Tả cây hoa mai mà em quan sát được - Văn mẫu lớp 4

Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy tả lại hình dáng cây hoa mai mà em đã nhìn thấy.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Mỗi dịp Tết đến xuân về ngoài những cành đào hồng thắm, ngoài những cây quất sai quả thì ta còn biết đến hình ảnh những cây mai vàng mang lại sự sang trọng sung túc cho một năm. Cây mai có ý nghĩa biểu tượng rất lớn chính vì thế mà những nhà có tiền hay có thú chơi cây ngày tết thường rất quan tâm đến mai và không thể thiếu nó trong ngày tết ấy.

Cây mai được trưng bày trên bàn thờ hay ở những chậu cây đặt trên bàn uống nước nó mang lại sự trang trọng và giàu sang. Nó mang những điều phúc lộc cho người chơi nó. Mặc dù nó chỉ là biểu tượng chứ chưa chắc là sẽ có phước những bằng màu sắc của nó người ta quan niệm nó như thế.

Không biết cây mai người ta trồng từ bao giờ mà thân cây đã bự bằng bắp tay của người lớn.Tán lá tròn tự nhiên xoè rộng ở phần gốc thu nhỏ dần ở phần ngọn. Để cho cây ra hoa vào đúng dịp Tết, người ta đã tuốt lá. Giờ cây chỉ toàn là búp, hoa và vài chồi lá non xanh mơn mởn. Những nụ hoa no tròn ẩn bên trong chiếc đài màu ngọc bích. Từng chùm, từng chùm với hàng loạt cánh hoa bung ra nở rộ toàn thân cây một màu vàng rực rỡ. Hoa mai xòe ra năm cánh mịn như lụa. Dưới nắng xuân ấm áp, cánh mai mỏng manh như bướm đang nghiêng mình khoe sắc. Thỉnh thoảng một vài làn gió nhẹ thổi qua, những cánh mai nhè nhẹ rơi phủ vàng một vùng quanh gốc.

Ngày tết đến ở những nhà cao cửa rộng phố xá thênh thang thì đi đến đâu người ta cũng thấy được những hình ảnh của cây mai. Thân cây mai nhỏ nhắn thấp nhưng lại không nhỏ như cây đào. Nó to hơn câu đào một chút, đặc biệt là thân của nó không cao mà nó thấp lùn lùn tán cây rộng ra nhiều cành nhỏ. Trên những cành nhỏ ấy những bông hoa đẹp đẽ sẻ nở ra. Nhìn cây mai dễ thương như một chú lùn, chú lùn ấy lại không hề buồn cười mà lại mang đến cho người ta cảm giác thật yêu mến và dễ nhìn. Chính vì thế mà việc khuân vác cây mai đi thật dễ dàng.

Cây mai ấy điều đáng chú ý nhất là những bông hoa màu vàng giống như hàng ngàn bông mặt trời chói lọi. Ngày tết để hoa mai trên bàn uống nước tiếp khách thì không chỉ bản thân gia đình cảm thấy mang lộc mang phước về nhà mà ngay những người khách đến chơi cũng có cảm giác như thế. Cành mai mỏng manh như tờ giấy vậy, nhưng tờ giấy ấy là tờ giấy vàng. Cái màu vàng nhạt làm đẹp mắt người ta chứ không phải cái màu vàng chóe.

Những nhị hoa màu vàng sậm hơn nở xòe trong như nhưng hương sắc mà thiên nhiên đất trời ban tặng. Nhìn cây mai giống như những thỏi vàng ngày xưa vậy, cái màu vàng may mắn của tiền bạc và phú quý giàu sang. Mai như hiện thân của thần tài đến mọi nhà vậy, không cần chơi mai mà chỉ cần nhìn thấy mai thì con người ta đã thấy xốn xang trong lòng. Không chỉ thấy phú quý mà còn thấy cả mùa xuân sinh sôi nảy nở của đất trời.

