Tả hình ảnh bác nông dân đang làm việc - Văn mẫu lớp 5

Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn tả về hình ảnh người nông dân làm làm công việc đồng ruộng mà em quan sát được.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Quê hương em là một vùng đất nông nghiệp, cuộc sống gắn bó với cây cỏ ruộng đồng, người dân sống bằng nghề lao động chân tay, cần cù mà chất phác. Hôm nay em ra đồng cùng cha, tình cờ đứng ngắm nhìn bác Hai- bác ruột của em, đang cày ruộng.

Bác Hai không cao lắm, và khá gầy. Nhưng trông bác rất khỏe mạnh, nước da ngăm ngăm sau bao năm dãi nắng dầm mưa. Bác mặc một chiếc áo lao động màu xanh lam vải đã sờn và bạc màu, chiếc quần ống rộng màu nâu xám và một đôi ủng cao để để tránh bị đỉa cắn. Cả một bộ quần áo lấm lem bùn. Độ này dân cũng khấm khá hơn, dùng máy cày tiện hơn dùng trâu, bác đẩy chiếc máy cày từ từ theo đường thẳng, tiếng máy kêu khá lớn, lưỡi cày đặt sát mặt ruộng, những lớp đất cứ thế mà bung lên, lật các gốc rạ còn sót lại của vụ mùa năm ngoái. Lớp bùn trũng sâu gần bằng đôi ủng của bác, mỗi lần nhấc chân lên để đi bước tiếp theo cũng khá nặng nhọc. Nắng trên cao tỏa xuống khá gắt, chiếc mũ cối vành nhỏ không đủ che hết khuôn mặt bác, từng giọt mồ hôi lăn dài trên gò má và lưng áo cũng ướt đẫm. Công việc lao động chân tay chưa bao giờ là dễ dàng. Mặc dù mệt, em thấy mặt bác vẫn rất hứng khởi, đây là công việc gắn bó một đời, công việc nuôi sống gia đình nhỏ, dẫu có vất vả đến đâu người nông dân cũng yêu lấy ruộng đồng, yêu lấy mảnh đất của mình. Từ từ và cẩn thận, bác đẩy chiếc máy cày đi từng vòng một, thẳng tắp và đều đặn. Khi đã thấm mệt, bác ra bên bờ ruộng, ngồi dưới giác cây đa già uống lấy ngụm nước, bỏ chiếc phũ phe phẩy cho đỡ mệt, có làn gió thổi qua nhìn bác quan khoái lắm. Sau đó bác nhanh chóng quay lại với công việc của mình, mới đó mà đã gần xong cả một thửa khá rộng. Trời về trưa, nắng trời khá gắt cũng là lúc bác cày xong, một buổi sáng làm việc vất vả và hiệu quả của một người nông dân hiền lành, chất phác và mộc mạc như bác. Nhìn bác, em càng thêm trân trọng vẻ đẹp lao động cần cù của người dân quê mình.

Em rất thích ngắm các cô các bác làm đồng, cấy lúa, cày ruộng,nhìn ai cũng thật chăm chỉ. Em mong mình sẽ học thật giỏi để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

2. Bài văn mẫu số 2

Hè vừa rồi, khi về quê thăm nội, tôi làm quen với bác Tám và được xem bác cày ruộng.

Hôm ấy, sau một đêm mưa nước ngập đồng, từ mờ sáng tôi đã theo bác Tám ra đồng. Bác có vóc người khỏe mạnh, tuổi khoảng trên bốn mươi. Nước da ngăm đen, đầu đội chiếc nón lá cũ. Bác mặc áo bà ba, quần cụt đen, để lộ cánh tay và bắp chân thật rắn chắc. Gương mặt bác trông đã già trước tuổi nhưng biểu hiện nét phúc hậu và thật thà, miệng bác ngậm điếu thuốc, tay dắt trâu, vai vác cày ra đồng. Cánh đồng lúc này đã ngập nước trắng xóa mênh mông nó chia ngang, chia dọc những bờ đê nhỏ. Các bác nông dân ở các thửa ruộng đã có mặt tự bao giờ.

Đến nơi, bác bảo tôi ngồi dưới bóng cây mát. Bác bắt cày vào ách đôi trâu. Rồi tay phải bác nắm chặt cày, tay trái bác cầm roi đánh vào lưng trâu để ra hiệu cho cặp trâu xuống ruộng. Bác bắt đầu cày ở vòng ngoài rồi lẫn vào trong, cặp trâu quẹo trái quay phải theo tiếng "Ví, thá” của bác. Tiếng lội bì bõm của người và vật hòa lẫn tiếng điều khiển trâu của các bác nông dân tạo nên một âm thanh nhộn nhịp, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cánh đồng. Lưỡi cày từ từ lướt đi rẽ nước và đất bùn ra hai bên. Trâu lặng lẽ kéo cày, chân nó bị lún sâu xuống bùn, bước chậm chạp, miệng thở phì phò, bọt miệng đầy nước dãi, mắt nó đỏ gay. Tuy thế nó vẫn ra sức kéo cày, cổ nó rướn thẳng bước nặng nhọc, nó vẫn tiến tới theo sự điều khiển của bác Tám. Đôi lúc nó chừng như mệt quá, nó muốn dừng lại, nhưng bác Tám gõ chiếc roi lên sừng là nó cố sức tiến lên. Bác Tám khéo léo điều khiển lưỡi cày ăn sâu xuống đất, lưng bác cũng ướt đẫm mồ hôi. Cày được một lúc bác dừng lại nghỉ mệt lấy thuốc ra hút và trò chuyện với tôi. Rồi bác tiếp tục công việc cho đến khi mặt trời lên đỉnh đầu, cũng là lúc cày xong thửa ruộng. Bác tháo cày và dắt trâu về nhà.

Nhìn những luống cày mới úp lên nhau, tôi thầm nghĩ mai đây cánh đồng lúa này sẽ mọc bời bời và cho ta những hạt thóc quý thơm ngon nuôi sống mọi người… Em thầm cảm ơn các bác nông dân cần cù như bác Tám đã đổ bao nhiêu giọt mồ hôi cho chúng em những bát cơm thơm dẻo…

3. Bài văn mẫu số 3

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”

Hạt gạo từ bao đời nay được coi là hạt ngọc trời nuôi sống con người. Để làm ra những hạt gạo trắng ngần, thơm mùi nắng mới, dẻo thơm chính là nhờ công lao to lớn của các bác nông dân. Buổi chiều hôm trước theo chân bà ra ngoài ruộng xem các bác nông dân làm việc, đến khi ra tận nơi, em mới cảm nhận rõ được phần nào sự vất vả nhọc nhằn, hy sinh mà người nông dân phải chịu để làm ra những hạt gạo thơm ngon ấy.

Sáng sớm tinh mơ, khi ông mặt trời vẫn còn ngái ngủ, chưa chịu nhích người ra khỏi lớp chăn bông ấm, các bác nông dân đã tíu tít ra ngoài ruộng. Tờ mờ sáng, lác đác đâu đây đã có bóng người, tiếng cười nói râm ran cả một góc xóm, nào khoe chuyện con cái, nào là chia sẻ chuyện cấy cày, nào lo chuyện mùa màng,… Đến ruộng, ai nấy lại bắt tay vào công việc của mình, người thì cầm lưỡi liềm để gặt lúa, người thì dùng máy để gặt lúa cho nhanh, người thì bó từng bó lúa lại để hai bên đường làng để chốc lát cho vào máy tuốt lúa. Mỗi người một việc, mỗi người một nỗi lo, áp lực của cuộc sống cứ đè nặng lên đôi vai họ nhưng nào có thể làm tắt đi nụ cười cùng ánh mắt ánh lên hạnh phúc trước những thành quả công việc của mình sau bao ngày dãi nắng dầm sương, đội mưa ra cấy lúa. Cả cánh đồng chìm trong màu vàng rực, chả còn phân biệt được đâu là nắng đâu là lúa, cả hai như hòa vào một, thiên nhiên và con người như đồng điệu với nhau. Nắng lên, những giọt mồ hôi lăn dài trên trán những người nông dân hiền lành, chăm chỉ, chất phác, vất vả nhưng nghĩ đến miếng cơm manh áo, nghĩ đến mọi người cần phải có cơm, có gạo để tồn tại, để sống cuộc sống ý nghĩ này, họ lại không quản ngày đêm, không quản nắng mưa, làm việc hết mình. Nhìn thấy hình ảnh của những bác nông dân làm việc, em lại càng hiểu hơn về giá trị to lớn của hạt gạo, bởi trong đó là bao mồ hôi, nước mắt, là tâm huyết của những con người chân thật ấy.

Em rất yêu quý những người nông dân, bởi chính những hy sinh, những vất vả mà họ âm thầm chịu đựng chính là để tạo ra những hạt ngọc tinh khiết nuôi sống con người, đó chính là những con người sống mãi với thời gian, sống mãi trong trai tim chúng ta với sự biết ơn và kính trọng.

4. Bài văn mẫu số 4

Cánh đồng lúa quê em đã vào mùa thu hoạch các bác nông dân ngày ngày ra đồng gặt lúa, mang về những hạt thóc vàng ươm sau những ngày tháng vất vả.

Từ sáng tinh mơ, các bác nông dân đã ra đồng. Ra đồng các bác rẽ theo các hướng khác nhau, ai về thửa ruộng nhà nấy. Nhìn xa xa, ai cũng giống nhau. Vì mùa này trời rất nắng nên các bác mặc áo dày, đội nón trắng, khuôn mặt trùm kín bằng một chiếc khăn chỉ để lộ đôi mắt. Dụng cụ đã chuẩn bị xong, các bác bắt đầu công việc gặt lúa. Đàn bà lom khom cắt lúa còn đàn ông thì tuốt lúa. Tay trái các bác nâng từng bông lúa, tay phải cầm liềm cắt lúa xoèn xoẹt, đôi bàn tay mềm mại, thoăn thoắt tưởng như các bác đang múa. Từng bước chân nhịp nhàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Lúa cắt xong được các bác xếp ngay ngắn thành từng đống rất gọn gàng. Lúa được cắt mỗi lúc một nhiều. Tiếng tuốt lúa vang lên rộn ràng cùng nhịp thở của các bác. Các bác đứng dậy vươn vai, quay lại nhìn thành quả lao động của mình. Nét mặt ai cũng vui. Mặt trời lên cao dần, Khi đã thấm mệt, các bác đứng lên nghỉ giải lao, ngồi uống nước đá, ăn vội cái bánh mì mà người nhà mới mang đến. Đâu đó vang lên những lời hát ngọt ngào của các cô gái làm xua đi những mệt nhọc. Sau ít phút giải lao, mọi người lại bắt tay vào việc. Càng về trưa nắng càng gay gắt mọi người ai cũng thấm mệt nhưng tranh thủ làm cho xong công việc. Mồ hôi rơi xuống nghe thánh thót, lưng áo ướt đẫm. Thỉnh thoảng, các bác lấy nón quạt phành phạch xua tan đi cái nắng nóng cứ vô tình chiếu xuống cánh đồng trống trải. Lúa trên ruộng cũng được gặt xong.

Vào mùa gặt, ai cũng bận rộn. Những hạt lúa chắc nịch, vàng ươm đã được đưa về nhà. Các bác nông dân phấn khởi vì vụ mùa bội thu.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?