TRƯỜNG THPT NGUYỄN VĂN HƯỞNG | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Mỗi lần đi thăm một thầy giáo lớn tuổi, trong lúc tranh luận về quan điểm sống, một sinh viên đã nói:
- Sở dĩ có sự khác biệt là vì thế hệ các thầy sống trong những điều cũ là của một thế giới lạc hậu, ngày nay chúng em được tiếp xúc với những thành tựu khoa học tiên tiến hơn nhiều, thế hệ các thầy đâu có máy tính, không có internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…
Người thầy giáo trả lời:
- Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta. Còn điều em nói là đúng. Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo nên những con người kế thừa và áp dụng chúng.
(Hạt giống tâm hồn và Ý nghĩa cuộc sống, tập 5, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Theo cậu sinh viên, điều gì làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi?
Câu 3. Tại sao cậu sinh viên lại cúi đầu, im lặng trước câu trả lời của thầy?
Câu 4. Từ câu chuyện trên anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân?
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu trả lời của người thầy giáo trong văn bản phần đọc hiểu: “Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta”.
Câu 2.
Vẻ đẹp và sức mạnh của tình mẫu tử qua hai nhân vật bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân) và người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu).
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
Câu 2:
- Điều làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi là: sự thay đổi thời đại và hoàn cảnh sống “Thế hệ các thầy sống trong những điều cũ là một thế giới lạc hậu, ngày nay chúng em được tiếp xúc với thành tựu khoa học tiên tiến hơn nhiều, thế hệ thầy không có máy tính, internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…”
Câu 3:
- Câu sinh viên cúi đầu im lặng trước thầy vì: cậu nhận ra rằng, những phương tiện hiện đại cậu được hưởng thụ ngày nay chính là do những thế hệ trước vất vả tạo thành. Vậy mà cậu không có thái độ biết ơn lại có những lời trách móc với thầy giáo – thế hệ đi trước.
Câu 4:
Bài học rút ra cho bản thân:
- Cần có thái độ đúng mực với những người lớn tuổi, đặc biệt là người đã và đang dạy dỗ ta.
- Phải biết ơn và trân trọng quá khứ, công lao của cha ông. Bởi mọi thành quả hôm nay ta được hưởng thụ đều do ông cha ta vất vả tạo thành.
- Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn, nhưng bản thân mỗi người phải giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đó là yếu tố không được thay đổi, nó tạo nên giá trị bền vững cho mỗi con người.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận
* Giải thích vấn đề
“Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta những không làm thay đổi chúng ta” câu nói muốn khẳng định, các phương tiện hiện đại sinh ra để phục vụ cho cuộc sống con người, giúp cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Nhưng không vì thế mà chúng ta được thay đổi những vốn sống, lối sống đẹp đẽ của dân tộc, truyền thống đạo lí tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của cha ông.
* Bàn luận vấn đề
- Vì sao chúng ta không thể để công nghệ thay đổi, phải biết ơn thế hệ đi trước?
+ Những người đi trước là những người đặt nền móng, mở đường cho thế hệ sau, không có thế hệ mở đường, thế hệ sau khó có thể phát triển được. Cuộc sống hôm nay trở nên tiện nghi hơn, dễ dàng hơn cũng chính là nhờ vào công sức của cha ông.
+ Biết ơn, trân trọng những người đi trước, con người mới có thể sống vững được trong cuộc đời. Cội nguồn quá khứchính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của con người.
- Chúng ta cần làm gì trong thời điểm hiện nay?
+ Trân trọng những thành quả thế hệ đi trước.
+ Không ngừng nỗ lực, phát huy những thành quả thế hệ cha anh để lại.
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Trong cuộc sống ngày hôm nay, có không ít những kẻ chỉ biết hưởng lợi ích cá nhân mà quên mất đi công sức của người khác. Những kẻ chỉ biết hưởng lợi cá nhân như vậy sẽ bị mọi người xa lánh, xã hội tẩy chay.
- Câu chuyện đưa ra đã thức tỉnh mỗi người chúng ta hãy biết ơn và trân trọng những người đi trước, bởi chính họ là người đặt nền móng cho sự tiện nghi, hiện đại của cuộc sống của ngày hôm nay.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
* Tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt:
- Kim Lân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam và là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân. Đó là mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc.
- Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong các tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.
- Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, được đánh giá là “vô tiền khoáng hậu”. Tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc, có giá trị nhân đạo cao cả, xứng đáng được xem là một trong những kiệt tác của văn xuôi hiện đại Việt Nam.
* Tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:
- Nguyễn Minh Châu được coi là người mở đường tinh anh và năng của văn học Việt Nam. Ông đi đầu trong khuynh hướng đổi mới văn học sau chiến tranh: nghĩ và viết nhiều về “đời thường”, về những vấn đề bức xúc đằng sau những chiến công, những vấn đề xã hội, về số phận và phẩm cách con người trong thực trạng phức tạp của đất nước.
- Hành trình sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.
- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu, là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông.
2. Phân tích
2.1. Giới thiệu nhân vật
a. Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân
- Là người phụ nữ nghèo khổ, cơ cực: dân ngụ cư tha phương cầu thực; chồng và con gái mất sớm.
- Tình cảnh éo le: cả đời lận đận, chỉ có tâm nguyện lớn nhất là lấy vợ cho con nhưng mãi không dành dụm được tiền, trong lúc nghèo đói đến cùng cực người con trai lại nhặt được vợ.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Vào giờ này năm ngoái, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng Internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là “fake new” – tin giả. Trước nữa lại càng không. Quan niệm phổ biến trong thời đại hiện nay là ai cũng trở nên thông minh, vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình – cái gì cũng được gắn thêm từ smart(*), từ nhà cửa, xe hơi, thẻ thanh toán cho đến điện thoại – nên không dễ bị lừa.
Thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà một tin tức hoàn toàn bịa đặt như việc ngôi sao điện ảnh Keanu Reeves tuyên bố vào ngày 21/11/2017 vừa qua rằng “những nhân vật tinh túy ở Hollywood đã dùng máu của trẻ sơ sinh để thăng tiến” đã đứng đầu danh sách nội dung tìm kiếm trên YouTube và lan truyền như virus trên Facebook với hơn 26.000 lượt tương tác chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Đó là một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat(**) hoặc các mạng xã hội.
[…] Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribe hay tận châu Phi, fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội. Fake news tồn tại từ rất lâu trong đời sống, nhưng chính nhờ mạng xã hội mà nó mới bùng phát tới cấp độ khủng khiếp như hiện nay. Đặc điểm nổi bật của mạng xã hội là người dùng không cần phải tìm kiếm thông tin mà thông tin tự tìm kiếm đến người dùng. Fake news cũng chủ động tiếp cận và tấn công người dùng theo cách đó.
Fake news không chỉ bóp méo thông tin theo kiểu vô thưởng vô phạt, fake news không chỉ là câu chuyện cắt dán tin tức bừa bãi để kiếm tiền quảng cáo… Hơn thế, fake news đang làm gia tăng tình trạng nhục mạ các cá nhân, làm cho doanh nghiệp, tổ chức lao đao khốn khổ, fake news thậm chí còn được lợi dụng vào các âm mưu chính trị và làm rối loạn xã hội…
(Lê Quốc Minh – Cuộc chiến chống lại fake news và trách nhiệm xã hội của báo chí, dẫn theo VietnamPlus)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2: Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là fake news (tin giả)?
Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội?
Câu 4: Theo anh/chị, mỗi chúng ta cần có cách ứng xử như thế nào để hạn chế sự lan truyền của những tin tức giả trên mạng xã hội?
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của việc truyền bá những thông tin sai lệch, giả mạo trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2.
Phân tích sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ Văn 12 Tập hai, Nxb Giáo dục, 2015). Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ được nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phong cách ngôn ngữ: chính luận.
Câu 2:
- Fake new có thể hiểu là những tin tức giả, tin tức bịa đặt về một vấn đề, sự kiện nào đó.
Câu 3:
“Fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội” vì:
- Fake new đang lan tỏa với tốc độ khủng khiếp từ châu Âu sang châu Á, châu Phi.
- Nhờ mạng xã hội mà fake new bùng phát tới cấp độ vô cùng khủng khiếp như hiện nay.
- Fake new tự tìm đến với người dùng, chủ động tiếp cận và tấn công người dùng.
Câu 4:
Cách ứng xử để hạn chế sự lan truyền của những tin tức giả trên mạng xã hội:
- Đối với người đọc cần lựa chọn trang tin tức uy tín để đọc; khi đọc phải trở thành người đọc thông minh, biết lựa chọn và phân tích vấn đề trong mỗi tin tức; luôn có quan điểm của bản thân, phản biện vấn đề để không bị truyền thông dắt mũi.
- Với người viết, cần phải là người có tâm với nghề, đưa tin trung thực, chính xác.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Bàn luận vấn đề
- Thực trạng: hiện nay việc truyền bá thông tin giả mạo diễn ra ngày càng phổ biến. Theo thống kê có đến 63% người đọc các bài trên facebook đều đang đọc thông tin giả mạo.
