Đề bài: Em hãy kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong truyện mà em biết dưới dạng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Văn học Việt Nam là kho tàng của những câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ tích đã nhẹ nhàng đi vào lời ru của bà, của mẹ. “Cây khế” là một trong những truyện cổ tích gần gũi, thân quen với tuổi thơ các bạn nhỏ. Tôi chính là nhân vật Chim Thần trong truyện cổ tích đó. Hôm nay, tôi xin được kể lại câu chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ ý nghĩa của nó.
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ đều mất sớm. Người anh tham lam lười biếng. Người em lại hiền lành, chăm chỉ. Khi hai anh em lấy vợ chưa được bao lâu thì người anh chia gia tài. Vốn bản tính tham lam sẵn có lại cậy thế mình là anh cả hắn chiếm hết tài sản cha mẹ để lại chỉ cho người em một mảnh vườn nhỏ và cây khế ngọt. Vợ chồng người anh sống sung sướng, an nhàn trên gia tài có sẵn còn người em thì phải đi cày thuê cuốc mướn sống qua ngày. Tuy cuộc sống vất vả nhưng ngày nào người em cũng không quên tưới nước, chăm sóc cho cây khế.
Mùa khế năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em ra hoa kết trái, cành nào cành ấy đều sai trĩu quả. Vợ chồng người em thầm nghĩ bán quả lấy tiền mua thóc gạo. Tôi vốn rất thích ăn trái cây. Một hôm, tình cờ lại bay ngang qua khu vườn của người em, thấy những quả khế chín mọng hấp dẫn, tôi vội sà xuống ăn hết trái này đến trái khác. Thấy tôi ăn khế, người em ở đâu đi đến đứng ngước mắt nhìn tôi, anh ta không đuổi tôi đi mà chỉ buồn rầu than thở với tôi:
- Chim ơi! Gia tài nhà tôi chỉ có mỗi cây khế này thôi. Chim ăn hết rồi, tôi biết lấy gì để sống?
Tôi vốn là loài chim biết trả ơn bèn đáp:
- Ăn một quả, trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Vợ chồng người em có vẻ bất ngờ vì tôi biết nói tiếng người. Nhưng cũng theo lời đi may một cái túi ba gang. Mấy hôm sau, theo như lời hẹn, tôi bay đến chở người em ra đảo lấy vàng. Người em thấy vàng chất đầy đảo nhưng không hề tỏ vẻ tham lam, chỉ lấy đủ một túi ba gang rồi nhờ tôi chở về nhà. Từ đó, cuộc sống người em trở nên sung túc, giàu có. Vợ chồng người em còn đem tiền và gạo giúp đỡ mọi người trong vùng.
Chuyện đến tai người anh. Người em không giấu diếm kể hết sự việc. Lòng tham nổi lên, người anh bèn gạ đổi gia tài của mình để lấy cây khế. Vợ chồng người em đồng ý, thế là anh ta chuyển về chỗ người em ở. Mùa khế ra hoa kết trái năm sau tôi lại đến ăn như lần trước.
Người anh cũng than thở với tôi y như người em. Tôi vẫn đáp:
- Ăn một quả, trả một cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng.
Anh ta vui mừng khôn xiết, nhưng hai vợ chồng người anh lại may một cái túi to đến mười hai gang. Tôi đưa anh ta đến đảo lấy vàng. Đến nơi, anh ta hoa cả mắt, hì hục nhét vàng bạc châu báu chật cứng cả cái túi mười hai gang và cố gắng nhét đầy mọi chỗ trên người mình. Lúc trở về, ì à ì ạch leo lên lại tụt xuống mãi hắn mới bò lên được lưng tôi. Nhưng vì nặng quá, tôi phải vỗ cánh đến mấy lần mới nhấc mình lên khỏi mặt đất được. Đường về nhà hắn phải bay qua biển rộng, phần vì chở quá nặng, phần vì có một luồng gió bất chợt thổi đến, tôi không giữ được thăng bằng, bèn nghiêng cánh hất hắn và cả túi vàng xuống biển sâu.
Câu chuyện qua đã lâu nhưng vẫn nhắc nhở mỗi người không nên tham lam. Tham lam sẽ nhận lại hậu quả thích đáng.
