Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT An Phú 2

TRƯỜNG THPT AN PHÚ 2

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

Phần I: Đọc - hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy xước, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.

Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]

Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]

Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]

Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]

Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.

 (Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola; Quà tặng cuộc sống)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính? (nhận biết)

Câu 2. Nêu và chỉ ra hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? (nhận biết)

Câu 3. Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chúng ta hạ thấp mình? (thông hiểu)

Câu 4. Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua. Hãy trả lời  bằng một đoạn văn từ 7- 10 dòng.(vận dụng)

Phần II: Làm văn 

Câu 1.

Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai (vận dụng cao)

Câu 2.

Cảm nhận của Anh/ chị về hai đoạn thơ sau:

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

(Trích Tây Tiến- Quang Dũng)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Phần I: Đọc – hiểu

Câu 1:

- Phương pháp biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

Chỉ ra được 2 biện pháp nghệ thuật chính:

- So sánh (cuộc đời như một trò hơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh) ⟹ Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.

- Điệp cấu trúc (bạn… chớ để/ chớ đặt/ chớ quên…) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai tri trò của bản thân trong cuộc đời.

Câu 3:

- Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Bởi vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.

Câu 4:

- Cuộc đời không phải là một đường chạy liên tục và bằng phẳng  để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng bang qua.

- Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đờitrọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.

Phần II: Làm văn

Câu 1:

a. Giải thích

- Để cuộc sống trôi qua kẽ tay: Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, khiến cuộc sống buồn tẻ.

- Đắm mình trong quá khứ: là tôn thờ quá khứ, coi quá khứ là những gì tốt đẹp nhất.

- Ảo tưởng về tương lai: vẽ ra tương lai rực rỡ như ý.

=> Lời nhắc nhở mỗi bạn trẻ không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hưởng để cuộc đời mình có ý nghĩa. Ý kiến này là lời khuyên hết sức đứng đắn và ý nghĩa. quá

b. Bàn luận

- Quá khứ là những gì đã qua, không bao giờ quay lại. Vì vậy nếu cứ đắm chìm trong quá khứ, ru mình giữa vinh quang hay đau khổ trách móc bản thân, nuối tiếc quá khứ ấy sẽ khiến chúng ta lãng quên, bỏ lỡ những cơ hội, những điều tốt đẹp hiện tại.

- Tương lai là cái chưa đến, sắp đến và sẽ đến. tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của mỗi chúng ta ở hiện tại. Nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, không ngừng phấn đấu ở hiện tại sẽ được hưởng thành quả trong tương lai.

- Sống, cống hiến, học tập và lao động cũng cần đi liền với hưởng thụ. Biết nâng niu, trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của cuộc sống hiện tại cũng là điều quan trọng và cần thiết.

c. Bài học nhận thức và hành động

- Không chủ quan dựa vào quá khứ, không ảo tưởng trông chờ vào tương lai may mắn.

- Cống hiến hết mình cho hiện tại, xây dựng lục tiêu, kế hoạch cho tương lai.

Câu 2:

1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

- Quang Dũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Ông là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu nổi bật nhưng đặc sắc nhất là sáng tác thơ ca. Hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn tài hoa. Ông có khả năng cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Tây Tiến được sáng tác 1948 tại Phù Lưu Chanh thể hiện tập trung nhất những nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Quang Dũng. Đoạn trích 4 câu là nỗi nhớ của nhà thơ về thiên nhiên Tây Bắc mĩ lệ, nên thơ.

- Hàn Mặc Tử là nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, cuộc đời bi thương, hồn thơ phong phú kì lạ, sức sáng tạo mạnh mẽ, luôn bộc lộ một tình yêu đau đớn hướng về trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là thi phẩm xuất sắc thểhiện tấm lòng thiết tha đến khắc khoải của nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống, đặc biệt là khổ cuối của bài thơ.

2. Phân tích

2.1. Về đoạn thơ trong bài Tây Tiến

* Nội dung:

- Cảnh  thiên nhiên:

+ Chiều sương:  không gian bao phủ màn sương bàng bạc, thơ mộng, huyền ảo.

+  Hồn lau nẻo bến bờ:Những bông lau phất phơ dường như cũng có linh hồn.

