Giải thích câu nói Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

I. Mở bài

- Giới thiệu M. Goóc-ki và quá trình tự rèn luyện để trở thành một nhà văn nổi tiếng, phần lớn nhờ đọc sách.

- Dẫn đề (ghi lại câu nói của M. Goóc-ki).

- Chuyển mạch: giải thích câu nói, nêu cách chọn sách và phương pháp đọc sách.

II. Thân bài

1. Giải thích

* “Sách”: chứa đựng tri thức loài người, được chọn lọc, tích lũy từ ngàn xưa, là công cụ truyền lưu văn hóa nhân loại.

* “Sách mở rộng những chân trời mới”:

- Mở rộng hiểu biết về thế giới tự nhiên và vũ trụ.

- Mở rộng hiểu biết về loài người, các dân tộc xa lạ: đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm, văn hóa của họ.

- Rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ của ta.

2. Cách chọn và đọc sách

* Chọn sách tốt, sách tốt giúp ta:

- Nhận thức đúng sự vật, sự việc, con người.

- Hành động đúng và tiến bộ.

- Nâng cao phẩm chất đạo đức, làm phong phú đời sống tinh thần.

* Loại bỏ sách xấu, vì sách xấu:

- Bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử.

- Khích động những thị dục thấp hèn.

- Thúc đẩy những hành vi sai trái, hành động vô đạo đức.

- Dẫn chứng.

* Cách đọc sách

- Chọn thời gian và nơi đọc thích hợp.

- Chọn lọc, tiếp thu những tri thức tốt, bổ sung kiến thức bản thân.

- Dẫn chứng.

III. Kết bài

- Tóm lược những chân trời mới mà sách có thể mở rộng cho ta.

- Sách gắn liền với nền văn minh của nhân loại.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Em hãy giải thích câu nói Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Sách từ lâu đã được biết đến là một người bạn đồng hành tin cậy trong cuộc sống của con người. Bàn về vai trò to lớn của sách trong đời người, M. Gorki từng nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

“Sách” là nguồn tri thức tập trung tri thức phục vụ đời sống con người. Còn “chân trời mới” - ẩn dụ chỉ những khoảng tri thức mới, điều mới mẻ, tốt đẹp, những hiểu biết mang tính sâu rộng hơn. “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” có nghĩa là đối với M. Goóc-ki mà nói, sách chính là công cụ giúp ông có thêm những hiểu biết mới về thế giới. Nhờ sách, M. Goóc-ki nhìn nhận được những điều mới mẻ trong cuộc đời. Điều ấy có lẽ không phải chỉ đúng với riêng ông mà đúng với tất cả mọi người trong xã hội.

Trong cuộc sống của mình, con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, suy nghĩ của con người được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Và vì vậy, sách trở thành một con đường quan trọng để con người đến với tri thức. Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống… Tuỳ vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống, …

Do những điều trên mà khi con người đọc sách, sách sẽ cung cấp tri thức cho con người, con người biết được mọi chuyện Đông, Tây, kim cổ, trên vũ trụ xa vời hay dưới lòng đất thẳm sâu. Đến với sách, ta sẽ được “du lịch miễn phí” đến những quốc gia xa xôi, bay đến những vì sao, thám hiểm trong lòng biển. Không chỉ thế, ta còn có thể ngược dòng lịch sử trở về quá khứ thậm chí bay vào thế giới viễn tưởng để hình dung về cuộc sống trong tương lai. Kì diệu hơn, ta còn có thể thâm nhập vào thế giới vi mô của sự vật hiện tượng để biết về nguồn gốc chung của cả vũ trụ…

