Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy viết bài văn kể lại một sự việc làm em nhớ mãi.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẳn ai cũng có những ấn tượng đặc biệt về một sự kiện nào đó đã diễn ra trong cuộc sống của mỗi người, những sự kiện ấy không chỉ để lại những kỉ niệm khó quên mà nó còn gắn liền với những cảm xúc, tâm trạng. Bởi vậy mà mỗi khi ta nhớ về những sự việc đã xảy ra đó thì chúng ta cũng là một lần ta sống lại trong những kí ức xưa. Sự kiện quan trọng hay đáng nhớ của mỗi người có sự khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh, ấn tượng cũng như cảm nhận của mỗi cá nhân. Đối với em, những kỉ niệm đáng nhớ không có gì to lớn mà đó chỉ là những mẩu chuyện mà em cảm thấy thú vị đã xảy ra trong cuộc sống của mình.
Sự việc đã xảy ra khiến cho em nhớ mãi, đó chính là lần đầu tiên em có ý thức học bài thực sự, cảm hứng ấy đến vô cùng tự nhiên, và nó cũng mang lại cho em kết quả tốt khiến cho em nhớ mãi không quên. Cảm hứng học của em có lẽ đến khá ngẫu nhiên và bất ngờ, nó xảy ra vào thời điểm mà em cũng không thể lường trước được. Sự bất ngờ trong hoàn cảnh khiến cho em có nguồn cảm hứng thực sự, và khi ta có đam mê, có thể dùng đam mê ấy để tự làm một điều gì đó thì thật tuyệt vời.
Em còn nhớ rất rõ, đó là vào năm học cấp hai của em, mặc dù rất ghét môn ngữ văn nhưng trên đường đi học, nhìn ngắm cảnh đất trời sau cơn mưa thì bỗng dưng em lại nhớ về những hình ảnh thấp thoáng đâu đó trong bài thơ mình đã từng học, những từ ngữ trong đầu em lúc ấy đã kết hợp lại với nhau nhanh và chính xác đến mức em cũng không thể ngờ được. Bài thơ em mới đọc một lần trên lớp, về nhà không đọc lại và cũng không hề có bất cứ một ấn tượng nào bỗng nhiên được em đọc thuộc lòng, cảm giác của em lúc ấy ngỡ ngàng có, vui sướng hân hoan cũng có, mang lại cho em cảm giác em vừa thực hiện được một cái gì đó lớn lao lắm.
Em rất thích học toán và những môn khoa học tự nhiên, nhưng em lại học kém môn ngữ văn bởi em không tìm được niềm đam mê ở môn học này. Môn ngữ văn trong ấn tượng của em lúc bấy giờ là một môn học nhiều lí thuyết, thiếu tính ứng dụng và không thể thực tế với đời sống như môn học tự nhiên. Do đó em không thích học ngữ văn, những tiết học bài trên lớp em có cảm giác như thời gian bị kéo dài ra gấp đôi, cô giáo dù giảng rất nhiệt tình, hăng say nhưng em vẫn không thể cảm nhận được cái hay của bài.
Việc học tập môn ngữ văn của em trên lớp chỉ mang hình thức đối phó, miễn là qua môn. Trước những bài kiểm tra miệng, em thường học thuộc như một cái máy, đọc xong nhưng không có ấn tượng gì, và dù đọc thuộc lúc kiểm tra nhưng chỉ vài ngày sau những từ ngữ trong câu thơ cũng rơi rụng dần. Những bài thơ mà em thuộc thực sự rất ít ỏi. Nhưng cho đến một ngày, mọi ấn tượng về môn ngữ văn của em đều thay đổi, đó đều là do sự tác động bởi khung cảnh mà em bắt gặp khi đến trường.
