Bài 1 trang 212 SGK Hóa 10 nâng cao
Hằng số cân bằng KC của một phản ứng phụ thuộc vào yếu tố nào sau đây?
A. Nồng độ.
B. Nhiệt độ.
C. Áp suất.
D. Sự có mặt chất xúc tác.
Hướng dẫn giải:
Chọn B.
Hằng số cân bằng KC chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ.
Bài 2 trang 212 SGK Hóa 10 nâng cao
Cân bằng hóa học là gì? Tại sao nói cân bằng hóa học là cân bằng động? Hãy cho biết ý nghĩa của hằng số cân bằng KC. Hằng số cân bằng KC của một phản ứng có luôn luôn là một hằng số không?
Hướng dẫn giải:
- Cân bằng hóa học là trạng thái của phản ứng thuận nghịch khi tốc độ phản ứng thuận bằng tốc độ phản ứng nghịch.
- Cân bằng hóa học là cân bằng động vì: ở trạng thái cân bằng không phải là phản ứng dừng lại, mà phản ứng thuận và phản ứng nghịch vẫn xảy ra nhưng tốc độ bằng nhau (vt = vn ). Điều này có nghĩa là trong một đơn vị thời gian số mol chất phản ứng giảm đi bao nhiêu theo phản ứng thuận lại được tạo ra bấy nhiêu theo phản ứng nghịch. Do đó cân bằng hóa học là cân bằng động.
- Ý nghĩa của hằng số cân bằng KC: Hằng số cân bằng KC cho thấy tích nồng độ các sản phẩm phản ứng lớn hơn hay bé hơn tích nồng độ các chất phản ứng bao nhiêu lần. Mặt khác, vì nó cho biết lượng các chất phản ứng còn lại và lượng các sản phẩm tạo thành ở vị trí cân bằng, do đó biết hiệu suất của phản ứng.
- Hằng số cân bằng KC của một phản ứng không luôn luôn là hằng số vì hằng số cân bằng phụ thuộc vào nhiệt độ. Tại một nhiệt độ, mỗi cân bằng hóa học có một hằng số cân bằng đặc trưng cho nó.
Bài 3 trang 212 SGK Hóa 10 nâng cao
Viết các biểu thức hằng số cân bằng cho các phản ứng sau:
a) CaCO3 (r) ⇔ CaO (r) + CO2 (k)
b) Cu2O + 1/2O2 ⇔ 2CuO (r)
c) 2SO2 (k) + O2 (k) ⇔ 2SO3
SO2 (k) + 1/2O2 (k) ⇔ SO3 (k)
2SO3 (k) ⇔ 2SO2 (k) + O2 (k)
Hãy cho biết mối liên hệ giữa ba hằng số cân bằng ứng với ba trường hợp trong câu c) ở cùng nhiệt độ.
Hướng dẫn giải:
Hằng số cân bằng của các phản ứng
a) KC = [CO2]
b) \({K_C} = \frac{1}{{{{[{O_2}]}^{\frac{1}{2}}}}}\)
c) \({K_{{C_1}}} = \frac{{{{[S{O_3}]}^2}}}{{{{[S{O_2}]}^2}.[{O_2}]}}\)
\({K_{{C_2}}} = \frac{{[S{O_3}]}}{{[S{O_2}].{{[{O_2}]}^{\frac{1}{2}}}}}\)
\({K_{{C_3}}} = \frac{{{{[S{O_2}]}^2}.[{O_2}]}}{{{{[S{O_3}]}^2}}}\)
Mối liên hệ giữa 3 hằng số: KC1, KC2 và KC3
\({K_{{C_3}}} = \frac{1}{{{K_{{C_1}}}}}\)
\({K_{{C_2}}} = \sqrt {{K_{{C_1}}}} \)
\({K_{{C_3}}} = {(\frac{1}{{{K_{{C_2}}}}})^2} = \frac{1}{{{K^2}_{{C_2}}}}\)
Bài 4 trang 213 SGK Hóa 10 nâng cao
Sự chuyển dịch cân bằng hóa học là gì? Những yêu tố nào ảnh hưởng đến cân bằng hóa học? Chất xúc tác có ảnh hưởng đến cân bằng hóa học không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Sự dịch chuyển cân bằng hóa học là sự di chuyển từ trạng thái cân bằng này sang trạng thái cân bằng khác do tác động của các yếu tố từ bên ngoài lên cân bằng.
- Những yếu tố ảnh hưởng đến cân bằng hóa học là: nồng độ, áp suất và nhiệt độ
- Chất xúc tác không ảnh hưởng đến cân bằng hóa học vì chất xúc tác không làm biến đổi nồng độ các chất trong cân bằng và cũng không làm biến đổi hằng số cân bằng. Chất xúc tác làm tăng tốc độ phản ứng thuận và tốc độ phản ứng nghịch với số lần bằng nhau nên có tác dụng làm cho phản ứng thuận nghịch đạt tới trạng thái cân bằng nhanh chóng hơn.
Bài 5 trang 213 SGK Hóa 10 nâng cao
Phát biểu nguyên lí Lơ Sa-tơ-li-ê và dựa vào cân bằng sau để minh họa:
C(r) + CO2(k) ⇌ 2CO(k); ΔH = 172KJ
Hướng dẫn giải:
- Nguyên lí Lơ Sa-tơ-li-ê: "Một phản ứng thuận nghịch đang ở trạng thái cân bằng khi chịu một tác động bên ngoài, như biến đổi nồng độ, áp suất, nhiệt độ thì cân bằng sẽ chuyển dịch theo chiều làm giảm tác động bên ngoài đó".