+  Hoa đong đưa: với cái nhìn lãng mạn, đa tình của những anh lính trẻ, những bông hoa rừng bị lũ cuốn trôi như biết lúng liếng, đong đưa, làm duyên với dòng nước.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau nhưng xin đừng hãm hại nhau. Tôi sợ lắm những gì mang đến bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu, đến đâu cũng chỉ thấy những nụ cười. Những nụ cười như đóa hồng đứa bé cầm trên tay đi qua những phố rực rỡ một lòng yêu thương vô tận. Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái.”

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Những nụ cười như đóa hồng đứa bé cầm tay trên tay đi qua những phố rực rỡ một lòng yêu thương vô tận.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau nhưng xin đừng hãm hại nhau.

Câu 2:

Có ý kiến cho rằng: “Tây Tiến gợi nhớ một thời chiến đấu gian khổ nhưng giàu chất thơ của một đoàn quân đã đi vào huyền thoại”.

Anh/Chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, trang 88)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

Câu 2:

- Nội dung đoạn trích: lời khẩn cầu tha thiết về mối quan hệ tốt đẹp, nhân ai giữa con người với con người.

Câu 3:

- Biện pháp: so sánh

- Hiệu quả nghệ thuật:

+ Tạo cách nói sinh động, giàu hình ảnh và gợi cảm.

+ Khẳng định ý nghĩa của nhừng nụ cười yêu thương mà con người trao tặng cho nhau.

Câu 4:

Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, lí giải hợp lí, thuyết phục. Ví dụ:

- Đồng tình: cuộc sống hiện này dường như làm con người ta xa cách hơn, xảy ra nhiều xung đột, bạo lực hơn.

- Không đồng tình: cuộc sống vẫn còn nhiều hơn lòng yêu thương, bao dung, nhân ái.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

- Nội dung ý kiến: Con người phải biết bao dung, tha thứ, phải sống nhân ái, yêu thương.

- Bàn luận: Ý kiến trên là một lời khuyên đúng đắn về mối quan hệ giữa con người với con người. Bởi vì:

+ Cảm xúc là thứ khó có thể chi phối, ta có thể yêu mến hay hờn ghét ai đó, nhưng nhất định không được hãm hại, gây tổn thương đến họ.

+ Khi hãm hại người khác, cũng chính là tự hãm hại bản thân mình.

+ Chính tình yêu thương sẽ tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa người với người, làm thế giới này trở nên tốt đẹp.

- Bài học nhận thức và hành động: cần biết sẻ chia và yêu thương, cần thanh lọc tâm hồn, hoàn thiện nhân cách.

Câu 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, tác phẩm Tây Tiến và đoạn trích.

2. Thân bài

2.1. Giải thích ý kiến:

- Tây Tiến gợi nhớ một thời chiến đấu gian khổ: Bài thơ là nỗi nhớ chơi vơi về những năm tháng chiến đấu vất vả, gian khổ, đầy những mất mát hy sinh mà người lính Tây Tiến phải trải qua.

- Cuộc chiến đấu tuy gian khổ, khó khăn nhưng giàu chất thơ. Chất thơ ấy toát lên từ thiên nhiên miền Tây thơ mộng trữ tình, từ tình cảm quân dân ngọt bùi thắm thiết, từ tâm hồn lãng mạn của người lính.

=> Bài thơ đã khắc họa thành công về đẹp của đoàn quân Tây Tiến – một đoàn quân đã đi vào huyền thoại.

2.2. Phân tích, chứng minh:

- Đoạn thơ đã gợi nhớmột thời chiến đấu gian khổ của đoàn quân:

+ Thiên nhiên Tây Bắc dữ dội, hoang sơ, hiểm trở với những địa danh cụ thể.

+ Vẻ đẹp khí phách của đoàn quân đã đi vào huyền thoại: tình thần dũng cảm, kiên cường thái độ lạc quan, ngang tàn, ngạo nghễ.

- Đó là một thời chiến đấu gian khổ nhưng giàu chất thơ, lãng mạn:

+ Thiên nhiên Tây Bắc nên thơ, mơ mộng, huyền ảo, trữ tình và ấm ấp tình quân dân.

+ Vẻ đẹp tâm hồn của đoàn quân đã đi vào huyền thoại: tinh tế, nhạy cảm, thắm thiết tình người, tình đời.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Đứng lên em bốn mươi phút đủ rồi,

Bốn mươi phút nén dồn bao buồn tủi,

Bốn mươi phút giảng bài sao ngắn ngủi,

Bốn mươi phút quỳ… Dài lắm phải không em?

