PHƯƠNG PHÁP PHÂN BIỆT MỘT SỐ CHẤT KHÍ
I. Lý thuyết & phương pháp giải
Ghi nhớ tính chất của một số khí thường gặp sau:
1. Hiđro (H2)
a. Tính chất vật lí:
Khí hiđro là chất khí không màu, không mùi, không vị, nhẹ nhất trong các khí, tan rất ít trong nước.
b. Tính chất hóa học:
a) Tác dụng với oxi
Hiđro cháy trong oxi có ngọn lửa màu xanh và tạo thành nước
2H2 + O2 to→ 2H2O
b) Tác dụng với một số oxit kim loại
- Hiđro có tính khử, khử một số oxit kim loại ở nhiệt độ cao
H2 + CuO (đen) to→ Cu (đỏ) + H2O
2. Oxi (O2)
a. Tính chất vật lí
- Là chất khí không màu, không mùi, ít tan trong nước, nặng hơn không khí.
- Oxi hóa lỏng ở -183°C
- Oxi lỏng có màu xanh nhạt
b. Tính chất hóa học: Oxi có thể tác dụng với kim loại, phi kim và các hợp chất ở nhiệt độ cao. Trong các hợp chất hóa học oxi có hóa trị II.
- Tác dụng với phi kim: C + O2 to→ CO2
- Tác dụng với kim loại: 3Fe + 2O2 to→ Fe3O4
- Tác dụng với hợp chất: CH4 + 2O2 to→ CO2 + 2H2O
3. Cacbon đioxit (CO2)
- Tính chất vật lý: là khí không màu, không mùi, không duy trì sự sống và sự cháy.
- Phản ứng đặc trưng dùng trong nhận biết: Phản ứng với dung dịch nước vôi trong có dư, hiện tượng xảy ra là làm đục nước vôi trong.
Ca(OH)2 + CO2 → CaCO3↓ + H2O
Các bước làm bài tập nhận biết chất khí.
Bước 1: Lấy mẫu thử.
Bước 2: Chọn phương pháp thích hợp để nhận biết.
Bước 3: Ghi nhận hiện tượng và rút ra kết luận.
Bước 4: Viết phương trình hóa học minh họa (nếu có).
II. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: Hãy nêu phương pháp phân biệt các khí: oxi và hiđro?
Lời giải
- Lấy khí vào lọ (lấy mẫu thử).
- Đưa đầu que đóm còn tàn đỏ vào từng lọ.
+ Mẫu thử nào làm que đóm còn tàn đỏ bùng cháy đó chính là oxi.
+ Mẫu thử không có hiện tượng xuất hiện là khí hiđro.
Ví dụ 2: Hãy nêu phương pháp nhận biết các khí: oxi và hiđro và cacbon đioxit
Lời giải
- Dẫn lần lượt từng khí trên qua bình đựng nước vôi trong Ca(OH)2 dư, khí nào làm đục nước vôi trong là khí CO2.
Ca(OH)2 + CO2 → CaCO3 ↓ + H2O
- Đưa đầu que đóm đang cháy vào đầu ống dẫn khí của từng khí còn lại:
+ Khí thoát ra làm que đóm bùng cháy to hơn đó chính là oxi.
+ Khí bắt cháy với ngọn lửa màu xanh là hiđro.
Ví dụ 3: Có 3 bình đựng 3 chất khí không màu là: oxi, hiđro và không khí. Em hãy nêu phương pháp nhận biết 3 chất khí trên.
Lời giải
- Cho que đóm còn tàn đỏ vào từng bình chứa khí
+ Bình làm que đóm bùng cháy mãnh liệt là bình chứa oxi
+ Hai bình không hiện tượng là hai bình chứa không khí và hiđro.
- Phân biệt hai bình chứa không khí và hiđro
Dẫn lần lượt khí ở từng bình qua ống nghiệm đựng CuO nung nóng
+ Nếu CuO từ màu đen chuyển sang màu đỏ thì khí là H2
H2 + CuO to→ Cu + H2O
+ Nếu không hiện tượng → không khí.
Ví dụ 4: Có 4 bình đựng riêng các khí sau : không khí, khí oxi, khí hiđro, khí cacbonic. Bằng cách nào để nhận biết các chất khí trong mỗi lọ ? Giải thích và viết các phương trình hoá học (nếu có )
Lời giải
Để phân biệt các khí: không khí, khí oxi, khí hiđro, khí cacbonic ta có thể tiến hành các thí nghiệm sau :
Cho các khí trên qua nước vôi trong Ca(OH)2 dư, khí nào làm đục nước vôi trong là khí CO2.
Ca(OH)2 + CO2 → CaCO3↓ + H2O
Lấy que đóm đầu có than hồng cho vào các khí còn lại, khí nào làm bùng cháy que đóm, khí đó là khí oxi.
Cho các khí còn lại qua CuO nung nóng, khí nào làm xuất hiện Cu (màu đỏ) là khí H2.
H2 + CuO to⟶ Cu + H2O
(màu đen) (màu đỏ )
(Hoặc khí nào cháy được trong không khí là khí hiđro)
Khí còn lại không làm đổi màu CuO là không khí.
Ví dụ 5: Dùng phương pháp hóa học để phân biệt các chất khí sau:
a. H2, NH3, O2 và khí CO2
b. SO2, CO và khí N2
Lời giải
a. Đáp án:
B1: Than hồng → O2 (than bùng cháy ); CO2 (than tắt)
B2: Quì ẩm → NH3 (xanh quì tím ẩm)
Còn lại: H2
b. Đáp án:
B1: dd brom → SO2 (mất màu dung dịch bromo)
B2: CuO → CO (oxit đồng từ đen chuyển sang màu đỏ)
Còn lại là khí N2
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Phương pháp phân biệt một số chất khí môn Hóa học 8. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các tài liệu cùng chuyên mục:
- Phương pháp giải bài tập kim loại tác dụng với nước môn Hóa học 8
- Chuyên đề phản ứng thế môn Hóa học 8
Chúc các em học tốt!