1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lòng đố kị.
b. Thân bài:
* Giải thích:
- Đố kị là sự ghen ghét, không công nhận, thậm chí có suy nghĩ, hành động bài trừ đối với những thành tựu của người khác.
- Lòng đố kị thể hiện qua những hành động suy nghĩ tỏ ra khó chịu khi người khác hơn mình.
* Bàn luận về lòng đố kị:
- Lòng đố kị biểu hiện qua: cảm giác tức tối khi người khác hơn mình hay ganh ghét với những người giỏi hơn mình. Khi người có lòng đố kị họ có thể đặt điều nói xấu, bôi nhọ thanh danh của người khác.
* Nguyên nhân dẫn đến lòng đố kị:
- Thiếu tự tin, mặc cảm hay do tự ti.
- Lòng đố kị xuất phát từ những người luôn bất mãn với cuộc sống của mình và từ đó ghen tị với người khác.
* Tác hại:
- Phá hoại các mối quan hệ của mình cũng như của người khác.
- Cuộc sống không thoải mái luôn nghĩ cách hãm hại người khác và cũng làm hại cả bản thân.
- Làm nảy sinh nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực, khiến cho bản thân người có lòng đố kị luôn căng thẳng, bức bối, không thoải mái.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Lòng đố kị là tính xấu của con người cần phải loại trừ con người cần có lòng cao thượng khoan dung rộng rãi.
- Cạnh tranh lành mạnh, cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại tác hại của đố kị và liên hệ bài học cho bản thân.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận về vấn đề lòng đố kỵ của con người.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Lòng đố kỵ như ngọn sóng âm ỉ trong lòng, nếu không chế ngự kịp thời sẽ bùng phát thành con sóng lớn, gây tác hại khó lường. Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng có người đàn ông rất may mắn, ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi.
Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lộng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng…Không chịu được sự “bất công” đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai!
Chính lòng đố kỵ đã tạo nên sự nhỏ nhen, biến thành cảm giác hận thù và suy nghĩ mù quáng cho ông ta: thà kém may mắn hơn một chút để người khác đau khổ hơn mình thay vì chọn điều ngược lại.
“Đố kỵ” là một thói xấu phổ biến trong xã hội. Đó là cảm giác ghen ghét, hậm hực, uất ức trước sự thành công, trước sự uy việt hoặc trước uy tín của người khác. Nhà văn Tạ Duy Anh đã nói “thói ghen tị là một thuộc tính của con người – luôn luôn ẩn náu trong chúng ta và luôn luôn chờ thời cơ để nhảy bổ vào chi phối những suy nghĩ, ứng xử, hành động của ta…cái con rắn ghen tức, đố kị sẽ tìm cách khuất phục lý trí để ngóc đầu dậy tác oai tác quái”. Như vậy, tổng thống Lincoln không chỉ muốn nhắn gửi đến sự giáo dục – hãy dạy trẻ em tránh xa góc tối đố kỵ đó mà còn hướng đến tất cả mọi người, chúng ta cần chung tay để loại bỏ nó.
Sự đố kỵ bắt nguồn từ đâu? Nó sẽ xuất hiện khi ta thấy xấu hổ bởi không thành công hay có được điều gì đó như những người khác. Nó cũng len lỏi khi ta muốn sở hữu thành công, danh vọng,…nhưng lại không chịu cố gắng, không học tập. Đã biết bao câu chuyện về sự đố kỵ. Trong truyện cổ tích “Sọ Dừa”, hai cô chị vì ghen ghét, đố kỵ với em lấy được Sọ Dừa – khi chàng đã trở nên khôi ngô mà hãm hại chính em gái ruột của mình. Nhưng rồi chính họ lại phải gánh chịu hậu quả. Hay như sự việc, một loạt những “anh hùng bàn phím” đã ra sức để chỉ trích, bôi nhọ MC Phan Anh khi anh có được sự tin cậy của đông đảo người dân để đóng góp vào quỹ từ thiện của mình. Đố kỵ gây ra vô vàn những hậu quả. Đối với cá nhân, nó làm thui chột những tình cảm tốt đẹp, nhiều mối quan hệ thiêng liêng, làm cho con người trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí độc ác, ích kỉ. Đối với xã hội, nó kìm hãm tài năng, cản trở phát triển hay kéo lùi sự phát triển của lịch sử.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, biết dẫu đằng sau lời khen, cái bắt tay chúc mừng chiến thắng chính là những ánh mắt ghen ghét, bực tức. Sự đố kỵ tạo nên cảm giác bực bội, khó chịu khi người khác giỏi hơn, đẹp hơn, hạnh phúc hơn mình… nó có thể xảy ra với tất cả mọi người.
