏ bọc u mê, tăm tối, thất học kia là người trải đời sâu sắc, ẩn chứa vẻ đẹp của sự bao dung, của tình mẫu tử, có tình yêu thương con bao la vô bờ bến, thấu hiểu chồng.

+ Gã chồng vũ phu: Gã không chỉ là tội nhân mà gã còn là nạn nhân của hoàn cảnh. Vì hoàn cảnh xô đẩy, quẫn bách mới sinh ra thô bạo và vũ phu. Anh ta đáng trách nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng đáng cảm thông.

+ Thằng Phác: Đằng sau hành động vô đạo, trái với luân thường đạo lý là tình yêu thương mẹ vô bờ bến, tình yêu thương bế tắc.

=> Tầng nhận thức mới: Đằng sau cái xấu, cái ác lại chứa đựng cái đẹp, chứa đựng hiện thực mà ít nhiều đáng được cảm thông và chia sẻ.

=> Cần tìm hiểu sâu sắc, chu đáo và kĩ lưỡng.

(+) Về căn nguyên của tội ác:

- Tội ác không phải từ phía địch, không phải do ma men dẫn đường, không phải do rượu chỉ lối; cũng không phải do bản chất mà là do hoàn cảnh thất học, đói nghèo, tăm tối xô đẩy, khiến con người bị tha hóa.

(+) Về giải pháp xã hội:

- Li hôn ⟶ Theo cách lí luận của người đàn bà hàng chài đây là giải pháp không khả thi.

- Hòa thuận, tiếp tục chung sống ⟶ khó để tin tưởng người chồng sẽ không dùng bạo lực nữa.

- Từ chối, tẩy chay, không lấy chồng ⟶ không tuân thủ quy luật sinh tồn ⟶ không được.

- Cách mạng chăm lo cho đời sống người dân hàng chài: Lên bờ để sinh sống ⟶ quen với việc mưu sinh bằng nghề chài lưới, không thể thích nghi với nghề nghiệp mới ⟶ không thực tế.

(+) Về cuộc đời và trách nhiệm của người phụ nữ:

- Cuộc đời: đa sự, luôn đan xen nhiều thuận lí và nghịch lí.

- Người nghệ sĩ: không thể chỉ dùng cái nhìn hời hợt để quan sát, muốn hiểu được cuộc đời thì buộc phải dấn thân, phải chú ý đến mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

(+) Về chính mình:

- Trước đây từng tự tin vì mình là người lính vào sinh ra tử, nhiều trải nghiệm ở những vị thế cam go và quyết liệt. Nhưng sau khi nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài Phùng thấy bản thân còn hời hợt và nông cạn, những gì mình biết, mình hiểu mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi; trách nhiệm của mình là phải tiếp tục tìm kiếm khám phá để hiểu kĩ lưỡng phần chìm.

=> Lần đầu tiên người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng nhận ra mình rõ ràng đến thế.

c. Tình huống một chuyến đi

* Tình huống:

- Bắt đầu chuyến đi theo yêu cầu của vị trưởng phòng khó tính:

+ Cần chụp một bức ảnh giống như bộ lịch đang có để hoàn thiện bộ lịch ấy ⟶ Yêu cầu về thứ nghệ thuật hoàn toàn tĩnh vật, không có con người ⟶ thứ nghệ thuật xa rời con người.

+ Cần một bức ảnh buổi sớm có sương mù (dù đã là tháng 7, không có sương) ⟶ thứ nghệ thuật rời xa cuộc sống, bất chấp sự thật, thứ nghệ thuật chủ quan – duy ý chí.

=> Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng khi khoác máy ảnh lên đường để thực hiện theo yêu cầu của vị trưởng phòng cũng có nghĩa là anh đang dập khuôn theo những quan điểm nghệ thuật mà vị trưởng phòng đã áp đặt lên anh.

- Chuyến đi đã khiến anh vỡ lẽ: Nghệ thuật không thể như vậy: không thể không quan tâm đến con người, không thể xa rời cuộc sống, không thể bất chấp sự thật.

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Xe tôi chạy trên lớp sương bềnh bồng. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt, làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường!

Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảng ánh trăng...

(Trích Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu - Truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 54-55)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra hình ảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn: “Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc.”

