1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Xác định vấn đề cần nghị luận: cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.
b. Thân bài:
* Giải thích:
- Tâm hồn con người là tổng hòa của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhận thức, lí trí, khát vọng… Người có tâm hồn đẹp là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, nhạy cảm trước mọi nỗi niềm của con người.
- Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp của phẩm chất bên trong, là yếu tố tạo nên nét đẹp chân chính của mỗi người.
* Bàn luận:
- Nuôi dưỡng tâm hồn là điều rất quan trọng và thật cần thiết. Việc làm ấy cần được tiến hành thường xuyên và ngay từ khi còn nhỏ.
- Mỗi người có thể nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng nhiều cách khác nhau:
+ Biết lắng nghe sự chỉ bảo của ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo
+ Không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết
+ Luôn hướng thiện và có tâm hồn đồng cảm với người khác
+ Biết cách sống mình vì mọi người, bản thân không bao giờ vụ lợi và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
+ Tránh gây tổn thương cho những người xung quanh
+ Biết chia sẻ niềm vui mà bạn mình vừa nhận được,… lời nói đi đôi với việc làm, hành động bên ngoài thống nhất với suy nghĩ bên trong…
* Làm thế nào để có một tâm hồn đẹp: Biết quan sát, lắng nghe, học hỏi, nhạy cảm, thấu hiểu, chia sẻ với người khác để cùng hướng tới những điều thiện
c. Kết bài:
- Cái đẹp tiềm ẩn bên trong phẩm chất, tính cách mới tạo nên giá trị đích thực của mỗi con người, vẻ đẹp tâm hồn tôn vinh thêm cho vẻ đẹp hình thức
- Vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị sâu xa, bền vững của con người.
- Con người ta chỉ hoàn thiện khi có sự hài hoà giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về cách nuôi dưỡng tâm hồn đẹp.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Chúng ta thường quan tâm đến việc nuôi dưỡng cơ thể bằng những loại thức ăn nào bổ dưỡng, lành mạnh, nhưng lại rất ít khi quan tâm đến việc nuôi dưỡng tâm hồn.
Thật ra, tâm hồn ta cũng cần được nuôi dưỡng. Và xét về nhiều khía cạnh, tâm hồn là quan trọng và cần chú ý quan tâm hơn rất nhiều. Một tâm hồn trong sáng, khỏe mạnh dễ mang lại cho ta cuộc sống yên vui, hạnh phúc, ngay cả khi ta gặp phải những nghịch cảnh khó khăn.
Việc nuôi dưỡng tâm hồn cũng có những vấn đề của nó. Khi ta sử dụng thức ăn cho cơ thể, ta cần biết được những món nào là bổ dưỡng và những món nào là độc hại. Những thức ăn độc hại sẽ làm cơ thể ta thương tổn, suy yếu. Việc nuôi dưỡng tâm hồn cũng vậy. Ta cần biết phân biệt những điều gì giúp ta hàm dưỡng được sự tốt đẹp cho tâm hồn, và những điều gì là độc hại, không tốt.
Vẻ đẹp tâm hồn là yếu tố tạo nên nét đẹp chân chính của mỗi người. Tâm hồn đẹp chỉ có thể có được ở những người có tấm lòng lương thiện. Người lương thiện luôn có tâm hồn đồng cảm với người khác và bản thân họ biết sống vì mọi người, không bao giờ vụ lợi và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Chính những biểu hiện tốt đẹp đó mới giúp ta nhận ra được vẻ đẹp tâm hồn nơi họ.
Con người đang ngày càng chú trọng vào việc làm thế nào để có một ngoại hình hấp dẫn. Ta cảm thấy bản thân chỉ có giá trị khi mình đẹp, và dùng ngoại hình để thu hút những người xung quanh. Ta nghĩ người khác sẽ thích mình nếu có một cơ thể quyến rũ, săn chắc. Nhưng ngược lại họ sẽ không chú ý đến ta. Sự gắn bó quá chặt chẽ với vẻ đẹp bên ngoài khiến chúng ta luôn cảm thấy không hài lòng về nó. Ta sử dụng nhiều loại mỹ phẩm hay áp dụng nhiều chế độ ăn kiêng, và thường xuyên tập thể dục để giữ cho cơ thể mình hấp dẫn, nhưng mong muốn đó sẽ không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn. Quan niệm về ngoại hình ảnh hưởng rất nhiều tới con người bởi vì sự hấp dẫn về mặt hình thức vô tình trở thành một thước đo, sắp xếp trật tự trong xã hội. Những mối quan tâm lo lắng về ngoại hình không phải chỉ là một xu thế nó phản ánh thực trạng rằng con người đang cực kỳ thèm khát những chỗ đứng trong xã hội.