- Nguyên nhân:
+ Người viết muốn kiếm tiền quảng cáo, vì lợi ích cá nhân.
+ Người đọc muốn đọc những tin ngắn, giật gân.
- Tác hại:
+ Khiến cho người đọc hoang mang.
+ Gây nên bất ổn xã hội
+ Tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
- Giải pháp:
+ Kiểm soát chặt chẽ các thông tin được đưa lên mạng xã hội, có hình thức phạt nghiêm minh với những kẻ lan truyền thông tin giả.
+ Bản thân mỗi người cần tạo ra “sức đề kháng” trước rừng thông tin hiện nay. Chủ động tìm đến những nguồn thông tin đáng tin cậy; đọc và lọc thông tin, kiểm chứng thông tin trước khi lan truyền đến người khác.
Câu 2:
1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
- Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu chia thành hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.
- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu.
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.
2. Phân tích
2.1. Giới thiệu về nghệ sĩ Phùng và câu chuyện của anh
- Phùng vốn là người lính của một thời đất nước rực lửa chiến tranh. Người lính thuở ấy luôn là biểu tượng của tình yêu, niềm tự hào, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc.
- Hiện tại anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự hòa hợp giữa nghệ sĩ với chiến sĩ tạo nên ở anh những phẩm chất cao quý.
- Do sự phân công của trưởng phòng mà Phùng cần phải đến vùng biển miền Trung – nơi từng là chiến trường cũ của anh để săn một bức ảnh nghệ thuật cho vào bộ lịch năm sau với chủ đề thuyền và biển. Và chính chuyến đi này đã cho Phùng những trải nghiệm và nhận thức mới về cuộc sống.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong một buổi diễn thuyết đầu năm học, Brian Dison – Tổng giám đốc tập đoàn Coca Cola đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người. Trong bài diễn thuyết có đoạn:
“Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình.
Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu không có chúng, cuộc sống của bạn sẽ phần nào mất đi ý nghĩa.
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó để cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thực sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa.
Bạn chớ ngại nhận rằng mình chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau.
Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm…”
(Theo “Quà tặng cuộc sống – Sống trọn vẹn từng ngày” – www.kienthuccuocsong.edu.vn)
Câu 1: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2: Theo tác giả, vì sao “Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng”?
Câu 3: Em hiểu như thế nào về câu nói: “Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình?”
Câu 4: Brian Dison nói: “Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm…”, anh/chị có đồng tình với điều đó không? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Brian Dison trong phần đọc hiểu: “Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa”.
Câu 2:
Cảm nhận của anh (chị) về niềm khao khát muốn đi chơi của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài). Từ đó, liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của hai chị em Liên An (“Hai đứa trẻ” – Thạch Lam) và nhận xét quan niệm của mỗi nhà văn về cuộc sống có ý nghĩa.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Biện pháp: Điệp ngữ (Bạn chớ ….)
- Tác dụng: Khẳng định, nhận mạnh những điều quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua trong cuộc sống.
Câu 2:
- Mỗi người đều có những nét riêng về tính cách, sở trường, suy nghĩ, quan điểm hoàn cảnh, sở thích,… Vì vậy, mục tiêu của mỗi người cũng khác.
- Nếu đặt mục tiêu của mình vào những gì mà người khác cho là quan trọng chúng ta sẽ không phát huy hết năng lực sở trường của bản thân; đánh mất chính mình, biến mình thành một bản sao; sống vô nghĩa….
- Hiểu rõ điều gì tốt cho bản thân là hiểu được chính mình. Chính điều này rất quan trọng giúp chúng ta tự tin, chủ động và quyết tâm nhiều hơn để chinh phục được mục tiêu, làm cho cuộc sống thú vị và ý nghĩa hơn.
Câu 3:
- "Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay": cách nói hình ảnh về việc để thời gian trôi đi vô ích, thái độ thờ ơ với cuộc sống.
- "Sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc": nâng niu trân trọng cuộc sống của bản thân.
- "Sống trọn vẹn từng ngày": sống có ý nghĩa, sử dụng thời gian hợp lí, có ích.
=> Ý nghĩa: khuyên con người trân trọng thời gian hiện tại, quý trọng cuộc sống của bản thân.
Câu 4:
- Đồng tình với quan điểm của tác giả.
- Cách giải:
+ Mạo hiểm, dám đương đầu với thử thách bạn sẽ có nhiều cơ hội và từ đó tăng thêm khả năng thành công.
+ Bài học về sự dũng cảm, dám đương đầu với thử thách.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề:
- “Không có gì là hoàn toàn bế tắc mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa”: Trong cuộc sống khi đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, chúng ta thường nghĩ đó là sự bế tắc, đường cùng. Thế nhưng đó chỉ là ranh giới tạm thời để thử thách ý chí, nghị lực con người, biết cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thì không có khó khăn nào mà không thể vượt qua.
* Bàn luận vấn đề
- Trong cuộc sống chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua, người bản lĩnh là người có ý chí, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn đó.
- Ý chí, nghị lực vượt khó là một phẩm chất cần có đối với con người hiện đại, giúp chúng ta chinh phục thử thách và khám phá những năng lực phi thường của chính mình.
- Người có ý chí, nghị lực còn giúp truyền cảm hứng vượt khó đến những người xung quanh.
- Dẫn chứng
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Phê phán những kẻ hèn nhát, nhụt ý chí trước những khó khăn thử thách.
- Liên hệ bản thân.
Câu 2:
1. Mở bài:
* Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”
- Tô Hoài là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thực đời thường. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (1952) in trong tập Truyện Tây Bắc được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.
2. Phân tích:
2.1. Giới thiệu về nhân vật Mị
a. Chân dung, lai lịch:
- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Mị xinh đẹp như bông hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc.
- Tài năng: thổi lá hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:
+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”
+ Tự ti vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”
+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”
=> Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.
b. Số phận bất hạnh: bị biến thành con dâu gạt nợ.
- Nguyên nhân:
+ Do món nợ truyền kiếp.
+ Vì Mị bị A Sử lừa bắt về do hủ tục cướp vợ của người dân tộc thiểu số.
- Ban đầu mới về, Mị phản kháng nhưng yếu ớt rồi muốn tự tử nhưng đến khi quen dần Mị chịu sự đày ải cả về thể xác lẫn tinh thần.
c. Phân tích khát khao muốn đi chơi của Mị
* Nguyên nhân làm sống dậy khát khao:
- Khung cảnh ngày xuân:
+ Màu sắc rực rỡ: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ.
+ Âm thanh náo nhiệt, tưng bừng: tiếng trẻ con chờ tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà …
- Tiếng sáo: có sự dịch chuyển, vận động:
+ Từ xa đến gần (Từ ngoài vào trong, từ khách thể nhập vào chủ thể):
- Lấp ló ngoài đầu núi vọng lại.
- Văng vẳng ở đầu làng.
- Lửng lơ bay ngoài đường.
- Rập rờn trong đầu Mị.
+ Từ hiện tại đến quá khứ (Từ cõi thực đến cõi mộng).
+ Tiếng sáo rủ bạn đi chơi đầy háo hức ⟶ tiếng sáo gọi bạn yêu trong tuyệt vọng.
⟹ Dìu hồn Mị bềnh bồng sống lại với những khát khao yêu thương hạnh phúc của ngày xưa, dẫn Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ.
- Hơi rượu:
+ Uống cả hũ rượu
+ Uống ực từng bát
=> Say lịm mặt ngồi đấy ⟶ Lãng quên hiện tại ⟶ Sống lại quá khứ.
* Khát khao muốn đi chơi
- Những nguyên nhân trên tác động mạnh mẽ đến Mị, Mị thấy “phơi phới” trở lại, “vui sướng”
- Thức dậy ý thức và khát vọng: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
=> Sự giao tranh giữa ý muốn và thực tại hiện hữu
- Thực tại hiện hữu: Mị muốn đi chơi nhưng lại không đi chơi, Mị đi vào buồng.
- Trong hơi rượu, Mị như ở trạng thái mộng du, vượt thoát hoàn cảnh để tìm lại chính mình:
+ Lấy ống mỡ sắn một miếng để thắp đèn lên cho sáng. ⟶ thắp sáng căn buồng cũng là thắp sáng khát vọng giải thoát cuộc đời mình.
+ Chuẩn bị đi chơi: quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa, rút thêm cái áo.
=> A Sử trói Mị không cho đi chơi nhưng A Sử chỉ trói được thân xác Mị chứ không trói được ý muốn đi chơi, không trói được khát vọng, sức sống của Mị. Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo đến với những cuộc chơi.
2.2. Liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của hai chị em Liên An
a. Giới thiệu tác giả Thạch Lam và tác phẩm “Hai đứa trẻ”:
- Thạch Lam là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Ông thường viết những truyện không có chuyện. Mỗi truyện của ông như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người.
- Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập Nắng trong vườn (1938).
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Nguyễn Văn Hưởng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !