TRƯỜNG THPT TUY PHONG | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau:
(1) “Giấc mơ của anh hề
Thấy mình thành triệu phú (…)
Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn
Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ
Thằng bé mồ côi lạnh giá
Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ
Trên đá lạnh, người tù
Gặp bầy chim cánh trắng
Kẻ u tối suốt đời cúi mặt
Bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời.
(2) Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất
Cái không thể nào tới được
Đã giục con người
Vươn đến những điều đạt tới
Những giấc mơ êm đềm
Những giấc mơ nổi loạn
Như cánh chim vẫy gọi những bàn tay.
(3) Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…”
(Trích “Giấc mơ của anh hề” – Lưu Quang Vũ)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được tác giả sử dụng trong đoạn thơ ?
Câu 2. Nêu tác dụng của phép đối lập được tác giả sử dụng trong đoạn (1) ?
Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về nội dung của hai câu thơ:
“Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất” ?
Câu 4. Anh / chị có đồng tình với tác giả khi ông cho rằng:
“Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…” ?
Lí giải vì sao ?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi con người.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn người mẹ qua nhân vật bà cụ Tứ (“Vợ nhặt” – Kim Lân)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luận
Câu 2. Tác dụng của phép đối lập được tác giả sử dụng trong đoạn (1):
- Làm rõ sự tương phản giữa ước mơ và hiện thực
- Cho thấy giấc mơ chính là khát vọng của mọi người về một hiện thực tươi đẹp, hạnh phúc trong tương lai; đối lập với hiện thực đau khổ ở hiện tại.
Câu 3. Hai câu thơ:
“Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất” có thể hiểu là:
- Những giấc mơ tươi đẹp vào ban đêm chính là “liều thuốc an thần”, giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, tạm thời quên đi những khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống thực ban ngày.
- Những điều đến với ta trong giấc mơ chính là cái khát vọng thầm kín nhưng chân thực nhất: đó là những điều ám ảnh ta nhất, khiến ta khát khao muốn đạt được nhất.
Câu 4.
Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lý giải phù hợp thì đều đạt điểm. Gợi ý:
- Đồng tình
- Lý giải:
+ Bờ luôn là cái nhỏ bé, trong khi biển luôn là cái rộng lớn, bao la. Cũng như vậy, đời sống luôn là cái hạn hẹp, nghèo nàn; trong khi đó giấc mơ luôn mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và phong phú.
+ Nếu không có biển, bờ sẽ không còn lí do để tồn tại. Cũng như vậy, nếu không có những giấc mơ, những khát vọng để hướng về những điều tốt đẹp; cuộc đời sẽ trở nên vô vị, mất hết ý nghĩa.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi những con người.
Thí sinh có thể vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề cần nghị luận, tuy nhiên phải đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Có thể tham khảo hướng sau:
- Giấc mơ ở đây có thể hiểu là khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, để làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. “Giấc mơ vẫy gọi con người” muốn nói về ý nghĩa của giấc mơ trong việc thúc đẩy con người tiến về phía trước.
- Giấc mơ vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp, từ đó tạo ra động lực, niềm cảm hứng để giúp chúng ta tiến về phía trước.
- Giấc mơ giúp chúng ta có đủ sức mạnh để đối mặt và vượt qua những khó khăn
- Giấc mơ giúp chúng ta bớt bận tâm bởi những việc vô bổ; tránh xa những cám dỗ xấu xa để tập trung vào những việc có ích
- Giấc mơ giúp chúng ta có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về cuộc sống
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
“Có bao giờ bạn cảm thấy bực bội vì một người nào đó không? Cảm giác bất an và khó chịu nặng nề cứ đeo đẳng bên mình vì không thể thay đổi được họ?
Có một người đàn ông đã thử đủ mọi cách để diệt đám cỏ dại trong bồn hoa nhà mình. Thế nhưng, dù làm cách nào thì đám cỏ dại ấy vẫn cứ sinh sôi phát triển. Sau cùng, ông ta đành chịu thua và viết thư lên Bộ Nông nghiệp để xin một lời khuyên, kèm theo đó là bảng liệt kê tất cả những cách mà ông ta đã thử. Vài ngày sau ông ta nhận được thư trả lời, chỉ với một dòng rất ngắn: “Chúng tôi khuyên ông nên tập yêu thương bọn cỏ dại ấy”.