Đó là một buổi chiều ngày thứ sáu, sở dĩ em nhớ được ngày bởi hôm ấy có hai tiết văn của cô giáo chủ nhiệm. Em vốn không thích học văn nên buổi hôm nào có tiết văn đều làm cho em chán nản, áp lực. Hơn nữa, buổi trưa hôm ấy trời mưa như trút nước, bầu trời giăng mây đen bao phủ cả bầu trời, những cơn gió rít lên từng hồi làm những hàng cây nghiêng ngả. Em đang thầm vui mừng vì nếu mưa to như vậy thì buổi chiều em có lí do để nghỉ học, và điều quan trọng nhất là em sẽ không phải học hai tiết văn. Tuy nhiên, chỉ tầm một giờ sau thì cơn mưa tạnh hẳn, bầu trời trong xanh trở lại, em nén nỗi thất vọng trong một tiếng thở dài đầy chán nản.
Trên đường đi học, em lo lắng bởi hôm nay em chưa học bài về nhà, nếu như bị kiểm tra chắc chắn em sẽ bị phê bình. Nhưng quang cảnh sau mưa thật đẹp, trời quang gió hiu hiu thổi, mặt đường có nước mưa rội qua trơn bóng lấp lánh dưới ánh sáng của bầu trời, dòng nước trên những con rạch thì lặng lẽ chảy, khung cảnh yên bình xung quanh khiến cho em quên đi nỗi lo bài cũ. Trong đầu em lúc ấy chợt hiện lên những câu thơ rời rạc, đất trời, núi rừng, và sau đó em tự nhiên có thể đọc thuộc được một đoạn thơ mà em chưa bao giờ nghĩ là mình có thể làm được;
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Thật sự là rất ngẫu nhiên và tình cờ, trước khung cảnh tươi đẹp của vạn vật sau mưa đã khiến cho em nhớ lại và đọc thuộc được những câu thơ mà em từng cho rằng chúng rất hóc búa. Và kết quả là buổi kiểm tra hôm ấy em có thể đọc trọn vẹn khổ thơ này, cô giáo đã tuyên dương em trước cả lớp và cho em điểm chín khiến cho em rất vui mừng. Em chợt nhận ra môn văn cũng rất thú vị, không hề nhàm chán như em từng nghĩ.
2. Bài văn mẫu số 2
Cần phải giới thiệu đôi chút về tôi để các bạn tiện theo dõi câu chuyện. Tôi vốn con nhà khá giả, được bố mẹ chiều chuộng lại học giỏi nên có khá đông bạn bè. Sự nổi trội của tôi khiến các bạn rất khâm phục. Vì lẽ đó, đôi lúc kiêu ngạo về bản thân mình, thấy ai không hợp là không thèm chơi, nhất là các bạn học chưa giỏi, ăn mặc lại “quê mùa”.
Hồi ấy cô giáo chủ nhiệm phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ những bạn học yếu. Thật không may tôi phải kèm một cô bạn mà từ xưa tôi chẳng bao giờ nói chuyện. Hằng – tên người bạn ấy – là một người ít nói, học thì lẹt đẹt, thỉnh thoảng lại nghỉ học không lí do. Tóm lại chẳng có gì nổi bật. Cô giáo xếp chúng tôi ngồi cạnh nhau và yêu cầu tôi phải kèm bạn ấy học. Trong khi tôi không giấu nổi sự thất vọng thì Hằng lại tỏ vẻ vui mừng. Bạn ấy cười với tôi và nói nhỏ: “Ấy giúp tớ với nhé!”. Tôi đành cười gượng đáp gọn lỏn “ừ”. Trong lòng tôi cảm thấy hơi bực vì từ bây giờ không còn được tự do về thời gian nữa, bị ám thế này thì sao sống nổi.
Tuy nhiên, tôi cũng không dám trái lời cô. Tôi phải kèm Hằng học để bạn ấy tiến bộ, đó cũng là cách để tôi chứng tỏ mình với cả lớp. Đôi bạn cùng tiến nào có kết quả học tập cao sẽ được thưởng mà. Chiều nào cũng vậy, tôi bắt Hằng qua nhà tôi học. Lúc đầu, Hằng có vẻ ngại nhưng thấy vẻ cương quyết của tôi, Hằng nhận lời. Thực ra, khi kèm Hằng, tôi nhận thấy bạn ấy học không đến nỗi nào, nhưng hình như trước đây bạn ấy không có thói quen ôn bài, làm bài thì phải. Vở bài tập cũng chẳng có, hèn nào chẳng bị điểm kém.
