Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn tả lại một nhân vật có hành động và ngoại hình khác thường.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người có hoàn cảnh sống khác nhau. Tôi còn nhớ trong kì nghỉ hè vừa rồi tôi cùng gia đình đến Quảng Nam, chuyến tôi đã gặp một con người có nghị lực phi thường, dù bản thân không được lành lặn như những người khác. Anh là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt lên số phận.
Đợt ấy vào tháng bảy, sau một năm học tập và làm việc vất vả cả gia đình tôi đã có một chuyến du lịch đến vùng đất Quảng Nam. Tôi đã được đi thăm nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Hội An bình dị, xinh đẹp; Cù Lao Chàm với sóng biển xanh biếc và những tháp chăm cổ kính của thánh địa Mỹ Sơn… nhưng để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là anh Bảy Văn, cái tên thân thương do mọi người đặt cho anh. Anh là trẻ mồ côi, ngay từ khi sinh ra đã khuyết tật mất hai chân do di chứng của chất độc màu da cam, anh được đưa về nuôi tại cô nhi viện. Trong chuyến thăm Hội An tôi đã tình cờ nhìn thấy anh đang dạy trẻ con học, điều đó đã làm tôi vô cùng bất ngờ, ngưỡng mộ và tôi đã được những người dân nơi đây kể lại câu chuyện cuộc đời anh.
Anh Bảy Văn người nhỏ thó, vì đã mất đi đôi chân nên nhìn anh lại càng trở nên nhỏ bé hơn. Anh có làn da ngăm rám nắng đặc trưng của những người miền Trung. Khuôn mặt anh vuông vức, cùng chiếc mũi cao khiến cho đường nét trên khuôn mặt trở nên hài hòa hơn. Anh có chiếc trán rộng và cao thể hiện rõ sự thông minh, nhanh nhẹn. Mái tóc anh được cắt gọn gàng, màu đen mượt. Đôi mắt anh sáng, tinh anh cùng đôi lông mày rậm khiến cho cái nhìn trở nên cương nghị, chính trực hơn. Tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười của anh, đó là nụ cười tỏa ra một sức hút mãnh liệt, hàm răng đều tăm tắp cùng với nụ cười sảng khoái khiến mọi người đều thoải mái khi nghe tiếng cười ấy. Giọng nói của anh trầm ấm và rất truyền cảm.
Anh ăn mặc giản dị, chỉ có hai bộ quần áo duy nhất, một chiếc áo sơ mi trắng và một chiếc sơ mi xanh da trời. Mỗi lần mặc xong anh luôn giặt sạch sẽ và là cẩn thận. Ngôi nhà anh ở đơn sơ chỉ có bộ bàn uống nước, cái tủ đứng, giường ngủ và một bàn học nhưng luôn được anh sắp xếp hết sức ngăn nắp, gọn gàng.
Mặc dù ngày từ khi sinh ra đã bị tật nguyền nhưng chưa bao giờ anh chịu thua số phận. Anh luôn tự mình làm mọi việc, chỉ khi gặp khó khăn anh mới nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Anh là người thông minh, sáng dạ, mọi thứ anh học rất nhanh, lại là người ngoan ngoãn nên được thầy cô và bạn bè hết mực yêu mến. Khi học xong cấp ba, anh quyết tâm thi đỗ sư phạm để có thể mang tri thức về cho những trẻ em nghèo khuyết tật như mình. Học xong anh trở về quê hương và đi dạy cho những đứa trẻ mồ côi.
Anh giảng say sưa, nhiệt huyết, giọng giảng truyền cảm và chứa chan tình yêu thương. Nét chữ anh viết trên bảng luôn ngay ngắn, thẳng hàng. Anh đứng hơi nghiêng người để tất cả lũ trẻ đều có thể nhìn thấy những gì mình viết trên bảng. Những đứa bé ngồi dưới lớp cũng mê mải nghe những lời anh giảng, chúng như nuốt từng lời anh nói ra. Từng khuôn mặt ngây thơ, non nớt như được tiếp thêm sức mạnh khi nghe những bài giảng của anh. Theo nghề này đã được gần mười năm, nhưng anh chưa bao giờ nhận tiền của bất cứ học sinh nào, thù lao của anh đơn giản chỉ là những nụ cười, cái ôm thật chặt, đôi khi là ít trứng gà nhưng anh chưa bao giờ thôi nhiệt huyết với nghề. Nghe những điều hàng xóm của anh kể lại và chứng kiến những việc anh làm tôi càng thêm kính phục và yêu quý anh hơn.
Chuyến đi này quả thực đã cho tôi rất nhiều, nó không chỉ cho tôi mở mang tầm mắt trước vẻ đẹp của quê hương, mà quan trọng hơn nó còn cho tôi những bài học giá trị trong cuộc sống. Anh Bảy Văn sẽ mãi là tấm gương sáng chói để tôi học tập và noi theo, không bao giờ đầu hàng, lùi bước trước số phận.
2. Bài văn mẫu số 2
Mỗi lần theo mẹ ra chợ mua hàng, là em lại có dịp quan sát một cậu bé có hình dạng và hoạt động rất kì lạ. Cậu bé đã khiến cho em có một ấn tượng rất sâu sắc.
Cậu bé tên là Minh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có lần em nghe các bác trong chợ kể rằng ba má cậu mất sớm, để lại hai chị em Minh non nớt đương đầu với sóng gió của cuộc đời. Do nhà nghèo, nên chị Minh phải đi làm thuê làm mướn suốt ngày, còn Minh thì phải đi bán rong trong chợ các đồ linh tinh như bàn chải, lược, đồ móc chìa khoá để nuôi sống bản thân. Tóc cậu rậm rạp, có lẽ vì nhà nghèo nên cậu không thể đi cắt tóc được. Cậu có khuôn mặt hình chữ điền dính đầy bụi bẩn vì cậu phải lăn lộn khắp nơi để kiếm ăn nhưng ẩn sau lớp bụi bẩn đấy, em tin chắc là một tấm lòng nhân hậu. Cậu có chiếc mũi dọc dừa trông chẳng hợp với khuôn mặt của mình tí nào. Ẩn sau đôi môi tái nhợt vì bệnh tật là hàm răng khểnh và trắng ngà. Đã vậy, ông trời còn nỡ để Minh mang một dị tật khủng khiếp. Hai tay cậu bị bại liệt không giống như người bình thường khiến cậu cầm nắm rất khó khăn. Vì vậy mà chị Minh phải quàng sẵn đồ đạc lên người Minh để cậu có thể bán. Cũng chính vì điểm này mà tất cả lũ nhóc trong chợ đều gọi Minh với một cái tên trêu chọc là Minh cùi. Mỗi lần như vậy, Minh vừa khóc vừa giận dữ xua các bạn kia ra, nhưng vì bị tật nên chẳng những không xua được mà còn bị té lên té xuống khiến đám nhóc vô lương tâm kia cười vỡ cả bụng. Em vội vã chạy đến đỡ Minh dậy. Thế là em và Minh kết thân ngày từ lúc đó.
Minh là một cậu bé hồn nhiên, trong sáng. Thỉnh thoảng, cậu chạy theo một chú bướm vàng với một bộ dạng rất vui vẻ, yêu đời. Cậu chăm chỉ thật. Từ khi chợ họp đến giờ, cậu vẫn cứ đứng ở trước cửa mời gọi mọi người mua hàng. Cậu tuy nghèo nhưng cũng có lòng tự trọng rất cao.
Có lần, một bác đi mua rau ngang qua, thấy cậu bé tội nghiệp, bác cho cậu năm nghìn và nói: “Ta tặng cho cháu đấy, ta không lấy hàng gì đâu”. Thế mà Minh không nhận, nằng nặc xin bác phải mua một món gì đó mới thôi. Minh nói với Bác nọ: “Đói cho sạch, rách cho thơm bác ạ. Cháu không phải ăn mày. Cháu muốn sống bằng sức lao động của mình”. Minh tuy nghèo nhưng rất ham học dù điều kiện gia đình không cho phép. Trong lúc đi bán, lâu lâu, Minh lại lấy cuốn sách của chị cậu cho ra đọc. Hỏi thăm mới được biết là tối nào, chị Minh cũng dạy Minh học chữ. Vì bị bại liệt hai tay nên cậu phải dùng hai ngón chân để cầm bút. Tuy vậy chữ cậu lại rất đẹp.
Minh còn có biệt tài vẽ chân dung bằng chân rất điêu luyện. Những người khách qua đường thỉnh thoảng lại tò mò muốn xem Minh vẽ, thế là cậu dùng hai ngòn chân nhỏ bé của mình kẹp lấy bút rồi ngả người ra sau chuẩn bị tư thế. Như một phép thuật kỳ diệu, những đường nét nghệ thuật bắt đầu hiện ra. Khi bức tranh đã hoàn thành ai cũng tấm tắc khen đẹp. Nét đẹp ấy không những từ bức chân dung Minh vẽ mà còn là từ lòng quyết tâm, ý chí phấn đấu đi lên của Minh đấy. Tuy khó khăn, nhưng Minh không hề nản chí làm em rất nể phục. Cậu làm em nhớ đến hình ảnh thầy Nguyễn Ngọc Ký người đã dùng hai ngón chân tập viết, đã nổi tiếng trong cả nước.
Nhìn hoàn cảnh của Minh, một cậu bé mồ côi, tật nguyền. Em cảm thấy mình rất may mắn được sống đầy đủ và êm ấm trong vòng tay thương yêu của cha mẹ và ông bà. Em quyết tâm học thật giỏi để sau này lớn lên trở thành người tài, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Em sẽ thành lập nhiều tổ chức từ thiện để góp phần xoa dịu các nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh như chị em Minh.
3. Bài văn mẫu số 3
Năm nay tôi học lớp 6 còn chị gái tôi đã lên lớp 11. Với sở thích đọc sách, đặc biệt sách văn học, nên tôi đã mượn sách Ngữ Văn của chị để đọc những câu chuyện thú vị trong ấy. Và cái tên “Người trong bao” đã lập tức thu hút tôi. Khi đọc truyện, tôi rất ấn tượng và có nhiều suy nghĩ về nhân vật chính của câu chuyện đặc biệt này đó là Bê-li-cốp, một kẻ được đánh giá là dị hợm.
Bê-li-cốp là một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp. Ông ta khiến mọi người sợ hãi và xa lánh bởi cách cư xử và lối ăn mặc có phần kỳ quặc của mình. Câu chuyện không miêu tả rõ về ngoại hình của ông ta cao thấp mập ốm ra sao mà chỉ đề cập đến phong cách ăn mặc và lối sống của người đàn ông này. Bê-li-cốp có thói quen rất kỳ lạ, lúc nào cũng đi ủng cao su, tay cầm một chiếc ô và luôn mặc áo bành tô ấm cốt bông, bất chấp đó là mùa đông hay mùa hè. Hài hước hơn là hầu như mọi vật dụng của ông đều để ở trong bao, ô trong bao, đồng hồ quả lắc đựng trong bao bằng da hươu, đến cái dao gọt bút chì cũng được để trong bao, thật kỳ lạ. Và tưởng như cả con người ông ta cũng nằm trong một cái bao, một cái vỏ bọc kỳ quặc, chẳng ai có thể nhìn thấy rõ mặt Bê-li-cốp tròn méo ra sao, bởi ông ta luôn giấu khuôn mặt mình sau cái cổ áo được bẻ dựng đứng lên, đã thế ông ta còn đeo thêm kính râm để che luôn đi cái cửa sổ tâm hồn của mình. Cũng chẳng ai hiểu ông ta có bệnh gì mà cứ phải nhét bông gòn bịt kín tai chẳng khác gì người đẻ đang ở cữ, thậm chí chắc ông ta còn mắc thêm căn bệnh sợ ánh sáng khi cứ kéo mui xe ngựa lên bất kể thời tiết hôm ấy có đẹp thế nào.
