Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Minh Hóa

TRƯỜNG THPT MINH HÓA

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

“Có một câu nói là: “Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay”. Ý tưởng nhiều vô kể. Nhiều người có được ý tưởng rất tốt. Nhưng có rất ít người biến được ý tưởng thành hiện thực. Một người bạn của tôi từng nói: “Khi ai đó tâm sự với tôi về ý tưởng này khác, tôi chỉ bảo: Nghe tuyệt lắm, hãy làm đi. Tôi không bảo khó, bảo sẽ thất bại hay bàn lùi. Cứ để họ thực hiện. Hành động chứng minh tất cả.”

Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.

Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: “Just do it”. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay trở lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không bước ra ngoài và làm điều có ích. Còn nói theo cha ông ta ngày trước thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một chuyện, phải hành động, phải thực hành mới khiến kĩ năng của ta khá lên.

Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế giới. Mà để phát triển khả năng hành động không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ hay mở công ty.

Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.

Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên”.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0.5 điểm). Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì những lí do nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Dựa vào đoạn trích, anh/ chị hãy nêu cách hiểu về câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Câu 4 (1.0 điểm). Anh chị có đồng tình với quan điểm của tác giả về cách phát triển khả năng hành động ở người trẻ tuổi: “...để phát triển khả năng hành động, không phải làm điều gì lớn lao (...). Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một”? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc-hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của khả năng hành động với những người trẻ tuổi.

Câu 2 (5,0 điểm).

Trong đoạn trích “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm viết:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập, be bờ cho người sau trồng cây, hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Anh/ chị hãy cảm nhận hình tượng nhân dân được khắc họa trong đoạn thơ trên.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt của đoạn trích là nghị luận

Câu 2. Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì:

- Tuổi trẻ chỉ có một lần, thời gian qua là không trở lại.

- Học phải đi đôi với hành; phải hành động, phải thực hành thì kiến thức của ta mới khá lên.

Câu 3. Có thể hiểu nội dung câu nói của nhà văn Lỗ Tấn như sau:

- Nghĩa đen: những con đường không tự nhiên có trên mặt đất. Con đường hình thành do con người đi nhiều, đi quen, nghĩa là được tạo nên từ quá trình sinh sống của con người.

- Nghĩa bóng: con đường được tạo thành tượng trưng cho kết quả, thành quả. Mọi thành quả không tự nhiên sinh ra mà được tạo nên từ quá trình hành động của con người.

Câu 4. Học sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc nửa đồng tình, nửa phản đối, miễn là lí giải thuyết phục, hợp lí.

- Đồng tình vì:

+ Làm những điều lớn lao có thể dễ thất bại, dễ mất niềm tin vào khả năng hành động của mình và bị thui chột ý chí hành động.

+ Không phải ai cũng có đủ điều kiện và năng lực để làm những điều lớn lao.

+ Ngược lại, khi đi từng bước nhỏ, làm những việc vừa sức, ta có thể thực hiện được mục tiêu, có những bước đệm vững chắc để rèn luyện khả năng hành động của mình.

- Không đồng tình vì:

+ Những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ không đủ tạo ra môi trường, hoàn cảnh chứa đựng những thử thách lớn, những thử thách có thể giúp ta rèn luyện năng lực hành động; thậm chí những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ còn có thể làm hạn chế năng lực hành động của ta.

+ Những việc làm, bước đi nhỏ khó dẫn ta tới điều gì lớn lao, đột phá, khó khẳng định được bản thân.

- Nửa đồng tình, nửa phản đối: kết hợp hai cách trả lời trên.

II. LÀM VĂN

Câu 1. 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn với cấu trúc mở-thân-kết.

