Chúng tôi mời các em tham khảo bài giảng Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh (Bài làm ở nhà) dưới đây. Hi vọng những kiến thức về văn thuyết minh trong bài giảng dưới đây sẽ giúp các em viết được một bài văn thuyết minh chuẩn xác và hấp dẫn. Chúc các em đạt được điểm cao.
Tóm tắt bài
1.1. Hướng dẫn chung
- Ôn lại những kiến thức và kĩ năng đã học vè văn thuyết minh ở chương trình THCS (lớp 8,9). Chú ý rèn luyện những mặt còn yếu
- Ôn luyện những kiến thức và kĩ năng về tiếng Việt, đặc biệt là cách dùng từ, đặt câu, để lời văn của bài làm phù hợp với yêu cầu thuyết minh
- Quan sát, tìm hiểu, học tập để nắm được những tri thức chuẩn xác, khách quan, khoa học về đời sống, về việc học văn và tập làm văn
1.2. Gợi ý đề bài
- Hãy viết một bài văn để thuyết minh một trong các vấn đề sau:
- Đề 1: Vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch,....) trong việc bảo vệ môi trường sống
- Đề 2: Tác hại của ma túy (hoặc của rượu, thuốc lá,...) đối với đời sống của con người
- Đề 3: một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn
1.3. Gợi ý cách làm
- Tìm hiểu kĩ đề bài để xác định yêu cầu và mục đích thuyết minh nội dung thuyết minh
- Cố gắng vận dụng những tri thức tích lũy được qua việc học hỏi, tìm hiểu thực tế đời sống để tìm được:
- Nội dung thuyết minh chuẩn xác, khoa học, khách quan và phong phú
- Cách thức thuyết minh thích hợp, giúp người đọc có những hiểu biết đúng đắn và cần thiết về sự vật (hiện tượng) được thuyết minh
- Xây dựng bố cục sao cho văn thuyết minh được trình bày rõ ràng, khúc chiếc
- Chú ý để không mắc lỗi về diễn đạt, chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Lời văn cần rõ ý, trong sáng, mạch lạc để người đọc tiếp thu được dễ dàng
Bài tập minh họa
Ví dụ
Đề 1: Đoạn trích dưới đây có thuộc kiểu văn bản thuyết minh không? Vì sao?
Năm 1070, vua Lí Thánh Tông sai lập Văn Miếu ở phía ngoài cửa tây nam thành Thăng Long. Sáu năm sau, vua Lí Nhân Tông sai mở rộng Văn Miếu thành Quốc Tử Giám, cho hoàng tử và con cái các bậc đại quan vào dự học. Theo nhà bác học Phan Huy Chú thì các vị đứng đầu Quốc Tử Giám có nhiệm vụ "phụng mệnh nhà vua trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, trước khoa thi một năm phải thông báo rộng rãi cho mọi thí sinh được biết, hàng tháng cho đúng kì cho tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước". Như vậy, ta thấy Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa đóng vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lại vừa làm nhiệm vụ của trường Đại học như hiện nay.
(Theo Lê Minh Quốc, Hỏi đáp giáo dục Việt Nam, tập I,
NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001)
Đề 2: Thuyết minh về lễ hội văn hóa dân gian của người Việt Nam
Gợi ý làm bài
Đề 1:
- Đoạn trích thuộc văn bản thuyết minh vì:
- Chúng được viết với mục đích cung cấp những tri thức đúng đắn, chuẩn xác, khoa học, khách quan cho người đọc
- Văn bản có số liệu, năm tháng cụ thể
- Có tên tuổi nhân vật lịch sử, có địa danh xác định
- Văn Miếu được giới thiệu cho người đọc biết về:
- Lịch sử ra đời
- Mục đích thành lập
- Nội dung hoạt động
Đề 2: Thuyết minh về lễ hội văn hóa dân gian của người Việt Nam
- Dưới đây là bài viết các em có thể tham khảo:
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Lễ hội Cầu Ngư, thờ cúng Cá Ông là một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân ven biển, đặc biệt là ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội cúng Cá Ông có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân các làng vạn chài. Qua thời gian, lễ hội càng được củng cố trong cộng đồng ngư dân ven biển và trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân.
Tục thờ cúng Cá Ông, còn gọi là thần Nam Hải, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cá của người Việt các tỉnh Bắc bộ. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. Trong dân gian, người Việt cũng như người Chăm và người Hoa đều cho rằng cá voi không phải là loài cá bình thường mà là một loài cá thần. Biểu hiện ở đây không phải là sức vóc to lớn và sức chịu đựng khác thường, mà là loài cá có suy nghĩ, có tình cảm và đặc biệt là sự cảm nhận và tâm linh như con người. Không phải chỉ ngày xưa mà ngay cả tới bây giờ nhiều người vẫn nghĩ thế. Do đó, việc tôn thờ và thờ phụng rất tôn nghiêm.
Trong sự chuyển hóa cá voi từ một loài vật nơi biển cả thành một vị Thần của cư dân sống bằng nghề biển, có vai trò của vương triều nhà Nguyễn. Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cá voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn Thần”. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng Cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung. Lăng Ông luôn được làng chài thờ cúng quanh năm và đặc biệt vào mùa xuân hay mùa thu hằng năm, lễ hội cúng Cá Ông theo nghi lễ truyền thống, rất trang trọng.
Thờ Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng. Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu Ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Lễ hội được diễn ra trong hai ngày, ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.
Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Có nơi còn tổ chức lễ rước Ông từ làng này qua làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các làng vạn chài. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Đó là lễ Cá Ông chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương.
Về phần hội, tuỳ điều kiện, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu Ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Hát múa bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật. Bả trạo là hoạt cảnh múa hát, thể hiện sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh, rước hồn “Đức Ông”.
Lễ hội Cầu Ngư lưu giữ trong mình tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.
(Trích Hương Lan (tổng hợp) - Lễ hội Cầu Ngư – nét đẹp văn hóa của các cư dân làng chài ven biển)
3. Soạn bài Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh (Bài làm ở nhà)
Để viết được một bài văn thuyết minh chuẩn xác và hấp dẫn, các em có thể tham khảo thêm bài soạn Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh (Bài làm ở nhà).