Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Phan Thành Tài

TRƯỜNG THPT PHAN THÀNH TÀI

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

ngày chúng tôi đi

các toa tàu mở toang cửa

không có gì phải che giấu nữa

những thằng lính trẻ măng

tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ

những thằng lính trẻ măng

quân phục xùng xình

chen bám ở bậc toa như chồi như nụ

con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ

và dài muốn đứt hơi

hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ

thế hệ chúng tôi

hiệu còi ấy là một lời tuyên bố

một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận

mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82

vẫn thường vác trên vai

một thế hệ thức nhiều hơn ngủ

xoay trần đào công sự

xoay trần trong ý nghĩ

đi con đường người trước đã đi

bằng rất nhiều lối mới

    (Một người lính nói về thế hệ mình – Thanh Thảo, 123, NXB Hội Nhà văn, 2007, tr. 63 – 64)

Câu 1. Trong văn bản trên, tác giả đã sử dụng thể thơ gì? Anh/ chị dựa vào đâu để xác định như vậy?

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính và nêu tên các biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản.

Câu 3. Đại từ “chúng tôi” trong đoạn thơ chỉ đối tượng nào? Ngoài đại từ này, đối tượng đó còn được gọi tên bằng một số cụm từ khác. Hãy chép ra các cụm từ ấy.

Câu 4. “Thế hệ chúng tôi” được khắc họa trong văn bản có những đặc điểm gì nổi bật? Tác giả đã dựng chân dung của thế hệ mình với thái độ như thế nào?

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Theo những điều được gợi lên từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày nhận thức của anh/ chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước, dân tộc.

Câu 2.

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu - Ngữ văn 12, tập hai, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2017), hai nhân vật Phùng và Đẩu từng có lúc thốt lên: “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!”.

Qua phân tích tình huống dẫn đến cảm giác ngạc nhiên, bối rối chứa đựng trong lời nói ấy của các nhân vật, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Thể thơ tự do.

- Căn cứ để xác định: số chữ trong các câu không đều nhau; cách ngắt dòng phóng túng; vần gieo không theo mô hình cố định, thậm chí có chỗ bỏ qua vần…

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt chính của văn bản: biểu cảm (hoặc trữ tình) và tự sự.

- Các biện pháp tu từ nổi bật: ẩn dụ, so sánh.

Câu 3:

- Đối tượng được chỉ định bằng đại từ “chúng tôi”: những người lính trẻ thời chống Mỹ cứu nước.

- Một số cụm từ khác cùng chỉ về đối tượng: “những thằng lính trẻ măng”, “thế hệ chúng tôi”, “một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận”, “một thế hệ thức nhiều hơn ngủ”.

Lưu ý: Vế thứ nhất của câu hỏi giúp xác định mức độ hiểu biết của thí sinh về tác giả và bối cảnh được miêu tả trong văn bản. Vế thứ hai của câu hỏi kiểm tra một kỹ năng đọc thơ mang tính đặc thù: nhận ra sự lặp lại với một số biến hóa của những từ/ hình ảnh then chốt, từ đó, xác định được hình tượng trung tâm và thông điệp chính của văn bản.

Câu 4:

- “Thế hệ chúng tôi” được khắc họa với những đặc điểm nổi bật: cởi mở, tinh nghịch, trẻ trung (không có gì phải che giấu nữa, tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ, chen bám ở bậc toa như chồi như nụ); dám gánh vác trách nhiệm trước đất nước (hiệu còi ấy là một lời tuyên bố); dày dạn, kiên trì trước những thử thách khốc liệt (mỗi ngày đều đụng trận, vác cối nặng, thức nhiều hơn ngủ, xoay trần đào công sự…); đầy tinh thần sáng tạo trong hành trình cuộc sống (xoay trần trong ý nghĩ, đi… bằng rất nhiều lối mới…).

- Thái độ của tác giả khi dựng chân dung thế hệ mình: tự tin, yêu quý, tự hào, không hề có một chút mặc cảm.

Lưu ý: Thí sinh không nhất thiết phải dùng đúng các từ định danh đặc điểm đối tượng miêu tả/ khắc họa và các từ khái quát về thái độ của nhà thơ giống như trong đáp án. Điều quan trọng là nhận ra được nội dung biểu đạt và sắc thái ý nghĩa riêng của những cụm từ/ hình ảnh nổi bật có trong văn bản được chọn in nghiêng ở trên.