Hằng rất phục tôi, tôi nói gì bạn ấy cũng nghe, cứ như tôi là cô giáo vậy. Thỉnh thoảng, được tôi khen, bạn ấy cười sung sướng, tôi thấy Hằng không quá xấu xí như tôi vẫn nghĩ. Bạn ấy đen nhưng có duyên ra phết. Tuy vậy, tôi vẫn giữ thái độ bình thường, không nghĩ rằng mình sẽ coi Hằng là bạn thân. Cho đến một lần…
Hôm ấy, tôi đạp xe đi chơi loanh quanh. Mải nhìn ngắm và nghĩ linh tinh, tôi đi lạc vào một khu phố rất vắng người. Trưa nắng mà tôi không biết lối về, cứ đạp xe loanh quanh mãi. Chợt có một đám con trai choai choai trông rất hầm hố đi xe máy qua. Chúng trêu ghẹo tôi, sờ cả vào má tôi khiến tôi loạng choạng tay lái rồi ngã xuống đường. Thấy vậy, chúng cười hô hố rồi bỏ chạy. Vừa đau, vừa tức, tôi khóc nức nở. Cho đến khi có một bóng người lại gần kêu lên:
- Ôi! Ngân Hà! Sao cậu lại ở đây?
Tôi ngẩng mặt lên thì nhận ra Hằng. Bạn ấy mặc đồ ở nhà, tay cầm mớ rau nhìn tôi lo lắng. Tôi kể sơ qua tình hình và cố gắng ngồi dậy. Nhưng hình như chân tôi bị chảy máu, lại bị bong gân hay sao mà không thể đứng nổi, đau quá. Hằng vội vàng dựng xe lên dìu tôi vào gác-ba-ga rồi đèo tôi về nhà bạn ấy. Bạn ấy bảo nhà ở gần đây, bạn ấy vừa mua rau về nấu cơm thì nhìn thấy tôi. Vào đến nhà Hằng, dù đang đau nhưng tôi vẫn nhận ra đó là một ngôi nhà cấp bốn bé tí tẹo, đồ đạc tuềnh toàng. Sau đó, tôi được biết nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ Hằng đi làm công ty vệ sinh môi trường rất vất vả, Hằng thường đi làm cùng với mẹ vì mẹ bị bệnh, người không khỏe. Vậy mà tôi chẳng biết gì về hoàn cảnh của bạn, tôi vô tâm quá. Cả lớp tôi cũng thế, chỉ biết chê trách người khác mà không chịu tìm hiểu về họ. Hằng làm sao làm bài tập khi phải làm các việc gia đình, cơm nước, giặt giũ, lại còn giúp mẹ đi quét rác nữa…
Đưa tôi về nhà, Hằng mời tôi uống nước, lấy cồn rửa vết thương cho tôi cẩn thận rồi băng vào. Nhìn Hằng làm thành thạo, tôi thấy phục bạn quá. Tôi mà nhìn thấy máu là chỉ biết kêu thôi, không biết xử lí thế nào. Còn Hằng, bạn ấy biết cách rửa sạch máu rồi băng lại gọn gàng. Xong xuôi, bạn ấy đưa tôi về tận nhà. Từ nhà Hằng sang nhà tôi khá xa, vậy mà hôm nào Hằng cũng đi bộ qua nhà tôi để học bài. Tôi thực sự cảm thấy ân hận và thương bạn quá.
Mấy hôm sau, vì đau chân quá, tôi nghỉ học. Ngày nào, Hằng cũng vào thăm tôi, cùng tôi học bài. Bạn ấy còn chép bài cho tôi nữa. Thành ra bây giờ, người được kèm cặp là tôi chứ không phải là Hằng.
