TRƯỜNG THPT HÙNG VƯƠNG | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Đọc các đoạn trích và thực hiện các yêu cầu dưới đây:
1. Một anh chàng có tên là Bryan Anderson đang lái xe trên đường cao tốc thì gặp một bà cụ già đang đứng cạnh chiếc xe hơi Mercedes mới cứng bị xịt lốp với dáng vẻ lo lắng. Anderson liền dừng xe và đi bộ lại chỗ cũ. Thấy một anh đầu tóc bù xù, quần áo nhếch nhác, vẻ mặt hơi dữ, râu ria không cạo, cụ già hơi sợ. Cụ đành gật đầu vì đã đợi cả tiếng trên cao tốc dưới nắng gắt mà không ai dừng lại giúp.
Chỉ trong mươi phút, chàng trai đã thay xong cái lốp bị hỏng dù quần áo bị bẩn lem luốc thêm, tay anh bị kẹt sưng tấy. Khi xong việc, cụ bà hỏi, anh lấy bao nhiêu nhưng Anderson cười và nói: “Cụ chẳng nợ chi ạ. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ tay bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi.”
(Con người và sự tử tế, Hiệu Minh, Báo Vietnamnet, 29/03/2016)
2. Giờ đã là 1 giờ sáng nhưng cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang, 22 tuổi, vẫn đang ngồi ngoài vỉa hè lạnh giá để khám bệnh miễn phí cho ông Nguyễn, một người đàn ông vô gia cư 70 tuổi. Con đường này là nơi nương náu duy nhất của ông khi đêm xuống. Ông mặc 3 lớp áo để chống lại cái lạnh. Ông kêu đau tay và lưng do công việc sửa xe đạp.
Không do dự, Trang nhẹ nhàng đưa tay xoa các ngón tay cho ông. Sauk hi hỏi han xong, cô đã trao cho ông ba miếng dán Salonpas. Ông Nguyễn đã rất xúc động cảm ơn cô. Ông nói: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những người tình nguyện viên trẻ này tới thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”.
(“Chuyện người tử tế” Việt Nam lên báo nước ngoài, Phạm Khánh lược dịch, Infonet, 22/03/2017)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong hai đoạn trích trên. (nhận biết)
Câu 2.
Việc làm của anh Bryan Anderson và cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang trong hai đoạn trích trên có thể gọi tên là gì? Anh/ chị có đồng tình với những việc làm đó không, vì sao? (thông hiểu)
Câu 3. Câu nói của anh Bryan Anderson và lời chia sẻ của ông Nguyễn trong hai đoạn trích trên gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?
Anh Bryan Anderson: “Cụ chẳng nợ chi cả. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ tay bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi.”
Ông Nguyễn: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những người tình nguyện viên trẻ này tới thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”. (vận dụng)
II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự khắc nghiệt của thời gian.
Câu 2: (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/ chị về quá trình nhận thức của nhân vật Phùng, trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), khi người nghệ sĩ nhiếp ảnhấy phát hiện ra cảnh bạo hành của gia đình hàng chài sống trên chiếc thuyền lưới vó.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
* Phương pháp: Dựa vào các kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt. Có 6 phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ.
* Cách giải: Phương thức biểu đạt: tự sự.
Câu 2:
* Phương pháp: Phân tích.
* Cách giải:
- Việc làm của hai người trong hai đoạn trích trên là việc làm tử tế.
- Đồng tình với những việc làm trên vì đó là những việc làm tốt, xuất phát từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người. Nếu mỗi người đều có những việc làm, những tấm lòng như vậy thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Câu 3:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
Câu nói của hai nhân vật trong hai đoạn trích gợi cho anh/ chị những suy nghĩ:
- Sự tử tế, lòng nhân ái cần được mang đến cho tất cả mọi người, cần được nhân rộng ra.
- Sự tử tế, lòng nhân ái đem lại niềm vui và hạnh phúc không chỉ cho người cho mà còn cho cả người nhận. Đó cũng là sự chia sẻ, đồng cảm.
PHẦN II:LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
* Hình thức:
- Viết đoạn văn khoảng 200 chữ
- Biết vận dụng các thao tác nghị luận để nêu và giải quyết vấn đề
- Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn. Lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục
*Nội dung
- Hiểu rõ:
- Thời gian là dòng chảy xuôi chiều, không bao giờ quay trở lại, không chờ đợi bất kì ai
• Thời gian là thứ tài sản ai cũng có quyền sở hữu nhưng không phải ai cũng biếtsử dụng một cách hợp lí, hữu ích.
- Phải trân quý và tận dụng khoảng thời gian đang có để làm được những việc có ích, để không phải hối tiếc
- Liên hệ thực tế bản thân.
* Biểu điểm:
- Bài làm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung và hình thức của đề, có dẫn chứng minh họa, văn viết lưu loát: 2,0 điểm
- Bài làm lí giải chưa đầy đủ, diễn đạt còn vụng:1,25- 1,5 điểm
- Viết thành bài, tối đa 1,0 điểm
- Bỏ giấy trắng: 0.0 điểm.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc trích sau và trả lời các câu hỏi.:
“Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông
Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”.
(“Thường dân” – Nguyễn Long)
Câu hỏi:
Câu 1. Theo hiểu biết của anh/chị thì “thường dân” là gì ?
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu thơ:
“Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì” ?
Câu 3. Tác giả bày tỏ thái độ như thế nào đối với người thường dân qua bài thơ ?
Câu 4. Anh / chị có hoàn toàn đồng tình với quan niệm của tác giả về người thường dân được thể hiện trong bài thơ không ? Lí giải ?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Làm thế nào để “nhổ cỏ dại” trong chính bản thân mình?
Câu 2 (5,0 điểm)
Đánh giá của anh/chị về lí lẽ của hai nhân vật Hồn Trương Ba và Đế Thích trong đoạn trích dưới đây, từ đó hãy trả lời câu hỏi: Trong đoạn trích này, ai là người đang “tranh cãi với tự nhiên”?
Hồn Trương Ba (sau một hồi lâu): Tôi đã nghĩ kĩ… (nói chậm và khẽ) Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!
Đế Thích: Không thể được! Việc ông phải chết chỉ là một nhầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống.
Hồn Trương Ba: Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn…
Đế Thích: Không ! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào…
Hồn Trương Ba:
Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm để đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…
Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không ? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa.
Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao ? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi ! Còn lấy lí lẽ gì để khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được ? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai ? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc ! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc.
Đế Thích: Tôi không phải là kẻ khốn kiếp… Tôi quý mến ông… Tôi sẽ chẳng bao giờ được đánh cờ với ông nữa ư ? Nhờ ông đánh cờ với tôi, người trên trời dưới đất mới biết tôi cao cờ như thế nào ! Ngoài ông ra, không ai dám đọ cờ với tôi. Ông chính là lẽ tồn tại của tôi.
Hồn Trương Ba: Vì để chứng minh ông tồn tại mà tôi cứ phải tiếp tục cuộc sống không phải là tôi ư ? Không, ông phải tự tồn tại lấy chứ !
Đế Thích: Nhưng không đánh cờ, Đế Thích sẽ không còn là Đế Thích.
Hồn Trương Ba: Người ta đánh cờ là để rèn luyện tâm trí, để sảng khoái minh mẫn hơn mà sống ! Còn ông đánh cờ chỉ để chứng tỏ ông là tiên cờ ! Nói thật với ông: Nếu còn tiếp tục sống, tôi cũng chẳng thích đánh cờ với ông nữa ! Đánh cờ với ông chán lắm ! Không có gì chán bằng đánh cờ với tiên !
Đế Thích: (suy nghĩ) Con người dưới hạ giới các ông thật kì lạ.
Hồn Trương Ba: Ông hãy trả lời đi ! Ông có giúp tôi không ? Nếu ông từ chối, tôi sẽ… Tôi đã nhất quyết ! Ông phải giúp tôi!
Đế Thích: Trả thân xác này cho anh hàng thịt… và thế là…
Hồn Trương Ba: Không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa”.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. “Thường dân” là những người dân bình thường, không chức vị, không danh phận trong xã hội.
Câu 2. Câu thơ:
“Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì” ?
Có thể hiểu là:
- “Khi làm cây mác cây chông”: khi có chiến tranh, người dân xông pha nơi trận tuyến để bảo vệ đất nước.
