1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bàn về lời xin lỗi, suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa của lời xin lỗi trong cuộc sống.
- Ví dụ: Người xưa từng nói: “Nhân bất thập toàn”, nghĩa là không ai sinh ra đã trở nên hoàn hảo. Sai lầm là một biểu hiện thường thấy trong cuộc sống con người. Có những sai lầm mới có những thành công. Từ con người bình thường đến các vĩ nhân đều có những sai lầm nhất định trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Lời xin lỗi luôn là một hành động cần thiết trong cuộc sống. Mỗi khi sai lầm xảy ra để hạn chế những hậu quả đáng tiếc và làm cho tâm hồn được bình yên hơn thì lời xin lỗi thực sự cần thiết.
b. Thân bài:
* Giải thích:
- "Xin lỗi": là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ.
- Xin lỗi không chỉ là cách thể hiện thái độ biết lỗi, tự nhận thấy sai lầm mà còn là phép lịch sự trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người.
* Biểu hiện của người biết nói lời xin lỗi:
- Luôn chủ động mở lời xin lỗi, tự nhận khuyết điểm về mình khi gây ra một lỗi lầm, hoặc một hành động sai trái gây ra hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến người khác
- Tích cực tìm cách khắc phục hậu quả đã gây ra
- Biết nhận thấy sai lầm của mình và mong muốn được khắc phục
- Người biết nói lời xin lỗi luôn sống hiền hòa, chuẩn mực, quan tâm, kính nhường và tôn trọng người khác.
* Tại sao sống phải biết nói lời xin lỗi?
- Xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa của con người, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội
- Lời xin lỗi chân thành phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.
- Xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp, thể hiện sự văn minh và thái độ tôn trọng con người
- Lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn được sự việc đáng tiếc có thể đã xảy ra
- Xin lỗi đúng cách, đúng lúc giúp ta tránh được những tổn thất về vật chất và tinh thần
- Lời xin lỗi còn để thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm với mọi người
- Lời xin lỗi chân thành hàn gắn những chia rẽ và hận thù do những lỗi lầm ấy gây nên.
- Xin lỗi còn để dạy cho con cái biết học cách lớn lên là người có ý thức trách nhiệm.
- Biết nói lời xin lỗi giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, hạnh phúc hơn.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Biết sống chân thành, tôn trọng, quý trọng người khác, thành thật nhận khuyết điểm về mình, không được né tránh trách nhiệm hay ngụy biện về hành động của mình
- Lời xin lỗi phải xuất phát từ đáy lòng mới thật sự hữu dụng
- Hiểu rõ đối tượng là ai để bày tỏ thái độ xin lỗi một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
- Xin lỗi đúng lúc, đúng nơi sẽ làm cho người được xin lỗi thấy dễ tha thứ hơn, đặc biệt cần biết sửa sai sau khi xin lỗi.
c. Kết bài:
- Khẳng định vai trò, ý nghĩa của lời xin lỗi trong các mối quan hệ cuộc sống
- Nêu quan điểm của mình về vấn đề này.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Suy nghĩ của em về lời xin lỗi trong cuộc sống.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trong cuộc sống, con người có thể chế nhạo người khác một cách dễ dàng. Nhưng nếu nói xin lỗi một ai khác thì lại là điều rất khó. Giá trị của lời xin lỗi vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Hiểu được giá trị của lời xin lỗi cũng là chúng ta đã nắm giữ được hạnh phúc vậy.
Lời xin lỗi là hành động chân thành của người có lỗi nhận lỗi của mình. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Có bao giờ bạn tự mình đối diện với bản thân và nghĩ rằng: chúng ta đã làm bao nhiêu việc sai trái nhưng không dám đối mặt với sự thật, không dám nói ra một lời xin lỗi với những điều mà chúng ta đã sai ? Chắc chắn là có rồi, ai trong đời mà chẳng có đôi lần làm sai điều gì đó.
Đầu tiên ta phải hiểu được thế nào là xin lỗi? Xin lỗi được đánh giá không phải là một trong những nét tế nhị có tính xã hội. Nó dường như đã được nâng lên như chính là một lễ nghi quan trọng, đó cũng chính là một cách chứng tỏ lòng kính trọng cũng như thiện cảm đối với người bị hàm oan. Thực sự ta cũng như biết được đó cũng chính là một cách để cho mỗi chúng ta như phải thừa nhận một hành vi mà nếu bỏ qua, có thể làm hại đến mối liên hệ nào đó có chiều hướng xấu đi.
Nói đi rồi cũng sẽ nói lại, bởi ta như biết được rằng chính xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận và ngăn chặn được cho ta biết bao nhiêu những hiểu lầm có thể có trong tương lai. Khi một người mắc lỗi lầm một sự xin lỗi chân thành chắc chắn sẽ làm cho đối phương bỏ qua. Nhưng hờn giận cũng chỉ cần một câu xin lỗi chân thành thôi là được hóa giải tức thì. Trong cuộc sống ta như cũng biết được rằng chính những người có cảm giác bị xúc phạm trước đó dường như lại cũng có cảm giác như được “hàn vết thương” khi chính những người làm lỗi nhận ra lỗi của mình. Thực sự lời xin lỗi khiến cho chúng ta như thấy được ấm lòng hơn biết bao nhiêu. Chính lời xin lỗi nó như đã hàn gắn lại cho chúng ta được những vết thương mà người có lỗi gây ra. Và thêm một vấn đề liên quan đó chính là con người cũng cần phải có lòng vị tha để cho người mắc lỗi có thể có được cơ hội để xin lỗi.
Giá trị của lời xin lỗi rất to lớn bởi nó giúp gắn kết con người lại với nhau. Đôi khi, chỉ cần một lời xin lỗi, cũng đủ làm cho người khác thêm thiện cảm về bạn. Có những sai lầm chúng ta mắc phải, người khác đôi khi cũng chỉ muốn chúng ta tự giác nhận lỗi. Chứ cũng không có ý định khiển trách chúng ta. Vì vậy, lời xin lỗi có giá trị rất lớn. Nó giúp chiếm được lòng tin của người khác, giúp người khác nhìn chúng ta một cách tôn trọng.
Không phải ai trong cuộc sống cũng dám đối diện với những sai lầm của mình. Không phải ai cũng có đủ dũng cảm để nói ra lời xin lỗi. Bởi con người luôn tìm đủ lý do để ngụy biện cho bản thân mình. Và luôn tìm cách để giấu đi những điều mà mình sai trái. Con người là vậy, luôn tìm cách để lấp liếm. Nhưng những người dám nói lời xin lỗi mới là những người được tôn quý.
Nhưng cho dù là lời cảm ơn hay xin lỗi thì chúng ta cũng không nên lạm dụng nó một cách quá nhiều. Nhưng bạn biết đó khi mà chúng ta cứ làm sai, ta lại cứ xin lỗi vì biết chắc rằng người kia cũng sẽ tha thứ cho bạn. Liệu rằng người ta có tha thứ cho bạn khi bạn cứ mắc phải những sai lầm. Khi sai lầm ảnh hưởng đến người khác bạn lại cứ xin lỗi một cách quen thuộc, song lại không thực sự đổi thay đúng với giá trị của lời xin lỗi. Thì trong những lần về sau sẽ còn ai tha thứ cho bạn nữa chứ? Hãy nhớ rằng giá trị của lời xin lỗi chính là lời hứa, mà lời hứa này nó lại như gắn liền với chính lòng tự trọng của bạn. Không ai là không tránh khỏi được những sai lầm cả, nhưng quan trọng hơn là đằng sau những sai lầm đó bạn biết được để mà sử nó theo đúng chiều hướng tốt nhất. Sự tự trọng cũng do lời hứa, lời xin lỗi của bạn mà tạo thành. Một người khi có lòng tự trọng cao, khi họ mắc phải những sai lầm thì họ rất khó lòng xin lỗi mặc dù biết mình sai. Nhưng đã xin lỗi thì họ luôn luôn tâm niệm và quyết sao cho sửa chữa bằng được những lỗi lầm họ đã gây ra. Có thể cách sửa chữa những sai trái của họ chính là họ như sống tốt hơn, chan hòa hơn, sống thiện hơn.
