Qua bài học học sinh hiểu rõ yêu cầu đối với bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích). Luyện kĩ năng thực hiện các bước khi làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích), cách tổ chức, triển khai các luận điểm.
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
a. Văn bản này nghị luận về vấn đề gì?
- Văn bản nghị luận về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
b. Từ vấn đề nghị luận đã rút ra, hãy đặt nhan đề cho văn bản trên.
- Có thể đặt tên cho văn bản là: Con người của Sa Pa lặng lẽ hoặc Sức sống Sa Pa…
c. Vấn đề nghị luận được người viết triển khi bằng những luận điểm nào? Tìm những câu văn thể hiện luận điểm của bài văn.
- Tấm lòng yêu đời, tinh thần trách nhiệm cao với công việc.
- "Đã mấy năm nay, anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo. Công việc hàng ngày của anh là đo gió, đo nhiệt độ, đo mưa, đo nắng rồi ghi chép, rồi gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm. Nhiều mùa, nhiều đêm anh phải đối chọi với gió tuyết và lặng im. Vậy mà anh rất yêu công việc của mình."
- Lòng hiếu khách và sự chu đáo với mọi người.
- "Anh biếu bác lái xe củ tam thất để mang về cho vợ bác mới ốm dậy. Anh mừng quýnh đón quyển sách bác mua hộ. Anh hồ hởi đón mọi người lên thăm “nhà” mình và hồn nhiên kể về công việc, cuộc sống của mình, của bạn bè nơi Sa Pa lặng lẽ".
- Sự khiêm tốn.
- "Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác".
d. Nhận xét về cách diễn đạt luận điểm của bài viết? Nhận xét về cách dẫn dắt, lập luận của bài văn.
- Các luận điểm được nêu lên rõ ràng, ngắn gọn, dẫn dắt tự nhiên, bố cục chặt chẽ, lô gíc.
- Từng luận điểm được phân tích, chứng minh một cách thuyết phục bằng dẫn chứng cụ thể trong tác phẩm. Đó là những chi tiết, hình ảnh sinh động, đặc sắc tạo nên những luận cứ xác đáng.
- Từ nêu vấn đề, người viết đi vào phân tích, diễn giải rồi sau đó khẳng định, nâng cao vấn đề nghị luận.
- Các luận cứ đều được rút ra từ hành động, lời nói, của anh thanh niên được miêu tả trong truyện,
1.2. Ghi nhớ
- Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể.
- Những nhận xét, đánh giá về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát.
- Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
- Bài nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích cần có bố cục mạch lặc, có lời văn chuẩn xác, gợi cảm.
Bài tập minh họa
2. Soạn bài Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
Để nắm vững kiên thức về bài học hơn, các em có thể tham khảo thêm bài soạn Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).