Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy kể về một việc tốt em đã làm.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Lâu rồi em mới đọc lại những trang nhật ký từ lâu. Bống trong lòng em dâng lên một cảm xúc sung sướng lạ thường khi đọc lại trang nhật ký ngày hôm đó. Bởi đó là những dòng nhật ký ghi lại câu chuyện về việc tốt của em đã làm hồi đầu năm học.
Hôm đó là trưa thứ Sáu. Tiết trời mùa hè oi ả đến khó chịu. Chim cũng chẳng buồn ca hát. Cây lá cũng mệt mỏi không buồn rung rinh. Ngồi trong lớp, lòng em vô cùng khẩn trương mong sao hết tiết học để chạy thật nhanh về nhà để khoe với mẹ điểm 10 môn Toán. “Tùng, tùng, tùng,…”. Tiếng trống trường vừa điểm, em vội vã thu gọn sách vở bỏ vào cặp, chào các bạn trong lớp rồi nhanh chóng chạy về nhà. Dưới cái nắng nóng gần 40 độ của buổi trưa hè, em bước đi thật nhanh. Vừa đi, em vừa nhảy chân sáo vui vẻ. Mặc cho trời nóng nhưng em lại chẳng hề thấy khó chịu, bởi nghĩ đến gương mặt mẹ sẽ cười thật hạnh phúc khi cầm bài làm khiến em quên hết mệt mỏi.
Đến ngã tư giao thông, khi chuẩn bị sang đường bỗng em nghe thấy tiếng nói chuyện của nhóm bạn học sinh:
- Này, này. Hình như cụ già kia bị lạc.
- Không biết nữa. Cậu ra hỏi đi. Mình ngại lắm.
Em quay lại nhìn và thấy có một cụ già mái tóc trắng, gương mặt nhìn khắc khoải, mệt mỏi, đang đứng loay hoay. Cụ mặc bộ quần áo màu nâu, đầu đội nón lá. Lưng cụ hơi còng. Tay cụ xách một giỏ gì đó trông rất nặng. Em tiến lại gần và hỏi cụ:
- Cụ ơi! Cụ sao đấy ạ?
Cụ giật mình, quay lại nói chuyện với em:
- Ôi, cụ đang đi tìm nhà cô con gái mà cụ đi mãi từ sáng đến giờ vẫn chưa tìm được.
Hoá ra cụ bị lạc đường. Lúc đó, em tìm xung quanh có chú công an gần đó không để giúp cụ nhưng hình như không thấy ai. Em thấy khó xử, không biết phải làm gì. Em muốn giúp đỡ cụ nhưng lại nghĩ đến bài kiểm tra và mẹ ở nhà lại phân vân: “ Mình phải làm gì? Hay mình cứ mặc kệ rồi chạy về nhà. Nhưng làm như thế thì mình hư quá. Trời nắng thế này, biết bao giờ cụ mới tìm được nhà. Rồi nhỡ cụ làm sao?...” Bao câu hỏi cứ hiện lên trong đầu mà em không thể giải quyết. Và rồi em quyết định, nói với cụ:
- Vậy cụ đưa tờ địa chỉ cho cháu. Cháu sẽ giúp cụ tìm nhà ạ.
Cụ vui mừng, nở nụ cười móm mém:
- Thật à cháu gái. Ôi, cụ cảm ơn cháu nhiều lắm!
Sau đó, em giúp cụ cầm chiếc giỏ và cùng cụ đi tìm nhà. Vừa đi em vừa hỏi chuyện cụ mới biết cụ lên nhà cô con gái chơi, không báo trước cho cô để cô đón nhưng cụ quên mất nhà cô ở đâu nên bị lạc. Cả buổi sáng cụ tìm không thấy. Hơn ba mươi phút đi bộ tìm kiếm, cuối cùng hai cụ cháu cũng đến nơi. Em bấm chuông gọi cửa. Cô con gái của cụ bất ngờ khi thấy cụ. Em kể lại chuyện cho cô nghe.
- Cảm ơn cháu gái. Nhờ có cháu nếu không bây giờ không biết mẹ cô đang phải làm gì. Cháu vào nhà uống nước, ăn cơm với nhà cô. Bây giờ trưa rồi.
Em lễ phép từ chối vì nghĩ đến mẹ đang đợi ở nhà. Em chào cụ và cô rồi nhanh chóng chạy về nhà.
Về đến nhà là hơn 11 rưỡi. Em thấy mẹ đang đứng ngoài cổng đợi. Em chạy vội đến bên mẹ và kể lại chuyện cho mẹ nghe. Vừa kể em vừa đưa mẹ tờ bài kiểm tra. Mẹ vuốt mấy sợi tóc dính trên trán mồ hôi và nở nụ cười hiền:
- Con gái mẹ giỏi lắm. Biết giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn. Ngoan lắm. Mẹ rất vui vì điều này con gái ạ
Nghe những lời khen của mẹ, lòng em sung sướng hạnh phúc vô cùng. Niềm vui như càng tăng thêm.
