BỘ 3 ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2 NĂM HỌC 2018 – 2019
Môn: Ngữ văn – Lớp 10
Thời gian: 90 phút;
(không kể thời gian giao đề)
ĐỀ 1:
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi
Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng, điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển đông trước mặt!
(Tố Hữu, Ta đi tới)
1. Đoạn thơ trên đã sử dụng biện pháp tu từ chủ yếu nào? (0.5đ) Thể hiện qua từ ngữ nào? (0.5đ)
2. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ?(0.5đ) Nêu đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó? (1.5đ)
3. Chỉ ra đặc trưng về tính truyền cảm được thể hiện trong đoạn thơ (1.0đ)
PHẦN II. LÀM VĂN (6,0 ĐIỂM)
Đề: Phân tích đoạn thơ sau trong đoạn trích “Trao duyên” và phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Thúy Kiều:
“…Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
(Trích “Trao duyên” - “Truyện Kiều”- Nguyễn Du)
ĐỀ 2:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0đ)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
(Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)
1. Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn? (0,5đ)
2. Đoạn văn đề cập đến nội dung gì? (1,0đ)
3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” (1,0đ)
4. Đoạn văn gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? (Viết một đoạn văn từ 8 đến 10 dòng). (1,5đ)
II. PHẦN LÀM VĂN (6,0đ)
Anh/chị hãy cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:
Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngữ Văn 10, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)
ĐỀ 3:
Câu 1: (2 điểm) Cho đoạn thơ sau rồi thực hiện yêu cầu bên dưới:
“Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi.”
(SGK Ngữ Văn 10 – tập 2)
a. (0,5 điểm) Đoạn trích trên trích từ văn bản nào? Tác giả?
b. (0,5 điểm) Anh (Chị) hãy cho biết đoạn trích đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật nào? Tác dụng của thủ pháp nghệ thuật đó?
c. (1 điểm) Anh (Chị) hiểu từ “nhân nghĩa” là như thế nào? Dựa vào đoạn trích hãy nêu cái tư tưởng nhân nghĩa mà tác giả muốn nhắc đến ở đây?
Câu 2: (2 điểm) Anh (Chị) hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 12-16 dòng) trình bày quan điểm của anh (chị) về “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”
Câu 3: (6 điểm) Nhận xét về Nguyễn Du, các nhà phê bình văn học bình: “Tố Như tử có con mắt nhìn trông sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Và quả thật, những nhận xét đó đã được thể hiện một cách chân thân qua tác phẩm tuyệt tác “Truyện Kiều”. Qua cuộc đời, sự nghiệp của của Nguyễn Du, và đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều, anh (chị) hãy giải thích và chứng minh nhận định trên.
---------Hết----------
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ 1:
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
1.
- Biện pháp: So sánh
- Từ ngữ biểu hiện: Như
2.
- Phong cách ngôn ngữ Nghệ thuật
- 3 đặc trưng: Tính hình tượng, tính truyền cảm, tính cá thể hóa
3.
- Đoạn thơ truyền cho ta cảm xúc tự hào, niềm tin vào sức mạnh, ý chí, sự quyết tâm của quân và dân ta trên con đường cách mạng.
PHẦN II. LÀM VĂN (6,0 ĐIỂM)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài viết đủ 3 phần (Mở bài, thân bài, kết bài).
- Nắm vững phương pháp làm văn nghị luận văn học.
- Biết cách làm bài văn nghị luận về nhân vật.
- Có luận điểm, luận cứ rõ ràng. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
- Trên cơ sở nắm vững đoạn trích “Trao duyên”. Diễn biến chủ yếu tâm trạng của nhân vật, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được những nội dung cơ bản sau:
- Mở bài: Giới thiệu vị trí, vai trò của tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều và dẫn dắt đến đoạn thơ cần phân tích trong đoạn trích “Trao duyên”.
