Đề thi chọn HSG môn Lịch Sử 12 năm 2019 - 2020 Trường THPT Liễn Sơn

 

SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN 

 

ĐỀ THI CHỌN HSG VÒNG TRƯỜNG NĂM HỌC 2019 -2020

MÔN LỊCH SỬ – LỚP 12

(Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề)

 

 

Câu 1:  Những thành tựu về tư tưởng, tôn giáo của Trung Quốc và Ấn Độ thời kỳ phong kiến? Ảnh hưởng của các yếu tố này đến văn hoá Việt Nam?

Câu 2: Trình bày nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933. Cuộc khủng hoảng đó đã tác động như thế nào đến quan hệ quốc tế?

Câu 3: Nêu và phân tích ý nghĩa của ba chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai(1939-1945). Bài học rút ra từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Câu 4: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có những đóng góp gì trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914)?

Câu 5: Trình bày quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Liên Xô và Cộng hoà liên bang Nga từ năm 1950 đến nay.

Câu 6: Giải thích vì sao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời năm 1967 nhưng việc mở rộng thành viên từ 5 nước ban đầu lên 10 nước lại diễn ra lâu dài?

Câu 7: Những nhân tố nào thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

Câu 8: Sự khác biệt cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản trước và sau những năm 70 của thế kỷ XX? Những nguyên nhân nào đã khiến Nhật Bản điều chỉnh chính sách đối ngoại vào thời gian đó?

Câu 9: Quan hệ Mĩ - Liên Xô trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai có gì khác nhau? Cuộc Chiến tranh lạnh được khởi động như thế nào trong những năm 1947- 1949?

Câu 10: Tại sao nói: một trong những xu thế phát triển của thế giới ngày nay là các quốc gia đang ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm?

 

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HSG VÒNG TRƯỜNG NĂM HỌC 2019 -2020 - MÔN LỊCH SỬ – LỚP 12

 

Câu 1: Những thành tựu về tư tưởng, tôn giáo của Trung Quốc và Ấn Độ thời kỳ phong kiến? Ảnh hưởng của các yếu tố này đến văn hoá Việt Nam?

a. Những thành tựu về tư tưởng, tôn giáo của Trung Quốc và Ấn Độ thời kỳ phong kiến

- Trung Quốc.

+ Tư tưởng Nho giáo do Khổng Tử khởi xướng. Đến thời Hán Vũ Đế, Nho giáo trở thành công cụ sắc bén phục vụ cho nhà nước phong kiến tập quyền, trở thành cơ sở lý luận và tư tưởng của chế độ phong kiến Trung Quốc.

+ Thời Tây Hán, Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc. Lúc đầu, Phật giáo được tryền bá rộng rãi trong nhân dân, chùa chiền được xây dựng. Đến thời Tùy, Đường, Phật giáo thịnh hành…Thời kì nhà Tống, cùng với sự tôn sùng đạo Phật, Nho giáo được phát triển thêm một bước về lý luận.

- Ấn Độ.

+ Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ và được truyền bá rộng khắp dưới thời vua A-sô-ca, tiếp tục dưới triều Gúp-ta, Hậu Gúp-ta, Hác-sa. Đạo Hin-Đu (Ấn Độ giáo) ra đời và phát triển. Đây là tôn giáo bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa của người Ấn, tôn thờ rất nhiều thần thánh, mà chủ yếu 4 thần...

+ Đạo Hồi được du nhập vào Ấn Độ ở thế kỉ XIII và từ đó văn hóa Hồi giáo được phát triển, tạo nên một Ấn Độ với nền văn hoá phong phú và đa dạng.

b. Ảnh hưởng đến Việt Nam.

- Đạo Phật của người Ấn Độ sớm ảnh hưởng đến Việt Nam, thời kỳ nhà Lý, nhà Trần Đạo Phật được truyền bá rộng rãi. Các triều đại phong kiến đã tiếp thu có chọn lọc phù hợp với văn hoá người Việt: Chùa chiền xây dựng nhiều nơi: Diên Hựu, Tháp Báo Thiên...

- Nho giáo của Trung Quốc sớm ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt thời kỳ nhà Lê, Nho giáo giữ vị trí độc tôn…

Câu 2: Trình bày nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933. Cuộc khủng hoảng đó đã tác động như thế nào đến quan hệ quốc tế?

a. Nguyên nhân ….

