Phân tích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của tác giả Trần Đình Hượu

A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

B. Dàn bài chi tiết

1. Mở bài

  • Tác giả Trần Đình Hượu (1926- 1995), là nhà khoa học chuyên nghiên cứu các vấn đề lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam trung cận đại.
  • Đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc
    • Vị trí: thuộc phần II bài Về vấn đề đặc sắc văn hóa dân tộc.
    • Nội dung: những nhận định mang tính bao quát về bản sắc văn hóa Việt Nam.
    • Thể loại: văn nhật dụng.

2. Thân bài

a. Văn hóa và các phương diện chủ yếu của văn hóa Việt Nam

  • Văn hóa là gì?
    • Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử (không có trong tự nhiên) như: văn hóa lúa nước, văn hóa cồng chiêng, văn hóa chữ viết, văn hóa đọc, văn hóa ăn (ẩm thực), văn hóa mặc, văn hóa ứng xử...
  • Các phương diện chủ yếu của văn hóa Việt Nam
    • Tôn giáo, nghệ thuật kiến trúc hội họa, văn học.
    • Ứng xử: giao tiếp cộng đồng, tập quán.
    • Sinh hoạt: ăn, ở, mặc.

b. Đặc điểm của văn hóa Việt Nam

  • Đặc điểm nổi bật: giàu tính nhân bản, tinh tế, hướng tới sự hài hòa trên mọi phương diện với tinh thần chung “thiết thực, linh hoạt và dung hòa”.
  • Mặt tích cực:
    • Về tôn giáo, nghệ thuật:
      • Tôn giáo: Không say mê cuồng tín không cực đoan mà dung hòa giữa các tôn giáo; Coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia.
    • Nghệ thuật: tuy có quy mô không lớn ,tráng lệ, phi thường nhưng sáng tạo được những tác phẩm tinh tế, chủ yếu là lĩnh vực thơ ca.
    • Về ứng xử:
      • Thích sự yên ổn: mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp; yên phận thủ thường, không kỳ thị, cực đoan; quý sự hòa đồng hơn sự rạch ròi trắng đen.
      • Trọng tình nghĩa: chuộng người hiền lành, tình nghĩa, khôn khéo; chuộng sự hợp tình, hợp lý.
    • Về sinh hoạt: ưa sự chừng mực, vừa phải
      • Cái đẹp: thích cái xinh, cái khéo, cái thanh nhã; Chuộng cái dịu dàng, thanh nhã; Ghét cái sặc sỡ, quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, vừa khoảng”.
      • Ăn mặc: Thích cái giản di, thanh đạm, kín đáo, thanh nhã, hòa hợp với thiên nhiên; Không chuộng sự cầu kì; Hướng vào cái dịu dàng thanh lịch... quý sự kín đáo hơn là sự phô trương.”

⇒ Tính ổn định, nét riêng của văn hóa truyền thống Việt Nam: cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, con người sống có tình nghĩa, có văn hóa trên một cái nền nhân bản.

  • Mặt hạn chế:
    • Không có một ngành khoa học, kỹ thuật nào phát triển đến thành truyền thống, âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ, chưa có một ngành văn hóa nào đó trở thành danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hóa.
    • Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận những gì vừa phải, phù hợp nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.
    • Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn, không đề cao trí tuệ.

⇒ Tạo sức ì, sự cản trở những bước phát triển mạnh mẽ làm nên tầm vóc lớn lao của các giá trị văn hóa lớn của dân tộc

  • Bản chất và nguyên nhân:
    • Bản chất của nền văn hóa truyền thống là nền văn hóa của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi không có sự kích thích của đô thị.
    • Nguyên nhân: Phải chăng đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc.