- Thân bài:
- Nêu bối cảnh và vị trí đoạn trích. Lồng vào phân tích nội dung và nghệ thuật đoạn thơ, cần nêu các ý chính sau:
- Thúy Kiều tìm cách thuyết phục Thúy Vân nhận lời kết duyên cùng Kim Trọng qua phân tích:
- Từ ngữ được lựa chọn rất đắc, phù hợp với hoàn cảnh của Kiều (cậy: nhờ nhưng có sự tin tưởng cao; chịu: nhận nhưng mang tính ép buộc; lạy: lạy đức hi sinh của em; thưa: điều sắp nói ra rất hệ trọng).
- Kiều kể lại mối tình đẹp của mình với Kim Trọng cho Thúy Vân nghe để em hiểu, thông cảm.
- Kiều động viên, an ủi: Tuổi em còn trẻ, lâu ngày thì sẽ nảy sinh tình cảm với Kim Trọng, sẽ hạnh phúc bên Kim Trọng….
- Kiều trao kỉ vật lại cho em: trao từng cặp kỉ vật nhưng vừa trao mà như dùng dằng muốn níu giữ lại. Tâm trạng vô cùng đau xót…
- Nhận xét và phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Thúy Kiều.
- Nghệ thuật: miêu tả nội tâm, diễn biến tâm lí, lựa chọn từ ngữ
- Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật đoạn thơ và nêu suy nghĩ bản thân.
ĐỀ 2:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0đ)
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2. Nội dung đoạn văn:
- - Khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
- - Chính tinh thần yêu nước đã giúp nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù.
3. Học sinh trả lời trong các biện pháp tu từ sau:
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ẩn dụ; Điệp từ; Liệt kê; Lặp cấu trúc; Nhân hóa.
- Tác dụng:
- Khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước.
- Tạo nhịp điệu sôi nổi, mạnh mẽ cho câu văn.
- Thể hiện niềm tự hào của Hồ Chí Minh về truyền thống quý báu của dân tộc ta.
4. Có thể diễn đạt theo các cách khác nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục. Học sinh hướng vào những nội dung sau:
- Phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta.
- Cần học tập và rèn luyện để xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.
- Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực xâm lăng.
II. PHẦN LÀM VĂN (6,0đ)
Học sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung sau:
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận.
- Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.
- Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng đau đớn, xót xa của Thúy Kiều khi rơi vào bi kịch tình yêu tan vỡ.
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; Kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.
- Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
- Thân bài:
- Nêu hoàn cảnh, xuất xứ đoạn trích:
- Tình yêu của Kim-Kiều đang mặn nồng thì gia đình Kiều gặp tai biến. Kiều quyết định bán mình chuộc cha.
- Đêm trước ngày đi theo Mã Giám Sinh, Kiều đã nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Sau lời trao duyên, Kiều trao kỉ vật tình yêu cho Thúy Vân.
- Tâm trạng của Kiều sau khi trao kỉ vật: Có sự giằng xé giữa từ bỏ và níu kéo càng làm rõ hơn nỗi đau khi mất tình yêu.
- Sau khi trao kỉ vật tình yêu, Kiều tưởng tượng ra một tương lai xót xa: đó là cái chết, là một oan hồn, cầu xin người thân hãy hóa giải linh hồn đau khổ…
- ⟶ Tình yêu mãnh liệt, đắm say mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, khi tình yêu không còn thì cũng coi như mình đã chết.
- Nghệ thuật của đoạn trích: Phân tích tâm lý tinh tế, kết hợp giữa độc thoại và đối thoại Làm nổi bật tâm trạng của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ và những phẩm chất đáng quý của Thúy Kiều trong tình yêu. Đoạn trích cũng cho thấy sức cảm thông lạ lùng của Nguyễn Du dành cho Thúy Kiều.
- Nêu hoàn cảnh, xuất xứ đoạn trích:
- Kết bài: Đánh giá những thành công về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.
ĐỀ 3:
Câu 1:
a.
- Đoạn trích trên trích từ văn bản Đại Cáo Bình Ngô
- Tác giả: Nguyễn Trãi
b.
- Sử dụng từ ngữ chuẩn xác, trang trọng, giàu hình ảnh, gợi cảm, thể hiện tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời của nước Đại Việt.
- So sánh: Đại Việt – phương Bắc được đặt ngang hàng về trình bộ chính trị, tổ chức quản lí quốc gia, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
- Liệt kê: Khắc sâu về nền độc lập tự chủ, chiến thắng của ta, thất bại của giặc.
- Sử dụng câu văn biền ngẫu dài ngắn, cân đối, nhịp nhàng.
c.
- Giải thích “Nhân nghĩa”: Lòng thương người và sự tôn trọng lẽ phải, điều phải.
- Tư tưởng nhân nghĩa qua đoạn trích:
- Theo quan điểm đạo Nho: Nhân nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lí.
- Nguyễn Trãi đã chắt lọc lấy hạt nhân cơ bản giữa tư tưởng nhân nghĩa, nhân nghĩa chủ yếu là yên dân.
- Muốn yên dân thì phải trừ bạo. Vì dân để bảo vệ tổ quốc yên bình, thịnh trị.
- Khẳng định lập trường chính nghĩa của ta và phi nghĩa của kẻ thù
- Tư tưởng nhân nghĩa của đoạn trích.
Câu 2:
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm đoạn văn nghị luận xã hội.
- Xác định đúng, trúng vấn đề nghị luận: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
- Lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng cụ thể, chính xác
- Bố cục rõ ràng của một đoạn văn.
- Ngôn ngữ có chọn lọc, không mắc lỗi chính tả và lỗi dùng từ.
- Yêu cầu về nội dung: Ý chính phần thân đoạn văn.
- Giải thích được: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc: Là tình trạng hòa bình, con người có cuộc sống trọn vẹn, được sống trong tình yêu của mỗi con người, con người không bị kìm hãm, bóc lột và sống trong môi trường lành mạnh, an toàn. (Đưa ra dẫn chứng)
- Mối quan hệ giữa độc lập, tự do, hạnh phúc: Độc lập đi liền với tự do, tự do đi liền với hạnh phúc, nếu nước độc lập mà người dân không được tự do thì cái độc lập đó cũng không để làm gì, nếu dân không được tự do thì sẽ không thể hạnh phúc
- → Đó là mối quan hệ móc nối có Độc lập - Tự do - Hạnh phúc (Dẫn chứng)
- Cách giữ gìn mối quan hệ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc:
- Hành động chung của toàn nhân loại - Hành động của học sinh.
- Liên hệ bản thân (Tự nhận xét được bản thân như thế nào đối với Độc lập - Tự do - Hạnh phúc) (Có thể đưa vào kết bài)
Câu 3:
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm đoạn văn nghị luận văn học
- Xác định đúng, trúng vấn đề nghị luận: Nguyễn Du
- Lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng cụ thể, chính xác
- Bố cục rõ ràng của một bài văn
- Ngôn ngữ có chọn lọc, không mắc lỗi chính tả và lỗi dùng từ.
- Yêu cầu về nội dung: Ý chính phần thân bài.
- Giới thiệu đôi nét về Nguyễn Du: Quê quán, Gia đình, thời gian sinh sống.
- Ảnh hưởng đến cảm xúc
- Hiểu và thông cảm với những người có hoàn cảnh giống Thúy Kiều.
- Giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp:
- Thời thơ ấu: Sống trong giàu sang, phú quý -> Hiểu cuộc sống giàu sang.
- Thời “Mười năm gió bụi”: Đi khắp nơi, lận đận, khó khăn -> Hiểu được cuộc sống của nông dân.
- Chặng đường làm quan: Hiểu được lối sống xa hoa của quan lại, thói hư tật xấu của quan
- → Thấu hiểu cuộc sống của giai cấp nắm quyền.
