Đề bài: Hãy kể về nữ anh hùng trong lịch sử dân tộc mà em biết
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam chúng ta có rất nhiều vị anh hùng dũng cảm đã đứng lên để bảo vệ non sông bờ cõi của nước ta. Trong những vị anh hùng kiên cường dũng cảm đó em luôn cảm thấy yêu mến và ngưỡng mộ hai vị nữ anh hùng Hai Bà Trưng. Hai Bà là một trong những nữ tướng ít ỏi trong lịch sử nước ta khiến kẻ thù phải khiếp sợ hồn bay mất vía.
Sau khi làm chủ vùng đất Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc của nước ta hiện nay, bà Trưng Trắc lên làm vua và lấy hiệu là Trưng Vương. Bà đã nối tiếp truyền thống hào hùng của thời Vua Hùng để lại bảo vệ bờ cõi lãnh thổ của quê hương mình.
Nhưng, sau đó không lâu quân xâm lược đã quay trở lại mục đích thôn tính nước ta một lần nữa. Lúc này Hai Bà Trưng kiên quyết chống trả bằng ý chí quật cường, nhưng do quân địch quá đông và mạnh mẽ nên Hai Bà Trưng đã thất bại và tử trận tại Hát giang song tinh thần chiến đấu quật cường của hai bà luôn còn sống mãi với non sông đất nước Việt Nam chúng ta.
Dù cuộc chiến đấu của Hai Bà Trưng bị thất bại nhưng nó đã làm nên ý nghĩa vô cùng to lớn, tên tuổi của hai bà đã được lưu danh sử sách về hai vị nữ lãnh tướng đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Dù là thân phận nữ nhi sống trong thời kỳ trọng nam khinh nữ nhiều điều lễ giáo ràng buộc, nhưng Hai Bà Trưng đã thể hiện ý chí của mình không chịu thua kém các đấng nam nhi, khi giặc tới nhà thì đàn bà cũng phải đánh.
Các con cháu thế hệ hôm nay luôn khắc cốt ghi tâm về công lao to lớn mà Hai Bà Trưng để lại. Những người phụ nữ Việt Nam dù thời nào cũng luôn quật cường anh dũng là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
2. Bài văn mẫu số 2
Bác Hồ đã từng nói rằng: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Thật vậy, trong suốt những năm tháng khói lửa, nhân dân ta không phân biệt già trẻ, gái trai, ai ai cũng tham gia góp sức chống giặc. Trong đó, những người phụ nữ cũng chiến đấu vô cùng anh dũng. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Định - nữ tướng duy nhất ở thế kỉ XX của nước ta.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, là con út trong gia đình có 10 người con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà thường được người dân Bến Tre gọi bằng cái tên thân mật là “cô Ba Định”. Khi tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Hai năm sau khi tham gia cách mạng, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Năm 1940, cả hai vợ chồng bà bị giặc Pháp bắt giữ, ông Bích bị đày ra Côn Đảo và sau đó bị giết hại, còn bà bị biệt giam tại nhà tù Bà Rá, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Đến tận năm 1943, bà mới được trả tự do và trở về quê hương.
Sau khi trở về, bà lại tiếp tục kiên cường, anh dũng tham gia vào các hoạt động cách mạng. Tháng 4 năm 1946, bà được cử ra Bắc báo cáo với Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ. Sau đó, bà được Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ bí mật vận chuyển 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam bằng con đường biển, từ đó mở ra con đường huyền thoại: đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ năm 1954 đến năm 1959, bà được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy nên bị chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết tìm bắt. Năm 1960, bà được bầu làm Phó Bí thư và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để cùng với những người yêu nước khởi xướng phong trào Đồng Khởi, mở đầu cho cuộc đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang rộng khắp miền Nam. Giai đoạn 1965 - 1974, bà được bầu là Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam. Tháng 4 - 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước. Cuộc đời dù trải qua nhiều mất mát đau thương nhưng bà đã vượt qua tất cả, luôn sống trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân, hy sinh mọi hạnh phúc riêng tư để lo toan cho hạnh phúc của mọi người.