Sự so sánh này càng chính xác hơn khi chúng ta biết rằng những gì được thể hiện nơi ý thức sẽ hình thành không phải một mà là nhiều hạt giống khác cùng loại với nó trong tiềm thức. Và những hạt giống này lại chờ đợi có dịp để tiếp tục phát lộ ra bên ngoài.
Khi ta tức giận với ai đó chẳng hạn. Ngoài những cảm xúc mạnh mẽ của sự nóng giận được bộc lộ ra, cơn giận ấy còn gieo cấy vào tiềm thức của ta nhiều hạt giống khác của sự giận dữ. Những hạt giống này sẵn sàng chờ dịp để nảy mầm. Và điều này có nghĩa là về sau ta càng dễ có những cơn giận tương tự như vậy bộc phát. Nếu ta tham lam, nghi ngờ, ganh tỵ hay yêu thương, vị tha, cảm thông tất cả cảm xúc ấy đều để lại những hạt giống của chúng trong tiềm thức.
Dung mạo bên ngoài là cái mà ta tiếp xúc và có ấn tượng đầu tiên với bất kì ai trong lần đầu gặp gỡ. Bởi vậy, vẻ đẹp bề ngoài là một yếu tố quan trọng để người khác đánh giá hay cảm nhận về bạn trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng chúng ta phải biết rằng vẻ đẹp bề ngoài không thể quyết định tất cả. Vẻ đẹp bề ngoài bởi vì nó chỉ là lớp vỏ, nếu chỉ có nó thôi thì bạn cũng chỉ như con búp bê hay bình hoa di động mà búp bê chơi mãi cũng chán, hoa ngắm lâu cũng nhàm. Ấn tượng ban đầu bởi dung mạo tốt đến mấy cũng dễ bị xóa mờ bởi sự nhạt nhẽo của tâm hồn hay sự vô duyên trong cách nói chuyện. Vẻ đẹp bên ngoài chỉ thật sự có giá trị khi bạn sở hữu cả nét đẹp bên trong vẻ đẹp nội tâm, đó chính là vẻ đẹp lâu bền hơn so với nhan sắc thứ nhanh chóng sẽ bị thời gian tàn phá. Vẻ đẹp nội tâm thể hiện qua cách bạn cư xử, những việc tốt đẹp mà bạn làm, kiến thức mà bạn đang sở hữu… chính là nét thu hút vô hình và mạnh mẽ nhất đối với người bạn tiếp xúc, nó là giá trị đích thực của bản thân mỗi người. Cái duyên bên trong ấy nói lên cá tính con người bạn, thể hiện bạn là ai, bạn như thế nào, và nó cũng không phải hoàn toàn tự nhiên mà có. Nếu muốn sở hữu nó bạn cũng phải trải qua quá trình học tập và trau dồi từ cuộc sống và sách vở, nó như là không khí sẽ từ từ thấm vào con người qua năm tháng để làm nên cá tính của bạn.
Khi hiểu được điều này, chúng ta càng phải cẩn thận hơn trong việc chăm sóc những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Vâng, ngay cả những suy nghĩ cũng độc hại không kém gì hành động. Đôi khi ta thù ghét ai đó và chưa có một biểu lộ nào ra bên ngoài, nhưng ta thường xuyên nuôi dưỡng những ý nghĩ về sự thù ghét. Như vậy là ta đang nung nấu, làm khổ sở tâm hồn mình bằng ngọn lửa thù hận. Và hơn thế nữa, ta còn gieo cấy thêm những hạt giống xấu của sự thù hận vào tiềm thức. Khi có dịp, sự thù ghét đó sẽ sẵn sàng được bộc lộ ra thành hành động.
Nuôi dưỡng tâm hồn cũng quan trọng, cần thiết không kém gì việc nuôi dưỡng thể xác, nhưng chúng ta rất thường lãng quên không chú ý đến việc này. Chúng ta đôi khi bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại. Nếu ý thức được điều này và bắt đầu chăm sóc gieo trồng những hạt giống tốt lành, chắc chắn bạn sẽ có được một cuộc sống tươi vui và hạnh phúc hơn nhiều.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Tâm hồn đẹp là một phần của sự sống mà con người hằng mong ước, cái đẹp vẻ ngoài không phải là một cái đẹp vĩnh cửu nhưng cái đẹp từ tâm là cái đẹp vĩnh hằng. Vẻ đẹp tâm hồn sẽ giúp bạn yêu bản thân hơn, tạo cảm giác ấm áp hơn cho những người xung quanh, và giúp bạn nhận được nhiều cơ hội mà mình xứng đáng có được. Một con người dù mang bên ngoài một vẻ đẹp đẽ, kiêu sa đến mấy cũng khó có thể được coi là người đẹp nếu như không có một tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng, vẻ đẹp tâm hồn không phải là thứ trang sức bên ngoài mà đó chính là yếu tố làm nên nét đẹp chân chính ở mỗi con người.