- Đánh giá về cuộc đời: Lận đận, vất vả, hiểu được cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội → Có con mắt nhìn thấu sáu cõi.
- Giới thiệu tác phẩm truyện Kiều, nhân vật Thúy Kiều.
- Giá trị hiện thực của truyện Kiều: “Truyện Kiều” là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công tàn bạo, là lời tố cáo xã hội phong kiến chà đạp quyền sống của con người, đặc biệt là những người tài hoa, người phụ nữ.
- “Truyện Kiều” tố cáo các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến, từ bọn sai nha, quan xử kiện, cho đến “họ Hoạn danh gia”, “quan Tổng đốc trọng thần”, rồi là bọn ma cô, chủ chứa,… đều ích kỉ, tham lam, tàn nhẫn, coi rẻ sinh mạng và phẩm giá con người.
- “Truyện Kiều” còn cho thấy sức mạnh ma quái của đồng tiền đã làm tha hóa con người. Đồng tiền làm đảo điên (“Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”), đồng tiền giẫm lên lương tâm con người và xóa mờ công lí (“Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”).
- Giá trị nhân đạo của truyện Kiều
- “Truyện Kiều” là tiếng nói thương cảm, là tiếng khóc đau đớn trước số phận bi kịch của con người. Thúy Kiều là nhân vật mà Nguyễn Du yêu quý nhất. Khóc Thúy Kiều, Nguyễn Du khóc cho những nỗi đau lớn của con người: tình yêu tan vỡ, tình cốt nhục lìa tan, nhân phẩm bị chà đạp, thân xác bị đày đọa…
- “Truyện Kiều” đề cao con người từ vẻ đẹp hình thức, phẩm chất đến những ước mơ, những khát vọng chân chính.
- Hình tượng nhân vật Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, hiếu hạnh đủ đường là nhân vật lí tưởng, tập trung những vẻ đẹp của con người trong cuộc đời.
- “Truyện Kiều” là bài ca về tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy. Bước chân “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều đến với Kim Trọng đã phá vỡ những quy tắc thánh hiền về sự cách biệt nam nữ.
- “Truyện Kiều” là giấc mơ về tự do và công lí. Qua hình tượng Từ Hải, Nguyễn Du gửi gắm ước mơ anh hùng “đội trời đạp đất” làm chủ cuộc đời, trả ân báo oán, thực hiện công lí, khinh bỉ những “phường giá áo túi cơm”.
- Đánh giá: Nguyễn Du có tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời
- Dẫn chứng về những tác phẩm khác của Nguyễn Du, phân tích đúng, có lập luận chặt chẽ, xác thực.
- Sức ảnh hưởng của Nguyễn Du đối với thế giới, cách nhìn nhận của Nguyễn Du so sánh với những nhà văn nổi tiếng khác trên thế giới.
- Biểu điểm về mức độ:
- Từ 0 - 1 điểm: Sai yêu cầu về kĩ năng, mức kém.
- Từ 1 - 2 điểm: Đúng kĩ năng nhưng nội dung khai thác còn chưa đủ mức trung bình yếu, thiếu ý nhiều.
- Từ 2 - 3 điểm: Đúng kĩ năng nhưng nội dung vẫn chưa khai thác sâu, mức trung bình, còn chưa đủ ý.
- Từ 3 - 4 điểm: Đúng kĩ năng, yêu cầu nội dung cơ bản, đủ ý, mức trung bình khá.
- Từ 4 - 5 điểm: Đúng kĩ năng, yêu cầu nội dung cơ bản, lập luận rõ ràng, chắc chắn, đủ ý, có khai thác, mức khá - giỏi.
- Từ 5 à 6 điểm: Đúng, đủ, sâu về kĩ năng và nội dung, lập luận sắc bén, chắc chắn, đủ ý, khai thác sâu vào nội dung, bám đề tốt, giỏi, mức giỏi, xuất sắc.