Thuyết minh về phố cổ Hội An

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu danh lam thắng cảnh: Việt Nam của chúng ta nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến. các địa điểm du lịch nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Phong Nha- Kẻ Bàng, Nha Trang, Phú Quốc. Một nơi du lịch hấp dẫn và thú vị mà chúng ta không thể bỏ qua là Hội An, thành phố được biết đến với vẻ cổ kính và bí ẩn. Đây là một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch bởi sự cổ kính và có chút hiện đại. chúng ta cùng tìm hiểu về Hội An.

b. Thân bài:

* Nguồn gốc lịch sử về Hội An:

- Nhiều nghiên cứu cho thấy Hội An đã được hình thành và có cách đây 2000 năm

- Đến khoảng thế kỉ 15 thì cư dân Đại Việt đã sinh sống ở đây

- Cuối thế kỉ 16-17, kinh tế Hội An phát triển do người Hoa và người Nhật đến đây sinh sống

- Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định công nhận Hội An là đô thị loại 3.

- Năm 2008, Chính phủ ban hành chuyển thị xã Hội An thành thành phố Hội An trực thuộc tỉnh Quảng Nam

* Các làng nghề truyền thống:

- Làng mộc Kim Bồng

- Làng gốm Thanh Hà

- Làng rau Trà Quế

- Làng đúc đồng Phước Kiều

* Các địa điểm tham quan di tích lịch sử:

- Bảo tàng lịch sử văn hóa

- Bảo tàng gốm sứ mậu dịch

- Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh

* Ẩm thực của Hội An:

- Cao Lầu

- Mỳ Quảng

- Bánh xèo chiên giòn

- Bánh “hoa hồng trắng”

c. Kết bài:

- Đây là một nơi du lịch hấp dẫn và thú vị

- Em sẽ đến đây vào dịp không xa.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh về phố cổ Hội An.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nhắc đến Hội An chắc hẳn ai cũng nghĩ đến những khung cảnh lãng mạn cùng đèn lồng và sắc màu vàng nhẹ nhàng. Không chỉ là một điểm đến thu hút khách du lịch mà nơi đây còn là một quần thể di tich kiến trúc với nhiều loại hình.

Đến ngày nay kiến trúc Phố Cổ Hội An vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng và giữ cho mình được nét thuần túy và đậm phong cách phương đông thời Trung đại. Nơi đây chính là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị nổi tiếng thế giới.

Qua bao nhiêu thế kỉ hiện nay phố cổ Hội An vẫn giữ nguyên hình dáng với những nhà ống xuyên từ phố nọ sang phố kia. Một dãy phố nằm sát bên dòng sông Hội An, nhà được kiến thiết chủ yếu từ gỗ, với đầy những hoành phi câu đối, cột gỗ trạm trổ vô cùng tinh tế, bắt mắt. Nó được xem như một bảo tàng sống và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.

Thị trấn nhỏ bé này đã từng chứng kiến hai cuộc giao thoa văn hóa lớn trong lịch sử. Lần đầu tiên cách đây khoảng 5 thế kỉ khi nước đại Việt tiến về phía Nam mở mang bờ cõi. Lần thứ hai cách đây khoảng hai thế kỉ khi mà các nước phương Tây tiến vào mảnh đất này với âm mưu truyền bá và thôn tính. Đó là hai sự kiện có tác động rất sâu đậm đến nền văn hóa của nước Việt Nam. Vì thế nên hiện nay du khách đến đây không chỉ để khám phá vẻ đẹp hồn hậu, thân thiện của người dân phố Hội mà còn để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp cổ kính lãng mạn đã tồn tại suốt mấy thế kỉ của những căn nhà gỗ.

Ngày trước đây phố cổ Hội An chỉ là một con đường kéo dài từ chùa Cầu đến chùa Ông và ngày nay đã kéo dài đến chùa Ông Bổn. Với vị trí tọa lạc nhìn ra sông Chợ Củi, một tên gọi khác của sông Thu Bồn vào đầu thế kỷ 20. Nơi đây chính là nơi có quy mô buôn bán lớn và được so sánh với thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Điểm ghi dấu của Hội An chính là khoảnh khắc người ta được thả bộ trên những con phố tĩnh lặng hay là lúc ngồi trên xích đu ngắm nhìn những mái nhà rêu phong cổ kính, mang đậm hơi thở cách đây vài trăm năm. Những bức hình nổi tiếng và lung linh nhất tại Hội An chính là cảnh về đêm.