Khép lại trang nhật ký, em nở một nụ cười thật hạnh phúc. Đó là một kí ức đẹp mà em không bao giờ có thể quên được. Bởi đó là bài học nhắc nhở em luôn phải biết yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh.
2. Bài văn mẫu số 2
Em còn nhớ hôm ấy là một buổi sáng mùa đông, trời đã bớt sương, những tia nắng yếu ớt đã lấp ló xuất hiện, nhưng cái giá buốt vẫn còn trong gió. Chúng em có tiết học thể dục ngoài trời, ai nấy đều co ro vì cái lạnh, hai tay đút chặt vào túi áo không muốn rời. Trong lúc chúng em tự khởi động để chờ cô giáo vào lớp bỗng xuất hiện một bà cụ đã già đang tiến lại gần.
Người cụ gầy gò, đi liêu xiêu trong gió lạnh. Cụ mặc một chiếc áo không còn nhìn được rõ là màu gì nữa, có lẽ trước đây nó màu đỏ nhưng vì mặc lâu đã chuyển sang màu nâu bạc, trên tay áo đã sờn đi vì mặc nhiều, những vết cáu bẩn ở tay áo làm mọi người chẳng dám đến gần. Đôi tay cụ run lên vì cái lạnh, trên khuôn mặt hiện rõ sự khắc khổ, đôi mắt mờ đi, cái miệng móm mém tím lại và run lập cập. Cụ tiến gần tới chỗ chúng em đang tập trung, trên tay cụ cầm một chiếc giỏ có đựng: kẹo cao su, vài gói tăm bông, mấy gói tăm và mấy chiếc bật lửa… Hình ảnh này quả thực rất quen thuộc với chúng em, vì ngày nào đi học về, ra đến cổng trường chúng em đều bị những người như cụ xúm lại vây quanh mời mua. Các bạn của em thấy cụ tiến đến đều đứng tránh sang một bên, cụ mời đến ai bạn đó đều xua tay đến đó. Cụ thất vọng, đi hết bạn này đến bạn khác mong mỏi một tấm lòng hảo tâm sẽ mua giúp cụ. Nhưng đã đi gần hết lớp học rồi mà vẫn chưa có bàn tay đưa ra giúp đỡ cụ. Có những bạn còn bàn tán “bà ấy bẩn quá” “sao lại cho bà ấy vào đây nhỉ”…
Rồi bà chầm chậm đi đến chỗ em. Em cũng đã định như các bạn khác, chỉ cần xua tay một cái thật lạnh lùng là bà cụ sẽ bỏ đi. Nhưng khi cụ đến gần, ánh mắt cụ nhìn em tha thiết, như van nài làm ơn hãy giúp cụ, lúc bấy giờ em không đủ can đảm để nhấc cánh tay mình lên nữa. Em nhìn lại cụ, rồi lục tìm khắp túi nọ đến túi kia, trong người em không còn một đồng nào để mua giúp cụ. Thực sự lúc đó em cảm thấy mình mới bất lực làm sao, trong lúc cụ cầm em giúp đỡ nhất mà em lại chẳng thể làm gì giúp cụ. Em chợt nhớ mình vẫn còn một chiếc bánh bao được mẹ mua cho ăn sáng, nhưng em chưa kịp ăn thì đã vào lớp. Em quyết định lấy chiếc bánh bao ấy, kính cẩn hai tay biếu cụ và nói:
- Cụ ơi, cháu chẳng có tiền để mua giúp cụ, chỉ còn chiếc bánh này, cụ cầm lấy và ăn cụ nhé. Lần sau cụ đến cháu nhất định sẽ mua giúp cụ, cụ nhé.
Em trao chiếc bánh cho cụ, ánh mắt cụ hiện lên vừa rạng rỡ, vừa tràn đầy tình yêu thương. Cụ cầm lấy chiếc bánh, đôi bàn tay lạnh cóng làm cho em giật mình. Chắc hẳn cuộc sống của cụ rất cực khổ, bởi vậy mà đến tuổi này cụ vẫn phải vất vả đi bán hàng rong. Cụ cầm lấy chiếc bánh rồi cảm ơn em, giọng cụ nghẹn lại, khóe mắt đã ươn ướt. Như nghĩ ra điều gì đó, cụ vội lấy trong chiếc giỏ của mình một phong kẹo trao cho em, và bảo đó là quà tặng cho lòng tốt bụng của cháu. Em nhất quyết không cầm và trả lại cho cụ.
