Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học

Bài học giúp các em củng cố và vận dụng tốt hơn các kĩ năng làm văn nghị luận, nhất là kĩ năng phân tích truyện, tùy bút và kĩ năng lập luận. Thông qua việc phân tích tác phẩm có được những hiểu biết đúng đắn về cuộc sống.

Tóm tắt bài

2.1. Củng cố lại kĩ năng làm bài văn nghị luận về một tác phẩm hoặc đoạn trích văn xuôi

a. Bước 1: Phân tích đề – xác định các yêu cầu của đề

  • Xác định dạng đề.
  • Yêu cầu nội dung (đối tượng).
  • Yêu cầu vê phương pháp.
  • Yêu cầu phạm vi tư liệu, dẫn chứng.

b. Bước 2: Lập dàn ý – tìm ý, sắp xếp ý 

Theo bố cục ba phần:

  • Mở bài:
    • Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích văn xuôi cần nghị luận.
    • Giới thiệu vấn đề nghị luận.
  • Thân bài: Phân tích những giá trị nội dung, nghệ thuật tác phẩm, đoạn trích để làm rõ vấn đề cần nghị luận hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của đoạn trích.
  • Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.

c. Bước 3: Viết bài

  • Dựa theo dàn bài đã xây dựng, viết thành bài văn hoàn chỉnh.
  • Chú ý viết đoạn văn phải thể hiện được nổi bật luận điểm và chứng minh bằng những luận cứ rõ ràng. Các đoạn phải có liên kết, chuyển tiếp nhau.

d. Bước 4: Kiểm tra, chỉnh sửa

2.2. Một số đề bài gợi ý

Đề 1: Phân tích vẻ đẹp độc đáo của các dòng sông Việt Nam qua Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó so sánh phong cách nghệ thuật của hai tác giả.

Đề 2: Cảm nhận của anh (chị) về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu).

Đề 3: Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi có nêu lên quan niệm: “Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, "mà biển thì rộng lắm […], rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta".

Chứng minh rằng, trong thiên truyện của Nguyễn Thi, quả đã có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến đời chị em Chiến, Việt.

Đề 4: Phân tích hình tượng cây xà nu, rừng xà nu trong truyện ngắn “rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, để làm rõ ý nghĩa tượng trưng cho sức sống và phẩm chất của người dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.

Đề 5: Suy nghĩ của anh (chị) về nét đặc sắc trong cách xây dựng tình huống truyện qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Bài tập minh họa

 
 

Ví dụ 1:

Phân tích vẻ đẹp độc đáo của các dòng sông Việt Nam qua Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó so sánh phong cách nghệ thuật của hai tác giả.

Gợi ý làm bài:

a. Mở bài

  • Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.
  • Nêu vấn đề cần nghị luận.