⇒ Cái nhìn sắc sảo, thẳng thắn, phân tích thấu đáo những mặt tích cực và những hạn chế của văn hóa truyền thống, đồng thời rút ra bản chất, nguyên nhân tạo nên những đặc điểm của nền văn hóa truyền thống, giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo, bao quát về nền văn hóa dân tộc. Từ đó có ý thức phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế để tạo tầm vóc lớn cho văn hóa đân tộc.

c. Yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam

  • Bản sắc văn hóa là gì?
    • Là cái riêng, cái độc đáo mang tính bền vững và tích cực của một cộng đồng văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành trong lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời của một dân tộc.
  • Yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam
    • Nội lực:
      • Là cái vốn có của dân tộc, đó là thành quả sáng tạo riêng của cộng đồng văn    hóa, cộng đồng dân tộc Việt Nam
      • Nếu không có thì nền văn hóa sẽ không có nội lực bền vững.
    • Ngoại lực:
      • Quá trình chiếm lĩnh, đồng hóa các giá trị văn hóa từ bên ngoài, quá trình tích tụ, tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa của nhân loại.
      • Nếu cứ “bế quan tỏa cảng” thì không thừa hưởng đươc những giá trị tinh hoa và tiến bộ của văn hóa nhân loại, không thể phát triển, không thể tỏa rạng được giá trị văn hóa vốn có vào đời sống văn hóa rộng lớn của thế giới.

⇒ Sự kêt hợp, dung hòa giữa cái vốn có của dân tộc với cái tiếp nhận có sàng lọc văn hóa nước ngoài tạo nên bản sắc riêng độc đáo của con người và dân tộc Việt Nam. Đây chính là nét riêng để phân biệt với các dân tộc, quốc gia khác và là điểm hấp dẫn đối vối khách du lịch quốc tế.

3. Kết bài

  • Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của tác phẩm
  • Mở rộng vấn đề

C. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích văn bản Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của tác giả Trần Đình Hượu

Gợi ý làm bài:

Nhìn về vốn văn hóa dân tộc là một trích đoạn của tiểu luận Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc được Trần Đình Hượu viết từ năm 1986. Với tiểu luận này, mục đích chính mà tác giả đặt ra không phải là xác định rõ ràng từng điểm một về cái gọi là bản sắc văn hóa dân tộc, mà gợi mở con đường nghiên cứu về nó trong tư cách một vấn đề thời sự của chiến lược phát triển đất nước thời kỳ đổi mới. Như vậy, ở đây, “nhìn về” cũng chính là “hướng tới”, và hành động “nhìn về” truyền thống, “nhìn về” quá khứ trở thành một yếu tố then chốt của hành động “hướng tới” hiện đại, “hướng tới” tương lai.

Trong tiểu luận, bên cạnh khái niệm vốn văn hoá dân tộc, tác giả cũng dùng một số khái niệm khác như: đặc sắc văn hóa dân tộc, thiên hướng văn hóa dân tộc, tinh thần chung của văn hóa dân tộc. Cách diễn đạt của tác giả không cố định, cứng nhắc. Có khi tác giả chỉ viết đơn giản: bản sắc dân tộc, hoặc nói hơi khác: bản sắc dân tộc của văn hóa. Nhìn chung, theo tinh thần toát lên từ toàn bộ tiểu luận, có thể hiểu vốn văn hoá dân tộc hay bản sắc văn hóa dân tộc là cái giúp khu biệt văn hóa của dân tộc này với văn hóa của dân tộc khác. Bản sắc văn hóa dân tộc là hiện tượng kết tinh, là thành quả tổng hợp của một quá trình sáng tạo, tiếp xúc văn hóa, nhào trộn cái vốn có, riêng có của dân tộc với những cái tiếp thu từ bên ngoài. Bản sắc văn hóa vừa có mặt ổn định vừa có mặt biến đổi. Ổn định không đối lập mà tạo tiền đề cho biến đổi và biến đổi cũng để đi đến một dạng ổn định mới, cao hơn, phong phú hơn. Khái niệm vốn văn hóa dân tộc mà tác giả dùng vừa có mặt rộng hơn, vừa có mặt hẹp hơn khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc. Nói rộng là vì: bản sắc văn hóa làm nên cái vốn văn hóa. Còn nói hẹp là bởi: vốn văn hóa dường như chỉ nói được mặt ổn định, cố hữu mà chưa nói được mặt biến đổi của bản sắc văn hóa. Với các khái niệm thiên hướng văn hóa, tinh thần chung của văn hóa, có lẽ tác giả muốn nói chiều động, chiều phát triển của bản sắc văn hóa.

