Đề thi HSG cấp trường môn Sinh học 9 năm 2021 Trường THCS Bình Minh có đáp án

TRƯỜNG THCS BÌNH MINH

 

ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG

Môn: SINH HỌC 9

Năm học: 2020 – 2021

Tổng thời gian làm bài: 150 phút

 

ĐỀ BÀI

Câu 1 (2,0 đ):

Cho biết ở một loài côn trùng, hai cặp tính trạng về chiều cao chân và độ dài cánh do gen nằm trên NST thường quy định và di truyền độc lập với nhau.

Gen A: chân cao; gen a: chân thấp

Gen B: cánh dài; gen b: cánh ngắn.

Người ta tiến hành hai phép lai và thu được hai kết quả khác nhau ở con lai F1 như sau:

1. Phép lai 1, F1 có:

37,5% số cá thể có chân cao, cánh dài.

37,5% số cá thể có chân thấp, cánh dài.

12,5% số cá thể có chân cao, cánh ngắn.

12,5% số cá thể có chân thấp, cánh ngắn.

2. Phép lai 2, F1 có:

25% số cá thể có chân cao, cánh dài.

25% số cá thể có chân cao, cánh ngắn.

25% số cá thể có chân thấp, cánh dài.

25% số cá thể có chân thấp, cánh ngắn.

Hãy biện luận và lập sơ đồ lai cho mỗi phép lai trên.

Câu 2 (3,0 đ):

1. Một chu kỳ tế bào gồm những pha chủ yếu nào? Tính chất đặc trưng của NST được biểu hiện ở pha nào trong chu kì tế bào.

2.  Những cơ chế sinh học nào xảy ra đối với các cặp NST tương đồng ở cấp độ tế bào đã làm biến dị tổ hợp xuất hiện phong phú ở những loài sinh sản hữu tính?

Câu 3 (3.5đ):

1. So sánh quá trình tổng hợp ADN với ARN?

2. Tại sao trong quá trình tổng hợp ADN lại có 1 mạch mới được tổng hợp liên tục và mạch mới còn lại được tổng hợp gián đoạn?

3. Một gen quy định cấu trúc của một chuỗi polypeptit gồm 498 axit amin. Có T/X = 2/3. Một đột biến xảy ra làm cho tỷ lệ T/X = 66,48%. Cho biết đột biến không làm thay đổi số nucleotit của gen.

Đột biến này thuộc dạng nào của đột biến? Nguyên nhân phát sinh đột biến đó.

Câu 4 (1,5 đ):

1. Sự hình thành thể đa bội do nguyên phân và giảm phân không bình thường diễn ra như thế nào?

2. Một cơ thể có kiểu gen: Aaa. Viết kiểu gen của các loại giao tử phát sinh từ cơ thể trên?

Câu 5 (1,5đ): Trình bày cơ chế hình thành thể dị bội (2n+1). Cho 2 ví dụ về đột biến dị bội này ở người.

Câu 6 (3,0 đ):

1. Kỹ thuật gen là gì?

2. Nếu dùng vi khuẩn đường ruột E.coli làm thể truyền để sản xuất hoocmon Insulin thì những bước cơ bản cần tiến hành như thế nào?

3. Ở 1 loài thực vật, 2 alen A & a khởi đầu bằng 1 cá thể có kiểu gen Aa. Sau n thế hệ tự thụ phấn liên tục thì tỉ lệ đồng hợp tử, di hợp tử sẽ thay đổi như thế nào?

Câu 7 (5,5 đ):

1. Một hệ sinh thái hoàn chỉnh bao gồm các yếu tố cấu thành nào?

2.a. Nêu các mối quan hệ sinh thái có thể có giữa các sinh vật với sinh vật trong quần thể và trong quần xã.

b. Sự khác nhau chủ yếu giữa quan hệ hỗ trợ và đối địch của các sinh vật khác loài? Cho ví dụ.

c. Tại sao nói cạnh tranh khác loài là động lực của tiến hóa?

3. Vì sao trong cùng 1 thời gian, số thế hệ của mỗi loài động vật biến nhiệt ở vùng nhiệt đới lại nhiều hơn số thế hệ của cùng loài ở vùng ôn đới?