Cụ cầm cả phong kẹo và chiếc bánh trong tay rồi quay đi, bước chân cụ nhanh hơn, các bạn trong lớp quay trở lại giờ học. Em vẫn cố ngoái theo cụ, cụ đi đến chỗ rẽ thì dừng lại, ở góc đường một đứa bé không rõ trai hay gái chạy ra ôm chầm lấy cụ. Có lẽ nó vui lắm vì cụ mang về chiếc bánh cho nó. Một chiếc bánh bé tí hon thôi mà có thể làm nó vui mừng đến vậy. Còn em, đôi khi không biết quý trọng, vứt đi những đồ ăn mẹ đã chuẩn bị, mẹ đã mua cho. Em quả thật là một cô bé hư, từ sau lần ấy em không bao giờ dám vứt đồ ăn đi nữa.
Việc tốt ấy của em thật nhỏ bé, nhưng em đã cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Chỉ một chiếc bánh nhưng bằng tấm lòng chân thành em đã mang đến niềm vui cho cả cụ và em bé, không chỉ vậy em còn rút ra cho minh những bài học quý giá: phải luôn trân trọng những thứ mình có và giúp đỡ người khác khi có thể.
3. Bài văn mẫu số 3
Việc tốt đôi khi không cần phải là những việc làm giúp đỡ những người sống xung quanh mình hay trong xã hội rộng lớn. Có những việc tốt là những hành động đối với người thân trong gia đình. Như một lần bố mẹ về quê thăm ông nội bị ốm, em đã ở nhà chăm sóc nhóc em bị ốm.
Chiều hôm đó, em về đến nhà, nhưng không thấy tiếng của mẹ. Căn nhà im ắng đến lạ. Em vào phòng khách thấy tờ giấy nhắn trên mặt bàn: “Bố mẹ phải về quê gấp thăm ông nội ốm. Hai chị em ở nhà ngoan. Chiều mai bố mẹ về.” Hoá ra bố mẹ về quê chăm sóc ông nội. Vậy là hôm nay chỉ có em và nhóc Tít ở nhà. Em cất cặp sách, thay quần áo rồi đi đón thằng nhóc. Hai chị em đi bộ về nhà. Nhưng hôm nay thằng bé ít nói hẳn hơn mọi ngày. Về đến nhà nó nằm ườn trên ghế mà chẳng thèm nói câu nào. Thấy vậy, em hỏi:
- Tít hôm nay sao thế? Mệt à em.
Nó chỉ đáp rất nhẹ: “Vâng”
Em vội sờ trán nó, hốt hoảng:
- Thôi chết, hình như Tít sốt rồi.
Thằng nhóc mệt mỏi nhìn em mà không nói gì thêm. Em lo lắng, không biết phải làm gì. Định gọi cho bố mẹ nhưng nghĩ lại ông nội dưới quê cũng đang sốt cao, bây giờ nếu gọi sẽ càng làm bố mẹ lo thêm nhiều việc. Nghĩ vậy em quyết định sẽ tự chăm cu Tít. Em nhắc nhóc:
- Tít lên gác nằm đi. Chị đi tìm nhiệt kế đo xem sao.
Em vội chạy đi tìm nhiệt kế. “37,5 độ”. May mà sốt không cao. Em lấy khăn vắt nước mát chườm lên trán cho nó. Đợi nó ngủ, em đi mua thuốc. Ra ngoài hàng mua một túi thuốc cảm cho Tít mà lòng em đầy lo lắng. Nhìn nó ngủ mà thấy thương nó nhưng không dám điện cho bố mẹ. Đồng hồ điểm 6 giờ tối. Chợt nhớ ra chưa nấu cơm. Nghĩ cu Tít đang ốm, ăn cơm sẽ khó nên em quyết định nấu cháo cho nó. Đó là lần đầu tiên em nấu cháo. Phải cố nhớ những lần mẹ nấu cháo mà em loay hoay khó khăn để nấu được bát cháo nhỏ. Vừa nấu cháo, em vừa chạy qua chạy lại thay khăn chườm trán cho nhóc em. Rồi khi cháo chín, em thổi cho cháo thật nguội rồi mới bê lên phòng gọi nhóc Tít dậy:
- Dậy ăn cháo rồi uống thuốc, Tít ơi.
Thằng nhóc uể oải thức dậy. Nhìn thằng nhóc 5 tuổi nuốt miếng cháo đầy khó khăn, em thấy thật thương nó.
- Cháo chị nấu ngon hơn mẹ.