Trong hôn nhân và tình bạn, đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như thế. Chúng ta có thể cảm thấy vô cùng bực tức vì những sai lầm và khí chất của người khác. Chúng ta tin rằng mối quan hệ sẽ tốt đẹp hơn nếu họ chịu từ bỏ thói quen khó ưa kia hoặc xem lại các hành vi gây khó chịu cho người khác. Vì vậy chúng ta thực hiện chiến dịch “nhổ cỏ dại” để làm thay đổi những người mà ta quan tâm. Chúng ta có thể chì chiết, cương quyết, áp đặt hoặc thậm chí van nài, dỗ ngọt. Chúng ta dùng mọi cách nhằm thay đổi họ theo ý ta. Và rồi cuối cùng, nỗi uất giận dâng cao khi cảm thấy họ vẫn y như thế, không hề thay đổi.
Vấn đề là chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác. Chúng ta không thể thay đổi người khác mà chỉ có thể thay đổi chính bản thân chúng ta. Người khác cũng vậy, họ chỉ thay đổi khi tự bản thân họ muốn. Bởi vậy, thay vì buộc họ phải thay đổi cho phù hợp với ta, hãy tập cách yêu thương họ, với tất cả những thứ “cỏ dại” tồn tại trong bản thân họ. Đó mới là điều cần thiết để làm cho các mối quan hệ của mình trở nên tốt đẹp hơn, để cho cây hoa đời trong mỗi con người trở nên tươi xinh, rạng rỡ hơn cùng với đám cỏ dại bên mình.”
(Trích “Học cách yêu thương” - Kỳ Thư tổng hợp và biên dịch)
Câu hỏi:
Câu 1. Việc tác giả đưa câu chuyện người đàn ông vào trong đoạn trích nhằm mục đích gì?
Câu 2. Theo tác giả, vì sao “chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác”?
Câu 3. Anh/chị hãy giải thích ý nghĩa của hình ảnh “cỏ dại” được nói tới trong đoạn trích?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “hãy tập cách yêu thương họ, với tất cả những thứ “cỏ dại” tồn tại trong bản thân họ” không? Lí giải?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm để đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…
Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa.
Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi ! Còn lấy lí lẽ gì để khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc ! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc.
Đế Thích: Tôi không phải là kẻ khốn kiếp… Tôi quý mến ông… Tôi sẽ chẳng bao giờ được đánh cờ với ông nữa ư? Nhờ ông đánh cờ với tôi, người trên trời dưới đất mới biết tôi cao cờ như thế nào ! Ngoài ông ra, không ai dám đọ cờ với tôi. Ông chính là lẽ tồn tại của tôi.
Hồn Trương Ba: Vì để chứng minh ông tồn tại mà tôi cứ phải tiếp tục cuộc sống không phải là tôi ư? Không, ông phải tự tồn tại lấy chứ !
Đế Thích: Nhưng không đánh cờ, Đế Thích sẽ không còn là Đế Thích.
Hồn Trương Ba: Người ta đánh cờ là để rèn luyện tâm trí, để sảng khoái minh mẫn hơn mà sống ! Còn ông đánh cờ chỉ để chứng tỏ ông là tiên cờ ! Nói thật với ông: Nếu còn tiếp tục sống, tôi cũng chẳng thích đánh cờ với ông nữa ! Đánh cờ với ông chán lắm ! Không có gì chán bằng đánh cờ với tiên !
Đế Thích: (suy nghĩ) Con người dưới hạ giới các ông thật kì lạ.
Hồn Trương Ba: Ông hãy trả lời đi ! Ông có giúp tôi không? Nếu ông từ chối, tôi sẽ… Tôi đã nhất quyết ! Ông phải giúp tôi!
Đế Thích: Trả thân xác này cho anh hàng thịt… và thế là…
Hồn Trương Ba: Không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa”.
(Trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Đáp án phần đọc hiểu
Câu 1. Hình ảnh người đàn ông nhổ cỏ dại trong bồn hoa là một ẩn dụ, qua đó tác giả nhằm nhấn mạnh thông điệp: con người không thể “dọn dẹp” hết tất cả những thói hư tật xấu trong cuộc đời này, mà đôi lúc cần phải tập cách chung sống với chúng, yêu thương chúng.
Câu 2. “Chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác” vì:
- Thứ nhất, mỗi con người sinh ra đều mang trong mình những khí chất khác nhau, thứ “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác có thể lại là ưu điểm của họ, chỉ vì ta hay lấy ta làm tiêu chuẩn nên mới nhìn ra như thế.