- “Khi thành biển cả”: nói đến sức mạnh to lớn của nhân dân
- “Khi không là gì”: khi hòa bình, người dân lại trở về với cuộc sống đời thường, là những con người không tên không tuổi, “không ai nhớ mặt đặt tên”.
Câu 3. Tác bày tỏ thái độ như thế nào đối với người thường dân qua bài thơ ?
Tác giả bày tỏ thái độ vừa trân trọng, tự hào, vừa thương cảm đối với những người thường dân.
Câu 4.
Học sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn lí giải hợp lí. Tham khảo:
- Đồng tình
- Lí giải: Tác giả đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc về tâm tính, vai trò của người thường dân trong mọi hoàn cảnh của đất nước.
II. Làm văn
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
- Phải suy tư về bản thân để hiểu ra đâu là những thứ “cỏ dại” mà ta cần nhổ bỏ
- Phải tập luyện cho mình những thói quen tốt, để nó lấn át những cái xấu (giống như trồng hoa để diệt cỏ vậy)
- Lắng nghe những sự góp ý đúng đắn từ người khác để thay đổi.
- Phải có quyết tâm cao, lòng kiên trì để loại bỏ những thói hư tật xấu mà mình mắc phải.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (5 điểm)
* Mở bài: Trình bày những nét khái quát nhất về tác giả Lưu Quang Vũ và vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; dẫn vào vấn đề và đoạn trích.
* Thân bài: Đánh giá lí lẽ của hai nhân vật: hồn Trương Ba và Đế Thích
- Đế Thích cho rằng con người sống thì không cần phải hài hòa, toàn vẹn trong ngoài, vì theo ông “dưới đất trên trời đều thế cả”. Quan niệm này cho thấy Đế Thích có cái nhìn tuy trung thực nhưng lại hời hợt về cuộc sống của con người nói chung, của Trương Ba nói riêng. Với Đế Thích, miễn duy trì được sự sống là được.
- Đế Thích không đồng ý để Trương Ba đổi cái tâm hồn cao quý lấy cái tâm hồn phàm tục của anh hàng thịt. Quan niệm này cho thấy Đế Thích có cái nhìn rất phiến diện, một chiều, chỉ coi trọng cái thanh cao mà bác bỏ cái thấp hèn. Nếu không có cái thấp hèn thì đâu là cơ sở, tiêu chuẩn để định giá cái thanh cao?
- Đế Thích kiên quyết tìm mọi cách để Trương Ba được sống, và cuối cùng ông đề nghị Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Với ông, việc Trương Ba chết là một sai lầm, và cần phải được sửa. Ở đây ta lại thấy Đế Thích không có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về cuộc sống: bởi việc Trương Ba nhập vào xác cu Tị hay xác anh hàng thịt, về bản chất thì nó là giống nhau.
- Đế Thích muốn Trương Ba phải sống với bất cứ giá nào, vì theo Đế Thích, chết có nghĩa là hết tất cả. Quan niệm này cho thấy Đế Thích chỉ để ý đến mặt lượng (tức là kéo dài thời gian sống trên cuộc đời) chứ không hiểu được mặt chất (tức là sống sao cho có ý nghĩa) - Có lẽ do Đế Thích là tiên, là bất tử nên ông chưa bao giờ bị áp lực về mặt thời gian sống. Chính vì sống mà không bao giờ phải chết nên có lẽ ông cũng chưa bao giờ băn khoăn là phải sống như thế nào để khi chết đi không phải ân hận.
- Đế Thích muốn Trương Ba sống với bất cứ giá nào còn cho ta thấy suy nghĩ ích kỉ của Đế Thích: Đế Thích chỉ nghĩ đến việc làm cho Trương Ba sống để chơi cờ với mình, để chứng minh sự tồn tại của tiên cờ Đế Thích; chứ chưa bao giờ ông nghĩ đến cảm giác của Trương Ba và những người thân của Trương Ba.
- Trương Ba muốn được sống là chính mình, sống hài hòa giữa tâm hồn và thể xác. Đó là một ước muốn cao đẹp và chính đáng, bởi nếu không sống như vậy, thì có nghĩa là anh đang không thành thực với mình và với người, đang “diễn” với cuộc đời.