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả nhân vật Nguyệt trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lí tưởng sống đối với thanh niên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích hành động của Mị được miêu tả trong đoạn trích sau để thấy sức sống mãnh liệt của nhân vật:

“Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.”

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.14)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

- Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: không cho điểm.

Câu 2. Hình ảnh thiên nhiên được miêu tả trong đoạn trích:

+ Lớp sương bềnh bồng;

+ Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh nêu được 2 ý như đáp án: 0,75 điểm.

- Học sinh chỉ nêu được 1 ý như đáp án: 0,5 điểm.

Câu 3.

+ Hình ảnh so sánh: “mảnh trăng” được so sánh với “mảnh bạc”

+ Tác dụng: gợi vẻ đẹp trong sáng, lung linh của ánh trăng.

Hướng dẫn chấm:

- HS trả lời như đáp án: 1,0đ

- HS nêu được tác dụng của biện pháp tu từ so sánh, không chỉ ra hình ảnh so sánh: 0,75đ

- HS chỉ ra được hình ảnh so sánh, không nêu tác dụng: 0,25đ

Câu 4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả nhân vật Nguyệt trong đoạn trích:

+ Chi tiết chọn lọc, chân thực.

+ Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm.

+ Xây dựng hình tượng song hành: Nguyệt – trăng.

+ Bút pháp lãng mạn bay bổng.

Hướng dẫn chấm:

- HS nêu đúng 2 ý trong đáp án: 0,5đ

- HS nêu đúng 1 ý trong đáp án: 0,25đ

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của lí tưởng sống đối với thanh niên.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. Đảm bảo số lượng chữ phù hợp với yêu cầu (khoảng 150 chữ), không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của lí tưởng sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận

HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được vấn đề cần nghị luận. Có thể theo hướng sau:

Lí tưởng sống là mục đích sống đúng đắn, cao đẹp. Lí tưởng giúp thanh niên có phương hướng phấn đấu, phát huy hết năng lực và thực hiện được khát vọng của bản thân. Lí tưởng còn là động lực giúp thanh niên vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống hiện đại để học tốt, sống tốt, khẳng định giá trị của bản thân trong đời sống xã hội.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75đ).

- Lập luận chưa chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5đ).

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25đ).

* Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: HS huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

- Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên: 0,5đ

- Đáp ứng được 01 yêu cầu: 0,25đ

Câu 2. Phân tích hành động của nhân vật Mị trong đoạn văn để thấy sức sống mãnh liệt của nhân vật

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn; Kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị thể hiện qua hành động cứu người và tự cứu mình.

Hướng dẫn chấm:

- HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5đ

- HS xác định chưa đầy đủ vấn đề cần nghị luận: 0,25đ

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo được các yêu cầu sau đây:

* Giới thiệu khái quát tác giả Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận.

* Phân tích hành động của nhân vật Mị:

+ Hành động Mị cởi trói cho A Phủ: rút con dao nhỏ... cắt nút dây mây; thì thào “Đi ngay”.... Đây là một hành động bất ngờ, táo bạo nhưng quyết liệt và hợp lí. Nó phù hợp với nét tâm lí của Mị trong đêm mùa đông ấy.

+ Hành động tự cứu mình của Mị: vụt chạy ra, băng đi, đuổi kịp A Phủ, nói “cho tôi đi”... Hành động cũng bất ngờ, táo bạo nhưng vẫn hợp lí.

+ Hành động của nhân vật Mị được thể hiện qua ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, tinh tế; bút pháp tả thực, chi tiết chọn lọc...

* Nhận xét về sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị:

Những hành động ấy có cơ sở là bản tính mạnh mẽ của Mị; là khi Mị thoát khỏi trạng thái vô cảm ngày thường. Hành động ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong trong con người Mị.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm).