II. LÀM VĂN

Câu 1:               

1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

- Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước, dân tộc.

2. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

- Thế hệ trẻ, với đặc điểm trẻ trung, cởi mở của mình, luôn là nét tươi sáng, tích cực của bức tranh cuộc sống.

- Nói tới thế hệ trẻ là nói tới những hành trình đầy niềm hưng phấn, với tinh thần trách nhiệm rất cao.

- Thế hệ trẻ cần dấn bước vào đời với quyết tâm lớn, với những hành động quyết liệt, vì mục đích đưa đất nước bước lên tầm cao mới, khẳng định được tư thế tồn tại đường hoàng của mình trước thế giới, nhân loại.

- Thế hệ trẻ phải biết không ngừng khám phá, sáng tạo, “đi con đường người trước đã đi/ bằng rất nhiều lối mới”.

Lưu ý: Đây chỉ là một đoạn văn ngắn, không đòi hỏi quá khắt khe về bố cục, về hệ thống “ý”. Có thể dựa vào/ phỏng theo mạch cảm xúc/ suy nghĩ của tác giả văn bản (trong phần Đọc hiểu) để triển khai mạch viết riêng của mình (như gợi ý ở trên). Thí sinh có thể hoàn thành đoạn văn theo kiểu lần lượt trả lời (ngắn) các câu hỏi: Tại sao phải có trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc? Trách nhiệm cụ thể của thế hệ trẻ hôm nay là gì? Thế hệ trẻ chúng ta đã làm gì, sẽ phải làm gì để thể hiện tinh thần trách nhiệm đó?

3. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn mực.

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi ưa nói, ưa tranh luận, nhưng khi tôi 17 tuổi nếu tôi giơ tay phát biểu trước lớp về một vấn đề không đồng ý với quan điểm của thầy cô, tôi bị dòm ngó, tẩy chay, cười mỉa... Hình như ở Việt Nam, người ta rất khó chấp nhận chuyện người nhỏ hơn mình “sửa sai” hay tranh luận thẳng thắn với người lớn.

Khi lớn, tôi có đọc “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của GS Trần Ngọc Thêm, ông có giải thích về văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, “sống lâu lên lão làng”... Tôi không rõ lắm, nhưng nói như vậy để thấy 17 tuổi tôi không được ủng hộ cho chuyện được nói lên suy nghĩ của bản thân, nếu tôi nói khác với số đông, tôi lập tức là “cá biệt” mà không cần biết đúng hay sai.

Còn ở nhà, 17 tuổi tôi phải nhất nhất làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, nếu tôi dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào “hỗn hào và bất hiếu”.

Bao giờ mới trưởng thành?   

Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi thật sự thấy mình đã trưởng thành (22 tuổi mới thấy trưởng thành, có lẽ khá muộn so với độ tuổi của bạn bè trên thế giới), khi đã có công việc và tự lập với thu nhập kiếm được. Tôi nghĩ có lẽ cuộc sống của mình đã “dễ thở” hơn. Đó cũng là lúc tôi thấy con đường mà tôi đã đi như ý gia đình là không sai, nhưng thật tình như bạn nói: rất tẻ nhạt.

Tôi luôn có cảm giác không được sống đúng với sở thích, cá tính của bản thân. Nói đến đây, chắc rất nhiều bạn hỏi sao tôi không đấu tranh, không đủ dũng khí sống với cá tính, đam mê của mình mà lúc nào cũng nhất nhất nghe theo gia đình. Cũng “khởi nghĩa” vài lần, nhưng kết quả thì lần nào cũng thất bại, vì bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý.

.... Đừng nói là 17 tuổi, đến 27 tuổi tôi vẫn chẳng thể tự do quyết định cuộc sống của mình. Và tôi biết có rất nhiều bạn trẻ giống tôi.

Tất cả những sự thay đổi trong tư tưởng đều cần rất nhiều thời gian. Tôi sẽ không thể thay đổi mình, thay đổi hoàn cảnh năm tôi 17 tuổi, nhưng tôi hi vọng thế hệ sau tôi có được điều đó, khi các em có được những người bố, người mẹ là chúng tôi.

 (Đặng Anh, Sống đúng là mình, Tuoitre.vn, 9/9/2013)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Khi viết văn bản này, người viết mong muốn điều gì?

Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng trong xã hội của người Việt bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý?

Câu 4. Theo anh/chị, người nhỏ tuổi nên hay không khi sửa sai hay tranh luận thẳng thắn với người lớn? Vì sao?

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN

Câu 1.

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tư duy áp đặt được đề cập đến trong văn bản phần Đọc hiểu.

Câu 2.

Phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (SGK Ngữ văn 12, tập II, NXB Giáo dục). Từ đó liên hệ với hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương (SGK Ngữ văn 11, tập I, NXB Giáo dục) để làm rõ tư tưởng nhân đạo của hai tác giả. 

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2:

Khi viết văn bản này, người viết mong muốn thế hệ sau sẽ được thay đổi (không phải chịu sự áp đặt từ cha mẹ hay người lớn).

Câu 3:

Tác giả cho rằng trong xã hội của người Việt bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý bởi vì:

- Văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, vậy nên con cái thường phải làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, không dám (hoặc ít khi) làm ngược lại, hay thay đổi.

- Nếu dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào hỗn hào và bất hiếu.

Câu 4:

- Nếu HS trả lời theo hướng đồng thuận (nên) thì cần lập luận:

+ Vì đôi khi người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Tranh luận giúp người khác nhận ra sai lầm để sửa chữa là việc nên làm.

+ Qua việc tranh luận, người nhỏ tuổi được bộc lộ quan điểm, suy nghĩ, bản thân cũng trưởng thành hơn. Tuy nhiên cần phải thái độ lễ phép, lập luận khéo léo, thuyết phục…

- Nếu HS trả lời theo hướng không đồng thuận (không nên) thì cần lập luận:

+ Người lớn tuổi thường giàu kinh nghiệm, ít khi sai.

+ Người nhỏ tuổi chưa đủ tri thức cũng như kinh nghiệm sống để phản bác hay sửa sai cho người lớn nên cần tôn trọng, lắng nghe và học hỏi từ người lớn…

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN

Câu 1:

a. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tư duy áp đặt.

b. Học sinh có thể trình bày theo cách của mình nhưngcơ bản cần đạt được các ý sau:

• Giải thích:  Tư duy áp đặt là kiểu tư duy luôn cho mình là đúng, bắt buộc người khác phải suy nghĩ và hành động theo quan điểm của mình.

• Phân tích, bình luận:

- Tư duy áp đặt là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp lúa nước, là lối tư duy của chế độ phong kiến, mang tính gia trưởng vẫn tồn tại khá sâu sắc trong không ít gia đình Việt (dẫn chứng).

- Mặt tích cực: tránh cho người trẻ những vấp ngã, sai lầm không đáng có do sự nông nổi, thiếu chín chắn (dẫn chứng).

- Mặt hạn chế:

+Với người mang tư duy áp đặt: luôn có cái nhìn phiến diện, một chiều, không tiếp thu cái mới, không khắc phục được khuyết điểm, hạn chế của bản thân…

+ Với người bị áp đặt: không dám sống với suy nghĩ, sở thích, cá tính của riêng mình, luôn cảm thấy không được là chính mình, thấy cuộc sống tẻ nhạt....

+ Với xã hội: sự áp đặt của người lớn lên suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ sẽ tạo ra những lớp người thụ động, lười nhác trong suy nghĩ và làm việc, thích dựa dẫm, ngại sáng tạo đổi mới, làm cho xã hội, đất nước trì trệ, tụt hậu…

- Mở rộng, nâng cao vấn đề, rút ra bài học:

+ Cần phân biệt tư duy áp đặt với sự quyết đoán cần thiết trong những tình huống cụ thể và dám chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình.

+ Người trẻ cần có thái độ lễ phép, trân trọng tiếp thu hợp lí ý kiến người lớn tuổi, người đi trước; mạnh dạn trao đổi, khéo léo thuyết phục khi đưa ra chủ kiến hay tranh luận.

c. Đảm bảo kết cấu đoạn văn chặt chẽ, trình bày rõ ràng, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp…

Câu 2:

• Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

• Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài, từ đó liên hệ với hình tượng bà Tú để làm rõ tư tưởng nhân đạo của hai tác giả.

• Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, trau chuốt, văn viết có cảm xúc, biết phân tích văn bản theo đặc trưng thể loại để làm nổi bật vấn đề nghị luận…

2.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, dẫn dắt vấn đề nghị luận.

2.2. Phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài.

- Được tái hiện trong tình huống nghịch lý, qua cái nhìn trực tiếp của nhân vật Phùng:

+ Ngoại hình thô kệch xấu xí, lam lũ, vất vả.

+ Bị chồng đánh đập một cách tàn bạo mà vẫn im lặng không van xin, chống trả hay chạy trốn… chỉ tỏ ra đau đớn, xấu hổ, nhục nhã vì làm tổn thương tâm hồn những đứa con thơ dại.

⟹ Chân dung chứa đựng những nghịch lý éo le, bất hạnh.

- Qua câu chuyện đời tự kể:

+ Thời con gái thua thiệt về nhan sắc, muộn duyên. Lấy chồng nhưng hoàn cảnh cơ cực, nghèo khổ, thuyền chật, con đông, mưu sinh bằng nghề sông nước nhọc nhằn đầy bất trắc; thường xuyên bị hành hạ về thể xác, đày đoạ về tinh thần, là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình…

+ Có tình yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng hi sinh bản thân, sống cam chịu, nhẫn nhục, không muốn ly hôn với người chồng vũ phu, độc ác chỉ vì thương con, thấu hiểu, bao dung với chồng…

+ Có lòng vị tha, bao dung, thất học mà không tăm tối, quê mùa mà sâu sắc hiểu đời, vượt lên trên nỗi đau bản thân để sống và chắt chiu hạnh phúc…

-Nguyễn Minh Châu đã đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo và từ những

điểm nhìn khác nhau; nhân vật được khắc hoạ rõ nét qua bút pháp tương phản giữa bề ngoài và bên trong, thân phận và phẩm chất…

 (Học sinh có thể phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài theo các cách khác nhau song cần đảm bảo làm rõ những nét chính về cuộc đời, số phận, phẩm chất… và nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn).

2.3. Liên hệ với hình tượng bà Tú.

 - Cuộc sống lam lũ, công việc mưu sinh mưa nắng, vất vả, chứa đầy những hiểm nguy, bất trắc…

- Đảm đang tần tảo, thảo hiền nhu thuận, giàu đức hy sinh, nhẫn nại vì một chút duyên với ông Tú mà phải vất vả lặn lội đầu sông cuối bãi, bươn chải lam lũ giữa chợ đời phồn tạp…

- Bằng giọng điệu trữ tình, chất chứa đầy cảm thương, pha chút hóm hỉnh, Tú Xương thể hiện sự thấu hiểu, tri ân, xót thương da diết, ngợi ca bà Tú, ngợi ca người phụ nữ với vẻ đẹp truyền thống.

2.4. Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn.

- Điểm chung:

+ Cả hai nhà văn đều thể hiện lòng cảm thương đối với những người phụ nữ bình dân vất vả, lam lũ vì mưu sinh, cuộc sống chứa đựng nhọc nhằn và cả nhục nhằn.

+ Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ: giàu đức hy sinh, bao dung và mang nặng tình yêu với gia đình, chắt chiu hạnh phúc đời thường…

- Điểm riêng:

+ Người đàn bà hàng chài là phương tiện để Nguyễn Minh Châu khái quát hiện thực và thể hiện tình cảm nhân đạo, bộc lộ sự quan tâm đến những bi kịch cá nhân, những số phận nhỏ bé, khuất lấp giữa cuộc sống đời thường. Nhà văn còn khái quát triết lí về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, nghệ sĩ và cuộc đời; thể hiện tư tưởng khát khao kiếm tìm, phát hiện và tôn vinh những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người…

 + Qua việc khắc hoạ hình tượng người vợ, Tú Xương bộc lộ tấm lòng thương vợ. Nhà thơ vừa cảm thương, trân trọng mà cũng xót xa cho người vợ hiền của mình, giữa thời buổi loạn lạc, công danh của ông lận đận nên bà phải vất vả, tảo tần. Từ đó, nhà thơ lên tiếng phê phán những bất công đối với người phụ nữ…

2.5. Lý giải.

- Nguyên nhân tạo nên điểm chung:

+ Đề tài người phụ nữ là đề tài truyền thống trong văn học, giàu chất hiện thực.