- Trương Ba muốn trả lại thân xác cho hồn anh hàng thịt, đó là một hành động dũng cảm và đúng đắn: vì dù có xấu xa phàm tục đến thế nào đi chăng nữa thì chúng vẫn thuộc về nhau, sinh ra là dành cho nhau; nó sẽ hài hòa, không khập khiễng.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
Trung thực rất tinh tế và khó phân biệt qua lời nói hay hành động. Đôi khi đức tính trung thực bị xem là đã “lỗi thời”, chỉ còn trên sách vở, không thực tế hoặc chẳng hay ho gì để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh. Trước đây, tôi từng cho rằng bình an là giá trị quan trọng nhất, nhưng giờ tôi thấy trung thực mới chính là nền tảng của tất cả giá trị khác.
Gần đây tôi có gặp một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, có ba người con rất đáng yêu. Giỏi giang, thông minh và giàu có nhưng chị tâm sự chị không hài lòng chút nào về bản thân. Chị luôn so sánh mình với hai người chị dâu, là những nữ doanh nhân cực kì sắc sảo và thành đạt. Chị đánh giá mình chỉ là một người phụ nữ vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì, đã thế lại còn thất nghiệp. Thực ra, chị đã không trung thực với chính mình khi chỉ nhìn vào những điểm mạnh của những người chị dâu, và đánh giá họ hoàn toàn dựa trên những cái mình không có. Trung thực trong lòng giúp ta đánh giá lại mình một cách chính xác và thực tế: biết và đánh giá cao ưu điểm của mình bên cạnh việc nhận ra nhược điểm của bản thân.
(Trích Lăng kính tâm hồn- Trish Summerfield, NXB Tổng hợp tp Hồ Chí Mimh)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã chỉ ra sai lầm nào của người phụ nữ khi nhận thức về bản thân?
Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến: Trung thực là yếu tố căn bản để có được sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh?
Câu 4. Anh /chị có đống tình với quan niệm: Thiếu sự trung thực với chính mình sẽ đồng nghĩa với việc nhận thức sai về bản thân không? Vì sao?
PHẦN II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin trong cuộc sống.
Câu 2: (5,0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biếu dạt chính: nghị luận
Câu 2: Sai lầm của người phụ nữ: không trung thực với chính mình chỉ toàn nhìn vào điểm mạnh của người chị dâu, và đánh giá họ dựa trên những cái mình không có.
Câu 3: Thông hiểu
* Yêu cầu: HS viết thành đoạn văn, trình bày được các ý sau:
- Trung thực là yếu tố quan trọng để mỗi người nhận thức đúng về mình.
- Câu nói đề cao tầm quan trọng sự trung thực với chính mình.
Câu 4: Vận dụng
* Yêu cầu: Viết đoạn văn ngắn
* Nội dung: đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Đồng tình/ không đồng tình: HS có thể trình bày ý kiến cá nhân, sẽ nghiêng về đồng tình.
- Lí giải vì: Không tự tin thừa nhận ưu điểm, không dám đối diện với khuyết điểm của bản thân
=> Không đánh giá đúng bản thân mình
- Liên hệ: (những năm gần đây, trong đáp án thường cho điểm phần này)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ (0,25đ)
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
(Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cân nghị luận về một tư tưởng đạo lí: ý nghĩa việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin trong cuộc sống (0,25đ)
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể: (1.0đ)
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy ý thể hiện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
- Giải thích:
+ Niềm tin: sự tin tưởng, tín nhiệm vào những điều có thể làm trong cuộc sống dựa trên cơ sở hiện thực nhất định.
+ Giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin là trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng có niềm tin làm sức mạnh tinh thần để thực hiện những điều mong ước, hoàn thành những dự định.
- Phân tích, bình luận, chứng minh:
+ Vì sao con người phải giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin?
+ Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.
+ Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, gian nan, thử thách nên cần có niềm tin để vượt qua.
+ Ý nghĩa của việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin:
+ Làm cho chúng ta luôn lạc quan, yêu đời, không gục ngã trước bất kì khó khăn, thử thách nào.
+ Rèn cho chúng ta có ý chí, nghị lực để đối mặt và vượt qua những khó khăn, tỉnh táo để tìm những lời giải cho những bài toán mà cuộc sống đặt ra.