Hương thơm của hoa mai cũng rất đặc trưng, nó không có mùi thơm nồng nàn cũng không có mùi thơm như hoa ly, hoa huệ mà cũng chẳng thơm nhẹ nhàng như hoa nhài. Hương thơm của nó mang đến sự thoải mái nhẹ nhàng cho con người. Hương thơm đủ để cảm nhận thấy thể hiện sự thanh thoát của loài hoa này.

Nếu như khi trước tết đến hoa mai nhẹ nhàng rụng vào cuối đông cho xong chuyện thì đến tết cây mai chỉ là một cành cây không, thế nhưng tầm tết ấy những nụ hoa hé mở và nếu có nắng ấm thì nó càng nhanh nở hơn. Những bông mai rạng rỡ lại xòe cánh hoa ra mang niềm vui đến cho mọi người.

2. Bài văn mẫu số 2

Tuy là ở miền bắc, nhưng bố em lại rất thích mai. Bố cất công đi chọn mua một bình mai rất đẹp về đặt trước sân. Cây mai khoe sắc như một nàng tiên giữa những cây cảnh trong sân, thật đẹp, thật xinh.

Cây mai được bố trồng trong một cái bình nhỏ, nhưng rất đẹp. Cây bé nhưng được uốn nắn từ nhỏ nên có dáng đứng rất “oai”, lại nở những bông hoa to to bao bọc lấy cành cây khẳng khiu. Thân cây chỉ to bằng cổ tay em, cao tầm nửa mét. Thân cây màu nâu sẫm, da nó sần sùi, lồi lõm. Từ thân cây, những cảnh nhỏ mọc ra. Cành cong queo, cành khẳng khiu được bố em uốn nắn kỹ càng.

Những cành mai được bố em cắt tỉa gọn gàng, uốn bằng dây thép để chúng có thể phát triển theo dáng bố em đã định trước. Từ cành, mọc ra những chiếc lá non phớt hồng. Những chiếc lá đã già to bằng ngón tay của bố, hình bầu dục, màu xanh đậm, lại có răng cưa nhỏ. Cứ gần tới tết, những chùm nụ màu xanh mọc ra cùng với những mầm lộc nõn nà. Nụ to dần và nở thành những bông hoa vàng rực, cánh hoa vàng mềm mại, khum khum như e thẹn che chở cho nhụy yếu đuối bên trong. Mỗi sáng, mai đùa vui cùng với ánh nắng mặt trời. Từng làn gió thoảng qua như muốn lưu lại một lát nữa để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhẹ nhàng của nó. Giữa những chậu cây cảnh cổ thụ trong sân nhà, những bông mai nhỏ bé lại như một điểm nhấn làm sáng lên góc sân rộng.

Mai không tỏa hương thơm ngát như hoa nhài, không khoe sắc thắm đỏ rực như hoa hồng, nhưng nó lại mang lại cho mọi người sự ấm áp, dịu dàng và đằm thắm của mùa xuân. Tết đến, những cánh mai xinh xắn giống như bàn tay vẫy mời mọi người hãy trở về sum họp với gia đình sau một năm làm ăn vất vả.

Em rất thích cây mai ấy. Tuy mai không phải là đặc trưng cho tết của người miền Bắc, nhưng mỗi khi xuân về, gia đình em vẫn để mai cành đào trong nhà. Như thế, tết năm nào nhà em cũng đón xuân trong không khí của cả hai miền Bắc – Nam.

3. Bài văn mẫu số 3

Nếu ngày Tết cổ truyền xứ Bắc tươi tắn với những cánh đào hồng phai mịn màng thì Tết phương Nam lại rực rỡ muôn cánh mai vàng tươi duyên dáng. Khí Tết đang tràn về khắp mọi nẻo đất nước, gia đình tôi cũng đã chọn về một cây hoa mai tuyệt đẹp.