Theo đạo Phật thì một người sinh ra và sở hữu được sắc đẹp là một điều quý báu. Điều này không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do may mắn hoặc do một vị thượng đế nào ban cho mà do chính tự phước đức gây tạo của người ấy trong những kiếp quá khứ. Thế nên được sinh ra làm người là một điều quý báu, thân thể và sắc mặt được đẹp lại càng quý báu hơn.Nhất là trong cái xã hội đầy phức tạp như hiện nay, có rất nhiều trường hợp người ta dùng cái vẻ hoa hòe, hào nhoáng bên ngoài để ngụy trang, che giấu những điều không tốt, không hay thậm chí là xấu xa, tội lỗi. Những hình thức ấy chẳng phản ánh được gì cho nội dung, nó chỉ là lớp vỏ bọc để đánh lừa những đối tượng chuộng vẻ bên ngoài, ham chạy theo hình thức. Người xưa vốn kinh nghiệm sâu sắc về điều này nên đã có những lời khuyên giá trị như tốt gỗ hơn tốt nước sơn hay cái nết đánh chết cái đẹp. Vẻ đẹp bên ngoài không thể xem thường, nhưng phẩm chất bên trong mới là quan trọng nhất. Chỉ vẻ đẹp bên ngoài thôi chưa đủ để đánh đồng nó với giá trị một con người, giá trị một đời sống. Bởi chỉ vẻ đẹp thì không thể làm nên cuộc sống, vẻ đẹp chỉ góp phần tạo sắc màu cho cuộc sống mà thôi. Hơn nữa cái đẹp rất phù du, nó không tồn tại lâu dài, không có cái đẹp nào vĩnh cửu với thời gian. Sự đánh giá về cái đẹp cũng không nhất định, không có cái đẹp nào là tuyệt đối, những quy chuẩn về cái đẹp luôn thay đổi theo và nhất là tùy thuộc vào cảm xúc thẩm mỹ của con người. Và đạo Phật khuyên các bậc cha mẹ nên giáo dục tâm hồn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Làm sao để con cái có thể biết cách đối nhân xử thế, có tấm lòng bao dung, tránh xa được mọi cám dỗ, không tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, đó là điều mà cha mẹ ai cũng mong muốn. Bằng những câu chuyện có thật về giá trị sống, về cách ứng xử và những nghĩa cử đẹp mà bạn mang đến, trẻ có thể cảm nhận được những nét đẹp giản dị, chân thành từ cuộc sống. Tâm hồn của trẻ sẽ được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên nhất. Có những điều chúng ta tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng nó lại nuôi dưỡng tâm hồn trẻ lớn khôn thêm và đó cũng là cách giúp chúng tiếp cận thế giới xung quanh một cách thiết thực nhất. Mỗi người có thể nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng nhiều cách khác nhau. Một tâm hồn trong sáng chắc chắn sẽ mang đến cho ta cuộc sống thật yên bình và hạnh phúc, cho dù có gặp bất cứ trở ngại nào. Nếu biết nuôi dưỡng sự yêu thương, sẻ chia, lòng vị tha, chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui nhẹ nhàng đến từ tâm hồn của mỗi người. Để có được một cuộc sống thật sự hạnh phúc, chúng ta cần phải biết tránh gây tổn thương cho nhau. Cảm thông trước nỗi khổ đau của người khác, chia sẻ niềm vui mà bạn mình vừa nhận được,… những điều đơn giản ấy gieo vào tâm hồn ta những cảm xúc thật ngọt ngào. Chúng ta cần phải biết phân biệt được điều tốt, xấu ảnh hưởng đến tâm hồn và chú ý việc chăm sóc những cảm xúc cũng như suy nghĩ của bản thân. Cho dù đó chỉ là những suy nghĩ chưa kịp thực hiện, chỉ cần có ý nghĩa về sự thù ghét là đã đủ làm khổ tâm hồn mình. Biểu hiện tâm hồn phải đồng nhất với nhau, lời nói đi đôi với việc làm, vẻ đẹp bên ngoài thống nhất với suy nghĩ bên trong.