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Kiến thức phổ thông không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại, mà ngay nhà học giả chuyên môn cũng không thể thiếu được. Khoa học cận đại phân loại chặt chẽ, những người chỉ chuyên một học vấn phần nhiều khép kín trong phạm vi của mình, lấy cớ là chuyên môn, không muốn biết đến các học vấn liên quan. Điều này đối với việc phân công nghiên cứu có thể là cần thiết, nhưng đối với việc đào tạo chuyên sâu thì lại là một sự hi sinh. Vũ trụ vốn là một thể hữu cơ, các quy luật bên trong vốn liên quan mật thiết với nhau, động vào bất cứ chỗ nào đều tất liên quan đến cái khác, do đó, các loại học vấn nghiên cứu quy luật, tuy bề ngoài có phân biệt, mà trên thực tế thì không thể tách rời. Trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác. Ví như chính trị học thì phải liên quan đến lịch sử, kinh tế, pháp luật, triết học, tâm lí học, cho đến ngoại giao, quân sự,… Nếu một người đối với các học vấn liên quan này mà không biết đến, chỉ có học một mình chính trị học thôi, thì càng tiến lên càng gặp khó khăn, giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát…

(Chu Quang Tiềm; dẫn theo sách Ngữ văn 9 tập hai, NXBGD, 2015, trang 5).

Câu 1: (0,5 điểm). Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: (0,5 điểm). Xác định phép liên kết trong câu 2 và câu 3 của đoạn trích.

Câu 3: (1,0 điểm). Trong đoạn trích, tác giả đề cập đến dạng người nào?

Câu 4: (1,0 điểm). Theo anh (chị), kiến thức phổ thông có vai trò như thế nào trong đời sống?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm).

Câu 1: (2,0 điểm).

Từ nội dung văn bản trên, anh/ chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về phương pháp học tập, nghiên cứu.

Câu 2

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân ba lần miêu tả  dòng nước mắt của bà cụ Tứ. Chiều hôm trước, khi Tràng dẫn người vợ nhặt về nhà:”Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì...Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt...”     

“Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...

Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.

Và sáng hôm sau, trong bữa ăn” Trống thúc thuế đấy, đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được các con ạ...Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc”.

(Kim Lân - Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.27 và tr.31)

Hãy trình bày cảm nhận của anh/chị về chi tiết dòng nước mắt của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. Đọc - hiểu

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ là: chính luận

Câu 2: Phép liên kết trong câu 2 và câu 3 của đoạn trích là: phép thế (Điều này)

Câu 3: Trong đoạn trích, tác giả đề cập đến dạng người là: chỉ chuyên một học vấn, khép kín trong phạm vi của mình, không muốn biết đến các học vấn liên quan.

Câu 4: Kiến thức phổ thông có vai trò trong đời sống vì trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác.

II. Làm văn

Câu 1: Hướng dẫn làm bài

Triển khai vấn đề cần nghị luận và đảm bảo được những nội dung chính sau:

- Bày tỏ thái độ đồng tình với nội dung đoạn trích: Việc quan tâm tìm hiểu các môn học, lĩnh vực có liên quan chính là phương pháp học tập, nghiên cứu đúng đắn, hiệu quả.

- Phê phán cách học “tủ”, học lệch, chỉ chú trọng những môn học “chính”, những nội dung “trọng tâm”…

- Xác định phương hướng: Sẽ học tập, nghiên cứu đầy đủ các lĩnh vực, các bài học, môn học có liên quan...

Câu 2: Gợi ý làm bài

a. Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt

b. Cảm nhận chi tiết “dòng nước mắt” của bà cụ Tứ

- Hoàn cảnh dẫn đến “dòng nước mắt”

+ Bối cảnh chung: Nạn đói khủng khiếp 1945, bức tranh thảm đạm, đầy âm khí, thê lương và chết chóc

+ Bối cảnh riêng: Gia cảnh bà cụ Tứ; bản thân Tràng lại là dân ngụ cư, nghèo khổ, thô kệch, hơi ngẩn ngơ...; “thị” thì lại lang thang, đói rách, thảm hại. Hai người gặp nhau qua câu đùa cợt của Tràng. Lần thứ hai gặp lại, người đàn bà gợi ý và được cho ăn. Cuối cùng thị đã bám lấy câu nói đùa của người ta để theo không về làm vợ. Dòng nước mắt của bà cụ Tứ đã rỉ xuống khi biết được sự việc trớ trêu này...

- Cảm nhận về dòng nước mắt:

+ Nước mắt của sự tủi thân , xót phận mình, xót thương cho các con đến thắt lòng.

  • Đau khổ khi chưa làm tròn bổn phận người mẹ. ·
  • Xót thương cho số kiếp con trai nhặt vợ trong hoàn cảnh trớ trêu, tội nghiệp
  • Thương cô con dâu hốc hác, rách rưới bị cái đói đẩy tới đường cùng phải liều thân.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Quế Võ. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?