Hãy giới thiệu một trò chơi hoặc một lễ hội ở quê em - Văn mẫu lớp 4

Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn giới thiệu về một trò chơi hoặc một lễ hội rất đặc biệt của quê hương em đang sống.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Làng em có dòng sông xanh mát, rộng lớn chảy ngang qua. Trên con sông ấy, hằng năm vào Tết độc lập 2/9, đều diễn ra lễ hội đua thuyền. Đó là truyền thống đã được duy trì từ ngày giải phóng đến nay, ngót cũng hơn hai mươi năm rồi.

Để lễ hội diễn ra thuận lợi, từ nửa tháng trước đó, người dân đã rục rịch chuẩn bị rồi. Những chiếc thuyền lớn, được mang ra khỏi kho, bảo trì, trang trí lại để có thể xuất hiện với diện mạo đẹp nhất vào ngày thi. Các thanh niên tham thi đấu, thì ráo riết luyện tập, nhằm nâng cao kĩ thuật của mình. Hầu như chiều tối nào, cũng thấy các thanh niên ra bờ sông để tập luyện. Ở sân nhà văn hóa, chiều chiều lại thấy các đội cổ vũ cũng nhau tập hát, tập múa phục vụ lễ hội. Không khí trở nên nóng hơn, bởi nhiệt huyết của người dân.

Đến ngày thi, từ sáng sớm, mọi người đã có mặt tề tựu đông đủ. Hai bên bờ sông là rất nhiều những người dân đến xem và cổ vũ. Dưới lòng sông, các con thuyền tham gia thi đấu xếp một hàng ngang thẳng tắp. Các chàng trai mình trần lực lưỡng, tập trung chờ hiệu lệnh bắt đầu của trọng tài. Ngay khi tiếng còi vang lên, những chiếc thuyền đồng loạt lao vút về phía trước, để lại phía sau từng cột sóng nước. Hai bên bờ, người dân phấn khích gọi tên đội thi của xã mình, thôn mình, để truyền thêm năng lượng cho đội thi. Và như cảm nhận được tình cảm ấy, các chàng trai trên thuyền lại càng thêm ra sức tăng tốc. Từng lần chèo nhanh, mạnh, dứt khoát, đều chằm chặp. Theo tiếng đánh trống cuối đuôi thuyền ngày càng dồn dập, các chàng trai cũng càng thêm tăng tốc để bứt phá cuối đường đua. Cùng lúc này, người dân hai bên bờ lại càng thêm phấn khích và cổ vũ nhiệt tình hơn nữa. Có người phấn khích quá còn chạy ra giữa sông nữa. Kết thúc cuộc thi, sẽ có người thắng, kẻ thua. Nhưng điều đó không chút nào ảnh hưởng đến không khí lễ hội. Có lẽ sẽ buồn chút đấy, nhưng rồi cũng qua nhanh thôi. Mọi người lại nhanh chóng vui lên, cùng nhau ăn uống, nhảy múa, mừng ngày độc lập dân tộc.

Em mong rằng, lễ hội tuyệt vời này sẽ luôn được giữ gìn và phát huy mãi cho đến về sau. Để người dân có dịp được vui chơi, trò chuyện cùng nhau.

2. Bài văn mẫu số 2

Vào những dịp lễ tết, quê em thường tổ chức chơi ném còn. Trò chơi tuy chỉ diễn ra trong một buổi, một ngày nhưng thường rục rịch chuẩn bị từ cả tháng trước đó.

Để chơi ném còn, thì cần chuẩn bị hai phần cơ bản đó là quả còn và cây nêu. Những quả còn sẽ do các cô gái may vá, còn cây nêu sẽ do đám trai làng chuẩn bị. Trước hết là về cây nêu. Thường mỗi làng sẽ có một bãi đất trống lớn để tổ chức các hoạt động tập thể. Câu nêu sẽ được dựng ở chính giữa đó. Cây nêu được làm từ các thân tre cao từ 15 đến 20 mét, dựng thẳng ở giữa sân. Thân cây nêu được quấn quanh bởi hai màu đỏ và vàng. Nghe các cụ trong làng bảo, màu vàng tượng trưng cho mặt trăng, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời. Trên ngọn cây nêu là một vòng tròn rỗng, được trang trí bằng các dây tua rua nhiều màu sặc sỡ. Vừa giúp tăng vẻ đẹp, lại vừa giúp dễ nhận diện vị trí của vòng tròn. Tiếp theo là quả còn. Quả còn được may từ nhiều mảnh vải khác nhau, mỗi mảnh có mỗi màu sắc riêng, chắp với nhau tạo thành các múi vuông gắn liền vào nhau. Để trang trí thêm cho những quả còn, người ta chắp thêm vào nhiều sợi dây tua rua sặc sỡ. Giúp quả còn của bản thân trở nên đặc sắc hơn. Công đoạn may quả còn này thường diễn ra cả tháng trời trước khi lễ hội diễn ra.

Cách chơi ném còn thì vô cùng đơn giản. Người chơi chia thành các đội nhỏ để thi đấu với nhau. Đến lượt của ai, thì người đó cầm phần dây, xoay tròn quả còn rồi ném lên, sao cho qua được vòng tròn trên ngọn cây nêu thì sẽ thắng. Tuy đơn giản như vậy, nhưng trò chơi này vẫn thực sự hấp dẫn đối với mọi người. Khi chơi, những người ở bên ngoài sẽ vây xem và cổ vũ cho đội thi, tạo nên không khí vui tươi, rộn rã. Trai gái ăn mặc thật xinh đẹp, cùng nhau ném còn trong tiết trời xuân ấm áp. Còn gì vui bằng! Điều thực sự làm nên niềm vui của ngày Tết quê em, chính là những buổi hội chơi ném còn. Nó diễn ra trong sự hồ hởi, mong chờ, vui thích của người dân. Mọi người tham gia trò chơi, nhưng vui mới là chính, còn chuyện thắng thua chỉ xếp vào bên lề.

Hiện nay, các hoạt động ngày lễ tết ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Nhưng trò chơi ném còn vẫn là một nét đặc sắc văn hóa không thể nào xóa nhòa được. Chừng nào xuân còn thắm trên nương lúa, khi đó người làng em còn chơi ném còn.

3. Bài văn mẫu số 3

Hằng năm, cứ đến dịp đầu xuân năm mới, làng em lại tổ chức hội thi nấu cơm. Đây là hội thi được mọi người mong chờ nhất vào dịp này. Vì nó không chỉ vui vẻ mà còn giàu ý nghĩa nữa.

Ngày hôm đó, người dân xếp thành một vòng tròn, bao bọc xung quanh sân khấu - nơi diễn ra cuộc thi. Ở giữa là một nền đất bằng phẳng, được cào bằng, chia thành năm ô tương ứng với năm đội thi. Người đến cổ vũ thậm chỉ không có chỗ ngồi nhưng vẫn rất hào hứng và vui vẻ. Mỗi đội chơi sẽ gồm hai người, một nam và một nữ. Người nữ ngồi tại chỗ thổi cơm, còn người nam sẽ chạy vượt chướng gại vật để mang nguyên liệu về, theo thứ tự là nồi, gạo và nước. Ai di chuyển nhanh, khéo kéo sẽ đem về nhiều nguyên liệu nhanh chóng. Cuối cùng, đội nào nấu cơm nhanh, ngon và dẻo nhất sẽ dành chiến thắng. Những lần di chuyển vượt vật cản của các thanh niên là nơi tạo tiếng cười cho người xem. Có người ngã chổng vó ra giữa lối khiến người xem cười phá lên. Có chàng thì lao nhanh vun vút như chẳng có gì cản trở khiến người xem trầm trồ. Những người dân đứng ở phía cô gái thì hối thúc nhóm lửa, rồi vo gạo. Có lúc gió to, thổi tắt cả lửa, cô gái lại cuống cuồng che chắn, nhóm lửa lạ. Người dân cũng xôn xao di chuyển để giúp đội thi chắn gió. Giám khảo của cuộc thi là các bô lão trong làng và toàn thể người đến xem. Mỗi người thử một miếng cơm, nhai nhai, ngẫm nghĩ thật cẩn thận rồi bỏ phiếu cho đội mình thích nhất. Phần thưởng cho đội thắng cuộc năm nào cũng là một bộ nồi nấu cơm. Tuy giản dị, nhưng ai cũng mừng, cũng thích.

Ngày nay, việc nấu cơm bằng các bộ nồi hiện đại đã quá phổ biến, chẳng mấy ai còn nấu bằng cách truyền thống trên bếp củi như ngày xưa nữa. Nhưng hội thi nấu cơm này vẫn được làng em tổ chức đều đặn. Bởi đó là nét đẹp văn hóa quý báu mà cha ông ta truyền lại cho con cháu.

4. Bài văn mẫu số 4

Ở quê em, vào những ngày hội làng, già trẻ lớn bé lại tập trung ở đình làng, cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống. Trong đó trò ưa thích nhất là kéo co.

Trò chơi này được nhiều người yêu thích, bởi cách chơi đơn giản, lại không phải chuẩn bị nhiều. Mọi người khi chơi lại dễ đoàn kết, giao lưu với nhau. Thật tiện lợi! Để chơi kéo co, thì cần có một sợi dây thừng bền, chắc chắn và thật dài. Sợi dây thừng này được sử dụng từ năm này qua năm khác, nên các góc cạnh đã được mài mòn đi rồi. Dần dần sợi dây ấy không còn chỉ là công cụ nữa, mà trở thành linh hồn của trò chơi. Nếu đổi thành sợi dây khác, thì có khi chẳng có cảm xúc được như thế.

Trò kéo co ở làng em có luật chơi khác so với những nơi khác. Thông thường, người ta sẽ có một vạch thẳng ở giữa hai đội chơi. Đội nào kéo được đối phương về bên mình thì sẽ thắng. Còn ở làng em, sẽ chơi trên một khu đất trống lớn, vẽ ra một hình tròn thật to, sao cho hai đội đứng vừa trong đó. Sau khi trọng tài thổi còi, hai đội sẽ ra sức kéo làm sao cho đội mình ra khỏi vòng tròn trước tiên. Phía bên ngoài, người dân ra sức reo hò cho đội mình yêu thích, bên trong sân, các cầu thủ càng thêm hăng hái kéo dây. Có những trận, kì phùng địch thủ gặp nhau, mãi cả nửa tiếng mới phân thắng bại. Chính những lúc như vậy, mọi người trở nên đoàn kết với nhau hơn. Kết thúc trò chơi, dù ai thắng, ai thua thì mọi người vẫn vui sướng mà chúc mừng nhau, chẳng có hờn giận gì cả. Đó chính là tình làng nghĩa xóm.

Em mong sao, dù thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều trò chơi mới hơn nữa. Thì trò chơi kéo co này vẫn sẽ được gìn giữ và phát huy. Để phần nào nét văn hóa làng quê mộc mạc nơi này sẽ trường tồn mãi mãi.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?