- Áp dụng: Giảm áp suất, tăng nhiệt độ, tăng nồng độ CO2 hoặc giảm nồng độ CO cân bằng sẽ chuyển dịch theo chiều thuận.
Bài 6 trang 213 SGK Hóa 10 nâng cao
Xét các hệ cân bằng sau trong một bình kín:
a) C(r) + H2O(k) → CO(k) + H2(k); ΔH = 131 kJ
b) CO(k) + H2O(k) → CO2(k) + H2(k); ΔH = - 41kJ
Các cân bằng trên chuyển dịch như thế nào khi biên đổi một trong các điều kiện sau:
- Tăng nhiệt độ.
- Thêm lượng hơi nước vào.
- Thêm khí H2 vào.
- Tăng áp suất chung bằng cách nén cho thể tích của hệ giảm xuống.
- Dùng chất xúc tác.
Hướng dẫn giải:
Câu a:
C(r) + H2O(k) ⇌ CO(k) + H2(k); ΔH > 0
Câu b:
CO(k) + H2O(k) ⇌ CO2(k) + H2(k); ΔH < 0
Phản ứng a | Phản ứng b | |
Tăng nhiệt độ | → | ← |
Thêm lượng hơi nước | → | → |
Thêm khí H2 vào. | ← | ← |
Tăng áp suất | ← | Không đổi |
Chất xúc tác | Không đổi | Không đổi |
Bài 7 trang 213 SGK Hóa 10 nâng cao
Cho biết phản ứng thuận nghịch sau:
H2(k) + I2(k) ⇌ 2HI(k)
Nồng độ các chất lúc cân bằng ở nhiệt độ 430oC như sau:
[H2] = [I2] = 0,107M; [HI] = 0,786M
Tính hằng số cân bằng KC của phản ứng ở 430oC.
Hướng dẫn giải:
Biểu thức tính hằng số cân bằng
\({K_C} = \frac{{{{[HI]}^2}}}{{[{H_2}].[{I_2}]}}\)
Thay các giá trị [HI] = 0,786M; [H2] = [I2] = 0,107M
Vậy: \({K_C} = \frac{{{{(0,786)}^2}}}{{{{(0,107)}^2}}} = 53,96\)
Bài 8 trang 213 SGK Hóa 10 nâng cao
Cho biết phản ứng sau:
H2O(k) + CO(k) ⇌ H2(k) + CO2(k)
ở 700oC hằng số cân bằng KC = 1,873. Tính nồng độ H2O và CO ở trạng thái cân bằng, biết rằng hỗn hợp ban đầu gồm 0,300 mol H2O và 0,300 mol CO trong bình 10 lít ở 700oC.
Hướng dẫn giải:
CM H2O ban đầu = 0,03 mol/l
CM CO ban đầu = 0,03 mol/l
Gọi x là nồng độ nước phản ứng:
H2O + CO ⇔ H2 + CO2
Phản ứng x x
Cân bằng (0,03-x) (0,03-x) x x
Ta có:
\(K = \frac{{{x^2}}}{{{{(0,03 - x)}^2}}} = 1,873 \to x = 0,017\)
Vậy : [H2O] = 0,03 – 0,017 = 0,013 (M); [CO] = 0,013 (M)
Bài 9 trang 213 SGK Hóa 10 nâng cao
Hằng số cân bằng KC của phản ứng:
H2(k) + Br2(k) ⇌ 2HBr(k) ở 730oC là 2,18.106. Cho 3,20 mol HBr vào trong bình phản ứng dung tích 12,0 lít ở 730°C. Tính nồng độ của H2, Br2 và HBr ở trạng thái cân bằng.
Hướng dẫn giải:
Ta có: CM HBr = 0,27M
Gọi nồng độ của H2 và Br2 phản ứng là x
H2 + Br2 ⇔ 2HBr
Phản ứng: x x
Cân bằng: x x (0,27 - 2x)
Ta có:
\(K = \frac{{{{(0,27 - 2x)}^2}}}{{{x^2}}} = 2,{18.10^6} \to x = 1,{82.10^{ - 4}}\)
Vậy: [H2] = [Br2] = 1,82.10-4 M; [HBr] = 0,27 – 0,000364 ≈ 0,27M.
Bài 10 trang 213 SGK Hóa 10 nâng cao
Iot bị phân hủy bởi nhiệt theo phản ứng sau: I2(k) ⇌ 2I(k)
Ở 727oC hằng số cân bằng KC là 3,80.10-5. Cho 0,0456 mol I2 vào ưong bình 2,30 lít ở 727°C. Tính nồng độ I2 và I ở trạng thái cân bằng.
Hướng dẫn giải:
Ta có: CM (I2) = 0,0198 M
Gọi nồng độ iot bị chuyển hóa là x
I2(k) ⇌ 2I(k)
Phản ứng: x
Cân bằng: 0,0198 - x 2x
Ta có:
\(K = \frac{{4{x^2}}}{{0,0198 - x}} = 3,{8.10^{ - 5}} \to x = 0,{434.10^{ - 3}}\)
Vậy: [I2] = 0,0198 – 0,000434 = 0,0194M; [I] = 0,86.10-3M
Trên đây là nội dung chi tiết Giải bài tập nâng cao Hóa 10 Chương 6 Bài 50, với hướng dẫn giải chi tiết, rõ ràng, trình bày khoa học. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh lớp 10 học tập thật tốt!