ĐÁP ÁN

Câu 1:

1. Phép lai 1:

- F1 có tỉ lệ 37,5%: 37,5%: 12,5%: 12,5% = 3: 3: 1: 1

- Xét từng cặp tính trạng ở con lai F1:

* Về chiều cao chân:

Chân cao: chân thấp= 1: 1

=> P: Aa (chân cao) x aa (chân thấp)

* Về độ dài cánh:

Cánh dài: cánh ngắn= 3: 1

=> P đều mang kiểu gen dị hợp: Bb (cánh dài) x Bb (cánh dài)

* Tổ hợp 2 cặp tính trạng, suy ra:

- Một cơ thể P mang kiểu gen AaBb (chân cao, cánh dài)

- Một cơ thể P còn lại mang kiểu gen aaBb (chân thấp, cánh dài)

* Sơ đồ lai:

P:       AaBb (chân cao, cánh dài) x aaBb (chân thấp, cánh dài)

Gp:        AB, Ab, aB, ab                   aB, ab

F1:

Kiểu gen: 1 AaBB: 2 AaBb: 1 aaBB: 2 aaBb: 1 Aabb: 1 aabb

Kiểu hình: 3 chân cao, cánh dài: 3 chân thấp, cánh dài: 1 chân cao, cánh ngắn: 1 chân thấp, cánh ngắn.

2. Phép lai 2:

- F1 có tỉ lệ 25%: 25%: 25%: 25% =1: 1: 1: 1

- Xét từng cặp tính trạng ở con lai F1:

* Về chiều cao chân:

Chân cao: chân thấp= 1: 1

=> P: Aa (chân cao) x aa (chân thấp)

* Về độ dài cánh:

Cánh dài: cánh ngắn= 1: 1

=> P: Bb (cánh dài) x bb (cánh ngắn)

* Tổ hợp 2 cặp tính trạng, suy ra phép lai của 2 cơ thể P là một trong 2 trường hợp sau:

P: AaBb x aabb                                  , P: Aabb x aaBb

Trường hợp 1:

P:       AaBb (chân cao, cánh dài) x aabb (chân thấp, cánh ngắn)

Gp:        AB, Ab, aB, ab                    ab

F1:

Kiểu gen: 1 AaBb: 1 Aabb: 1 aaBb: 1 aabb

Kiểu hình: 1 chân cao, cánh dài: 1 chân cao, cánh ngắn: 1 chân thấp, cánh dài: 1 chân thấp, cánh ngắn.

Trường hợp 2:

P:       Aabb (chân cao, cánh ngắn) x aaBb (chân thấp, cánh dài)

Gp:        Ab, ab                                     aB, ab

F1:

Kiểu gen: 1 AaBb: 1 Aabb: 1 aaBb: 1 aabb

Kiểu hình: 1 chân cao, cánh dài: 1 chân cao, cánh ngắn: 1 chân thấp, cánh dài: 1 chân thấp, cánh ngắn.

Câu 2:

1.

*Một chu kỳ tế bào gồm giai đoạn chuẩn bị (kỳ trung gian) và quá trình phân bào nguyên phân.

- Kì trung gian chiếm 90% tổng thời gian của chu kỳ tế bào là thời gian sinh trưởng của tế bào.

- Kì phân bào gồm 2 giai đoạn:

+ Phân bào nguyên nhiễm gồm 4 kì.

+ Phân chia tế bào chất.

* Tính chất đặc trưng của NST là khả năng biến đổi về hình thái kích thước được thể hiện rõ tại kì phân bào.

2.

* Trong giảm phân:

- Ở đầu kì I xảy ra hiện tượng tiếp hợp và trao đổi chéo giữa 2 crômatit khác nguồn trong cặp NST tương đồng.

- Tại kì giữa I các cặp NST kép tương đồng sắp xếp ngẫu nhiên trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

- Ở kì sau I diễn ra sự phân li độc lập và tổ hợp tự do của các cặp NST kép tương đồng về hai cực của tế bào. Khi kết thúc phân bào hai tế bào mới được tạo thành đều có bộ NST đơn bội kép (nNST kép) khác nhau về nguồn gốc.

* Trong quá trình thụ tinh: Có sự kết hợp ngẫu nhiên giữa các giao tử đực với các giao tử cái giúp các cặp NST tương đồng tái tổ hợp.