Cây hoa mai được trồng trong một chiếc chậu sứ tròn màu nâu bóng. Trên thân châu có khắc những chữ Hán cổ màu đỏ gạch. Ông tôi bảo những chữ đó là câu đối cung chúc tân niên và các chữ: an, phú, phúc. Mỗi chữ đều thể hiện những điều mà con người mong muốn đạt được trong năm mới. Cây hoa mai cao chừng hơn hai mét. Gốc cây mốc thếch vẻ đã lâu năm, những chiếc rễ nổi lên, mọc chìa ra một đoạn rồi cắm sâu vào lòng đất. Thân cây hoa mai to chừng cái phích nước, nhỏ dần khi lên ngọn, uốn lượn mang dáng của một chú rồng bay lên trời. Có lẽ bởi “đã già”, cây hoa mai khoác trên mình lớp vỏ màu xám bạc với nhiều nốt sần sùi. Dù gốc và thân khá lớn nhưng các cành lại gầy guộc, thanh mảnh. Chúng mọc quanh thân từ gốc tới ngọn. Những cành mai ngoằn ngoèo mọc ngang ra tạo thành dáng cây hoa mai như một chiếc tháp vàng rực rỡ.

Khi mới đem về, cây hoa mai trơ những cành bởi chỉ có chồi và nụ. Ông tôi đặt nó ngoài sân để những chồi non, nụ xanh đón mưa phùn, đón nắng mới. Chẳng mấy chốc, mai đã được dệt màu áo mới. Chồi non đâm lá, những chiếc lá to bằng lá chè tươi, xanh ngọc biêng biếc. Những nụ xanh dần hóa sắc vàng rồi bung xòe những cánh vàng tươi, mịn màng. Vẻ vàng tươi của cánh mai hẳn là chắt chiu, gói ghém từ bao tia nắng chói chang của đất phương Nam. Năm cánh e ấp, chụm lại giữa những sợi nhụy hoa nhỏ dài. Ngày Tết, hoa mai nở rộ. Sắc vàng của hoa lấp hết màu xanh của lá. Mấy chú bướm cũng bị cuốn hút bởi vẻ rực rỡ đó nên cứ dập dờn múa lượn bên hoa. Mỗi khi chị gió bay qua, chị đem hương thơm thanh mát của hoa mai đi khắp muôn nơi. Hương thơm ấy chính là hương ngày xuân của xứ này.

Suốt mùa xuân, cây hoa mai cứ rạng rỡ khoe sắc tỏa hương dưới nắng mới. Loài cây này thật biết điểm tô sắc đẹp cho đất trời. Hi vọng, cây hoa mai nhà tôi luôn tốt tươi để xuân sau lại cho bung xòe những cánh mai vàng óng.

4. Bài văn mẫu số 4

Ai cũng khen cây mai nhà em có giá trị. Thú thật nhìn cây mai em cũng chẳng biết nó giá trị đến cỡ nào. Hôm trước Tết khoảng một tháng, ba thuê người đào lên bỏ vào một cái chậu kiểng đặt ngay trước sân nhà.

Nghe ba nói, hồi nội con sinh ba thì Nội trồng cây mai này. Bây giờ Nội không còn nữa, ba cũng đã ngoài tứ tuần. Như vậy, cây mai cũng đã trên bốn mươi năm rồi. Nó cũng được liệt vào hàng “cổ thụ” tuy bây giờ nó chỉ cao bằng mái hiên nhà em. Mấy hôm trước đây có mấy vị khách ở Thành phố Hồ Chí Minh về đòi mua nhưng ba không bán. Nghe đâu họ đã trả đến bốn, năm triệu, nhưng ba nói: “Các anh thông cảm! Đây là vật kỉ niệm của ba tôi còn để lại cho con cháu, tôi không nỡ bán”. Họ tần ngần một hồi lâu rồi chào tạm biệt ba tôi trong nỗi luyến tiếc.