+ Cả hai nghệ sỹ đều nặng tình người, tình đời.

+ Cả hai sáng tác đều viết ở những giai đoạn khó khăn của đất nước, số phận con người cá nhân chưa được quantâm. Đó là tiền đề cho cảm hứng nhân văn, nhân đạo lên ngôi.

- Nguyên nhân tạo nên điểm riêng:

+ Cảm hứng, ý đồ sáng tạo của mỗi nghệ sỹ khác nhau.

+ Hai văn bản thuộc thời kì văn học khác nhau, thi pháp khác nhau.

 + Sự độc đáo trong bút pháp của mỗi nghệ sỹ và đặc trưng thể loại của mỗi tác phẩm: Tú Xương là bậc thầy về thơ Nôm trữ tình, giản dị chân thực mà sâu sắc; Nguyễn Minh Châu là cây bút văn xuôi sắc sảo, tinh anh, tài năng…

2.6. Khái quát vấn đề nghị luận: Sự thành công trong việc khắc họa hình tượng người phụ nữ đã góp phần tạo nên giá trị của hai tác phẩm, thể hiện tài năng và tấm lòng của hai tác giả.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Đọc các đoạn trích và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

1. Một anh chàng có tên là Bryan Anderson đang lái xe trên đường cao tốc thì gặp một bà cụ già đang đứng cạnh chiếc xe hơi Mercedes mới cứng bị xịt lốp với dáng vẻ lo lắng.

Anderson liền dừng xe và đi bộ lại chỗ cũ. Thấy một anh đầu tóc bù xù, quần áo nhếch nhác, vẻ mặt hơi dữ, râu ria không cạo, cụ già hơi sợ. Cụ đành gật đầu vì đã đợi cả tiếng trên cao tốc dưới nắng gắt mà không ai dừng lại giúp.

Chỉ trong mươi phút, chàng trai đã thay xong cái lốp bị hỏng dù quần áo bị bẩn lem luốc thêm, tay anh bị kẹt sưng tấy.

Khi xong việc, cụ bà hỏi, anh lấy bao nhiêu nhưng Anderson cười và nói “Cụ chẳng nợ chi ạ. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ tay bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi.

(Con người và sự tử tế, Hiệu Minh, Báo Vietnamnet, 29/03/2016)

2. Giờ đã là 1 giờ sáng nhưng cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang, 22 tuổi, vẫn đang ngồi ngoài vỉa hè lạnh giá để khám bệnh miễn phí cho ông Nguyễn, một người đàn ông vô gia cư 70 tuổi. Con đường này là nơi nương náu duy nhất của ông khi đêm xuống.

Ông mặc 3 lớp áo để chống lại cái lạnh. Ông kêu đau tay và lưng do công việc sửa xe đạp. Không do dự, Trang nhẹ nhàng đưa tay xoa các ngón tay cho ông. Sauk hi hỏi han xong, cô đã trao cho ông ba miếng dán Salonpas. Ông Nguyễn đã rất xúc động cảm ơn cô.

Ông nói: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những người tình nguyện viên trẻ này tới thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”.

(“Chuyện người tử tế” Việt Nam lên báo nước ngoài, Phạm Khánh lược dịch, Infonet, 22/03/2017)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong hai đoạn trích trên.(nhận biết)

Câu 2. Việc làm của anh Bryan Anderson và cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang trong hai đoạn trích trên có thể gọi tên là gì? Anh/ chị có đồng tình với những việc làm đó không, vì sao?

Câu 3. Câu nói của anh Bryan Anderson và lời chia sẻ của ông Nguyễn trong hai đoạn trích trên gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?

Anh Bryan Anderson: "Cụ chẳng nợ chi cả. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ tay bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi."

Ông Nguyễn: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những người tình nguyện viên trẻ này tới thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Từ hai đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về: Sự lan tỏa của việc làm tử tế trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2:

Trong con mắt của Nguyễn Tuân, con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta. Phân tích nhân vật người lái đò trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ nhận xét trên. Từ đó, hãy nêu một vài suy nghĩ của anh/chị về những phẩm chất cần có của mỗi người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt: tự sự.

Câu 2:

- Việc làm của hai người trong hai đoạn trích trên là việc làm tử tế.