b. Thân bài

  • Vẻ đẹp độc đáo của Sông Đà và sông Hương.
    • Sông Đà:
      • Với điểm tựa cảm xúc từ hai câu thơ “Chúng thủy giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu” và “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”, Nguyễn Tuân ca ngợi, khám phá vẻ đẹp và sự hùng vĩ, khác thường của Sông Đà.
      • Vẻ đẹp của hình tượng: Nguyễn Tuân khai thác hai mặt nổi bật tạo nên hai vẻ đẹp trữ tình và hung bạo của dòng sông.
        • Sông Đà hung bạo từ cảnh đá bờ sông, ghềnh sông, hút nước, thác nước và đá Sông Đà.
        • Sông Đà mang vẻ đẹp trữ tình thơ mộng từ dáng sông, màu nước đến khung cảnh ven bờ.
      • Nguyễn Tuân đã làm nổi bật vẻ đẹp của dòng sông đầy cá tính, lúc như một bầy thủy quái (hung bạo), lúc như một cố nhân (trữ tình), khám phá con sông đầy tiềm năng cho sự phát triển của đất nước.
      • Nguyễn Tuân khám phá con sông bằng những trải nghiệm thực tế, trực tiếp của chính tác giả, diễn tả bằng ngôn ngữ tạo hình, nhân hóa, so sánh, liên tưởng kì thú, phô diễn những kiến thức tổng hợp điện ảnh, hội họa, quân sự, lịch sử, địa lí, văn hóa.
      • Sông Đà là một nhân vật, một hình tượng trong thiên tùy bút. Ca ngợi dòng sông, ca ngợi thiên nhiên đất nước, Nguyễn Tuân ca ngợi người lao động – ca ngợi chất vàng mười của con người Tây Bắc.
    • Sông Hương:
      • Với điểm tựa cảm xúc: từ huyền thoại về một cái tên, cảm xúc “sông Hương thuộc về một thành phố duy nhất” – sông Hương của Huế, trong mối tình với Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khám phá vẻ đẹp của dòng Hương:
        • Nếu Nguyễn Tuân khao khát đến với sông Đà bằng sự khao khát khám phá, sự say mê trước cái đẹp thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đến với dòng Hương trước hết bằng tình yêu.
        • Nếu cảm hứng của Nguyễn Tuân là ngợi ca thì cảm hứng của Hoàng Phủ Ngọc Tường là cắt nghĩa.
      • Vẻ đẹp của hình tượng: Sông Hương được cảm nhận như một người con gái đẹp, khi là “cô gái Di- gan phóng khoáng và man dại”, khi là người con gái kín đáo, dịu dàng trong tình yêu với Huế. Dòng Hương được hiên lên với nhiều vẻ đẹp khác nhau:
        • Vẻ đẹp trong cảnh sắc thiên nhiên.
        • Vẻ đẹp lịch sử.
        • Vẻ đẹp thi ca.
        • Vẻ đẹp âm nhạc.
      • Tất cả in nét đẹp của thiên nhiên xứ Huế, mang vẻ đẹp tâm hồn, lịch sử, văn hóa Huế. Ta có cảm nhận sông Hương không đơn thuần chỉ là một dòng chảy mà là một dòng thời gian, dòng tâm hồn, dòng văn hóa.
      • Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng dùng nhân hóa, so sánh, sử dụng ẩn dụ, những liên tưởng kì thú … nhưng chủ yếu sử dụng tri thức văn hóa khám phá vẻ đẹp của dòng Hương trong hành trình không gian, thời gian, tâm hồn Huế.
  • Phong cách nghệ thuật của hai tác giả qua hai bài kí
    • Điểm giống nhau:
      • Hai tác giả đều viết tùy bút về các dòng sông (bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông thực sự là một thiên tùy bút - một áng văn xuôi tự sự trữ tình.
      • Hai bài kí đều thể hiện kiến thức lịch sử, địa lí, văn hóa… sâu rộng. Cả hai con sông đều được khám phá ở vẻ đẹp trữ tình và mạnh mẽ, hoang sơ.
      • Hai tác giả đều thể hiện cái tôi trữ tình khi khám phá vẻ đẹp của những con sông quê hương đất nước, kết đọng trong đó tình yêu xứ sở. Đó là sự gặp gỡ của những tâm hồn Việt, những tài năng tùy bút bậc thầy.
    • Điểm khác nhau:
      • Đều là những nhà văn viết tùy bút thành công: Tùy bút của Nguyễn Tuân giàu chất kí, chất truyện. Bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường giàu chất trữ tình - chất tùy bút.
      • Cùng tài hoa, uyên bác nhưng Nguyễn Tuân là tài hoa kiêu bạc, còn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì tài hoa sâu lắng.
      • Nguyễn Tuân đến với Sông Đà như đến với một sự thử thách để bộc lộ cái tôi độc đáo tài hoa, thể hiện cảm hứng mãnh liệt trước cái đẹp, cái khác thường, phi thường thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đến với sông Hương như một sự tương giao linh diệu của một tâm hồn Huế, với chiều sâu văn hóa của đất quê hương.
      • Nguyễn Tuân là phù thủy ngôn từ, câu văn co duỗi nhịp nhàng, giàu giá trị tạo hình,dựng cảnh, tả người đặc sắc. Hoàng Phủ Ngọc Tường giàu liên tưởng, tưởng tượng,lối văn đậm chất thơ, thiên về thể hiện cảm xúc, ngẫm suy mang chiều sâu văn hóa.

c. Kết bài

  • Đánh giá chung về đóng góp của hai nhà văn.