Nhìn bộ rễ và thân mai cũng như cái dáng đứng của nó ở trong chậu kiểng, em thấy đẹp không khác gì những cây kiểng chụp trong các tờ lịch bày bán ở các quầy sách báo tại trung tâm thị xã. Nó có đến ba cái rễ lớn to bằng tay người lớn, tạo thành cái thế chân kiềng nâng hẳn gốc mai lên trên mặt đất. Xung quanh nó là những rễ phụ tua tủa cắm xuống nền đất của chậu. Cái gốc thì ở cái thế nghiêng nghiêng, uốn lượn đến ba khúc, vỏ mai thì xù xì mốc đen, mốc trắng loang lổ, càng dần lên phía ngọn càng nhỏ dần như đuôi của một con rồng. Ai cũng bảo: “Đấy là cái thế “rồng giáng, rồng đậu” xuống sân nhà, gia đình sẽ làm ăn phát tài”.

Cành mai được ba tỉa rất gọn, đặc biệt là chúng được uốn theo những dây thép. Đúng rằm tháng chạp vừa vào ngày chủ nhật, ba bỏ ra một buổi chảy hết lá già chỉ còn để lại vài chồi non. Trông nó như một cây khô đã chết. Ấy vậy mà chỉ tuần sau, em đã thấy xuất hiện những chồi, những nụ chi chít trên các cành mai. Những ngày tết mai nở rộ, có đến hàng trăm những bông mai năm cánh vàng rực khoe sắc. Hoa mai vốn đã đẹp, lại được uốn theo hình con rồng nên nhìn cây mai ai cũng bảo là đầu năm nhà em được đón “rồng vàng”. Năm nay chắc “phúc lộc” dồi dào.

Đúng là cây mai nhà em vừa đẹp, vừa quý. Sáng nào đi học, em cũng không quên tưới cho nó một ít nước. Và chiều tối, khi ăn cơm xong em thường ra sân ngắm mai, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó và mong sao những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình em như lời chúc đầu năm của mọi người.

5. Bài văn mẫu số 5

Ở thị xã Tân An nhỏ bé quê em, rất nhiều người biết đến cây mai lão của ông giáo Hảo. Chủ nhân trở nên nổi tiếng một phần là nhờ vẻ đẹp đặc biệt của cây mai đó.

Ông giáo Hảo kể rằng gốc mai này đã hơn năm chục tuổi. Ngày trước, cụ thân sinh dạy học ở dưới Tiền Giang, một buổi đi thăm chợ hoa ngày Tết, thấy cây mai đẹp nên đã mua về, trồng trước sân.

Sau nửa thế kỉ, cây mai đã trở thành cổ thụ, cành lá sum suê, tỏa rộng, che gần hết chiều ngang của một gian nhà. Dấu vết thời gian in đậm trên thân cây màu nâu, loang lổ vết rêu xanh. Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng rằm tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) là cha con ông giáo lại bắc thang để tuốt lá cho cây và hai người phải làm từ sáng sớm đến chiều tối mới xong.

Vốn là người giàu kinh nghiệm, ông giáo tự tay bón phân, tưới nước để cây mai ra hoa theo ý muốn. Cách Tết độ vài ngày, hoa mai bắt đầu nở lác đác. Bông hoa lớn với nhiều tầng cánh mỏng màu vàng tươi, rung rinh trong gió nhẹ. Những chùm nụ màu xanh bóng chi chít khắp cành.

Mấy ngày Tết cũng là lúc hoa mai nở rộ, hương thơm thoang thoảng bay xa. Một màu vàng rực bao phủ khắp cây, tạo nên một vẻ đẹp lạ lùng, khiến ai đi qua cũng phải dừng chân chiêm ngưỡng và trầm trồ khen ngợi.

Chưa bao giờ ông giáo Hảo chặt một cành mai vì ông rất quý cây mai và coi nó như một người bạn thân thiết, gắn bó với ông suốt cả cuộc đời. Ông giáo thường nói với hàng xóm rằng cây mai lão này là thứ tài sản vô giá của gia đình ông. 

Hoa mai là loài hoa đẹp, mỗi năm chỉ nở một lần vào dịp Tết đến, xuân về. Nhìn hoa mai, lòng người náo nức niềm vui, niềm tin vào một năm mới với bao điều tốt đẹp đang chờ phía trước. Cùng với hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam góp phần tô điểm cho sắc xuân tuyệt vời của đất nước Việt Nam yêu dấu.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?