Trong bài này các em sẽ được tìm hiểu về hô hấp nhân tạọ từ đó biết cách sơ cứu người bị nạn đồng thời tự bảo vệ bản thân trước các nguyên nhân gây nguy hiểm cho bản thân về vấn đề hô hấp.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Nguyên nhân làm gián đoạn hô hấp:
Có hhững nguyên nhân làm gián đoạn hô hấp như: Đuối nước, điện giật, lâm vào môi trường thiếu không khí hay có nhiều khí độc.
1.1.1. Đuối nước
- Tác hại: Nước tràn vào phổi ngăn cản sự trao đổi khí ở phổi.
- Xử lí: Đưa nạn nhân ra khỏi vùng đuối nước.
1.1.2. Điện giật
- Tác hại: Gây co cứng các cơ hô hấp làm gián đoạn quá trình thông khí ở phổi.
- Xử lí: Tìm vị trí cầu dao điện để ngắt nguồn điện, tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.
1.1.3. Môi trường thiếu không khí hay có nhiều khí độc
- Tác hại: Thiếu oxi cung cấp cho cơ thể, cản trở quá trình trao đổi khí.
- Xử lí: Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực đó.
1.2. Hô hấp nhân tạo:
Trong cuộc sống hàng ngày đôi khi gặp phải những trường hợp nạn nhân bị ngưng thở, ngưng tim vì một lý do nào đó như đuối nước, ngạt, điện giật... Trước khi chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, có thể duy trì sự sống cho nạn nhân hay giúp đỡ nạn nhân bằng những động tác sơ cứu.
1.2.1. Phương pháp hà hơi thổi ngạt:
Khi nạn nhân bị ngưng thở (quan sát thấy lồng ngực nạn nhân không phập phồng), ngay lập tức phải tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại.
- Các bước tiến hành
- Đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu ngửa ra phía sau.
- Bịt mũi nạn nhân bằng hai ngón tay.
- Tự hít một hơi đầy lồng ngực rồi ghé môi sát miệng nạn nhân và thổi hết sức vào phổi nạn nhân không để không khí thoát ra ngoài chổ tiếp xúc với miệng.
- Lắng nghe hơi thở trở ra
- Thổi liên tục 12-20 lần/phút cho tới khi quá trình tự hô hấp của nạn nhân được ổn định bình thường
- Lưu ý:
- Nếu miệng nạn nhân bị cứng không mở được, có thể dùng tay bịt miệng và thổi vào mũi.
1.2.2. Phương pháp ấn lồng ngực:
Khi nạn nhân bị ngưng tim (áp tai vào lồng ngực không nghe tim đập và sờ mạch không thấy mạch đập), ngay lập tức phải tiến hành cấp cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực.
- Cách tiến hành
- Để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người tiến hành ép tim quỳ gối bên trái nạn nhân.
- Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - 5 bên ngực trái.
- Từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra.
- Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút.
- Lưu ý:
- Khi nạn nhân vừa ngưng tim vừa ngưng thở, phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt hai lần, với trẻ sơ sinh là ba lần ép tim thổi ngạt một lần.
- Sau khi bệnh nhân tự thở được cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
2. Tổng kết Bài 23 Sinh học 8
Sau khi học xong bài này các em cần:
- Hiểu rõ cơ sở khoa học của hô hấp nhân tạo.
- Xác định được trình tự hô hấp nhân tạo.
- Biết cách và thực hành được phương pháp hà hơi thổi ngạt và ấn lồng ngực.
3. Hỏi đáp Bài 23 Chương 4 Sinh học 8
Trong quá trình học tập nếu có thắc mắc hay cần trợ giúp gì thì các em hãy comment ở mục Hỏi đáp, Cộng đồng Sinh học Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các em một cách nhanh chóng!
Chúc các em học tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!