- Đồng tình với những việc làm trên vì đó là những việc làm tốt, xuất phát từ tấm lòng nhân ai, yêu thương con người. Nếu mỗi người đều có những việc làm, những tấm lòng như vậy thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 3:

Câu nói của hai nhân vật trong hai đoạn trích gợi cho anh/ chị những suy nghĩ:

- Sự tử tế, lòng nhân ái cần được mang đến cho tất cả mọi người, cần được nhân rộng ra.

- Sự tử tế, lòng nhân ái đem lại niềm vui và hạnh phúc không chỉ cho người mà còn cho cả người nhận. Đó cũng là sự chia sẻ, đồng cảm.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích vấn đề

- Tử tế: chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé, chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” có nghĩa là cẩn trọng từ những việc nhỏ bé.

- Tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa con người với con người trong cách đối nhân xử thế, là một giá trị đẹp và nhân văn.

- Tử tế không phải là có tiền bạc mà mua được hoặc muốn là có ngay, mà phải được học hành, được rèn luyện, kế thừa và giữ gìn.

- Sự lan tỏa của tử tế tức là sự tử tế được nhân rộng ra khắp toàn xã hội.

* Bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Tác dụng của việc lan tỏa sự tử tế:

+ Giúp mỗi người sống vui vẻ, hạnh phúc.

+ Giúp quan hệ giữa người với người trở nên văn minh hơn. Con người biết đồng cảm và sẻ chia với nhau hơn.

+ Giúp xã hội phát triển lành mạnh, thế giới không còn bạo lực, chiến tranh.

- Việc lan tỏa sự tử tế trong xã hội hiện nay là một điều cần thiết:

+ Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học – kĩ thuật, cuộc sống con người ngày càng bộc lộ rõ nhiều mặt trái của nó: bạo lực, chiến tranh…

+ Sự tử tế giúp con người nhận thức lại hành động của bản thân, kiểm soát bản thân và đối nhân xử thế một cách đàng hoàng.

- Làm cách nào để lan tỏa sự tử tế:

+ Nó bắt đầu từ sự giáo dục. Đầu tiên là sự giáo dục từ gia đình – cái nôi hình thành nhân cách cá nhân, nhà trường – nơi hoàn thiện nhân cách, xã hội – nơi đấu tranh để bảo vệ những giá trị tử tế đã được lên hình lê hài thời niên thiếu,…

+ Nó bắt đầu từ ý thức cá nhân. Mỗi con người sẽ có những lựa chọn ứng xử khác nhau. Sự tử tế cũng là một lựa chọn. Có những người bị môi trường bên ngoài tác động mà có những phản ứng tiêu cực, những hành động xấu.

* Liên hệ bản thân: Anh/chị đã làm gì để góp mình vào sự lan tỏa sự tử tế trong xã hội? Có câu chuyện nào về việc tử tế/ chưa tử tế với người nào để chia sẻ?

Câu 2:

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến nhận xét:

- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.

- Nét nổi bật trong phong cách của ông là ở chỗ, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mĩ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Đặc biệt ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mĩ.

- Người lái đò sông Đà là thiên tùy bút rút trong tập Sông Đà(1960) của Nguyễn Tuân, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn của ông: tài hoa, uyên bác, lịch lãm.

- Nhẫn xét về tác phẩm, có ý kiến cho rằng: “Trong con mắt của Nguyễn Tuân, con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta”. Hình ảnh người lái đò trong tác phẩm chính là chất vàng mười mà tác giả đã đi tìm bấy lâu.

2. Thân bài

* Giải thích ý kiến trên:

- "Vàng mười": chỉ những gì tinh túy nhất, cao quý nhất, giá trị nhất.

=> Con người Tây Bắc mới thực sự xứng đáng là thứ vàng mười của đất nước ta: Nguyễn Tuân muốn khẳng định tài năng hiếm có của người lái đò, nó được rèn luyện, thử thách qua nguy hiểm, khó khăn, không những thế, nó vượt qua ngưỡng là một công việc lao động bình thường trở thành một thứ nghệ thuật cao cấp và nâng tầm người thực hiện lên bậc nghệ sĩ.

* Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà:

2.1. Giới thiệu chân dung, lai lịch

- Tên gọi, lai lịch: được gọi là người lái đò Lai Châu

- Chân dung: “tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”, “cái đầu bạc quắc thước… đặt lên thân hình gọn quánh chất sừng chất mun”.