Tâm hồn chính là ý thức tư tưởng nội tại của con người, giống như nhận thức, quan niệm, động cơ lý tưởng... Tâm hồn của một con người tốt đẹp hay xấu xa là điều vô cùng quan trọng. Tấm lòng lương thiện, chính nghĩa mới có thể đồng tình thương cảm, vì việc công không vì tư lợi, coi việc giúp người là niềm vui, lập trường kiên định, lý tưởng cao đẹp, vì nước vì dân, có chí vươn lên trong cuộc sống. Chính từ những biểu hiện tốt đẹp của mỗi con người ta mới có thể nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của họ. Vì vậy không chỉ nói tầm quan trọng của tâm hồn một cách cô lập. Bởi tâm hồn vốn là một từ vô hình, nếu không thông qua các hoạt động cảm tính như ngôn ngữ, hành động, tình cảm, thực tiễn xã hội... sẽ không thể hiểu nó một cách chính xác. Đồng thời, biểu hiện tâm hồn của con người không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau, có kẻ bề ngoài đường hoàng chững chạc nhưng đầu óc đen tối, có người có những ước mơ tốt đẹp, nhưng lại không có đủ nghị lực để thực hiện nó. Nếu nhìn một cách cô lập, trên phương diện nào đó có thể phù hợp với đẹp hoặc thiện nhưng thực tế không phải thế, thậm chí hoàn toàn ngược lại. Vẻ đẹp và cái thiện chân chính phải hài hoà giữa biểu hiện bề ngoài với nội tâm, lời nói và việc làm phải nhất trí cao độ, lý luận phải đi đôi với thực tiễn. Một biểu hiện bề ngoài tao nhã tương ứng với bản chất nội tại chân thật không thể tự nhiên mà có được mà là kết quả của sự tu dưỡng của cá nhân cộng với ảnh hưởng của môi trường xã hội, giáo dục.
Con người cần biết cái tâm bên trong của một người không hề có sự sai biệt đối với vẻ bề ngoài của người đó. Tướng tùy tâm sinh, cho nên vẻ bề ngoài của một người sẽ phản ánh ra nội tâm bên trong của người đó. Những người chỉ biết mang trong mình lòng thù hận sự ghen ghét thì chắc chắn sẽ khiến người khác khó ưa. Trái lại những người có tấm lòng từ bi sẽ khiến người khác muốn lại gần.Vì vậy, nếu một người muốn trở nên tốt đẹp hơn cả về tâm hồn và dung mạo thì hãy dùng tâm niệm tốt đẹp để đối đãi với thế gian. Có thể làm được như vậy, bạn sẽ phát hiện được rằng chẳng những hết thảy mọi thứ trong cuộc sống của mình đều trở nên xinh đẹp mà tâm tính và dung mạo của mình cũng càng ngày càng đẹp.
Phật luôn khuyên dạy con người phải làm người chân thật, nhẫn nhịn, lương thiện, từ bi để trở thành một người thực sự tốt. Cho nên, một người có tâm hướng Phật, tin vào Thần Phật thì chắc chắn họ sẽ cân nhắc trước khi làm mỗi việc gì đó. Mỗi khi cân nhắc đến việc làm của mình họ sẽ nghĩ xem, việc mình làm có phương hại đến ai không? Có chân chính đúng đắn không? Do đó, họ sẽ không dễ làm việc ác, việc xấu, làm tổn hại người khác. Người như thế, tâm của họ sẽ đẹp và khiến mọi người xung quanh đều yêu mến, muốn được tiếp xúc, được đến gần. Ngoài ra, người tin vào Thần phật sẽ tin vào thiên lý do đó họ không dám làm việc ác, luôn hành thiện tích đức và giúp đỡ mọi người. Người như vậy không cần nói ra, người khác cũng cảm nhận được họ là người có tâm tính tốt.
Dẫu sao, ông bà mình cũng đã dạy cái nết đánh chết cái đẹp. Cho nên, mỗi người hãy sửa soạn và chăm sóc cho chính tâm hồn mình. Một người biết tu tâm dưỡng tính thì đời dù cho này hay đời sau cũng sẽ được mọi người yêu mến. Cuộc sống với bao điều tốt đẹp, đáng quý đang chờ đón chúng ta. Sự tinh tế của bản thân sẽ giúp ta khéo léo nhận ra và chọn lọc những hạt giống tâm hồn để gieo trồng và vun đắp. Một tâm hồn tươi đẹp, mạnh mẽ hay u ám, nặng nề điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta chứ không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----