Câu 3:

1. So sánh quá trình tự nhân đôi của AND với quá trình tổng hợp ARN

* Giống nhau:

- Đều xảy ra trong nhân tế bào, vào kỳ trung gian

- Đều dựa trên khuôn mẫu của ADN

- Đều diễn biến tương tự: ADN tháo xoắn, tách mạch, tổng hợp mạch mới

- Sự tổng hợp mạch mới đều diễn ra theo NTBS

- Đều cần nguyên liệu, năng lượng và sự xúc tác của Enzim.

* Khác nhau:

Cơ chế tự nhận đôi của ADN

Cơ chế tổng hợp ARN

- Diễn ra suốt chiều dài của phân tử ADN

- Diễn ra trên từng đoạn của phân tử ADN, tương ứng với từng gen hay từ nhóm gen

- Các nuclêôtit tự do liên kết với các nuclêôtit của ADN trên cả hai mạch khuôn; A liên kết với T và ngược lại.

- Các nuclêôtit tự do chỉ liên kết với các nuclêôtit trên mạch mang mã gốc của các ADN; A liên kết với U

- Hệ enzim ADN- Pôlimeraza

- Hệ enzim ARN- Pôlimeraza

- Từ phân tử ADN mẹ tạo ra hai ADN con giống hệt nhau và giống ADN mẹ.

- Từ phân tử ADN mẹ có thể tổng hợp nhiều loại ARN khác nhau, từ một đoạn ADN có thể tổng hợp được nhiều phân tử ARN cùng loại

- Sau khi tự nhân đôi AND con vẫn ở trong nhân.

- Sau khi được tổng hợp các phân tử ARN được ra khỏi nhân

- Chỉ xảy ra trước khi tế bào phân chia

- Xảy ra trong suốt thời gian sinh trưởng của tế bào

 

2. Vì:

- ADN Pôlimeraza chỉ có thể bắt đâu bổ sung Nu vào nhóm 3’OH

- Quá trình tổng hợp mạch mới luôn theo chiều 5’-3’ và luôn ngược chiều với mạch khuôn

- Tổng số Nu của gen là: (498 + 2).3.2= 3000 Nu

Vì T/X= 2/3ðX = 1,5 T

A = T= 600 Nu, G = X = 900 Nu

- Tỷ lệ T/X = 2/3 = 66,67%. Nhưng khi đột biến làm giảm tỷ lệ T/X còn 66,48%. Vì số Nu không thay đổi nên số Nu giảm cũng chính bằng X tăng.

+ Gọi a là số Nu T giảm do đột biến. Ta có phương trình

\(\frac{{T - a}}{{X + a}}\; = \frac{{600 - a}}{{900 + a\;\;}}\, = \;66,48 \to a = 1\)

Vậy đột biến làm thay một cặp A-T = G- X

Đây là đột biến gen dạng thay thế một cặp Nu

Nguyên nhân : Do ảnh hưởng của các tác nhân lý, hóa của ngoại cảnh hoặc ảnh hưởng phức tạp của môi trường trong cơ thể đã gây rối loạn quá trình tự sao chép của ADN.

Câu 4:

1. Sự hình thành thể đa bội :

- Nguyên nhân: Do ảnh hưởng của các tác nhân gây đột biến của môi trường ngoài hoặc ảnh hưởng phức tạp của môi trường trong cơ thể gây ra sự không phân li của tất cả các cặp NST trong quá trình phân bào.

- Cơ chế: (trình bày bằng sơ đồ vẫn cho điểm tối đa)

+ Xảy ra trong nguyên phân -> tạo ra thể đa bội…

+ Xảy ra trong giảm phân: Tạo ra giao tử đã bội. Giao tử này kết hợp với giao tử thường hoặc với nhau-> tạo ra thể đa bội…

2.

- Aaa có các loại giao tử: \(\frac{1}{6}A:\quad \frac{2}{6}a:\quad \frac{2}{6}Aa:\quad \frac{1}{6}aa\)

Câu 5:

* Cơ chế hình thành thể dị bội (2n+1). (HS có thể trình bày bằng lời hoặc sơ đồ)

Trong quá trình giảm phân 1 cặp NST tương đồng nào đó không phân li đã tạo ra giao tử mang cả hai NST của một cặp (n + 1), còn một giao tử không mang NST nào của cặp đó (n-1). Sự kết hợp của  giao tử (n+ 1) với giao tử thường n trong thụ tinh đã tạo ra thể dị bội (2n + 1).

* VD Thể (2n+1) ở người:

Bệnh nhân Đao có 3 NST 21;

Bệnh nhân mắc hội chứng Claiphenter có cặp NST giới tính dạng XXY…

Câu 6:

1. Khái niệm kĩ thuật gen:

Kỹ thuật gen là tập hợp những phương pháp tác động định hướng lên ADN cho phép chuyển gen từ một cá thể của một loài sang cá thể của loài khác.

2. Các bước tiến hành:

- Bước 1: Tách AND khỏi tế của người, tách AND plasmid khỏi vi khuẩn E.coli.

- Bước 2: Dùng enzim cắt AND (đoạn mã hóa insulin) của người và AND Plasmid ở những điểm xác định, dùng enzim nối đoạn AND đã cắt với AND plasmid tạo ra AND tái tổ hợp.

- Bước 3: chuyển AND tái tổ hợp vào vi khuẩn E.coli tạo điều kiện cho AND tái tổ hợp hoạt động.

 

3. Sau n thế hệ tự tụ phấn liên tục:

- Tỷ lệ thể đồng hợp tử sẽ tăng theo công thức: \(\left( {1 - \frac{1}{{{2^n}}}} \right)\)

- Tỷ lệ thể dị hợp sẽ giảm theo công thức: \(\left( {\frac{1}{{{2^n}}}} \right)\)

Câu 7:

1. Một hệ sinh thái hoàn chỉnh được cấu tạo bởi các yếu tố sau:

- Sinh vật sản xuất: là những sinh vật có khả năng quang hợp, hóa tổng hợp để tạo ra nguồn thức ăn tự dưỡng và nuôi các sinh vật dị dưỡng.

- Sinh vật tiêu thụ: gồm ĐV ăn TV, ĐV ăn ĐV

- Sinh vật phân giải: phân giải các chất hữu cơ có sẵn để trả lại chất vô cơ cho môi trường ban đầu.

- Các chất vô cơ: nước, oxi, …

- Các chất hữu cơ: lipit, protein,…

- Các yếu tố khí hậu: ánh sáng, nhiệt độ…

2.a. Các mối quan hệ sinh thái :

- Trong một quần thể (cùng loài) : có hỗ trợ và cạnh tranh cùng loài.

- Trong quần xã (khác loài) :

+ Hỗ trợ : cộng sinh, hội sinh. VD

+ Đối địch : cạnh tranh, kí sinh nửa kí sinh, sinh vật ăn thịt- con mồi… VD

2.b. Sự khác nhau cơ bản giữa hỗ trợ và đối địch trong quan hệ khác loài:

Quan hệ hỗ trợ

Quan hệ đối địch

- Là mối quan hệ có  lợi (hoặc ít nhất không hại) cho tất cả các sinh vật.

- Ví dụ:

+Tảo và nấm trong địa y (cộng sinh).

+ Cá ép bám vào rùa biển (hội sinh)

- Là mối quan hệ một bên có lợi, một bên có hại hoặc cả 2 bên cùng bị hại.

- Ví dụ:

+ Giun đũa sống trong ruột người (ký sinh)

+ Dê và bò cùng ăn cỏ trên một cánh đồng (cạnh tranh)

 

2.c. Cạnh tranh một trong những động lực của tiến hóa. Vì:

- Để chiến thắng hoặc tránh khỏi thua cuộc, trong quá trình cạnh tranh lâu dài các loài sinh vật đã biến đổi về hình thái, các đặc tính sinh lí, sinh thái...

- Cạnh tranh xảy ra thường xuyên trong lịch sử tiến hóa, do đó chỉ có các loài có ưu thế về đặc điểm hình thái, sinh lí...(đặc điểm thích nghi) thì mới tồn tại và phát triển.

  1.  

- Ở những loài động vật biến nhiệt thì tốc độ phát triển và số thế hệ trong một năm phụ thuộc và nhiệt độ.

- Khi nhiệt độ xuống thấp dưới một ngưỡng nào đó (giới hạn dưới) thì ĐV không phát triển (hoặc ngủ đông). Nhưng trên nhiệt độ đó cơ thể mới hồi phục trao đổi chất và phát triển được.

- Thời gian của một vòng đời tỷ lệ nghịch với nhiệt độ môi trường. Tức là ở vùng nhiệt đới số thế hệ nhiều hơn vùng ôn đới.

---

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề thi HSG cấp trường môn Sinh học 9 năm 2021 Trường THCS Bình Minh có đáp án. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?