Vậy làm thế nào để xóa bỏ những cảm giác, suy nghĩ tiêu cực và biến chúng thành điều tốt đẹp? Trước hết, hãy thành thật với bản thân. Bạn cần phải luôn tự vấn xem điều gì làm bạn ganh ghét người khác. Thực ra, khi đố kỵ với ai đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang thua kém họ. Hãy nhớ, khi không thích ai chính là lúc bạn đang thể hiện sự yếu kém của mình.
Mỗi một người đều có những sở trường, sở đoản, mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Có thể họ tài giỏi ở một lĩnh vực nào đó và ta cũng vậy. Đừng ghen tị so đo mà tự chuốc lấy phiền não, rồi tỏ ra cau có, bực dọc đối với người khác làm cho mối quan hệ giữa ta với họ trở nên không còn tốt đẹp như trước. Những người như thế thật đáng bị chê trách.
Một số người vì ghen tị với tài năng của người khác mà tìm đủ cách hãm hại, trù dập, không cho người đó cơ hội thăng tiến, phát triển tài năng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Phải phân biệt giữa thói ghen tị và thi đua. Thói đố kị, ganh ghét và tinh thần thi đua, cầu tiến giống nhau ở chỗ từ thành công của người khác khiến cho ta không hài lòng và vui vẻ. Nếu là người có lòng đố kị, ganh đua họ thường sẽ mỉa mai, gièm pha, khiêu khích. Nếu là người có tinh thần thi đua, họ sẽ lấy đó làm bài học mà phấn đấu vươn lên và vượt qua.
Trong quá trình học tập và rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, chúng ta phải dũng cảm, phải kiên quyết loại bỏ thói ghen tị “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim” (Ét-môn-đô A-mi-xi). Thay vì ghen ghét, hãy coi thành công của người khác là tấm gương để chúng ta học tập, noi theo, phấn đấu. Cuộc sống sẽ rạng rỡ, tươi đẹp hơn nếu không còn sự hiện hữu của “đố kỵ”.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Thói ghen ghét, lòng đố kị là một trong những thói hư tật xấu, làm hạ thấp giá trị của con người, làm cho mối quan hệ giữa ta với người khác không được tốt đẹp. Lòng ghen ghét, đố kị không nhưng làm cho bản thân khổ sở mà còn gây cho người khác nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi thế, nhà văn Edmondo de Amicis đã từng nhắc nhở: “Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”.
Bằng hình ảnh so sánh độc đáo, nhà văn Edmondo de Amicis đã chỉ ra rằng thói ghen ghét, đố kị trước những thành công, tương lai, địa vị và những điều tốt đẹp mà người khác đang có chẳng khác nào như một con rắn độc từng bước đầu độc trái tim và khối óc, làm tha hóa tâm hồn, nhân cách, đạo đức của con người.
Ví dụ như trong học tập, khi một bạn có thành tích học tập tốt lại được thầy cô và những người xung quanh yêu quý. Chúng ta liền cảm thấy khó chịu và ghét người bạn đó. Hay trong công ty, cùng là nhân viên trong một phòng có người nhưng có người lại được có hiệu quả công việc cao hơn nên được nhận tiền thưởng nhiều hơn. Các nhân viên trong phòng cảm chắc hẳn sẽ cảm bất mãn khi mình đã cố gắng hết sức mà không đạt được kết quả như mong muốn. Ngay cả trong một gia đình, cùng là anh chị em sống chúng nhưng đôi khi cũng sẽ cảm thấy ghen tị khi một người được bố mẹ chiều chuộng, yêu thương nhiều hơn. Như vậy, lòng đố kị xuất phát điểm của nó đến từ việc chúng ta tự so sánh mình với những người xung quanh. Khi cảm thấy bản thân có điểm không bằng với họ, chúng ta cảm thấy tự ti và này sinh ra sự ghen ghét, đố kị. Hoặc cũng có thể xuất phát từ cảm giác bất mãn với cuộc sống của chính mình để rồi sinh ra đố kị.
Đứng trước tài năng hay thành tựu của người khác, người có lòng đố kị luôn cảm thấy khó chịu và không công nhận những điều ấy. Họ tìm cách nói xấu đối phương, hạ thấp giá trị và coi thường những thành quả mà người đó đạt được. Từ xa xưa đến nay, ông cha ta đã có rất nhiều câu để nói về lòng đố kị như: “Ghen ăn tức ở” hay “Trâu buộc ghét trâu ăn”... Thế mới thấy, đố kị chẳng còn xa lạ trong cuộc sống nữa.
Một người nếu cứ mãi đố kị với cuộc sống của người khác thì bản thân cuộc sống của họ sẽ luôn cảm thấy không hạnh phúc. Đặc biệt, việc nói xấu hay đặt điều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt là nó sẽ làm nảy sinh những trạng thái tâm lý tiêu cực, khiến cho chúng ta luôn cảm thấy căng thẳng mệt mỏi thậm chí tồi tệ hơn là rơi vào trạng thái trầm cảm. Ảnh hưởng đến tâm lý sẽ dẫn đến những hành vi cực đoan, không chỉ là hại đến người khác mà còn làm hại đến chính mình.
Trái lại nếu chúng ta biết hài lòng với cuộc sống của bản thân, biết đồng cảm và chia sẻ với những người xung quanh. Khi thấy người khác giỏi giang, thành công hơn nhưng không ghen ghét mà coi đó như một tấm gương, một động lực để phấn đấu. Thì chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Đặc biệt là thành công sẽ tìm đến khi mỗi người biết tự mình nỗ lực.
Khi còn là một học sinh, việc tu dưỡng đạo đức để giữa được một tâm hồn trong sáng. Đồng thời bản thân cần nhận thức được rằng con người luôn không hoàn hảo. Ai cũng đều có một điểm mạnh và điểm yếu riêng. Đừng so sánh bản thân với người khác. Chúng ta hãy biết cảm thông và chia sẻ với hạnh phúc mọi người. Cũng như cố gắng để cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy công nhận người khác nếu họ thực sự xuất sắc, sống bao dung, tích cực, không ngừng học hỏi để cởi trói cho những ràng buộc trong đời sống tình cảm và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh mình. Con người không có lòng đố kị là một con người tự do không lo âu một con người thanh thản thoải mái với cuộc sống. Khi họ đó không cần phải tính toán, tìm cách hại người khác. Khi mình có một cuộc sống không ganh đua ghen ghét đố kị, sống hết mình sống với những ước mơ của mình thì cuộc sống đấy mới có ý nghĩa.
Còn ngồi trong ghế nhà trường thì hãy cố gắng loại bỏ lòng đố kị đi và thay vào đó là hãy giúp đỡ nhau cùng nhau học tập và phát triển bản thân. Chúng ta cố gắng rèn luyện học tập chăm chỉ và tự hào về bản thân mình và hãy học tập những đức tính tốt.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----