- Bàn bạc mở rộng:
+ Niềm tin là sức mạnh để vượt qua những thử thách nhưng không phải chỉ cần niềm tin là đủ. Niềm tin ấy phải dưa trên những cơ sở thực tế. Tin vào điều trống rỗng, mơ hồ sẽ càng làm chúng ta ảo tưởng vào bản thân mà thôi.
+ Phê phán những người sống bi quan, trong lòng đầy đố kị, nhỏ nhen…
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: Tuổi trẻ cần nhận thức ánh sáng niềm tin như ngọn đèn dẫn đường để vượt qua thử thách và thất bại. Vì thế, cần tích cực học tập, rèn luyện, sống có lí tưởng cao đẹp…
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) (0,25đ)
Câu 2. (5,0 điểm)
I. Mở bài : (0,5đ)
- Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là truyện ngắn “Vợ nhặt”,được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. ây là tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu ( 1945) của nước ta.
- Trên cái nền tăm tối và đau thương ấy, nhà văn đã viết rất hay về tâm trạng của bà cụ Tứ - một người mẹ già, nghèo khổ nhưng giàu tình thương con và giàu lòng nhân hậu.
II. Thân bài: (4,0đ)
1. Khái quát về cuộc đời của bà cụ: Trước hết, xuất hiện trong tác phẩm, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ có một cuộc đời thật nhiều thương cảm: nhà nghèo, goá bụa, sống gian khổ, thầm lặng. (0,25đ)
2. Bối cảnh – tình huống và diễn biến tâm trạng của bà cụ: Bà cụ Tứ lần đầu tiên xuất hiện trong thiên truyện là lúc bóng hoàng hôn tê tái phủ xuống xóm Ngụ cư giữa ngày đói.
Cùng lúc đó, người con trai đáng thương của bà làm nghề đẩy kéo xe trên huyện, đưa một người đàn bà lạ về nhà.
a. Khởi đầu, bà ngỡ ngàng trước việc có một người phụ nữ lạ xuất hiện trong nhà mình. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ được nhà văn diễn tả bằng hàng loạt những câu nghi vấn: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình mình bằng u?...”. Thái độ ngạc nhiên của người mẹ, phải chăng cũng là nỗi đau của nhà văn trước một sự thật: chính sự cùng quẫn của hoàn cảnh đã đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm vốn có trước hạnh phúc của con (0,75đ)
b. Sau khi hiểu ra là con trai đã có vợ, bà lão không nói gì mà chỉ “cúi đầu im lặng”- một sự im lặng chứa đầy nội tâm : đó là niềm xót xa, buồn vui, lo lắng, thương yêu lẫn lộn. Bà mẹ đã tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh. (1,5đ)
- Bằng lòng nhân hậu thật bao dung của người mẹ, bà nghĩ: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không?”.Trong chữ “chúng nó”, người mẹ đã đi từ lòng thương con trai để ngầm chấp nhận người đàn bà lạ làm con dâu của mình.
- Rồi tình thương lại chìm vào nỗi lo, tạo thành một trạng thái tâm lý triền miên day dứt: bà nghĩ đến bổn phận chưa tròn , nghĩ đến ông lão, đến con gái út, nghĩ đến nỗi khổ của đời mình, nghĩ đến tương lai của con …để cuối cùng dồn tụ bao lo lắng – yêu thương trong một câu nói giản dị: “ Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.
c. Đặc biệt là sau một ngày con trai có vợ, người mẹ giàu lòng thương con ấy thật sự vui và hạnh phúc trước hạnh phúc của con: (1,5đ)
- Bà cùng con dâu dọn dẹp, thu vén căn nhà; trong bữa cơm ngày đói, bà toàn nói chuyện vui để xua đi thực tại hãi hùng, để nhen nhóm niềm tin vào cuộc sống cho con: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà”.
- Thật cảm động, khi Kim Lân để cái ánh sáng kỳ diệu của tình mẫu tử toả ra từ nồi cháo cám: “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Chữ “ngon” này không phải là xúc cảm về vật chất xúc cảm về vị cháo cám) mà là xúc cảm về tinh thần: ở người mẹ, niềm tin về hạnh phúc của con biến đắng chát của cháo cám thành ngọt ngào .
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Hùng Vương. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !