Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn tả về con trâu ở làng quê mà em đã quan sát được.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta"
Mỗi khi câu ca dao này vang lên, hình ảnh những chú trâu quen thuộc lại hiện lên trong kí ức của em. Nhắc đến những cánh đồng của miền quê Việt Nam thì không thể không nhắc đến người bạn gần gũi thân thuộc này.
Lâu lắm rồi em mới được về quê. Nhìn những chú trâu trông ngộ quá. Mấy chú trâu, chú nào nhìn cũng mập mạp với làn da đen khỏe khoắn. Nhất là bốn cái chân dài có bộ móng chắc chắn. Cái đầu lúc nào cũng cúi về phía trước, đôi mắt to hiền lành với hàng mi dài dễ thương. Chiếc mũi phập phồng có sợi dây thừng thắt qua. Cái miệng nhai cỏ ngon lành. Trên đầu, hai cái tai thật to như chiếc lá bàng. Đặc biệt là cái sừng cong cứng cáp như hai lưỡi liềm. Đó là vũ khí lợi hại của những chú trâu để chống loại đối thủ bảo vệ bản thân. Trâu là một trong những loại động vật có sức khỏe phi thường. Giữa trời nóng bức chú vẫn chăm chỉ, cặm cụi cày những đồng ruộng giúp sức cho người dân. Chú ngoan ngoãn làm theo hiệu lệnh của bác nông dân. Mỗi tiếng “vắt vắt” chú trâu lại quay đầu cày tiếp những luống sau. Đến khi xong công việc chú mới được thưởng thức những ngọn cỏ ngon lành.
Chú trâu hiền lành là người bạn của nhà nông. Đã từ bao đời nay hình ảnh trâu đi trước cái cày đi sau đã trở thành biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Cho dù xã hội ngày một phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, ngành nông nghiệp đã dần giảm chuyển sang công nghiệp. Những chiếc máy cày đã xuất hiện nhiều và dần thay thế bóng dáng của chú trâu. Nhưng hình ảnh và những kí ức đẹp về những chú trâu gắn liền với đồng ruộng, cái cày sẽ sống mãi trong tiềm thức của con người Việt.
Người xưa thường coi “con trâu là đầu cơ nghiệp” chính vì thế con trâu rất được quý trọng trong những gia đình làm nông. Mặc dù bây giờ hình ảnh những chú trâu không còn xuất hiện nhiều như ngày xưa, nhưng hình ảnh con trâu cùng chiếc cày trên những cánh đồng vẫn là một nét đẹp truyền thống của dân tộc mang đậm tính chất của nền nông nghiệp lúa nước.
2. Bài văn mẫu số 2
Cuối tuần, em theo bố đi Đồng Nai thăm một người bạn cũ của bố. Khi xe đừng ăn trưa dọc đường, em tình cờ trông thấy một con trâu đang ăn cỏ ven đường.
Con trâu lông đen mượt, to và cao, bề dài trâu áng chừng một mét rưỡi. Đầu trâu hình khối kim tự tháp. Sừng trâu cong cong hình lưỡi liềm, to bằng bắp tay em nhọn vút. Mắt trâu to và dài, lông mi của nó có màu trắng bạc như tóc một cụ già. Mũi trâu to, người ta xỏ một sợi dây thừng qua mũi trâu để dễ nắm dắt trâu đi. Con trâu đứng bên vệ đường điềm nhiên ăn cỏ dọc theo bờ ruộng. Hàm trâu đưa qua, đưa lại nhai cỏ, tiếng trâu liếm cỏ nghe '“sực sực”, nom rất ngon lành. Con trâu em trông thấy có lẽ là một con trâu cày vì vai nó lực lưỡng, bốn chân to còn bê bết bùn sình và ách cày đang tháo đổ ở ruộng. Chắc là chủ trâu cho trâu nghỉ ăn cỏ. Con trâu bước tới từng bước một, chậm rãi nhai cỏ, đuôi chủ trâu ve vẩy trông rất nhàn rỗi.
Con trâu là bạn của nhà nông, trâu giúp nông dân cày bừa. Phân trâu dùng để bón ruộng đất rất tốt. Ngày nay, mặc dù người ta dùng máy cày để cày ruộng nhưng trâu vẫn vô cùng cần thiết. Ở những đám ruộng nhỏ, khó đi thì dùng trâu cày tiện hơn cày máy. Trâu còn dùng để kéo xe, kéo các guồng xay xát như ép mía để làm đường theo kiểu sản xuất thủ công. Trâu còn dùng để trục bùn đáy ao nuôi tôm trong chăn nuôi thủy sản... Vì thế, bà con nông dân ta có câu: "Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Được đi chơi xa cùng bố và được nhìn thấy một con trâu khỏe đẹp, trông thấy cảnh đồng quê thanh bình em rất vui sướng. Cảnh vật cũng làm cho em hiểu biết thêm về đời sống, sinh hoạt của nhà nông. Em sẽ học tập tốt để có khả năng cống hiến sức mình, giúp nông dân và trâu đỡ vất vả hơn.
3. Bài văn mẫu số 3
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công.
Câu ca dao trên cho thấy tầm quan trọng của trâu trong nông nghiệp.
Quê em, đồng ruộng phì nhiêu, cò bay thẳng cánh. Cuộc sống người dân nơi đây gắn liền với đất đai, sông nước và ruộng vườn. Con trâu luôn là bạn đồng hành của người nông dân.
Con trâu nhà em rất to và khỏe, cao đến vai của bố và dài cỡ mét rưỡi. Đôi sừng dài, cong vút chễm chệ trên cái đầu to như quả mít. Trên gương mặt hình tam giác là đôi mắt với hàng mi cong vút trông rất hiền. Phía trước đầu là chiếc mõm được cột sợi dây thừng xỏ qua mũi. Bụng trâu to thế nhưng trâu cày rất khỏe, đôi chân như thân cây chuối có móng guốc, chiếc đuôi có phần tua ở cuối luôn phe phẩy để đuổi muỗi vắt thường bám lên thân hình xám đen. Trên thân trâu có lông cứng nhưng rất thưa, dường như đủ để tiết mồ hôi chứ không giữ ấm vì da trâu rất dày.
Sau những đường cày, trâu được nghỉ ngơi dưới bóng râm và nằm nhai cỏ. Trâu ăn uống rất kĩ, họ nhai lại mà.
Hàng tuần, em phụ bố vệ sinh chuồng trại cho trâu. Việc chăm sóc trâu rất quan trọng, trâu có khoe thì cày bừa mới tốt và cho nhiều thóc lúa. Nuôi trâu rất có ích nên năm sau, nhà em sẽ có thêm một con nữa, tha hồ để em chăn dắt và chăm sóc.
4. Bài văn mẫu số 4
Tuổi thơ của em gắn liền với những cánh diều rực rỡ, những tiếng sáo du dương trên bầu trời lộng gió và đồng cỏ xanh rì. Thu vào tầm mắt em là hình ảnh làng quê thanh bình và hình ảnh chỉ thuộc về duy nhất nông thôn – hình ảnh con trâu đang gặm cỏ.
Trong ánh chiều tà đang dần buông xuống khắp nơi nơi, lũ trẻ con nô đùa chạy nhảy, trong tay cầm chặt dây diều. Cánh diều cứ bay cao cao mãi. Các bác nông dân vẫn bận rộn nhấp nhô giữa thảm lúa xanh, nhanh chóng hoàn thành hết công việc để trở về nhà. Trên đồng cỏ xanh ấy, trâu lại ung dung, điềm tĩnh gặm cỏ.
Hình ảnh trâu gặm cỏ trông thật đẹp! Thân hình trâu to lớn, màu da đen bóng, lông mượt, nó cao phải đến một mét rưỡi. Đầu trâu hình khối như chiếc kim tự tháp của đất nước Ai Cập huyền bí. Hai cái sừng trâu cong cong lên hình lưỡi liềm, to bằng bắp tay trẻ con chúng em, nó nhọn và trông vô cùng mạnh mẽ. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi con trâu với đồng loại của mình. Trên khuôn mặt nó nổi bật hai mắt to, dài với hàng lông mi màu trắng bạc. Mũi trâu rất to, các bác nông dân thường xỏ dây thừng qua đó để dễ dàng dắt nó đi lại. Trong cái miệng lớn của trâu chỉ có mỗi hàm răng dưới thôi mà nó vẫn gặp được rất nhiều cỏ. Trên đồng cỏ rộng lớn, mênh mông, từng khóm cỏ xanh mướt mọc lên, bốn cái chân trâu dài và chắc khỏe vững trãi đứng trên đồng, trâu cúi đầu, thong dong gặm cỏ. Hàm trâu đưa qua, đưa lại nhai cỏ, tiếng sột soạt vang lên nghe rất vui tai. Cái đuôi dài của nó phe phẩy qua lại. Thỉnh thoảng, trâu dừng nhai, ngẩng đầu và đưa đôi mắt lúng liếng nhìn ngắm mọi thứ xung quanh. Một lát sau, nó lại cúi đầu gặm cỏ.
Thời gian trôi qua, trâu ta cứ nhàn nhã đi lại trên cánh đồng cỏ, từ tốn gặm cỏ. Những đám cỏ xanh mơn mởn mỗi khi nó đi qua là lại trụi đi một ít. Bóng trâu sừng sững soi xuống mặt nước trên dòng sông cạnh đó, tạo nên vẻ đẹp hiếm có của những vùng quê. Trâu chính là người bạn thân thiết của các bác nông dân, cùng con người trải qua bao mùa vụ cấy cày, gặt hái. Suốt từ bao đời nay, “con trâu là đầu cơ nghiệp” với gia đình nhà nông. Hình ảnh trâu yên tĩnh gặm cỏ trong ánh chiều hoàng hôn đã hòa vào hình ảnh lũ trẻ tung tăng trên đồng cỏ, theo những cánh diều bay cao và hình ảnh các bác nông dân cặm cụi dưới đồng lúa đã vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp về làng quê những chiều yên ả.
Trong ký ức tuổi thơ của bao thế hệ, được ngồi trên lưng trâu, thả diều và ngắm nhìn con trâu ngoan ngoãn cúi đầu gặm cỏ chính là niềm vui, niềm hạnh phúc vô giá, là kỷ niệm, là nỗi nhớ về quê hương thân yêu. Trâu đối với cuộc sống con người nông thôn mang ý nghĩa rất đặc biệt, chính vì vậy, tình cảm em dành cho loài vật này rất đặc biệt. Dường như văng vẳng đâu đây, em nghe tiếng bác nông dân thì thầm:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công...”
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------