Xã hội càng hiện đại, con người càng trở lên lạnh nhạt với nhau. Biết bao nhiêu người toan tính, lợi dụng người khác để kiếm chác cho bản thân. Biết bao nhiêu người dùng kỹ xảo, dùng những mánh khóe để lừa lọc người khác. Đến khi bị phát hiện thì chẳng một lời xin lỗi để rồi đánh mất niềm tin của người khác giành cho mình, và mất đi rất nhiều thứ trong cuộc sống.
Giá trị của lời xin lỗi rất ý nghĩa. Nó đem lại cho con người khả năng tự ý thức về hành động của mình, làm cho con người hiểu được những giá trị cuộc sống từ lời xin lỗi mang lại và mang yêu thương đến tất cả mọi người.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Xin lỗi! Hai từ cũng thật quen thuộc nhưng trong cuộc sống có rất nhiều người không bao giờ nhắc đến nó và cũng có những người lạm dụng nó một cách thái quá. Vậy, “xin lỗi” là gì mà lại là một vấn đề mà trong xã hội hiện nay lại luôn tranh luận về nó.
Đã có rất nhiều người cho rằng, việc nói ra lời xin lỗi được thốt ra khi một cá nhân hay tập thể có lỗi. Thực ra ý kiến đó được đề ra dường như không hẳn là sai nhưng không nên nghĩ quá tiêu cực đối với lời xin lỗi như vậy. Ta nên hiểu được rằng cũng chính bởi trong cuộc sống hàng ngày. Ta như cũng đã ít nhiều chúng ta cũng nghe thấy lời xin lỗi xung quanh. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu được chính lời xin lỗi ấy có thể nói ra như là “Xin lỗi bạn, đường đến bưu điện cách đây bao xa?”, “Xin lỗi, tôi có thể ngồi chiếc bàn này cùng anh?” hay có thể là những câu “xin lỗi vì tôi đã đường đột đến đây” thế rồi là câu “con xin lỗi mẹ vì khi nãy con đã làm điều không đúng với mẹ, con hứa lần sau con sẽ không như thế nữa.
Trước hết, xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp mà ta có thể gọi đó là văn hóa xin lỗi. Nó thể hiện sự văn minh, tôn trọng đồng loại mà đặc biệt xin lỗi để thấy một xã hội công bằng dân chủ và văn minh khi tất cả mọi người không phân biệt địa vị, cấp bậc, giàu nghèo đều cần nói lời xin lỗi không chỉ những lúc sai lầm mà còn cả những lúc tỏ thái độ tôn trọng người khác.
Xin lỗi là khi ta biết lỗi và nhận lỗi. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện trách nhiệm của người đó với lỗi lầm, với người khác, với cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bạn thừa nhận sai lầm và không đổ lỗi cho bất cứ lý do gì. Lời xin lỗi được nói ra không chỉ đơn thuần là một lời nói, nó còn là sự khẳng định chuộc lỗi và không tái phạm lần sau. Nếu một lời xin lỗi không khẳng định được điều trên thì đó là một lời nói gió bay, không hề có ý nghĩa gì. Vì vậy ta phải nói lời xin lỗi để tỏ thái độ rằng ta sẽ sửa đổi lỗi lầm vừa qua. Ví dụ, khi bạn đánh mượn đồ người khác và lỡ đánh mất, lời xin lỗi sẽ truyền tải cho người khác rằng bạn biết lỗi và bạn sẽ cố gắng tìm lại món đồ ấy hoặc trao trả bằng thứ khác… hay bằng cách khác để chuộc lỗi.
Lời xin lỗi tất nhiên cũng phải xuất phát từ cái tâm của người nói. Nghĩa là khi bạn xin lỗi, bạn phải thật sự cảm nhận được cái sai của mình và tự bản thân hiểu rằng sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm ấy nữa. Có như vậy thì lời xin lỗi mới có giá trị. Sẽ chẳng có ai muốn nhận một lời xin lỗi giả tạo, một lời xin lỗi để “nói cho xong”. Như vậy thì không chỉ là thiếu tôn trọng người khác mà còn thiếu tôn trọng chính bản thân mình nữa. Khi bạn thiếu chân thành một lần, người khác có thể bỏ qua. Nhưng khi bạn thiếu chân thành nhiều lần, sẽ không còn ai muốn giao tiếp với bạn nữa.
Theo đó, lời xin lỗi cũng chính là cách để con người chung sống hòa hợp với nhau. Trong cuộc sống này, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo ý chúng ta muốn. Sẽ có những khi ta không vừa lòng với một ai đó. Sẽ có những khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Căng thẳng nhất sẽ là những trận cãi vã thậm chí đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán. Sau đó sẽ là những mối quan hệ bị rạn nứt. Có không người sẽ hối hận vì lúc trước đã không hạ bớt cái tôi của mình xuống để nói lời xin lỗi trước. Tại sao chúng ta cứ luôn tự làm khổ mình như vậy? Một lời xin lỗi chẳng phải sẽ hóa giải hết mọi căng thẳng hay sao? Lời xin lỗi ở đây không có nghĩa là thừa nhận chúng ta đã sai. Chỉ đơn giản là chúng ta tôn trọng mối quan hệ mà mình đang có và chúng ta muốn mối quan hệ ấy được tồn tại vững bền.
Biết cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa của con người. Đó cũng là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử giữa cộng đồng thái độ quan tâm và cầu thị hết sức cần thiết. Khi lời xin lỗi được trình bày chân thành nó phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân. Mặt khác, giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.
Xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp mà ta gọi đó là văn hóa xin lỗi. Nó thể hiện sự văn minh và thái độ tôn trọng con người. Hơn cả lễ độ, biết nói nói lời xin lỗi thể hiện lối sống vị tha và cao thượng của con người.
Lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn được sự việc đáng tiếc có thể đã xảy ra. Xin lỗi đúng cách, đúng lúc giúp ta tránh được những tổn thất về vật chất và tinh thần. Hành động này giúp cho các bên kiềm chế được cơn giận của bản thân. Từ đó, hướng đến những hành động đúng đắn. Lời xin lỗi đúng lúc, đúng việc giúp người bị thiệt hại cảm thấy được tôn trọng. Dựa trên sự đồng cảm, đồng tình hướng đến giải quyết sự việc theo hướng tích cực.
Một lời xin lỗi vụng về vẫn còn tốt hơn là sự im lặng. Hãy để lời xin lỗi xuất phát từ đáy lòng của chúng ta với một thái độ hết sức chân thành và thành tâm nhất có thể. Hãy đưa lời xin lỗi tới người cần nhận đến một cách sớm nhất và phải thật thành tâm sửa chữa lỗi lầm ấy bạn nhé!
"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Đúng vậy, lời xin lỗi cũng như thế, nó không mất tiền mua. Chỉ cần ta thật chân thành biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm của mình thì lời xin lỗi cũng chẳng hạ thấp được phẩm chất hay hạ thấp cái sĩ diện hão của bạn. "Phải biết nói lời xin lỗi" điều này chắc chắn đúng đối với tất cả chúng ta, nó sẽ giúp chúng ta giữ được nhiều mối quan hệ trong cuộc sống này. Và nó sẽ khiến ta cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Nhớ nhé!
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----