Thực tế sẽ chứng minh vì sao sách lại “mở ra trước mắt” con người “những chân trời mới”. Như mọi người đều biết, sách là nơi lưu trữ những tri thức, những thành tựu của con người có được trong quá khứ. Và mục đích người ta ghi lại bằng sách, là để thế hệ sau có thể học hỏi, nghiên cứu, khám phá. Chính bởi vậy, có thể nói, sách cung cấp cho con người những hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua bất kì một quyển sách nào, chúng ta ít nhất cũng sẽ thu nhận được một điều mới mẻ nào đó. Từ cội nguồn của sách, bao nhiêu ý tưởng thú vị mang ý nghĩa đã ra đời… Con người từ một đứa trẻ ngây thơ vừa mới chập chững bước vào lớp 1, để trở thành một người chững chạc và hiểu biết khi học hết lớp 12, đều nhờ một phần không nhỏ ở việc chúng ta được học các kiến thức trong sách vở hằng ngày. Những cuốn sách khoa học tự nhiên cung cấp cho con người kiến thức chuyên ngành. Những cuốn sách lịch sử lưu giữ, mở ra trước mắt ta “chân trời” quá khứ dân tộc, để ta hiểu và tự hào. Sách thiên văn học giúp ta tìm hiểu về vũ trụ, sách kĩ năng mở ra cho con người những hiểu biết về các kỹ năng mềm trong xã hội. Sách địa lí mở ra cho chúng ta hiểu biết về các địa điểm nổi tiếng thế giới mà không nhất thiết phải đến tận nơi, sách ẩm thực mở ra “chân trời” các món ăn…Đến với những cuốn sách văn học, ta lại có dịp được nhìn ra một “chân trời mới” ngay trong chính bản thân mình, đó là chân trời của tâm hồn, của cái đẹp… Còn rất nhiều những “chân trời mới” mà mỗi cuốn sách khác nhau đang sẵn sàng mở ra trước mắt con người, chỉ cần con người có khát khao khám phá.

Mỗi trang sách không những chứa đựng những thông tin mà qua đó sách còn giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi đọc sách, người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nếu Hoài Thanh viết trong “Ý nghĩa văn chương”: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có…”, thì ta cũng có thể nói rằng: sách đã cho ta những tình cảm ta chưa có, còn bồi đắp cho ta những tình cảm ta sẵn có. Khi đọc sách sử, người ta có thể thêm yêu nước, thêm yêu đồng loại. Sách có thể cho ta một cách sống thế nào cho ý nghĩa mà có thể trường học, đường đời chưa dạy ta. Đó là những triết lý cuộc sống mà chúng ta tìm được khi đọc một câu chuyện, một lời tâm sự trên trang sách. Khi đọc sách ta có thể nhận ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và chứa trong đó nhiều giá trị cao đẹp, giúp ta nhìn nhận chính mình cũng như người xung quanh chính xác hơn.

Như vậy, trong câu nói của nhà văn Nga, “chân trời mới” có thể được hiểu là những chân trời tri thức mới, những chân trời cảm xúc mới. Tất cả đã giúp con người đẹp thêm, có văn hóa hơn, nhân ái hơn…

Vậy nên, để sách thực sự có thể mở ra trước mắt ta những chân trời mới, mỗi người cần thực sự hiểu và trân trọng giá trị của sách vở. Phải lựa chọn cho mình những cuốn sách thực sự cần thiết và bổ ích, đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh, công việc của bản thân. Ngoài ra, cũng nên đọc thêm các loại sách bổ trợ kĩ năng và sách có thể giúp chúng ta có thêm hiểu biết về xã hội. Đọc sách không được đọc qua loa mà phải đọc thật kĩ, kết hợp vừa đọc vừa suy ngẫm, bởi đọc sách mà vô tội vạ, đọc qua loa sẽ chẳng đọng lại được điều gì, thế thì chân trời mới mãi vẫn chỉ là “chân trời mới”. Trong quá trình đọc sách, đặc biệt cần vận dụng linh hoạt những gì trong sách, không nên rập khuôn sáo rỗng, có như thế khả năng tư duy của bản thân mới được mở rộng và giới hạn của bản thân mới được khám phá.

Tựu trung lại, sách “mở ra” trước mắt con người “những chân trời mới”, có nghĩa là “sách” là một cánh cửa để “mở ra” “chân trời”, còn khám phá “chân trời” ấy theo cách nào là việc của mỗi chúng ta. Điều quan trọng là phải nỗ lực biến “chân trời mới” trong mỗi cuốn sách trở nên quen thuộc hơn. Khi đó, con người thực sự sẽ nâng thêm một bậc vốn hiểu biết của mình. Câu nói của văn hào M. Goóc-ki vẫn luôn mang giá trị thời đại sâu sắc.

2. Bài văn mẫu số 2

Đời sống xã hội càng hiện đại, nhu cầu đọc sách càng phát triển. Thực tế ấy đã được lịch sử chứng minh qua nhiều thiên niên kỷ. M. Goóc-ki từng nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Trong cuộc sống của mình, con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, suy nghĩ của con người được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Và vì vậy, sách trở thành một con đường quan trọng để con người đến với tri thức. Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống… Tuỳ vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống,…

Khi nền văn hoá chưa tiến bộ, máy in chưa ra đời, thậm chí cả giấy bút cũng chưa có, con người đã nghĩ ra một điều gì đó tương tự như “sách”. Người Ai Cập cổ đại cũng dùng đất sét để ghi những lưu trữ cần thiết. Người Trung Quốc thì dùng mực viết lên các thẻ tre. Người Pháp thì lại dùng các tấm da dê… Đó chính là những hình thức đầu tiên của sách. Người ta đã nhận thấy tầm quan trọng của sách, họ cần sách để giữ lại những kinh nghiệm sống, những câu chuyện lịch sử… để truyền lại cho đời sau.

Ngày nay, khi nghề in đã vô cùng phát triển, hàng ngàn cuốn sách ra đời nhưng con người vẫn không mất đi hứng thú khi lật lại những trang sách cổ. Họ tìm tòi ý nghĩa của các hình vẽ, các loại chữ cổ để biết được thêm về đời sống ngày xưa. Bây giờ, ngôn ngữ của các nước khác nhau đều được mọi người biết đến, yêu thích và học hỏi; thì các cuốn sách lại càng được quý trọng. Không phải vì ngẫu nhiên mà một quyển sách lại được dịch ra nhiều thứ tiếng, đó là để mọi người hiểu nhau hơn, biết đến các tập tục, các kinh nghiệm… của nước bạn. Dường như sách đã vượt qua mọi không gian, mọi thời gian gắn kết mọi người với nhau.

Tác động của sách không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người ngày nay vẫn không hề giảm sút hứng thú tìm lại những trang sách đã có hàng mấy nghìn năm nay, từ những hình vẽ bí hiểm trên những phiến đất sét, những chữ cái từ lâu đã trở nên lạ lùng trên các tấm da cừu… cho đến hôm nay, những cuốn sách được in hàng loạt bằng những máy in điện tử hiện đại. Một người sống ở một làng hẻo lánh ở châu Á cũng có thể đọc được của một người viết từ một đất nước xa xôi ở châu Mĩ. Thật có thể nói rằng: có sách các thế kỉ và các dân tộc xích lại gần nhau. Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những quy luật của nó, hiểu được trái đất tròn trên mình nó có bao nhiêu đất nước khác nhau với những thiên nhiên khác nhau. Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hoá, những truyền thống, những khát vọng. Sách, đặc biệt là những cuốn sách văn học giúp ta hiểu biết về đời sống bên trong của con người, qua các thời kỳ khác nhau, ở những dân tộc khác nhau, những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ, những khát vọng và đấu tranh của họ.

Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình, hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này, hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này. Sách giúp cho người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc, đâu là nỗi khổ của con người và phải làm gì để sống cho đúng và để đi tới một cuộc đời thực sự. Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng.

Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình, hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này, hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này. Sách giúp người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc, đâu là nỗi khổ của mỗi người và phải làm gì để sống cho đúng và đi tới một cuộc đời thật sự. Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng.

Bởi vậy, từ câu nói của nhà văn vô sản Nga, ta có thể tự xác định cho mình một thái độ đối với sách. Trước hết, phải biết quý trọng sách và coi việc đọc sách là một công việc rất cần thiết, vừa rất thú vị vừa rất bổ ích. Sống mà không đọc sách, không ham mê sách, là một điều không thể chấp nhận được. Nhưng phải chọn sách để đọc. Không bị mê hoặc bởi sự hấp dẫn của hình thức, không để bị lôi cuốn bởi những thị hiếu tầm thường, phải tìm đến những cuốn sách thực sự tốt, có ích. Mặt khác, đọc sách không chỉ là một sự hưởng thụ, mà còn là một cách hành động ở đời. Cho nên, đọc sách là để rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống tốt hơn, hành động có hiệu quả hơn. Đọc sách mà không tiêu hóa được, không vận dụng được vào hành động, thì dẫu đọc hàng nghìn cuốn sách cũng không hơn gì cái tủ mọt đựng sách.

Hàng ngàn năm qua, con người đã sáng tạo ra sách và mê đọc sách. Nhưng nếu xưa kia niềm vui ấy chỉ là đặc quyền của một số người rất nhỏ thì ngày nay là niềm vui, là quyền lợi của cả những con người bé nhỏ bình thường. Sách vẫn tiếp tục phát huy tác dụng kì diệu của nó. Ta không thể hình dung một thế giới không có sách. Không còn sách, nền văn minh nhân loại cũng sẽ không còn.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?