2. Bài văn mẫu số 2
Ta là một bà lão sống cô độc một mình trong một ngôi nhà nhỏ. Ta đã già yếu, không thể cấy cày lại chẳng có con cháu đỡ đần nên cuộc sống rất nghèo khó. Hàng ngày, ta phải ra đồng mò cua bắt ốc kiếm sống. Một hôm, ta tình cờ bắt được một con ốc rất xinh đẹp, vỏ của nó phủ một màu xanh biếc, lấp la lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Thấy ốc đẹp, không nỡ đem bán nên ta đã đem ốc về và thả vào cái chum nước ngoài sân.
Lạ thay, từ ngày đó trở đi, mỗi lần ta đi làm về đều thấy nhà cửa sạch sẽ, tươm tất, gọn gàng, vườn tược được vun xới, lợn gà được ăn no. Đặc biệt, có cả mâm cơm được sắp sẵn trên bàn. Ban đầu, ta tưởng hàng xóm thương ta già cả côi cút nên sang giúp. Nhưng không phải. Ta quyết định tìm ra cho bằng được người đã lén giúp mình.
Đúng theo kế hoạch. Một hôm, ta giả vờ đi làm như mọi khi. Nhưng thực ra, đi đến nửa đường ta bèn quay lại, tìm nơi kín đáo rình xem. Chờ mãi, cuối cùng ta cũng thấy một người con gái tuổi mới mười tám đôi mươi, đẹp như tiên sa giáng trần chui ra từ trong chum nước. Nàng tiên nhẹ nhàng đi vào nhà rồi cầm chổi quét dọn, lau chùi nhà cửa, sân vườn và cho lợn, gà ăn. Ta hết sức ngạc nhiên. Đoán chắc nàng tiên chui ra từ vỏ ốc, lặng lẽ ta lại gần chum nước, cầm vỏ ốc lên rồi đập vỡ ra thành từng mảnh. Ta không muốn cô gái biến mất vào trong vỏ ốc, ta muốn cô sống với mình nên đã làm vậy. Nghe tiếng động, cô gái vội chạy đến bên chum nước để ẩn mình trong vỏ ốc, nhưng đã quá muộn. Thấy cô gái ngạc nhiên, ta bèn lên tiếng:
- “Con gái ơi! Hãy ở lại đây với ta”.
Cô gái bằng lòng. Từ đó nàng tiên ốc trở thành người con gái yêu của ta và nhờ có nàng mà cuộc sống của ta rất hạnh phúc.
3. Bài văn mẫu số 3
“Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”
Tôi vừa cho cất tiếng gọi vừa ngó nghiêng xem Bống ở đâu. Nàng ta quẫy đuôi ngoi lên mặt nước, đớp nhanh những hạt cơm tôi vừa thả xuống. Nhìn Bống ăn, bao nhiêu mỏi mệt trong tôi tan biến hết.
Tôi là Tấm. Mẹ tôi mất sớm nên tôi sống với cha và dì. Chẳng may, cha tôi cũng bỏ tôi đi để lại tôi giữa dòng đời vất vả. Tôi có người em gái cùng cha khác mẹ, là Cám. Hằng ngày, tôi làm lụng vất vả từ thái khoai, vớt bèo, chăn trâu, gánh nước thì em Cám chỉ ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Nhưng chẳng thể ganh tị, tôi đành gắng làm hết công việc của mình. Tôi có được Bống là nhờ ông Bụt tóc bạc râu trắng chỉ cho. Hôm đó, dì đưa cho chị em tôi hai chiếc giỏ và hẹn, ai bắt được đầy giỏ thì thưởng cái yếm đỏ. Bấy lâu nay, tôi chỉ mặc quần áo cũ, nay nghe thấy yếm đỏ tôi mừng lắm. Ra đồng, tôi mò cua bắt ốc thật nhanh chỉ mong về nhà nhận thưởng. Lúc về, em Cám bảo tôi: “Chị Tấm ơi chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.” Tôi bèn xuống ao, lội ra chỗ sâu để tắm rửa mà nào ngờ rằng Cám ở trên bờ đã trút hết tôm cá từ giỏ tôi sang giỏ nó. Lên bờ, tôi thấy chiếc giỏ chẳng còn gì, chỉ biết ôm mặt khóc hu hu. Bỗng, Bụt hiện lên hỏi chuyện, tôi kể lể sự tình. Bụt bảo tôi nhìn xem trong giỏ còn gì nữa không. Tôi thấy một con cá bống, Bụt dặn dò tôi cách chăm sóc Bống rồi biến mất.