Những cảnh đẹp thơ mộng và huyền bí được thắp lên nhờ vào ánh nến từ những chiếc lồng đèn kiểu Trung Hoa hoặc lồng đèn hình quả nhót được trang trí với những tơ lụa trước hiên nhà. Chính những chiếc đèn trang trí hòa quyện cùng với sắc vàng nổi bật của Hội An đã đem đến cho nó một vẻ đẹp lung linh mà thơ mộng biết bao. Đến với Hội An người ta sẽ không thể bỏ qua chùa Cầu, một biểu tượng nổi tiếng của phố cổ. Chùa Cầu hay còn có tên gọi khác là Lai Viễn Kiều, bắt ngang qua con lạch chảy ra sông Thu Bồn được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, 17.

Đèn lồng là một sản phẩm của sự sáng tạo mà người Nhật Bản và Trung Hoa đã mang vào nơi đây từ những năm 1998. Những chiếc đèn tròn, lục lăng dưới mái hiên và hai bên cửa rõ vào tạo nên một thế giới lung linh, huyền ảo rực rỡ sắc màu. Trong những đêm hội hoa đăng Hội An trở về là một khu phố đầy lãng mạn, tỏa ra men say làm ngây ngất lòng người. Bóng những người phụ nữ mặc áo dài thời trước cặm cụi bên ánh đèn lồng, cụ già râu tóc bạc phơ đăm chiêu bên ván cờ…. tất cả khiến cho ta có cảm giác hình như cuộc sống hiện đại ngoài kia không đủ sức để thức tỉnh con người nơi đây. Thời gian ngưng đọng và trở thành một chất men ấp ủ lòng người.

Gánh nặng thường trực của Hội An vẫn là việc di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và phố cổ quá tải. Từ nhiều nguồn, tỉnh Quảng Nam đã luôn đầu tư để trùng tu, tu bổ di tích đang xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng tại phố cổ. Mọi ngôi nhà cổ trong phố cổ khi trùng tu, sửa chữa đều có sự giám sát của cơ quan chức năng. Nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích từ 20 – 80% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà cổ. Người dân ở trong hẻm cũng có ý thức, trách nhiệm giữ gìn phố cổ như nhà ở mặt tiền. Chủ trương tạo điều kiện cho cư dân được hưởng lợi từ việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích phố cổ đã gắn kết người Hội An với Di sản văn hóa.

Không khó để tìm kiếm một chiếc đèn lồng khi đến với Hội An. Những chiếc đèn lồng đầy đủ màu sắc hình dáng được tạo nên từ những chất liệu khác nhau thực sự là món quà đầy ý nghĩa để bạn có thể mang về từ vùng đất này. Tuy không được đắt giá bằng những chiếc đèn lồng đã được lưu giữ hàng thế kỉ trước ki song nó cũng không kém phần tinh tế và sang trọng.

Nếu có dịp đặt chân đến Hội An có lẽ bạn sẽ không thể nào quên được khu phố cổ lãng mạn hòa lẫn giọng bài chòi trên sông Thu Bồn cùng với ánh đèn lồng lập lòe trong buổi hoa đăng. Tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh vô cùng thuần khiết, vô cùng lắng đọng và tinh tế.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Phố cổ Hội An – địa danh đã gắn liền với quá khứ nổi bật về sự giao lưu của nhiều nền văn hóa: Việt, Nhật, Hoa; một đô thị gắn liền với thương cảng quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong suốt nhiều thế kỷ.