Mở đoạn nêu được vấn đề nghị luận, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn khép lại, nâng cao vấn đề.

b. Xác định đúng nội dung nghị luận: vai trò của khả năng hành động ở người trẻ tuổi; hiểu được khả năng hành động là khả năng dám dấn thân, bắt tay vào làm những việc cần thiết để biến ý tưởng, ý nguyện, mục đích thành hiện thực.

c. Triển khai nội dung nghị luận thành các ý cụ thể; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể triển khai theo hướng:

- Khả năng hành động là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho con người. Bởi hành động sẽ giúp ta thực hiện được ý tưởng, ý nguyện, điều mình mong muốn. Nếu không hành động, sẽ chẳng có thành quả nào xuất hiện, ý tưởng chỉ là ý tưởng, ước mơ chỉ là ước mơ.

- Hành động là khả năng cần thiết giúp con người chiến thắng chính mình: chiến thắng sự trì trệ, thụ động, nỗi sợ hãi của bản thân và có được sự năng động, nhạy bén, linh hoạt khi va chạm với cuộc sống.

- Hành động còn giúp ta kiểm nghiệm hiểu biết, năng lực cũng như những tích lũy về mọi mặt của bản thân để có hướng điều chỉnh, hoàn thiện chính mình.

- Hành động chứng tỏ ta đang sống mạnh mẽ, tích cực và ý nghĩa. Bởi trong ý nghĩa sâu xa, hành động là cách ta đóng góp giá trị và khẳng định sự hiện diện ý nghĩa của mình giữa cuộc đời.

- Khả năng hành động giúp con người, nhất là người trẻ tuổi có thể hòa nhập với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa: không bị lạc hậu, lỡ nhịp và bị bỏ lại phía sau.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Chúng ta không có bất kỳ ý niệm gì về việc thị trường lao động sẽ ra sao vào năm 2050. Nhìn chung mọi người đồng thuận cho rằng học máy và công nghệ robot sẽ thay đổi gần như mọi ngành nghề, từ sản xuất sữa chua đến dạy yoga. Tuy nhiên, có những quan điểm trái ngược nhau về bản chất của sự thay đổi này và thời điểm nó xảy ra. Một số tin rằng chỉ trong một hay hai thập kỷ, hàng tỷ người sẽ trở nên vô dụng về mặt kinh tế. Một số khác kiên định rằng thậm chí về lâu về dài thì tự động hóa sẽ vẫn tiếp tục tạo ra những công ăn việc làm mới và sự thịnh vượng lớn hơn cho tất cả.

Con người có hai loại năng lực thể chất và nhận thức. Trong quá khứ, máy móc cạnh tranh với con người ở năng lực thể chất thuần túy, trong khi con người vẫn giữ được lợi thế cực kỳ lớn về nhận thức đối với máy móc. Do đó, khi các công việc tay chân trong công nghiệp và nông nghiệp được tự động hóa, các công việc dịch vụ mới đòi hỏi các loại kỹ năng nhận thức chỉ con người mới có xuất hiện: học tập, phân tích, giao tiếp và trên hết là hiểu cảm xúc con người. Tuy nhiên, AI giờ đây đang bắt đầu vượt qua con người trong ngày càng nhiều các kĩ năng này; bao gồm cả việc hiểu cảm xúc con người. Chúng ta không biết tới lĩnh vực hoạt động thứ ba nào, ngoài việc tay chân và việc trí óc, nơi con người sẽ luôn giữ một lợi thế an toàn.

Điều quan trọng là phải nhận ra cuộc cách mạng AI không chỉ là chuyện máy tính trở nên nhanh hơn và thông minh hơn. Nó được tiếp thêm năng lượng bằng những đột phá trong khoa học sự sống và cả khoa học xã hội nữa. Chúng ta càng hiểu rõ về những cơ chế sinh hóa cơ sở cho cảm xúc, đam mê và lựa chọn của con người thì máy móc càng có thể giỏi phân tích hành vi, dự báo quyết định và thay thế tài xế/ nhân viên ngân hàng/ luật sư- người hơn.

(Trích 21 bài học cho thế kỷ 21, Yuval Noah Harari, NXB Thế giới, Z420, tr. 38-39) 

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, mọi người đồng thuận cho rằng thị trường lao động sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2050?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết máy móc được tạo ra trong cuộc cách mạng AI có gì khác so với máy móc cạnh tranh với con người trong quá khứ?