3. Bài văn mẫu số 3
Trong những năm tháng chiến tranh, học sinh, sinh viên cũng là một lực lượng vô cùng đông đảo, nhiệt tình tham gia đấu tranh để giành lại độc lập cho tổ quốc. Trong đó, không thể không nhắc đến sinh viên Võ Thị Thắm.
Chị sinh ra và lớn lên từ tỉnh - Long An, vùng đất nổi tiếng trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc. Từ nhỏ, chị đã nhiệt tình tham gia vào các hoạt động cứu nước. Năm 9 tuổi chị đã đi đưa thư liên lạc, mang cơm cho các chiến sĩ cách mạng đang được bố mẹ mình che chở, nuôi giấu trong hầm bí mật. Năm 16 tuổi chị là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức – Long An. Đến khi 17 tuổi chị được điều về Sài Gòn hoạt động bí mật trong Phong trào Thanh niên – Sinh viên – Học sinh rồi đến Phong trào Công nhân, lực lượng vũ trang trong lòng đô thị.
Trong chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968, trong khi thực hiện nhiệm vụ thì chị không may bị giặc bắt. Chị bị giam giữ ròng rã suốt sáu năm, bị tra tấn, đày đọa dã man. Nhưng tinh thần yêu nước của chị vẫn không hề khuất phục. Mãi đến khi Hiệp định Paris được kí kết, thì chị và các đồng chí khác mới được thả về.
Sau này, khi hòa bình lập lại, chị lại tiếp tục tham gia xây dựng, đóng góp cho đất nước. Chị được phân công công tác ở Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được giao nhiệm vụ giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Một thời gian sau, chị được được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và khóa IX. Đóng vai trò là Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và XI, nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba đến khi nghỉ hưu.
Chị Nguyễn Thị Chiên là một nữ anh hùng thực sự cả ở thời chiến và thời bình. Nhũng đóng góp của chị là vô cùng to lớn đối với dân tộc.
4. Bài văn mẫu số 4
Nước Việt Nam ta là một đất nước của rất nhiều những anh hùng, trong đó, những nữ anh hùng cũng rất nhiều và xuất sắc. Trong đó, người mà em ấn tượng nhất là bà Nguyễn Thị Chiên.
Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong phong trào du kích ở vùng tạm chiếm, những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp bà vừa là người phụ nữ duy nhất được giữ chức vụ bí thư, vừa là chỉ huy một trung đội du kích ở xã. Năm 1950, bà giật mìn tiêu diệt một tiểu đội địch đi tuần tra trên đường 39. Sau này, trong một lần hoạt động, bà không may bị giặc bắt được. Chúng đã tra tấn bà dã man, đến chết đi sống lại nhiều lần, nhưng bà vẫn nhất quyết không chịu khai. Thế là cuối cùng giặc buộc phải thả bà ra. Sau khi được thả, bà trở về quê. Tại đây, bà lại được chi bộ bố trí nhiệm vụ trong đội du kích. Ngoài việc luyện tập canh gác chống giặc quấy rối và tấn công địch, bà còn lãnh đạo chị em khai hoang, cấy lúa, chăn nuôi gà để có lượng thực và bàn lấy tiền mua sắm vũ khí.
Năm 1951, bằng tay không, bà đã dùng mưu bắt một tiểu đội địch ngay giữa chợ, thu được bảy khẩu súng. Sau đó bà lại dùng mưu bắt tên sĩ quan Pháp chỉ huy trong một trận càn quét của chúng ở xã. Năm 1952, trong Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, bà được Hồ Chủ Tịch tặng một khẩu súng ngắn, được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huân chương Quân công hạng Ba và chị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.
Bà Nguyễn Thị Chiên là một vị nữ anh hùng kính trọng. Khiến cho em và rất nhiều người ngưỡng mộ. Em sẽ noi gương bà, học tập, rèn luyện hết sức mình để cống hiến cho tổ quốc.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------