- Trong những năm 1924- 1929, sản xuất của chủ nghĩa tư bản tăng lên quá nhanh, nhưng nhu cầu và sức mua của quần chúng lại không có sự tăng lên tương ứng làm cho hàng hóa ngày càng giảm giá, trở nên ế thừa và dẫn tới suy thoái trong sản xuất, làm cho nền kinh tế suy thoái... => khủng hoảng... Đây là cuộc khủng hoảng thừa của CNTB.

b. Tác động đến quan hệ quốc tế ….

- Tháng 10 - 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ đầu tiên ở Mĩ, sau đó lan sang các nước khác. Cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra đã khoét sâu những mâu thuẫn giữa các nước tư bản với các nước đế quốc và để giải quyết khủng hoảng đó thì các nước tư bản đã lựa chọn cho mình cách riêng

+ Đức, Ý, Nhật đã quyết định phát xít hóa bộ máy nhà nước để tiến hành Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm mục tiêu phá bỏ trật tự Vécxai - Oasinhtơn, cướp đoạt thuộc địa và thị trường, tiêu diệt Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới.

+ Anh, Pháp, Mĩ tiến hành cải cách về kinh tế, chính trị, xã hội, nhằm duy trì và củng cố chế độ dân chủ tư sản, đồng thời cũng muốn duy trì hệ thống Vécxai - Oasinhtơn.

- Như vậy, hậu quả lớn nhất của khủng hoảng kinh tế thế giới là hệ thống tư bản chủ nghĩa phân chia thành hai khối đối lập nhau, trong đó, nguy hiểm nhất là sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ của cuộc Chiến tranh thế giới mà chủ nghĩa phát xít gây ra.

Câu 3: Nêu và phân tích ý nghĩa của ba chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới II? (1939-1945). Bài học rút ra từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai?

a. Nêu và phân tích ý nghĩa của ba chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới II (1939-1945).

* Chiến thắng Matxcơva (cuối 1941)

-Tháng 6. 1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô… Quân đội và nhân dân Liên Xô kiên quyết chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Tháng 12. 1941, Hồng quân Liên Xô do tướng Giu-cốp chỉ huy đã phản công đẩy lùi quân địch ra khỏi thủ đô

Ý nghĩa: Chiến thắng Matxcơva đã đánh thiệt hại nặng nề đạo quân trung tâm của PX Đức. Đồng thời đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Đức

* Chiến thắng Xtalingrat (11/1942- /2/1943)

-Sau thất bại ở Mát- xcơ- va, quân Đức chuyển hướng tấn công xuống phía nam…đánh chiếm Xtalingrat. Trong trận phản công, Hồng quân Liên Xô đã tấn công , bao vây, chia cắt để tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đạo quân tinh nhuệ của Đức gồm 33 vạn người do thống chế Phôn Pao-lút chỉ huy

- Ý nghĩa: Đánh dấu bước ngoặt căn bản của tiến trình CTTG II, phe ĐM chuyển sang phản công trên các mặt trận. Đức ko còn khả năng phục hồi…chuyển sang phòng ngự

- Chứng tỏ nghệ thuật quân sự sang tạo của Hồng quân LX

* Trận tấn công vào Béc-lin (16/4 - 9/5/1945)

-Cuộc tấn công quân Đức ở mặt trận phía Tây của quân ĐM bắt đầu từ tháng 2-1945, Hồng quân LX bắt đầu mở cuộc tấn công Béclin từ giữa 4.1945 và đập tan sự kháng cự của hơn 1 triệu quân Đức

-Ngày 30/4/1945, Hồng quân LX đã cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Đức. Hitle tự sát dưới hầm chỉ huy. Ngày 9/5/1945, nước Đức kí hiệp ước đầu hàng ko điều kiện.

⇒ Ý nghĩa: Chiến thắng Beclin là đòn quyết định cuối cùng tiêu diệt PX Đức, buộc chính phủ mới của Đức đầu hàng và CTTG II kết thúc ở Châu âu

b. Bài học rút ra từ cuộc Chiến tranh thế giới II?

Chiến tranh nổ ra để lại hậu quả nghiêm trọng đối với tất cả các bên nhất là với nhân dân lao động. Vì vậy bào vệ hòa bình thế giới ngày nay là vấn đề toàn cầu của mọi dân tộc. Hãy bằng mọi biện phải để ngăn ngừa mọi hành động gây chiến tranh của các nước …

Câu 4: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có những đóng góp gì trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914)?