Đứng lên đi để thấy rõ trắng đen,

Nào ai thắng thua giữa bên tình bên lý.

Nghề cao quý trong những nghề cao quý,

Đến lúc này mạt vận đến thế sao?

Kẻ hàm ơn vênh váo đứng ngôi cao,

Bắt người thầy cúi đầu quỳ phía dưới.

Ôi, lịch sử qua mấy ngàn năm tuổi,

Đã bao giờ có chuyện thế này chưa?”

(Trích Đứng lên em!, Phong Du, theo Baomoi.com)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Theo anh/chị vì sao tác giả lại cho rằng: “Bốn mươi phút giảng bài sao ngắn ngủi./Bốn mươi phút quỳ… Dài lắm phải không em?”?

Câu 3: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu thơ: “Ôi, lịch sử qua mấy ngàn năm tuổi,/Đã bao giờ có chuyện thế này chưa?”.

Câu 4: Anh/chị suy nghĩ gì trước hành động: “Kẻ hàm ơn vênh váo đứng ngôi cao,/Bắt người thầy cúi đầu quỳ phía dưới.”?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1:

Từ nội dung đoạn trích của phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong xã hội hiện nay.

Câu 2:

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật Tràng trong cảnh “sáng hôm sau” và “bữa cơm ngày đói” (Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ Văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh xách dao đến nhà Bá Kiến đòi “làm người lương thiện” (Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét cái nhìn của hai nhà văn về người dân lao động trong xã hội cũ.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2:

Tác giả cho rằng “Bốn mươi phút giảng bài sao ngắn ngủi/ Bốn mươi phút quỳ … Dài lắm phải không em?”  vì:

- Bốn mươi phút trên bục giảng là 40 phút được cống hiến, được sống với niềm đam mê, nhiệt huyết.

- Bốn mươi phút quỳ là bốn mươi phút chịu đựng những nhục nhã, tủi hờn. Điều đó sẽ tạo nên một quy luật tâm lí thấy thời gian trôi qua dài hơn. Ở đây, câu thơ có hàm ý xót xa, thương cho thân phận của những nhà giáo.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ: câu hỏi tu từ

- Hiệu quả: Nhằm nhấn mạnh, khẳng định trong bốn nghìn năm lịch sử chưa bao giờ có chuyện giáo viên phải quỳ gối trước học sinh. Qua đó thể hiện nỗi xót thương với người giáo viên.

Câu 4:

- “Kẻ hàm ơn vênh váo đứng ngôi cao/ Bắt người thầy cúi đầu quỳ phía dưới”.

- Đối với kẻ hàm ơn – được người giáo viên dạy dỗ bảo ban nên người thì hành động vênh váo đứng trên cao cho thấy thái độ vô lễ, thiếu tôn trọng với giáo viên. Đồng thời còn cho thấy sự tha hóa, tụt dốc về đạo đức, về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích vấn đề

- Tôn sư trọng đạo là gì?

+ Tôn sư: (tôn: là tôn trọng, kính trọng và đề cao; sư: là thầy dạy học, dạy người, dạy chữ). Vậy tôn sư là người học trò thì phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập và trong cuộc sống.

+ Trọng đạo: (trọng: coi trọng, tôn trọng; đạo: đạo lí, con đường làm người, đạo đức, đạo lí truyền thống tốt đẹp của con người): Vậy trọng đạo: là người học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy, vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,...

* Bàn luận vấn đề

- Vì sao phải tôn sư trọng đạo:

+ Thầy cô là người trao truyền cho ta tri thức để sau này làm người có ích.

+ Thầy cô dạy cho ta những bài học đạo lí, hoàn thiện nhân cách mỗi cá nhân, để sau này làm người tốt cho xã hội.

- Thực trạng:

+ Học sinh không tôn trọng thầy cô giáo, có thái độ vô lễ với thầy cô (dẫn chứng)

+ Văn hóa ứng xử của học sinh với giáo viên còn kém (dẫn chứng)

+ Thậm chí có học sinh sẵn sàng chửi bởi, hành hung giáo viên (dẫn chứng).

=> Đây là thực trạng hết sức đáng buồn và đáng báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh.

- Nguyên nhân:

+ Cha mẹ quá yêu chiều con, mải mê kiếm tiền mà quên đi nhiệm vụ giáo dục.