Không những ngoại hình dị hợm mà cách đối nhân xử thế của ông ta cũng khiến mọi người cảm thấy e ngại. Bê-li-cốp luôn ca ngợi quá khứ, đề cao những cái gì không có thực và sẵn sàng xù lông nhím lên để chỉ trích tất cả những ai phản bác điều ấy bằng một thứ giáo điều cứng nhắc xưa cũ, khiến người khác phải câm nín, bởi ông ta chẳng khác nào một kẻ dở hơi, rỗi chuyện. Ông ta có một khái niệm lạ lùng về việc duy trì các mối quan hệ xã giao, Bê-li-cốp cho rằng việc đều đặn đến nhà người khác và ngồi im như một pho tượng là cách để duy trì mối quan hệ tốt nhất, ông ta không dám bắt chuyện mà cứ im lặng trong cái vỏ có vẻ "an toàn" của mình. Cứ tưởng ông ta chỉ "che chắn" cho bản thân khi ra đường nhưng không ngờ rằng ở nhà ông ta cũng như vậy, luôn đóng kín cửa, cài then, trùm chăn kín đầu, phòng thì tối om chật hẹp, chẳng gì nhà tù, nhưng Bê-li-cốp lại thấy thế là thoải mái và an toàn hơn cả.
Cứ tưởng cuộc đời Bê-li-cốp sẽ như vậy cho đến hết cuộc đời thế mà ông ta lại đem lòng yêu một cô gái, nhưng chính sự nhút nhát, sợ sệt mà ông ta không dám tỏ tình, thậm chí còn lên tiếng chỉ trích người con gái mình yêu chỉ vì cô cưỡi xe đạp ngoài phố, bởi lẽ ông ta cho đấy là bông thả và không hợp với một giáo viên như cô. Cuối cùng cuộc đời bi kịch và hài hước của Bê-li-cốp đã khép lại bằng một tiếng cười lớn của cô gái hắn yêu, vì nỗi nhục nhã, xấu hổ hắn tự nghĩ ra, vì tình yêu vô vọng của hắn. Bê-li-cốp chết trong yên lặng, trong buồn bã, nhưng đấy lại chính là sự giải thoát cho ông ta.
Gấp lại trang sách, tôi bỗng cảm thấy cuộc đời con người sao lại có thể tăm tối đến thế, xã hội ấy đã làm gì mà khiến một thầy giáo người đáng lẽ sẽ đi khai sáng cho người khác lại trở thành một kẻ dị hợm, kỳ lạ và cuối cùng chết trong im lặng, một cái chết lãng xẹt, thậm chí cái chết của ông còn khiến khối kẻ mừng thầm như tiễn được một gánh nặng của thành phố.
4. Bài văn mẫu số 4
Mỗi chúng ta, ai cũng có số phận của riêng mình. Một lần tình cờ, em đã được nghe chị gái kể về một người đàn ông mang ngoại hình và hành động khác thường nhưng đáng kính vô cùng - đó là một người lính thương binh trở về từ chiến trường.
Chiến tranh khốc liệt đã lùi xa vào quá khứ, song những nỗi đau, những con người bước ra từ cuộc chiến vẫn còn đó. Họ vẫn sống, dù cuộc sống không bình thường như bao người khác. Chị gái em là một nhà báo trẻ. Chị đi khắp mọi nẻo đường, về khắp mọi miền quê để tìm và ghi lại những câu chuyện đã qua - những mảnh ghép quá khứ ngày ấy. Sau chuyến đi từ Quảng Trị trở về, chị cầm bức ảnh chụp một người đàn ông, lặng lẽ kể cho em nghe về người đó.