Cho đến nay kiến trúc Hội An vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng với một quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình: Nhà ở, Hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ… kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương đông thời Trung đại. Cùng với cuộc sống thường ngày của cư dân những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời vẫn đang tồn tại và được duy trì, vì vậy nơi đây là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Đúng 17 giờ đêm 14 âm lịch hàng tháng, có hàng trăm hàng nghìn đèn lồng được thắp sáng lung linh như sao xa, dọc theo các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai. Hãy tản bộ dọc bờ sông Hoài, ta sẽ cảm thấy tâm hồn thảnh thơi kì lạ. Hãy đến với một gánh hàng rong nhấm nháp một bát chè bắp Cẩm Nam thơm mát, nếm một bát mì Quảng béo ngậy, thưởng thức một tô Cao lầu đặc sản thơm đậm, ngọt ngào. Hương vị, sắc màu Hội An đó mãi nằm trong kí ức của du khách một lần được đến đây.

Hãy đến thăm chùa Long Tuyền, Chùa Cầu, thắp lên một nén nhang, ngắm hàng trăm tượng Phật, đọc và suy ngẫm những câu đối, hoành phi sơn thếp vàng. Những chiếc áo lam của bà con đi lễ hội chùa Cầu trong ánh đèn lồng, dưới bóng trăng rằm gợi nên bao cảm xúc dạt dào, lồng lộng trăng nước.

Có lẽ, thời điểm phố cổ Hội An đẹp nhất là vào ban đêm. Khu phố nhỏ nhắn này trở nên lãng mạn và sâu lắng hơn, mang một nỗi niềm hoài cổ, khó có thể diễn tả được. Sáng kiến khôi phục đèn lồng vào mùa thu năm 1998 đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Vào buổi tối, khoảng sau hai mươi giờ, mọi người dân trong phố cổ quay lại đời sống vào ba trăm năm trước. Họ tự nguyện tắt hết đèn ne-on, thay vào đó là ánh sáng mập mờ huyền ảo phát ra từ những chiếc đèn lồng. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo kiểu Trung Hoa treo ở cửa ra vào, đèn quả trám hay ống dài của Nhật Bản phất giấy trắng treo lơ lửng ở mái hiên. Vào đêm hội hoa đăng, tất cả mọi người phải tắt hết tất cả các thiết bị điện. Tuy nhiên họ không hề cảm thấy bất tiện vì việc này.

Cường độ ánh sáng có giảm đi, song ngọn lửa nhiệt huyết của mỗi con người vẫn bốc mạnh khi đi ngang phố cổ. Nhìn những mái nhà cũ kĩ, những người phụ nữ trong tà áo dài trắng đang cặm cụi làm việc dưới ánh đèn lồng, hay hai cụ già râu tóc bạc phờ so tài cờ tướng, nhâm nhi tách trà, cũng dưới ánh đèn lung linh, huyền ảo đó. Dường như con người đang đi ngược lại dòng thời gian để sống với những thứ đã từng hiện hữu.

Đường phố ở khu phố cổ được bố trí ngang dọc theo kiểu bàn cờ với những con phố ngắn và đẹp, uốn lượn, ôm lấy những ngôi nhà. Dạo bước chân qua từng con phố nhỏ xinh và yên bình ấy, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon mà còn thấy được một phần cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân phố Hội, một cuộc sống yên bình, giản dị. Quần thể di tích kiến trúc Hội An hết sức phong phú và tuyệt mỹ vì vậy nơi này đã, đang và mãi là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá và tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ khi đặt khách sạn ngay khu phố cổ Hội An.

Bạn nhất định phải tới tham quan “biểu tượng của Hội An” – Chùa Cầu. Chùa Cầu, hay còn được gọi là Chùa Nhật Bản nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, là công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu ở Hội An. Ngôi chùa này được các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại đây xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16.

Phố cổ Hội An đã tồn tại từ lâu đời và có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đối với dân tộc ta. Vào những năm trước thế kỉ 20, nơi đây là một trong số những địa điểm buôn bán sầm uất nhất cả nước. Ngày nay, Phố cổ Hội An là địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng triệu hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước về thăm. Thêm vào đó, Phố cổ Hội An còn là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa. Có biết bao vần thơ da diết về mảnh đất và con người nơi đây. Và cũng có thật nhiều những bức tranh vẽ lại thật đẹp, thật sinh động về những cảnh sắc nơi mảnh đất Phố cổ thân yêu này.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?