Nghe lời khen của cậu em, em vừa vui vì được khen tay nghề, vừa mừng vì thấy nó có vẻ bớt mệt hơn. Đợi nhóc ăn xong, em đưa thuốc cho nhóc uống rồi dọn dẹp xung quanh. Thằng nhóc ăn cháo và uống thuốc xong thì ngủ đến tận hôm sau. Đêm đó, em vừa ngủ vừa thỉnh thoảng quay sang sờ trán nhưng may sao cậu nhóc không sốt nữa.
Sáng hôm sau, thằng nhóc khoẻ hẳn. Cu cậu lại cười nói vui vẻ. Nhìn nhóc khỏe em thấy nhẹ lòng và sung sướng. Chiều bố mẹ về, em kể bố mẹ nghe mọi chuyện. Bố mẹ ôm em vào lòng, xoa đầu khen em:
- Con gái ngoan lớn thật rồi. Giỏi lắm!
Lời khen của bố mẹ khiến em vui mừng xiết bao.
Việc tốt đôi khi là những điều thật nhỏ bé, không cần là những điều gì to lớn. Điều quan trọng nó xuất phát từ tấm lòng yêu thương, sự chân thành của mỗi người. Vậy việc tốt của bạn là gì? Hãy cùng chia sẻ với mọi người việc tốt bạn đã làm nhé.
4. Bài văn mẫu số 4
Có một lần tôi đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ trực nhật của mình, ấy vậy mà tôi không những không bị phê bình mà còn được biểu dương nữa. Chắc hẳn các bạn rất tò mò “Tại sao lại thế?” Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện ấy ngay sau đây.
Hôm ấy, thứ năm, trời mưa dầm dề. Tôi thấy thật xui xẻo vì đúng hôm tôi phải đến sớm trực nhật. Tôi mặc áo mưa, xắn quần đến đầu gối, chân thấp chân cao bước trên con đường nhão nhoét đầy bùn đất, ổ voi ổ gà sũng nước. Chợt tôi nhìn thấy từ xa một bà cụ gầy yếu xiêu vẹo chống chiếc gậy dò dẫm từng; bước một, người như muốn đổ. Tôi vội đi lại chỗ cụ, lễ phép hỏi:
- Thưa bà, bà có việc gì mà lại đi giữa trời mưa thế này ạ?
Bà cụ nhìn tôi, móm mém cười:
- À, đứa con gái của bà ở làng bên bị ốm. Bà lo quá nên sang xem sao.
Đúng như mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt Tôi ái ngại nhìn con đường phía trước. Từ đây sang làng bên dễ đến hai cây số, liệu bà cụ có thể sang tới nơi? Ngần ngại một lúc, tôi nói với bà:
- Bà ơi, đường từ đây sang làng bên xa lắm. Hay bây giờ, bà vịn vào tay cháu, cháu đưa bà sang làng bên nhé!
Bà cụ mừng rỡ:
- Bà cũng đang lo, đường trơn quá, lỡ ngã thì khổ lắm. May quá, có cháu giúp bà rồi.
Thế là hai bà cháu tôi, bà vịn cháu, cháu đỡ bà cùng “dắt” nhau đi. Trời sáng dần, một số anh chị học sinh cũng đang trên đường tới trường. Có anh chị còn vô lễ, lấn đường của bà cháu tôi. Trời mỗi lúc một mưa to, gió mỗi lúc một thổi mạnh. Thấy bà cụ co ro, răng đập vào nhau lập bập, tôi biết là bà đang lạnh. Bà lẩm bẩm: “Thời tiết thế này chỉ tội con người thôi”. Tôi vội dừng lại, cởi áo khoác của mình ra choàng lên người bà cụ. Bà tấm tắc khen:
- Cháu thật ngoan ngoãn!
Dần dần, hai bà cháu cũng tới được làng bên. Bà cảm ơn tôi mãi. Đợi bà vào làng rồi, mặc trời mưa, tôi ba chân bốn cẳng chạy tới lớp. Muộn gần nửa tiếng. May quá, bạn Hà cùng bàn đã trực nhật giúp tôi, Cô giáo phê bình:
- Hôm nay bạn Dương đã không hoàn thành nhiệm vụ trực nhật của mình lại còn đi học muộn. Cô phê bình bạn Dương trước lớp.
Tôi liền đứng dậy, xin phép cô kể lại nguyên nhân đi học muộn để cô và các bạn nghe. Cô giáo và cả lớp hiểu ra mọi chuyện cô không phê bình tôi nữa mà còn biểu dương:
- Bạn Dương tuy đi học muộn nhưng đã làm được một việc tốt, thật đáng khen. Cô sẽ đề nghị cả lớp cho bạn một tràng pháo tay động viên nào.
Tuy hơi mệt nhưng khi được cô giáo khen, tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được một việc tốt. Quả đúng như lời mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------