- Thứ hai, không ai có thể thay đổi được bản thân người khác nếu như họ không muốn thay đổi.
Câu 3. Hình ảnh “cỏ dại” là ẩn dụ để nói về những thói hư tật xấu trong một con người, nó cũng có thể là những thứ chướng tai gai mắt mà ta nhìn thấy ở người khác.
Câu 4. Học sinh tự do bày tỏ quan điểm, lí giải hợp lí. Gợi ý:
- Đồng tình: vì ai cũng có trong mình những tật xấu, chúng ta không thể yêu cầu một ai đó trở nên một con người hoàn hảo được.
- Không đồng tình: vì nếu chúng ta thỏa hiệp với những tật xấu từ người khác, thì sẽ không bao giờ giúp họ cải thiện bản thân và trở nên tiến bộ.
Đáp án phần làm văn
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
- Phải suy tư về bản thân để hiểu ra đâu là những thứ “cỏ dại” mà ta cần nhổ bỏ
- Phải tập luyện cho mình những thói quen tốt, để nó lấn át những cái xấu (giống như trồng hoa để diệt cỏ vậy)
- Lắng nghe những sự góp ý đúng đắn từ người khác để thay đổi.
- Phải có quyết tâm cao, lòng kiên trì để loại bỏ những thói hư tật xấu mà mình mắc phải.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (5 điểm)
Mở bài: Trình bày những nét khái quát nhất về tác giả Lưu Quang Vũ và vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; dẫn vào vấn đề và đoạn trích.
Thân bài: Đánh giá lí lẽ của hai nhân vật: hồn Trương Ba và Đế Thích
a. Đánh giá lí lẽ của Đế Thích:
- Đế Thích cho rằng con người sống thì không cần phải hài hòa, toàn vẹn trong ngoài, vì theo ông “dưới đất trên trời đều thế cả”. Quan niệm này cho thấy Đế Thích có cái nhìn tuy trung thực nhưng lại hời hợt về cuộc sống của con người nói chung, của Trương Ba nói riêng. Với Đế Thích, miễn duy trì được sự sống là được.
- Đế Thích không đồng ý để Trương Ba đổi cái tâm hồn cao quý lấy cái tâm hồn phàm tục của anh hàng thịt. Quan niệm này cho thấy Đế Thích có cái nhìn rất phiến diện, một chiều, chỉ coi trọng cái thanh cao mà bác bỏ cái thấp hèn. Nếu không có cái thấp hèn thì đâu là cơ sở, tiêu chuẩn để định giá cái thanh cao?
- Đế Thích kiên quyết tìm mọi cách để Trương Ba được sống, và cuối cùng ông đề nghị Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Với ông, việc Trương Ba chết là một sai lầm, và cần phải được sửa. Ở đây ta lại thấy Đế Thích không có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về cuộc sống: bởi việc Trương Ba nhập vào xác cu Tị hay xác anh hàng thịt, về bản chất thì nó là giống nhau.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Sự thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều: Sự thiếu trung thực trong kinh doanh, những mối quan hệ của doanh nhân cũng trở nên hời hợt, dẫn đến thiếu vắng những tình cảm chân thành, những điều giá trị hơn trong cuộc sống; Sự thiếu trung thực trong học tập làm người học sinh trở nên coi thường kiến thức, coi thường giá trị của sự khổ công trong học tập, rèn giũa của mình, mà chỉ còn chú ý đến những con điểm, đến những mánh khóe để đạt được điểm cao; Sự thiếu sự trung thực trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến sự mất niềm tin lẫn nhau của mọi thành viên, là một nguy cơ làm gia đình tan rã… Thói quen thiếu trung thực dần dần khiến con người cũng phải tự lừa dối chính mình, huyễn hoặc mình, và không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền miên. (…) Chính vì vậy, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình, bạn hãy nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả.
(2) Mỗi người đều có một “la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn, chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi. Chiếc la bàn ấy có tên là Trung thực.
(Nhóm tác giả Nguyễn Thành Thân, Nguyễn Hoàng Sơn, Lương Dũng Nhân – Thắp ngọn đuốc xanh – NXB Trẻ, 2018, Tr 96,97)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ điều gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm)
Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Tại sao? (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc sống trung thực.
Câu 2 (5,0 điểm)
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2018)
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Theo anh/ chị những suy nghĩ của Xuân Quỳnh về tình yêu trong đoạn thơ trên có còn phù hợp với giới trẻ hôm nay?