Câu 4. Những thông tin về cuộc cách mạng AI trong đoạn trích có ý nghĩa gì đối với anh chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sự cần thiết phải thích ứng với những đổi thay trong cuộc sống.

Câu 2 (3.0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai). Từ đó, hãy làm rõ nét mới mẻ trong tư tưởng nhân đạo của nhà văn.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính nghị luận

Câu 2. Theo đoạn trích, mọi người đồng thuận cho rằng học máy và công nghệ robot sẽ thay đổi mọi ngành nghề, từ sản xuất sữa chữa đến dạy yoga

Câu 3.

Sự khác biệt:

- Trong quá khứ, máy móc cạnh tranh với con người ở năng lực thể chất thuần túy, không có các kĩ năng nhận thức học tập, phân tích, giao tiếp, hiểu cảm xúc con người.

- Trong cuộc cách mạng AI, máy móc thông minh hơn, vượt qua con người trong kĩ năng nhận thức, giỏi phân tích hành vi, dự báo quyết định và có thể thay thế con người trong các công việc như tài xế/nhân viên ngân hàng, luật sư.

Câu 4.

- HS có thể trả lời theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lí thuyết phục. Có thể theo hướng thông tin về cuộc cách mạng AI trong đoạn trích giúp định hướng nghề nghiệp, có sự chuẩn bị cần thiết về tâm thế, kiến thức, kĩ năng cho tương lai...

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo hình thức và dung lượng đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận, sự cần thiết phải thích ứng với những đổi thay trong cuộc sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận.

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo những cách khác nhau nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải thích ứng với những đổi thay trong cuộc sống. Có thể trình bày theo hướng sau:

- Thích ứng với những đổi thay cần thiết để mỗi người bắt kịp những biến động của thời đại, hòa vào nhịp sống chung, nâng cao khả năng cạnh tranh, nắm bắt cơ hội.

- Thích ứng với những đổi thay cần thiết để mỗi cộng đồng, dân tộc tồn tại và phát triển một cách năng động trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp và ngữ nghĩa tiếng Việt

e. Sáng tạo có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2.

Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ, làm rõ nét mới mẻ trong tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 

c. Triển khai vấn đề nghị luận: HS vận dụng hợp li các thao tác lập luận để triển khai và đánh giá vấn đề.

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nhân vật, đoạn trích.

* Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ 

- Hoàn cảnh.

+ A Phủ là chàng trai mồ côi, vì bất bình, đánh lại A Sử - con thống lí Pá Tra nên bị bắt làm người ở gạt nợ cho nhà giàu. A Phủ mải mê bảy nhỉm, để hỗ bắt mắt bỏ nên bị đưa về trói đứng trong nhà thống lí. .

+ Những đêm dài mùa đông, Mị dậy thổi lửa, hơ tay, nhìn thấy A Phủ bị trói đứng ngay bên cạnh

- Tâm trạng nhân vật

+ Mấy hôm đầu thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên, tâm hồn tê dại của cô không còn cảm nhận được nỗi khổ của bản thân và nỗi đau của người khác

+ Khi nhìn thấy dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ, Mị được đánh thức cả về cảm xúc và ý thức: cô nhớ lại cảnh bị trói đứng trong đêm tình mùa xuân, thấy đồng cảm, xót thương cho A Phủ, cô nhận ra sự độc ác, bất công, phi lí,...

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu

“Con sẽ không đợi một ngày kia

khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

ai níu nổi thời gian?

ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn”

(Trích “Mẹ”, Đỗ Trung Quân)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên? (0.25 điểm)

Câu 2: Nội dung đoạn thơ nói gì? (0.75 điểm)

Câu 3: Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng và tác dụng của nó trong câu thơ: Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ? (1.0 điểm)

Câu 4:

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn”

Anh chi hiểu như thế nào về những câu thơ trên (1.0 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự khắc nghiệt của thời gian.

Câu 2: (5,0 điểm)    

Cảm nhận của anh/ chị về quá trình nhận thức của nhân vật Phùng, trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), khi người nghệ sĩ nhiếp ảnhấy phát hiện ra cảnh bạo hành của gia đình hàng chài sống trên chiếc thuyền lưới vó.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: (0.25 điểm)

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích đó là: biểu cảm (0.25 điểm)

Câu 2: (0.75 điểm)

Đoạn thơ thể hiện nỗi lo sợ,hốt hoảng của người con khi nhận ra sự khắc nghiệt của thời gian (0,5 điểm) và quãng đời ngắn ngủi còn lại củamẹ (0,25 điểm)

Câu 3: (1.0 điểm)

Biện pháp nghệ thuật trong câu thơ: câu hỏi tu từ(0,5 điểm)

Tác dụng: tăng sức biểu cảm, gây sự chú ý và nhấn mạnh qui luật của tự nhiên: những dòng sông trôi đi, giống như thời gian, không bao giờ quay trở lại(0,5 điểm)

Câu 4: (1.0 điểm) Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý cơ bản;

- Thời gian của con và mẹ là 2 hành trình trái ngược nhau: Con lớn lên, mẹ già cỗi (0,5 điểm)

- Cuộc hành trình của mẹ là đi vào bóng đêm, là đang dần rời xa sự sống (0,5 điểm)

PHẦN II:LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

* Hình thức: 

- Viết đoạn văn khoảng 200 chữ

- Biết vận dụng các thao tác nghị luận để nêu và giải quyết vấn đề

- Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn. Lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục

* Nội dung

- Hiểu rõ:

- Thời gian là dòng chảy xuôi chiều, không bao giờ quay trở lại, không chờ đợi bất kì ai

• Thời gian là thứ tài sản ai cũng có quyền sở hữu nhưng không phải ai cũng biếtsử dụng một cách hợp lí, hữu ích.

- Phải trân quý và tận dụng khoảng thời gian đang có để làm được những việc có ích, để không phải hối tiếc

- Liên hệ thực tế bản thân.

*Biểu điểm:

- Bài làm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung và hình thức của đề, có dẫn chứng minh họa, văn viết lưu loát: 2,0 điểm

- Bài làm lí giải chưa đầy đủ, diễn đạt còn vụng:1,25- 1,5 điểm

- Viết thành bài, tối đa 1,0 điểm

- Bỏ giấy trắng: 0.0 điểm.

Câu 2: (5,0 điểm)

a/ Yêu cầu về kỹ năng: 

HS biết cách làm bài văn nghị luận văn học về cảm nhận nhân vật, kết cấu bài viết chặt chẽ, biết dùng từ, đặt câu, diễn đạt lưu loát, mạch lạc, bố cục cân đối, trình bày bài viết rõ ràng, tôn trọng người đọc.

b/ Yêu cầu về kiến thức: 

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, HS biết cách chọn lọc, sắp xếp và phân tích những chi tiết để làm rõ được quá trình nhận thức của nhân vật Phùng khi phát hiện ra cảnh bạo hành của gia đình hang chài. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu bật được những ý sau :

* Giới thiệu khái quát (1.0điểm)

- Tác giả Nguyễn Minh Châu ,

- Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”

- Vấn đề cần nghị luận

* Cảm nhận về quá trình nhận thức của nhân vật Phùng (3.0 điểm)

- Khái quát về nhân vật Phùng và tình huống xuất hiện của nhân vật

- Cảnh bạo hành của gia đình hàng chài mà Phùng nhìn thấy:

• Người đàn ông đánh vợ dã man

• Đứa con trai nhỏ đánh lại cha để bảo vệ mẹ

• Người đàn ông giáng cho đứa con traihai cái tát

- Tâm trạng Phùng khi chứng kiến cảnh bạo hành: kinh ngạc và bất bình

- Phùng nhận thức rằng;

• Đằng sau vẻ đẹp toàn bích của bức tranh ngoại cảnh là thực tế cuộc sống nhiều ngang trái và đau khổ của con người.

• Trách nhiệm của người nghệ sĩ là phải đi sâu vào khám phá cuộc sống của con người ở góc độ thật gần.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Minh Hóa. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?