Lúc tôi khỏi chân cũng là lúc chúng tôi trở thành đôi bạn thân thiết. Ngày ngày, tôi qua nhà đón Hằng đi học, hai đứa thay nhau đèo, vừa đi vừa ôn bài, trò chuyện rôm rả. Tôi kể hoàn cảnh của Hằng cho bố mẹ nghe. Bố tôi đã xin cho mẹ Hằng đi bán hàng ở cửa hàng gạo, đỡ vất vả mà thu nhập cũng khá hơn.
Hai mẹ con Hằng vui lắm, cứ cảm ơn mãi. Còn tôi, tôi cũng rất vui vì tìm được người bạn giàu nghị lực, ít nói nhưng sâu sắc, tốt bụng.
Từ đó đến nay, tôi và Hằng luôn là đôi bạn thân thiết. Sức học của Hằng cũng khá lên nhiều, bạn ấy đạt danh hiệu “Học sinh tiên tiến”. Có chuyện gì vui buồn, tôi và Hằng đều tâm sự với nhau, giúp đỡ nhau. Có một người bạn như Hằng, tôi thấy như trưởng thành hơn.
3. Bài văn mẫu số 3
Mỗi chúng ta khi lớn lên, đều bỏ lại đằng sau mình một thời thơ ấu biết bao kỉ niệm buồn vui lẫn lộn. Tôi vẫn nhớ những lần ham chơi quên cả giờ về, hay những lần mải đi chơi làm mất cả chìa khóa nhà. Nhưng kỉ niệm về người anh họ của em khiến em nhớ mãi không thể nào quên.
Trong những dịp nghỉ hè, tôi thường được bố mẹ cho về quê. Tôi rất thích về quê bởi ở đó tôi có một người anh họ. Anh hơn tôi một tuổi và rất quý tôi. Mỗi lần về quê, anh thường dắt tôi đi chơi khắp nơi. Anh đi đằng trước, tôi lũn cũn chạy theo sau. Những khi tôi mỏi chân, anh thường cõng tôi trên lưng chạy nhong nhong. Ngồi trên lưng anh tôi thích chí cười khanh khách. Quê tôi có bờ lau trắng xóa. Những lúc đang chơi đuổi bắt, không thấy anh đâu, tôi khóc thét lên, anh từ đâu chạy đến, rắc lên đầu tôi những cánh hoa khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đặc biệt, tôi rất thích mỗi khi anh và bạn anh thi thả diều, nhìn cánh diều bay lên bầu trời cao lồng lộng, tôi không bao giờ chán. Anh chiều tôi là thế nhưng tính nhõng nhẽo của tôi đã gây nên một tai nạn. Hôm đó, anh dắt tôi đi đến nhà một người bạn. Trên đường đi, tôi bỗng nhìn thấy một cây roi quả sai vô cùng.
Những quả roi chín thành từng chùm trông thật thích mắt. Tôi dừng lại và chỉ lên những chùm quả đang lấp ló trong tán lá. Tôi muốn ăn roi. Anh định trèo lên hái cho tôi. Anh đứng ngước mắt lên và lắc đầu: "Cây cao quá, anh không trèo được. Thôi, đi cùng anh ra chợ, anh sẽ mua cho em". Tôi nhất quyết "Không, em thích ăn cả chùm cơ! Ở chợ không có roi giống thế này". Dù anh thuyết phục thế nào, tôi cũng không chịu. Anh càng dỗ, tôi càng bướng và tôi đã ngồi bệt xuống đất, nước mắt bắt đầu chảy dài, tay chân đạp loạn xạ. Tôi biết, anh nhất định sẽ hái cho tôi khi thấy tôi khóc. Và quả thật, tôi đã thắng. Anh kéo tôi đứng dậy, lau nước mắt và nói: "Em nín đi, anh sẽ hái cho em chùm quả đó". Anh dắt tôi đến cổng nhà bác có cây roi, gọi cửa và tôi thấy có một bác chạy ra, anh xin phép bác cho anh được hái một chùm roi. Bác đồng ý nhưng dặn anh tôi phải cẩn thận vì cành roi rất giòn. Anh trèo lên, trèo thật cao để hái được dùng chùm roi tôi thích. Nhưng khi đang hái thì anh trượt chân, ngã nhào từ trên cây xuống. Tôi thấy anh ngã thì chạy đến hỏi: "Anh có đau không?" anh gượng cười, nói: "Anh không sao đâu. Em cứ yên tâm". Nhưng không phải thế, anh bị gãy chân…
Bố về quê, biết anh bị gãy chân vì tôi. Bố đã mắng tôi nhưng anh lại nói với bố: "Tất cả là tại cháu, chú đừng mắng em kẻo nó sợ". Dù tôi có gây ra chuyện gì, anh cũng luôn che chở cho tôi. Anh là người anh tuyệt vời của tôi. Kỷ niệm đó mỗi khi nghĩ lại, tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi.
4. Bài văn mẫu số 4
Trong mỗi cuộc đời, có biết bao kỉ niệm đẹp về tình cảm gia đình và tình bạn, những kỷ niệm ấy thật thiêng liêng cao đẹp biết bao. Nhưng ấn tượng sâu nặng nhất đối với tôi là những kỷ niệm hồi học ở trường tiểu học.
Ngôi trường của tôi ở nông thôn nên không có nét đẹp gì đặc biệt. Nhưng nó đã mang lại cho tôi kỷ niệm ngọt ngào khi lần đầu bước vào trường: cô giáo dạy tôi nắn nót từng chữ, đôi tay của cô nắm chặt tay tôi để rèn chữ, bàn tay cô ấm áp làm sao và cô lại còn tập cho chúng tôi múa hát, giọng cô trong trẻo làm sao.
Thời gian trôi qua mau, kỷ niệm lại càng có nhiều với mái trường này… Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp lúc ra chơi, cùng các bạn chơi đủ các trò, nào là: chơi đuổi bắt, nhảy dây, chơi cầu nhưng ấn tượng sâu nhất đối với tôi đó là trò chơi bịt mắt bắt dê. Hôm ấy vào giờ ra chơi, Lan rủ các bạn trong lớp cùng nhau chơi. Đông quá các bạn phải oẳn tù tì xem ai bắt, cuối cùng là Nam bắt. Lan dùng khăn quàng của mình để bịt mắt Nam lại, các bạn chạy xoay vòng cậu ta, lúc này bạn ấy không thấy gì cả, chỉ tóm bừa nên chúng tôi chạy tán loạn. Bỗng dưng dính một người, Nam sờ từ đầu cho đến tóc và khẳng định là Nga. Nam bỏ khăn ra nhìn, hóa ra đó là bạn lớp khác. Lúc này hai người đều đỏ mặt còn các bạn cùng chơi thì bật cười.
Bỗng dưng có một tiếng nói to "Cho tôi chơi với!" Đó chính là Thành, người bạn hay đùa nhất của lớp tôi. Bạn ấy từ trong lớp chạy ra và xung phong bắt. Lan dùng khăn bịt mắt Thành lại, các bạn bắt đầu trốn, Thành đứng giữa sân nhìn qua nhìn lại chẳng thấy gì cả, nhưng hình như bạn ấy đang nghe tiếng bước chân của Hiền. Hiền thấy thế liền chạy qua cột cờ và dừng chân lại, đứng né một bên. Thành nhào tới bắt, ai ngờ Thành bắt dính cột cờ, cả lớp cười lăn lộn, Thành cũng ôm mặt cười.
Tiếng trống tùng tùng báo hiệu giờ vào học, thế là giờ ra chơi đã hết, vào lớp các bạn đều dùng tập, sách để quạt cho mát. Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi dưới mái trường này.
Tuy bây giờ đã học cấp II nhưng kỷ niệm trong sáng hồn nhiên ấy tôi vẫn nhớ. Nhớ đến để thấy thời tiểu học đẹp đẽ làm sao và đó sẽ là kỷ niệm theo tôi trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------