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5 điểm)
Câu 2:
Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho không thể bù đắp được “cái giá” mà chúng ta và những người xung quanh phải trả. (0,5 điểm)
Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm). HS có thể nêu một trong hai biện pháp tu từ sau:
a. Phép điệp cấu trúc ngữ pháp (Sự thiếu trung thực trong….) (0,5 điểm)
- Tác dụng: tạo nhịp điệu cho câu văn; nhấn mạnh tác hại của việc sống thiếu trung thực. (0,5 điểm)
b. Phép liệt kê (...trong kinh doanh, trong học tập, trong đời sống gia đình...) (0,5 điểm)
-Tác dụng: diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của sự thiếu trung thực, qua đó nhấn mạnh tác hại của lối sống này. (0,5 điểm)
Câu 4:
Học sinh nêu thông điệp và lý giải. Có thể có những thông điệp khác nhau. (1,0 điểm).
- Nêu thông điệp: 0.25 điểm
- Lí giải: 0,75 điểm
Giáo viên tùy thuộc vào sự lý giải của học sinh để cho điểm phù hợp.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội (2,0 điểm)
a) Yêu cầu:
- Về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn nghị luận xã hội, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.
- Về hình thức:
+ Không tách dòng (Tách dòng: - 0,5 điểm).
+ Số chữ theo quy định, được phép + 3 dòng.
- Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực, biết cách vận dụng các thao tác nghị luận.
b) Gợi ý:
HS biết cách viết đoạn văn nghị luận, vận dụng tốt thao tác lập luận, có những ý cơ bản sau:
- Xác định được vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự trung thực trong đời sống.
- Giải thích sự trung thực: Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.
- Ý nghĩa của việc sống trung thực: Trung thực giúp có ý thức tốt trong học tập, trong công việc; Giúp có được tình cảm của mọi người và dần có chỗ đứng trong xã hội; Giúp sửa chữa được sai lầm để bản thân thành người tốt, hoàn thiện nhân cách. Trung thực khiến người khác tin tưởng, được giao phó những công việc quan trọng, có ý nghĩa trong cuộc sống. Trung thực sẽ giúp cho xã hội trong sạch, văn minh, phát triển hơn.
- Phê phán những người sống thiếu trung thực.
- Bài học: Học sinh cần rèn luyện đức tính trung thực để có hiệu quả học tập tốt nhất, thành công bằng chính lực học, kiến thức của bản thân.
c) Biểu điểm:
• Điểm 2: Văn viết lưu loát, mạch lạc, từ dùng chính xác, ấn tượng sử dụng được các thao tác lập luận.
• Điểm 1: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản của đề nhưng chưa có chiều sâu, diễn đạt có chỗ chưa thật lưu loát.
• Điểm 0: Để giấy trắng, lạc đề.
Câu 2: Nghị luận văn học (5,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, nắm vững kĩ năng phân tích thơ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, văn viết có cảm xúc.
- Không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Khuyến khích những bài viết thể hiện cá tính, sáng tạo.
* Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song trên cơ sở của việc phân tích đoạn thơ, học sinh cần chỉ ra được những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Cụ thể bài làm cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản:
1. Giới thiệu ngắn gọn (1,0 điểm)
- Tác giả Xuân Quỳnh
- Bài thơ “Sóng”
- Đoạn thơ cần phân tích + Trích dẫn đoạn thơ
2. Cảm nhận về đoạn thơ (2,0 điểm)
Qua việc phân tích đoạn thơ, học sinh phải nêu được những cảm nhận của bản thân về cái hay của đoạn trích và cái tài của tác giả. Đó là:
- Đoạn thơ nói về sóng nhưng lại gợi nhiều liên tưởng đến tình yêu : cả hai đều có nhiều cung bậc, trạng thái và luôn hướng đến cái lớn lao, cao cả (Khổ 1); bất biến với thời gian( khổ 2)
- Đoạn thơ cho thấy nhiều vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong bài Sóng Việt Nam.
3. Đánh giá (1,0 điểm)
- Sóng là một trong những bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh.
- Viết về tài cũ nhưng Xuân Quỳnh có cách thể hiện riêng (ngôn ngữ, âm điệu, nhân vật trữ tình…), qua đó tác giả đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tình yêu và thích thú với những phát hiện của tác giả..
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Tuy Phong. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !