Bài tập tự luận nhận biết ôn tập Mối quan hệ nhân quả đơn giản của các thành phần tự nhiên Địa lí 10

DẠNG BÀI TẬP VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ ĐƠN GIẢN

Câu 1: Tại sao ở miền địa cực phong hóa vật lí xảy ra mạnh mẽ?

Hướng dẫn giải

Học sinh phân tích được các nhân tố ảnh hưởng đến phong hóa vật lí: sự thay đổi nhiệt độ, sự đóng băng của nước, sự kết tinh của muối, tính chất và cấu trúc của đá hoạt động sản xuất của con người ... Trong trường hợp này ở hoang mạc và bán hoang mạc nguyên nhân là do sự đóng băng của nước. Yêu cầu học sinh phải phân tích được sự đóng băng của nước tác động như thế nào đến phong hóa vật lí.

- Phong hóa lý học là hiện tượng phá hủy đá thành những mảnh lớn nhỏ khác nhau, không có sự thay đổi về thành phần hóa học. Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân: sự thay đổi nhiệt độ, tác động cơ học của nước và gió, đặc tính của đá …

- Phong hóa lí học do sự đóng băng của nước: ở miền địa cực khi trời ấm nước ngấm vào các khe hở của đất đá, khi lạnh nước đông lại (đóng băng), thể tích tăng lên có thể gây lên một áp suất tới 600kg/cm2 làm cho lớp đá vỡ từng mảng rồi vụn ra.

Câu 2: Tại sao ở các vùng hoang mạc lại phổ biến dạng địa hình gồm nhiều các khối đá hình nấm?

Hướng dẫn giải

Học sinh cần hiểu được các quá trình hình thành địa hình (nội lực - ngoại lực), sau đó phân tích chọn lọc nhân tố hình thành địa hình trong trường hợp này là ngoại lực (tác nhân do quá trình khoét mòn của gió).

Ở các vùng hoang mạc (khí hậu khô hạn và bán khô hạn) gió là nhân tố thành tạo địa hình quan trọng nhất. Hoạt động khoét mòn của gió làm phần chân các khối đá nhô lên trên bề mặt hoang mạc bị phá hủy mạnh (đặc biệt là ở độ cao 0,5 đến 2m gió mang theo vật liệu cát, sỏi nên quá trình khoét mòn càng diễn ra mạnh), tạo nên các khối đá hình nấm.

Câu 3: Giải thích sự khác nhau giữa cát sa mạc và cát biển?

Hướng dẫn giải

Học sinh phải phân tích được sự khác nhau giữa cát sa mạc và cát biển là do tác động của nhân tố ngoại lực.

- Cát ở sa mạc không ngừng được gió mang đi, chính vì thế những hạt cát ở đây thường nhẵn, tròn và có cùng kích thước.

- Cát ở biển thường có hình dạng, kích thước không đều nhưng màu sáng hơn do nước làm giảm bớt sự ma sát giữa các hạt với nhau.

Câu 4: Tại sao vùng vĩ độ cao phổ biến dạng địa hình phio?

Hướng dẫn giải

Học sinh cần hiểu được các quá trình hình thành địa hình (nội lực - ngoại lực), sau đó phân tích chọn lọc nhân tố hình thành địa hình trong trường hợp này là ngoại lực (ở vùng khí hậu lạnh tác nhân chính là do băng hà). Yêu cầu học sinh phải phân tích được tác động băng hà đến địa hình.

Trong thời kỳ băng hà Đệ Tứ, băng hà xâm thực, bào mòn địa hình khiến cho địa hình hình thành nhiều khe sâu. Sau khi băng hà lui, nước biển tiến vào đã biến thành các phio hẹp và khúc khuỷu.

Câu 5: Tại sao phong hóa hóa học xảy ra mạnh mẽ ở vùng khí hậu nóng, ẩm?

Hướng dẫn giải

Học sinh phải hiểu được tác nhân chủ yếu của phong hóa hóa học, rồi sau đó phân tích được tác động của khí hậu nóng, ẩm đến quá trình phong hóa này.

- Phong hoá hoá học là quá trình phá huỷ đá và khoáng vật, nhưng chủ yếu làm biến đổi thành phần, tính chất hoá học của đá và khoáng vật. Những tác nhân chủ yếu của phong hoá hoá học là nước và các hợp chất hoà tan trong nước, khi cacbonic, ôxi và axít hữu cơ của sinh vật thông qua các phản ứng hoá học. 

- Khu vực khí hậu nóng, ẩm là những nơi lượng mưa trong năm lớn hơn hẳn các miền khác nên các lớp đá và khoáng vật dễ bị hoà tan, nứt nẻ nhiều. Đồng thời khu vực này cũng là những nơi số lượng sinh vật nhiều nhất nên có nhiều axít hữu cơ của sinh vật. Hơn nữa, khí hậu nóng làm nhiệt độ của nước cao dẫn tới sức hoà tan của nước càng mạnh.

Câu 6: Tại sao địa hình hang động cacxto tập trung nhiều ở vùng khí hậu nóng, ẩm?

Hướng dẫn giải

Học sinh phải hiểu được nguyên nhân thành tạo địa hình cacxtơ, rồi sau đó phân tích được tác động của khí hậu nóng, ẩm đến quá trình cacxtơ.

- Ở những nơi đá dễ thấm nước và dễ hoà tan như đá vôi, thạch cao, ... do tác động của nước trên mặt, nước ngầm và khí cacbonic đã xuất hiện các dạng địa hình đặc biệt như địa hình cacxtơ. Quá trình hoà tan và tạo thành những dạng địa hình khác nhau ở trên mặt đất và ở dưới sâu, được gọi là quá trình cacxtơ.

- Ở miền khí hậu nóng, ẩm với lượng mưa lớn nên đá dễ bị hòa tan. Thêm vào đó nhiệt độ cao làm cho quá trình hòa tan của nước diễn ra nhanh hơn.

Câu 7: Tại sao các đồng bằng châu thổ lớn chủ yếu tập trung nhiều ở vùng khí hậu nóng, ẩm?

Hướng dẫn giải

Đồng bằng châu thổ được hình thành do quá trình xâm thực – bồi tụ của dòng chảy thường xuyên (nước)

Vùng khí hậu nóng ẩm với nhiệt độ và lượng mưa lớn nên quá trình xâm thực bồi tụ diễn ra mạnh và hình thành các đồng bằng châu thổ.

Câu 8: Tại sao ở các vùng hoang mạc lại phổ biến dạng địa hình hố trũng thổi mòn?

Hướng dẫn giải

Nhân tố hình thành địa hình trong trường hợp này là ngoại lực (tác nhân do quá trình thổi mòn của gió)

Ở các vùng hoang mạc (khí hậu khô hạn và bán khô hạn) gió là nhân tố thành tạo địa hình quan trọng nhất. Thổi mòn là tác dụng của gió làm cuốn đi những hạt nhỏ đã bị phá hủy bởi bụi, cát. Trong các lớp đá có những phần cứng và mềm khác nhau thì thổi mòn sẽ làm mất đi những phần mềm và tạo thành hố trũng thổi mòn.

---(Để xem tiếp nội dung đề và đáp án từ câu 9-10 của tài liệu ôn tập các em vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)--- 

Trên đây là trích dẫn một phần nội dung tài liệu Bài tập tự luận nhận biết ôn tập Mối quan hệ nhân quả đơn giản của các thành phần tự nhiên Địa lí 10. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?