Trong bức ảnh ngược nắng và giọng kể đều đều của chị, em nhìn thấy một người đàn ông đã ngoài bảy mươi tuổi, mái tóc bạc trắng như cước. Khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị, chất phác. Thời gian đã làm những nếp nhăn trên khuôn mặt, trên khóe mắt ông dày thêm xen những nốt đồi mồi ở làn da của những người đến tuổi xế bóng. Nụ cười bên miệng móm mém cùng ánh mắt lóe sáng lấp lánh. Vành mắt hơi cong cong tạo cho người xem ảnh cảm giác rất khó tả. Lưng ông đã còng xuống, có lẽ vì gánh nặng bao năm của cuộc đời. Chị bảo người dân xung quanh gọi ông là ông Hai Bình.
Nhưng em đã không kìm được xúc động khi nhìn đến bàn tay đang giơ lên trong bức ảnh. Trên đôi bàn tay ấy chỉ có duy nhất một ngón cái tay lành lặn, những ngón khác đều đã cụt hết. Ông cong cong ngón cái cùng mái đầu hơi gật xuống. Chị em bồi hồi nhớ lại khung cảnh chị chụp bức ảnh này, chị nói ông là một người cựu chiến binh của chiến trường miền Nam hơn năm mươi năm về trước. Bom đạn quân thù đã tàn phá nặng nề cột sống và cướp đi bốn ngón tay trên bàn tay phải của ông. Một điều đặc biệt nữa là ông không nói được, một loại chất độc ngày xưa rải xuống Trường Sơn đã khiến ông mất đi khả năng giao tiếp. Trong suốt quá trình trò chuyện với đoàn chị tôi, ông dùng ngôn ngữ của người câm và những nét chữ viết bằng tay trái.
Chiến tranh đã mang đến cho ông - người thanh niên năm ấy mới ngoài hai mươi tuổi những nỗi đau không thể tưởng tượng nổi. Nhưng khi chị em hỏi về những năm tháng ấy, trên khóe miệng ông luôn thường trực một nụ cười và ánh mắt sáng xa xăm đầy hoài niệm đầy tự hào. Trong lá thư gửi chị em - cô nhà báo mà ông thực sự cảm ơn, ông nói ông chưa bao giờ hối hận vì năm đó đã xung phong đi chiến đấu. Dù mất mát, dù đau thương, nhưng đó là lý tưởng của tuổi trẻ, là điều vô cùng ý nghĩa với cuộc đời ông. Ngón cái cong cong xuống trong ngôn ngữ của người câm, chị em nói đó là lời cảm ơn. Người đàn ông đã chịu đủ đau thương vẫn lạc quan vào cuộc đời, vẫn chân thành cảm ơn cuộc sống đã cho ông cơ hội để hoàn thành lý tưởng của mình. Ở Quảng Trị thân yêu của tổ quốc, ông một mình sống trong ngôi nhà nhỏ, lặng lẽ nhìn ngắm nước nhà đổi thay mà tự hào, hài lòng. Dù cho nhắc lại tên những người đồng chí cùng kề vai sát cánh ngày xưa, ông vẫn không nén được mà trào nước mắt. Trở về cuộc sống bình thường với hình hài và hành động khác thường, song ông chưa bao giờ cảm thấy đau khổ, chán nản. Ông chia sẻ, còn sống để trở về là một may mắn, Tổ quốc đã cho ông cơ hội trở về, trở về để tiếp tục cuộc đời còn đang tiếp diễn, để chứng kiến Tổ quốc sau chiến tranh.
Chị em rời Quảng Trị, tạm biệt ông trong một ngày nắng rực rỡ. Nụ cười ngược nắng của ông, một người khác thường mà vô cùng phi thường đã tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ chúng em. Chúng em phải sống xứng đáng với nỗi đau mà thế hệ ông Hai Bình đã trải qua, xứng đáng với niềm tin của thế hệ anh hùng bất khuất, những chiến binh đã viết lên trang sử vàng chói lói của Tổ quốc như ông.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------