2.2. Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà

a) Vẻ đẹp trí dũng:

* Khắc họa trong tương quan với hình ảnh sông Đà hung bạo, hùng vĩ:

- Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật một cuộc chiến không cân sức:

+ Một bên là thiên nhiên bạo liệt, hung tàn, sức mạnh vô song với sóng nước, với thạch tinh nham hiểm.

+ Một bên là con người bé nhỏ trên chiếc thuyền con én đơn độc và vũ khí trong tay chỉ là những chiếc cán chèo.

* Cuộc giao tranh với ba trùng vi thạch trận:

- Cuộc vượt thác lần một:

+ Sông Đà hiện lên như một kẻ thù nham hiểm, xảo quyệt.

+ Trước sự hung hãn của bầy thạch tinh và sóng nước, ông lái đò kiên cường bám trụ “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”.

+ Trước đoàn quân liều mạng sóng nước xông vào (…), ông đò “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cái cuống lái, mặt méo bệch đi” nhưng vẫn kiên cường vượt qua cuộc hỗn chiến, vẫn cầm lái chỉ huy “ngắn gọn mà tỉnh táo” để phá tan trùng vi thạch trận thứ nhất.

- Cuộc vượt thác lần hai:

+ Dưới cây bút tài hoa, phóng túng, con sông Đà tiếp tục được dựng dậy như “kẻ thù số một” của con người với tâm địa còn độc ác và xảo quyệt hơn.

+ Ông lái đò “không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai  và đổi luôn chiến thuật”.

⟶ Trước dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đá, ông lái đò cùng chiếc thuyền cưỡi trên dòng thác như cưỡi trên lưng hổ.

⟶ Khi bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước xô ra, ông đò không hề nao núng mà tỉnh táo, linh hoạt thay đổi chiến thuật, ứng phó kịp thời “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến” để rồi “những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền”.

- Cuộc vượt thác lần ba:

+ Bị thua ông đò ở hai lần giao tranh trước, trong trùng vi thứ ba, dòng thác càng trở nên điên cuồng, dữ dội.

+ Chính giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người đọc càng thấy tài nghệ chèo đò vượt thác của ông lái thật tuyệt vời. Ông cứ “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa… vút qua cổng đá”, “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”… để rồi chiến thắng vinh quang. Câu văn “thế là hết thác” như một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông lái đã bỏ lại hết những thác ghềnh ở phía sau lưng.

* Nguyên nhân chiến thắng:

- Thứ nhất, đó là chiến thắng của sự ngoan cường, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm vượt qua những thử thách khốc liệt của cuộc sống.

- Thứ hai, đây là chiến thắng của tài trí con người, của sự am hiểu đến tường tận tính nết của sông Đà.

b) Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ:

- Tài hoa: Với nhà văn, tài hoa là khi con người đạt tới trình độ điêu luyện, thuần thục trong công việc của mình, đến độ có thể sáng tạo được, có thể vươn tới tự do. Chính vì vậy, Nguyễn Tuân đã tập trung bút lực ca ngợi hình ảnh ông lái băng băng trên dòng thác sông Đà một cách ung dung, bình tĩnh, tự tại trong cuộc chiến đầy cam go nhưng cũng thật hào hùng.

- Nghệ sĩ:

+ Tay lái ra hoa thể hiện tập trung trong cảnh vượt qua trùng vi thạch trận thứ ba “Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, chiếc thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được”. Đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, điêu luyện, mỗi động tác của người lái đò giống như một đường cọ trên bức tranh sông nước mênh mông…

+ Phong thái nghệ sĩ của ông lái đò thể hiện trong cách ông nhìn nhận về công việc của mình, bình thản đến độ lạ lùng. Khi dòng sông vặn mình hết thác cũng là khoảnh khắc “sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Những nhà đò dừng chèo, đốt lửa nướng ống cơm lam, bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh, “về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra tràn đầy ruộng”.

+ Qua thác ghềnh, ông lái lạnh lùng gan góc là thế, nhưng lúc bình thường thì lại nhớ tiếng gà gáy nên buộc một cái bu gà vào đuôi thuyền, bởi “có tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ ruộng nương bản mường mình”. Chi tiết ấy đã làm rõ hơn chất nghệ sĩ ở người lái đò sông Đà.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Phan Thành Tài. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?