Từ đó, tôi có Bống làm bạn. Nhưng cũng không thể ngờ, mẹ con dì ghẻ đã tìm cách ăn thịt nó. Khi đi chăn trâu về, tôi không thấy Bống ngoi lên mặt nước nữa, chỉ thấy một cục máu nổi lên. Tôi lại òa khóc. Như nghe thấy tiếng khóc, Bụt lại hiện lên bảo tôi tìm xương Bống, bỏ vào lọ và chôn dưới chân giường. Tôi làm theo lời Bụt dặn.
Ít lâu sau, nhà vua mở hội trong mấy ngày đêm. Ai ai cũng nô nức đi trẩy hội. Mẹ con dì ghẻ cũng xúng xính quần là áo lượt để đi xem. Thấy tôi muốn đi, mụ dì ghẻ trộn một đấu thóc với một đấu gạo, bảo tôi nhặt hết mới được đi. Khi hai mẹ con dì đã đi, tôi thấy tủi hờn nên òa khóc. Bụt lại hiện lên hỏi chuyện rồi nhờ đàn chim sẻ sà xuống nhặt giúp. Bụt bảo tôi đi đào bốn lọ xương Bống ở chân giường. Tôi vô cùng ngạc nhiên và vui mừng khi mỗi một chiếc lọ lại biến thành những thứ đẹp đẽ mà tôi vẫn thầm ao ước. Vì mong dự hội, tôi đã đánh rơi một chiếc giày xuống nước. Khi đến hội, thấy mọi người đang xúm vào vẻ đông vui. Tôi tiến tới, thì ra họ đang tranh nhau thử chiếc giày tôi vừa làm rơi. Tôi cũng thấy cả mẹ con dì đang ướm thử. Tôi đi vào, xỏ chiếc giày vào chân và bỏ nốt chiếc giày kia. Vua ngạc nhiên rồi mừng rỡ, mọi người vỗ tay khen tấm tắc.
Từ đó, tôi trở thành hoàng hậu. Nhưng có lẽ, cuộc sống của tôi lại gặp thêm muôn vàn thử thách. Ngày giỗ cha, dì bảo tôi trèo lên cây cau để hái cau. Tôi leo tít lên ngọn thì dì vung tay đẵn gốc. Tôi ngã xuống ao mà chết. May thay, Bụt lại biến tôi thành một chú chim vàng anh có giọng hót ngọt ngào, lanh lảnh. Tôi bay về cung thì biết Cám đã vào cung. Nhà vua vẻ mặt rầu rĩ, chẳng buồn ăn uống. Tôi liền sà xuống tay áo chàng để bầu bạn. Dì ghẻ bày cách cho Cám bắt vàng anh làm thịt. Tôi lại hóa thân thành một cây xoan đào xanh ngát rợp bóng để che mát cho nhà vua. Dì ghẻ và Cám lại chặt xoan đào để làm khung cửi. Lúc này, tôi uất ức quá nên cất tiếng đe dọa Cám. Cám có vẻ sợ sệt nhưng rồi lại đốt khung cửi. Chỗ tro khung cửi mọc lên một cây thị cao lớn. Tôi được ẩn náu trong quả thị. Bà cụ qua đường ngả bị ra vẫy gọi, tôi liền rụng xuống. Tôi âm thầm bước ra, nấu cơm, dọn nhà cho bà rồi lại bước vào quả thị vì sợ bị phát hiện. Một hôm, bị bà bắt gặp nên tôi không thể chui lại vỏ thị nữa. Thật may mắn khi một hôm, nhà vua đi ngang qua, nhận ra miếng trầu têm cánh phượng quen thuộc của tôi. Tôi gặp lại nhà vua trong niềm vui mừng khôn xiết.
Tôi trở về cung trong sự ngỡ ngàng của mẹ con dì ghẻ. Cám tò mò hỏi tôi sao lại vẫn xinh như thế, tôi bèn bày cách cho Cám, nhưng thực chất để trừng trị kẻ đã năm lần bảy lượt giết mình. Cảm nhảy xuống hố, quân lính dội nước sôi và chết. Nghe đâu, khi nghe tin con gái chết, dì tôi cũng lăn đùng ra chết. Có lẽ, đó là cái kết của những con người tàn độc.
4. Bài văn mẫu số 4
Tôi là một cô bé năm nay lên 7 tuổi, tôi rất yêu quý bà ngoại của mình và ngoại tôi cũng vậy, rất yêu thương và lo lắng cho tôi. Ngoại hay tặng tôi quà, đặc biệt có chiếc khăn đỏ rất đẹp tôi vô cùng thích. Tôi thường đội nó trên đầu như một thói quen nên mọi người hãy gọi tôi là “cô bé trùm khăn đỏ”. Một hôm, bà tôi bị ốm, mẹ làm bánh và dặn tôi mang qua biếu bà, trước khi đi mẹ có nhắc nhở và bảo với tôi rằng: "Con đi đường thẳng, đến nhà bà luôn nhé, đừng la cà. Đường vòng qua rừng có rất nhiều chó sói đấy."
Tôi vâng lời mẹ rồi nhanh chân đưa giỏ bánh qua nhà bà. Nhưng trên đường đi, nhiều bông hoa đẹp rực rỡ sắc màu, những chú bướm tung tăng bay lượn giữa khu rừng tuyệt đẹp đã thu hút tôi, khiến tôi quên mất lời mẹ dặn trước khi đi, cứ theo đường rừng mà vào chẳng mảy may suy nghĩ. Vừa tung tăng một đoạn thì tôi gặp một bạn sóc nhỏ xinh xinh, chúng tôi nói chuyện một lúc rồi sóc bảo với tôi rằng: "Cô bé quàng khăn đỏ ơi, cô quên lời mẹ dặn à. Mẹ cô dặn phải đi đường thẳng, không được đi đường vòng qua rừng kẻo chó Sói ăn thịt cơ mà. Cô nghe lời mẹ dặn đi." Nhưng tôi vẫn một mực đi, cố tình không để ý, đi đoạn đường vòng qua rừng để ngắm hoa thơm.
Đến giữa khu rừng, tôi hoảng hốt khi bắt gặp một con sói to, nhảy ra từ bụi rậm bên đường và hỏi tôi rằng: "Này, nhóc con, đang tung tăng đi đâu thế?". Điệu bộ hống hách của sói khiến tôi sợ hãi vô cùng nhưng vẫn cố trấn an mình và trả lời sói: "Cháu đang đi đến nhà bà ngoại ạ.". Tôi không nghĩ nó âm mưu muốn ăn thịt hai bà cháu tôi nên khi chó sói hỏi nhà bà ngoại đâu, tôi vẫn thật thà trả lời: "Nhà bà ngoại cháu ở bên kia khu rừng này. Ngôi nhà mà có cái ống khói cao tít ấy, chỉ cần đẩy cửa là vào nhà được luôn". Không ngờ khi vừa dứt lời, chó sói bỏ tôi một mình ở đó rồi chạy thẳng một mạch. Tôi mừng rỡ vì thoát được tên sói hung hăng, tranh thủ hái thêm vài bông hoa rồi đến nhà bà. Vừa đến nhà bà thì thật lạ, cửa nhà bà mở toang, không có ai. Tôi gọi bà mãi, không thấy trả lời, bèn tiến vào bên giường, hỏi thăm và thưa với bà mẹ bảo mang bánh sang. Càng nhìn bà, tôi càng thấy lạ, bèn cất tiếng hỏi;
- Bà ơi! Sao hôm nay tai bà to thế?
- Tai bà to để bà nghe cháu nói được rõ hơn.
- Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?
- Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn. Thấy chiếc miệng của bà rất khác so với ngày thường, tôi hốt hoảng hỏi bà trong hoảng sợ:
- Thế còn mồm bà, sao……sao….sao.. hôm nay mồm bà to thế?
Vừa nói xong, sói ôm ngoàm lấy tôi và nuốt chửng. Tôi vô cùng hãi hùng và hoảng sợ. May sao có bác thợ săn đi quá, đoán rằng sói đã ăn thịt bà bèn mổ bụng hắn và cứu hai bà cháu tôi ra. Tôi và bà ôm nhau vui mừng, cảm ơn bác.
Trên đường về nhà, tôi thấy ân hận vô cùng, hứa từ nay sẽ nghe lời mẹ và không ham chơi nữa.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------