Ngoài đoạn mở đầu mang tính chất đặt vấn đề, cả tiểu luận (phần được trích học) tập trung nêu lên và nhận xét về một số điểm mà theo tác giả là có “liên quan gần gũi” với cái gọi là đặc sắc văn hóa dân tộc. Cách triển khai lập luận của tác giả khá đặc biệt. Bắt đầu, ông đã không nói về cái có, mà nói về cái không của vốn văn hoá dân tộc. Có thể dễ dàng đếm được trong bài có đến trên vài chục lần từ “không” được lặp lại – từ không với hàm nghĩa chỉ ra những cái mà dân tộc ta không có (so với các dân tộc khác trên thế giới). Bên cạnh từ không, các cụm từ và từ như “chưa bao giờ”, “ít” cũng chở theo một nội dung tương tự. Khó nói rằng tác giả cố tình “độc đáo”, cố tình gây ấn tượng ở điểm này. Cái gây ấn tượng, nếu có, toát lên từ cách nhìn trực diện về vấn đề hơn là cách tung hứng ngôn từ. Vào thời điểm tiểu luận của Trần Đình Hượu ra đời, người ta vốn đã quen nghe những lời ca tụng về dân tộc mình (Càng nhìn ta, lại càng say – Tố Hữu), bởi vậy, khi giáp mặt với một cách đặt vấn đề khác, một cảm hứng nghiên cứu khác, nhiều người dễ có cảm tưởng rằng tác giả đã “nói ngược” hay đã cực đoan trong các nhận định. Kì thực, nếu nắm được mạch nghiên cứu lịch sử tư tưởng của Trần Đình Hượu, đồng thời chấp nhận nét đặc thù của lối văn “phát biểu ý kiến”, ít có trích dẫn cũng như ít đưa dẫn chứng (ở cấp độ cụ thể, chi tiết), lại chủ yếu hướng vào giới chuyên môn vốn am hiểu sâu sắc các vấn đề hữu quan, ta sẽ dễ dàng chia sẻ, tán đồng với tác giả về hầu hết những luận điểm then chốt mà ông nêu lên.

-----Để tham khảo nội dung đầy đủ của tài liệu, các em vui lòng tải về máy hoặc xem trực tuyến-----

Trong đoạn 3, tác giả có nêu khái quát một đặc điểm của văn hóa Việt Nam: “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình, hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”. Vào thời điểm tiểu luận ra đời, khái quát nêu trên có thể đã gây được những ngạc nhiên thú vị, bởi nó giống như kết quả của một cái nhìn đến từ phía bên ngoài hoặc của một nỗ lực phản tỉnh, cố gắng tách mình ra khỏi mình nhằm tự đánh giá. Thực tế cho thấy: thật khó nhận diện được nét đặc sắc văn hoá của dân tộc mình một khi ta đang hít thở trong bầu khí quyển của nó, quá quen với nó. Giờ đây, khái quát trong tiểu luận của Trần Đình Hượu gần như đã trở thành một nhận thức phổ biến, thường được nhắc lại với một ít biến thái trong nhiều tài liệu khác nhau. Điều này thực ra khá dễ hiểu vì có vô số dẫn chứng trong đời sống và trong văn học chứng tỏ sự xác đáng của nó, ví dụ: Việt Nam không có những công trình kiến trúc đồ sộ như Kim tự tháp, Vạn lí trường thành, Ăng-co Vát… Chùa Một cột (chùa Diên Hựu)- một biểu tượng của văn hóa Việt Nam - có quy mô rất bé ; chiếc áo dài rất được phụ nữ Việt Nam ưa chuộng có vẻ đẹp nền nã, dịu dàng, thướt tha; nhiều câu tục ngữ, ca dao khi nói về kinh nghiệm sống, ứng xử rất đề cao sự hợp lí, hợp tình: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm; ở sao cho vừa lòng người/ ở rộng người cười, ở hẹp người chê; Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau…