Ví dụ 2: 

Suy nghĩ của anh (chị) về nét đặc sắc trong cách xây dựng tình huống truyện qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Gợi ý làm bài:

a. Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
  • Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận.

b. Thân bài

  • Giới thiệu tình huống truyện:
    • Đó là tình huống nhận thức trước một hiện tượng đầy nghịch lí của cuộc sống:
      • Nghệ sĩ Phùng đến vùng biển miền Trung chụp ảnh làm lịch và tiếp cận được cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm hết sức thơ mộng.
      • Ngay sau đó, tại bãi biển, anh chứng kiến nghịch cảnh của cuộc sống - đó là cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài sống trên chính chiếc thuyền kia. 
  • Khía cạnh nghịch lí của tình huống: 
    • Cảnh thiên nhiên toàn bích nhưng cảnh đời thì đen tối; người có thiện chí giúp đỡ nạn nhân lại bị nạn nhân từ chối quyết liệt... 
    • Người vợ tốt lại bị chồng ngược đãi; vợ bị bạo hành nhưng vẫn cam chịu, quyết không bỏ chồng, lại còn bênh vực kẻ vũ phu đó; người chồng vẫn gắn bó nhưng vẫn cứ hành hạ vợ; con đánh bố... 
  • Khía cạnh nhận thức của tình huống: Thể hiện qua những phát hiện về đời sống của hai nhân vật Phùng và Đẩu. 
    • Nhận thức về nghệ thuật và cuộc sống của người nghệ sĩ (qua nhân vật Phùng).
    • Cái đẹp ngoại cảnh có khi che khuất cái xấu của đời sống (ban đầu Phùng ngây ngất trước cái đẹp bề ngoài của hình ảnh con thuyền, về sau anh nhận ra vẻ đẹp ngoại cảnh đó đã che lấp cuộc sống nhức nhối bên trong con thuyền). 
    • Cái xấu cũng có thể làm cái đẹp bị khuất lấp (tìm hiểu sâu gia đình hàng chài, Phùng lại thấy cuộc sống nhức nhối ấy làm khuất lấp nhiều nét đẹp của không ít thành viên trong gia đình). 
    • Từ sự phức tạp ấy, Phùng nhận ra rằng để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn đơn giản, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn. 
    • Nhận thức về con người và xã hội của người cán bộ (qua nhân vật Đẩu).
    • Đằng sau cái vô lí là cái có lí (việc người đàn bà bị hành hạ là vô lí, nhưng người đàn bà ấy không muốn rời bỏ chồng lại có lí riêng); đằng sau cái tưởng chừng đơn giản lại chứa chất nhiều phức tạp (ban đầu, Đẩu tưởng li hôn là cách giải quyết dứt điểm được sự việc, sau anh nhận ra quan hệ của họ có nhiều ràng buộc phức tạp hơn nhiều). 
    • Muốn giải quyết những vấn đề của cuộc sống, không chỉ dựa vào thiện chí, pháp luật hoặc lí thuyết sách vở mà phải thấu hiểu cuộc sống và cần có giải pháp thiết thực. 
  • Bàn luận chung: Việc xây dựng tình huống truyện độc đáo có ý nghĩa trong việc góp phần làm nổi bật chủ đề - tư tưởng của tác phẩm.

c. Kết bài

  • Đánh giá chung về ý nghĩa và tác dụng tình huống truyện đối với tác phẩm.

4. Soạn bài Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học

Để nắm được các kĩ năng làm văn nghị luận, các em có thể tham khảo bài soạn Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học.

 

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?