Đề thi tham khảo vào lớp 10 năm học 2020 môn Ngữ Văn - Trường THCS Yên Viên

PHÒNG GD&ĐT GIA LÂM                                                           ĐỀ THAM KHẢO THI VÀO LỚP 10

TRƯỜNG THCS YÊN VIÊN                                                                  NĂM HỌC: 2020 - 2021

                                                                                                                  MÔN: NGỮ VĂN

Phần I (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Cái mạnh của con người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật   hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỉ luật cao và thái độ nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi. Tiếc rằng ngay trong mặt mạnh này của chúng ta cũng lại ẩn chứa những khuyết tật không tương tác chút nào với một nền kinh tế công nghiệp hóa chứ chưa nói tới nền kinh tế tri thức. Người Việt Nam ta cần cù thì cần cù thật, nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ.”

Câu 1. Đoạn trích trên nằm trong văn bản nào, của ai? Nêu thời điểm văn bản đó ra đời. Thời điểm ấy có ý nghĩa đặc biệt gì? (1.25 điểm)

Câu 2. Chỉ ra một phép liên kết trong đoạn trích trên. Nêu từ ngữ được dùng để liên kết. (0.75 điểm)

Câu 3. Ngày nay, sự sáng tạo có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đoạn trích trên và những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về sự sáng tạo bằng một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi. (2.0 điểm)

Phần II (6.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

(“Ánh trăng” - Nguyễn Duy)

Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ nào? Kể tên hai bài thơ đã học trong chương trình Trung học cơ sở cũng viết theo thể thơ đó? (0.75 điểm)

Câu 2. Ở phần trên của bài thơ, khi nói đến sự xuất hiện của vầng trăng, tác giả viết “vầng trăng tròn”; trong đoạn thơ này, một lần nữa, nhà thơ lại viết: “Trăng cứ tròn vành vạnh”. Theo em, việc lặp lại hình ảnh này có ý nghĩa gì? (1.0 điểm)

Câu 3. Hãy chép chính xác một câu thơ có hình ảnh “trăng” ở một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn THCS. Nêu rõ tên bài thơ đó. (0.75 điểm)

Câu 4. Từ khổ thơ trên, em hãy viết một đoạn văn theo hình thức lập luận diễn dịch khoảng 12 câu trình bày cảm nhận của em về những triết lí và suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Duy gửi gắm qua hình tượng trăng. Trong đoạn văn có sử dụng một thành phần biệt lập tình thái và một câu ghép ( gạch dưới thành phần biệt lập tình thái và câu ghép đó) (3.5 điểm)

                                                       ................HẾT...............

                           HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT                 

Phần I (4.0 điểm)

Câu 1:

Nêu chính xác tên văn bản và tên tác giả.

Nêu chính xác năm ra đời.

Ý nghĩa đặc biệt: Thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỉ và giữa hai thiên niên kỉ.

Câu 2:

HS chỉ ra được một phép liên kết trong đoạn trích.

Nêu chính xác từ ngữ được dùng để thực hiện phép liên kết đó.

Câu 3:

Về hình thức:

+ Khoảng 2/3 trang giấy thi.

+ Tự chọn phương pháp lập luận, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức biểu đạt, diễn đạt sinh động, hấp dẫn.

Về nội dung:

HS có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải bày tỏ được những suy nghĩ cá nhân của mình về sự sáng tạo:

  • Sáng tạo là gì?
  • Ý nghĩa của sự sáng tạo đối với đời sống con người là gì?
  • Biểu hiện của sự sáng tạo, những tấm gương sáng tạo.

Có những liên hệ cần thiết đối với bản thân và cộng đồng…

  • Đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức, diễn đạt lưu loát, lập luận chặt chẽ.

Phần II (6.0 điểm)

Câu 1:

Nêu chính xác thể thơ

Nêu chính xác tên 2 văn bản thơ cũng viết theo thể thơ đó

Câu 2:

Việc lặp lại hình ảnh "vầng trăng tròn" nhằm mục đích

- Nhấn mạnh vào vẻ vẹn nguyên, tròn đầy, thủy chung của những ân tình của thiên nhiên, đồng đội, nhân dân.... trong quá khứ.

-Từ đó càng làm nổi bật sự đổi thay, bội bạc của con người.

Câu 3:

-HS chép chính xác câu thơ.

-HS nêu rõ tên bài thơ.

Câu 4:

Về hình thức (1 điểm):

- Đúng một đoạn văn diễn dịch. Đảm bảo số câu theo yêu cầu.

- Có câu chứa thành phần biệt lập tình thái, câu ghép (chú thích rõ trong đoạn văn).

Về nội dung (2,5 điểm):

* Làm rõ được nội dung của đoạn thơ:  Những triết lí và suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Duy gửi gắm qua hình tượng trăng qua khổ thơ (kết hợp với việc chỉ rõ các yếu tố nghệ thuật đặc sắc của khổ thơ: ẩn dụ, nhân hóa, đối lập…)

 Cần đảm bảo một số ý sau:

- Trăng đã trở thành biểu tượng cho sự bất biến, vĩnh hằng không thay đổi. "trăng tròn vành vạnh" biểu tượng cho sự tròn đầy, thuỷ chung, trọn vẹn của thiên nhiên, quá khứ, dù cho con người đổi thay "vô tình".

- Ánh trăng còn được nhân hoá "im phăng phắc'' gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung, độ lượng của người bạn thuỷ chung, tình nghĩa.

- Sự im lặng ấy làm nhà thơ ''giật mình'' thức tỉnh, cái ''giật mình'' của lương tâm nhà thơ thật đáng trân trọng, nó thể hiện sự suy nghĩ, trăn trở tự đấu tranh với chính mình để hướng tới thái độ sống ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

- Qua đó Nguyễn Duy muốn gửi đến mọi người lời nhắc nhở về lẽ sống, về đạo lí ân nghĩa thuỷ chung.

Đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức, diễn đạt lưu loát, lập luận chặt chẽ.

 

Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm Đề thi tham khảo vào lớp 10 năm học 2020 môn Ngữ Văn - Trường THCS Yên Viên. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. 

                                                                                           ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn--

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?