Kết luận quan trọng nhất của tác giả về tinh thần chung của văn hóa Việt Nam nằm ở câu in nghiêng trong phần cuối đoạn trích: Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa. Toàn bộ những từ như tinh nhanh, khôn khéo, dung hợp, sàng lọc, tinh luyện, tiếp nhận,… được dùng trong đoạn văn cũng có tác dụng “phụ hoạ” cho kết luận đó. Tác giả còn chỉ rõ: trên lĩnh vực văn hóa, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam thể hiện tập trung ở sự “đồng hóa”, “dung hợp” chứ không phải ở sự “tạo tác”. Về các khái niệm vừa dẫn, dựa vào văn cảnh chúng được sử dụng, có thể xác định:

“Tạo tác” là khái niệm có tính chất quy ước, chỉ những sáng tạo lớn của một dân tộc - những sáng tạo mà các dân tộc khác không có hoặc có mà không đạt tầm vóc kì vĩ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chung quanh, tạo thành những mẫu mực đáng học tập đến như thế.

Khái niệm “đồng hóa” vừa chỉ vị thế tồn tại nghiêng về phía tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài, những ảnh hưởng lan đến từ các nền văn minh, văn hóa lớn, vừa chỉ khả năng tiếp thu chủ động của chủ thể tiếp nhận - cái khả năng cho phép một dân tộc biến những cái ngoại lai thành cái của mình, trên cơ sở gạn lọc và thu giữ.

Khái niệm “dung hợp” vừa có những mặt gần gũi với khái niệm “đồng hóa” vừa có điểm khác. Với khái niệm này, hẳn tác giả muốn nhấn mạnh đến khả năng “chung sống hòa bình” của nhiều yếu tố tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau, có thể hài hòa được với nhau trong một hệ thống, một tổng thể mới.

Nhìn chung, theo Trần Đình Hượu, văn hóa Việt Nam xa lạ với sự cực đoan, không chấp nhận sự cực đoan, và riêng việc không chấp nhận điều đó đã biểu hiện một bản lĩnh đáng trọng. Như vậy, khi khái quát bản sắc văn hóa Việt Nam qua các từ như “đồng hóa”, “dung hợp”, tác giả Trần Đình Hượu không hề rơi vào thái độ tự ti hay miệt thị dân tộc.

Cũng cần nói thêm: trên con đường xác định cái gọi là bản sắc văn hoá dân tộc, Trần Đình Hượu đã có những điểm gặp gỡ với nhiều nhà nghiên cứu tư tưởng, văn hóa, văn học khác. Nhà Đạo học Cao Xuân Huy từng hình dung triết lí Việt Nam là triết lí Nước hay Nhu đạo. Còn nhà sử học Trần Quốc Vượng thì viết: “Tôi gọi cái bản lĩnh - bản sắc biết nhu, biết cương, biết công, biết thủ, biết “trông trời trông đất trông mây…” rồi tùy thời mà làm ăn theo chuẩn mực “nhất thì nhì thục”… ấy, là khả năng ứng biến của người Việt Nam, của lối sống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam !” v.v…

Trong bối cảnh thời đại ngày nay, việc tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc trở thành một nhu cầu tự nhiên. Chưa bao giờ dân tộc ta có cơ hội thuận lợi như thế để xác định “chân diện mục” của mình qua hành động so sánh đối chiếu với “khuôn mặt” của các dân tộc khác. Giữa hai vấn đề hiểu mình và hiểu người có mối quan hệ tương hỗ. Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước, trên tinh thần làm sao phát huy được tối đa mặt mạnh vốn có, khắc phục được những nhược điểm dần thành cố hữu để tự tin đi lên. Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc dĩ nhiên cũng gắn liền với việc quảng bá cái hay, cái đẹp của dân tộc để “góp mặt” cùng năm châu, thúc đẩy một sự giao lưu lành mạnh, có lợi chung cho việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Đến với tiểu luận Vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc, cụ thể là đến với đoạn trích Nhìn về vốn văn hoá dân tộc, chúng ta cảm nhận được những điều gợi mở quý báu đó từ một nhà nghiên cứu tâm huyết với tiền đồ phát triển của dân tộc.

 

Trên đây là bài văn mẫu Phân tích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của tác giả Trần Đình Hượu. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

 

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?