+ Nhà trường tập trung giáo dục tri thức và giảm nhẹ phần giáo dục nhân cách cho học sinh.

- Giải pháp:

+ Cha mẹ cần có sự phối hợp với nhà trường để giáo dục con cái.

+ Giáo viên cần nghiêm khắc với những sai phạm của học sinh, ngoài ra còn phải có tấm lòng độ lượng, khoan dung, biết động viên, khuyến khích kịp thời những tiến bộ (dù nhỏ) của học trò.

- Liên hệ bản thân

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Kim Lân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê: những thú chơi và đời sống làng quê: những thú chơi và sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ được gọi là những “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng” như chơi non bộ, thả chim, đánh vật, chọi gà,… Sáng lên trong các tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.

- Vợ nhặt của Kim Lân xứng đáng thuộc loại những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Truyện được xây dựng trên cái nền hiện thực của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945). Truyện được in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết.

2. Phân tích

2.1. Nhân vật Tràng trong cảnh “sáng hôm sau” và “bữa cơm ngày đói”

a. Giới thiệu nhân vật:

- Lai lịch: dân ngụ cư: tha phương cầu thực, không sống được ở quê mình nên tìm đến một vùng đất khác ⟶ bị kì thị, phân biệt đối xử.

+ Không được chia ruộng đất.

+ Không được sống cùng trong không gian của ngôi làng, phải sống ở rìa làng hoặc ngoài đê.

+ Không được tham gia bất cứ sinh hoạt cộng đồng nào của làng xã.

- Gia cảnh: nghèo.

+ Gia đình chỉ có mẹ góa con côi, bố mất sớm.

+ Công việc bấp bênh, không ổn định: kéo xe bò thuê.

- Chân dung ngoại hình:

+ Hai mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều.

+ Hai bên quai hàm bạnh ra.

+ Thân hình to lớn vập vạp.

+ Vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ.

+ Ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch.

=>  Có sức hấp dẫn với lũ trẻ con trong xóm chứ không phải các cô gái.

=> Hội tụ đầy đủ các yếu tố bất lợi để có thể lấy được vợ.

- Sự kiện mang tính bước ngoặt cuộc đời: Tràng “nhặt” vợ:

+ Xuất phát từ những câu bông đùa: “Muốn ăn cơm trắng với giò. Lại đây mà đẩy xe bò với anh”

+ Sự chia sẻ, thương cảm giữa những người đồng cảnh.

+ Từ lời nói đùa của Tràng thị theo về thật.

b. Phân tích diễn biến tâm trạng của Tràng trong cảnh “sáng hôm sau” và “bữa cơm ngày đói”

- Hạnh phúc đã khơi dậy ý thức bổn phận của người đàn ông trong gia đình.

- Tràng tỉnh dậy muộn ⟶ dễ chịu, êm ái, lửng lơ như người từ trong giấc mơ đi ra ⟶ ngỡ ngàng trước hạnh phúc mình đang nắm giữ.

- Tràng quan sát khung cảnh đang bày ra trước mắt mình, nhận thấy cảnh tượng thay đổi mới mẻ, khác lạ,

+ Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ hẳn.

+ Không khí gia đình: mẹ và vợ chung tay dọn dẹp, vun vén nhà cửa.

- Thức dậy trong Tràng nhiều cảm xúc:

+ Thấm thía cảm động

+ Bỗng thấy thương yêu, gắn bó.

+ Vui sướng, phấn chấn.

=> Nhận thức mới mẻ: nhận thấy có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.

=> Hành động: Xăm xăm chạy ra sân, muốn chung tay tu sửa căn nhà

=> Muốn chung tay để nghênh đón tương lai tươi sáng đến với gia đình.

- Khao khát đổi đời:

+ Quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội: mạn Thái Nguyên Bắc Giang không đóng thuê mà còn phá kho thóc Nhật cha cho người đói.

=> Nghĩ ngợi ⟶ Nhớ lại ⟶ Ân hận, tiếc rẻ.

- Hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới lẩn khuất, ẩn hiện trong trí óc Tràng. Hình ảnh lá cờ chính là tín hiệu cho tương lai tươi sáng.

=> Người đọc tin tưởng Tràng sẽ đi theo Việt minh, theo cách mạng.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT An Phú 2. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?