*Phan Bội Châu

-  Phát động phong trào yêu nước theo xu hướng bạo động, chống Pháp, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa.

-  Kết hợp các biện pháp đấu tranh bạo động và cải cách, giữa hoạt động thực tiễn với tuyên truyền lòng yêu nước ...

-  Đề xuất những tư tưởng mới để đoàn kết dân tộc và thực hiện đoàn kết quốc tế: tìm lực lượng đồng minh ở bên ngoài nước để đấu tranh chống thực dân phương Tây.

*Phan Châu Trinh

-  Kiên trì theo con đường cải cách “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” và coi đó là điều kiện đi tới độc lập dân tộc.

-  Khởi xướng và lãnh đạo trào lưu vận động Duy tân, nhằm từng bước đưa Việt Nam đến trình độ văn minh, tuyên truyền tư tưởng dân chủ, dân quyền, xây dựng một nền kinh tế, văn hóa độc lập, tự chủ.

Câu 5: Trình bày quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Liên Xô và Cộng hoà liên bang Nga từ năm 1950 đến nay.

- Trong những năm 50 của thế kỉ XX, quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Xô là quan hệ hữu nghị, góp phần tăng cường sức mạnh của các nước XHCN. Trung Quốc và Liên Xô kí “Hiệp ước hữu nghị liên minh tương trợ Xô - Trung”, chống chủ nghĩa đế quốc. Liên Xô cho Trung Quốc vay tiền, giúp đỡ chuyên gia và kĩ thuật để Trung Quốc khôi phục và phát triển kinh tế.

- Từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX trở đi, mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, đối đầu. Năm 1969, xung đột vũ trang giữa quân đội hai nước đã nổ ra ở biên giới Xô - Trung. Từ đó, mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, phức tạp.

- Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, Trung Quốc bình thường hoá quan hệ với Liên Xô.

- Năm 1994, Cộng hoà liên bang Nga chuyển sang chính sách đối ngoại “định hướng Âu - Á”- trong khi vừa tranh thủ phương Tây, vừa khôi phục và phát triển quan hệ với các nước châu Á.

- Năm 2007: Về quân sự, Trung Quốc và Cộng hoà liên bang Nga tập trận chung.

Câu 6: Giải thích vì sao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời năm 1967 nhưng việc mở rộng thành viên từ 5 nước ban đầu lên 10 nước lại diễn ra lâu dài ?

- Tháng 8-8-1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) gồm 5 nước Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Philippin)

* Mục tiêu:  Phát triển kinh tế, văn hóa thông qua những hợp tác chung giữa các nước thành viên trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

- Năm 1984, kết nạp Brunây làm thành viên thứ 6.  Năm 1995 kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 7 . Năm 1997 kết nạp thêm Lào và Mianma. Năm 1999, kết nạp Campuchia làm thành viên thứ 10. Việc mở rộng thành viên từ 5 nước ban đầu lên 10 nước diễn ra lâu dài và đầy trở ngại vì:

+ Do sự chia rẽ của các nước thực dân đối với khu vực: ĐNÁ là khu vực bị nhiều nước thực dân thống trị; các thế lực thực dân đều thi hành chính sách “chia để trị” đối với các nước thuộc địa

+ Phụ thuộc vào kết quả cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trong khu vực. Các nước ĐNÁ giành được độc lập vào những thời điểm khác nhau, nên thời điểm gia nhập ASEAN không giống nhau

+ Do bối cảnh tác động của chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Mĩ; một số nước trong khu vực (Philippin, Thái Lan..) đã ủng hộ Mĩ tham gia vào khối quân sự SEATO

+ Vấn đề Campuchia đã đẩy hai nhóm nước xa nhau, khi vấn đề CPC được giải quyết, cơ hội gia nhập ASEAN của các nước Đông Dương được mở ra

+ Do chế độ quân sự nắm quyền, nền dân chủ bị hạn chế, bị các nước trên TG nhất là các nước phương Tây cấm vận, cô lập nên việc Mianma gia nhập ASEAN gặp khó khăn, trắc trở

Câu 7: Những nhân tố nào thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

- Nhân tố khách quan:

+ Sự kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như những thay đổi về tình hình  quốc  tế sau  chiến  tranh  đã  thúc  đẩy  phong  trào độc lập  dân  tộc tại châu Phi...

+ Thất bại của chủ nghĩa phát xít, sự suy  yếu của Anh và Pháp, hai quốc gia thống trị nhiều vùng thuộc địa tại châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân châu Phi.

+ Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, trước hết là của Việt Nam và Trung Quốc đã cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng ở châu Phi.

- Nhân tố chủ quan: Sau chiến tranh, lực lượng cách mạng ở châu Phi đã có sự trưởng thành vượt bậc :

+ Châu  Phi  đã  thành  lập  được tổ chức  lãnh  đạo  là  “Tổ  chức thống  nhất châu Phi” (OAU) năm 1963, nay gọi là Liên minh châu Phi (AU). Đây là tổ chức giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp hoạt động và thúc dẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các nước châu Phi...

+ Giai cấp tư sản châu Phi ngày càng trưởng thành, nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ  lãnh đạo cách mạng thông qua các chính đảng  hoặc các tổ chức chính trị của mình. 

+ Nhân dân châu Phi đã tận dụng mọi thời cơ tổ chức đấu tranh với nhiều hình thức phong phú nhưng chủ yếu vẫn là đấu tranh chính trị để gây  áp lực với  kẻ  thù.... Mọi  đường  lối  đấu  tranh  giải phóng  dân  tộc  luôn  nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn của các tầng lớp nhân dân.

Câu 8: Sự khác biệt cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản trước và sau những năm 70 của thế kỷ XX? Những nguyên nhân nào đã khiến Nhật Bản điều chỉnh chính sách đối ngoại vào thời gian đó?

* Sự khác biệt cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản trước và sau những năm 70 của thế kỷ XX.

- Trong những năm 1945 - 1973, chính sách đối ngoại của Nhật Bản là liên minh chặt chẽ với Mỹ (Biểu hiện: Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được kí kết năm 1951..; Nhật Bản chấp nhận đứng dưới chiếc ô bảo trợ hạt nhân của Mỹ….)

- Nửa sau những năm 70, Nhật Bản đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện trong học thuyết Phucưđa (1977) và Kaiphu (1991) với nội dung chủ yếu là tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước Đông Nam Á...

- Từ 1991 đến 2000, Nhật Bản vẫn coi trọng quan hệ với Mĩ và Tây Âu, nhưng đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á.

* Những nguyên nhân khiến Nhật Bản điều chỉnh chính sách đối ngoại

- Do sự phát triển thần kì về kinh tế (thập kỷ 60), đến đầu thập kỷ 70, Nhật Bản đã trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế của thế giới. Cùng với tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, sức mạnh về quân sự của Nhật Bản ngày càng được tăng cường…

- Cùng với sự suy giảm về địa vị kinh tế, từ sau năm 1975 Mỹ phải rút khỏi Đông Nam Á, tạo ra khoảng trống quyền lực tại khu vực này….

- Do xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa ngày càng phát triển….

Câu 9: Quan hệ Mĩ - Liên Xô trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai có gì khác nhau? Cuộc Chiến tranh lạnh được khởi động như thế nào trong những năm 1947- 1949?

- Sự thay đổi quan hệ giữa Liên Xô và Mĩ: từ chỗ là đồng minh chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và Mĩ trở thành đối thủ của nhau sau chiến tranh.

- Sự khởi động cuộc Chiến tranh lạnh trong những năm 1947-1949:

+ Tháng 3-1947, trong thông điệp tại Quốc hội Mĩ, Tổng thống Truman khẳng định: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ đối với nước Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp cho Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì, nhằm biến hai nước này thành căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu từ phía nam của các nước này.

+ Tháng 6-1947, Mĩ đề ra Kế hoạch Mácsan nhằm giúp các nước Tây Âu phục hồi kinh tế sau chiến tranh, đồng thời tập hợp các nước này vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu.

+ Tháng 4-1949, Mĩ thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản chủ nghĩa do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đối lập với các hoạt động của Mĩ và các nước phương Tây, tháng 1-1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV)./.

Câu 10: Tại sao nói: một trong những xu thế phát triển của thế giới ngày nay là các quốc gia đang ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm?

- Bối cảnh thế giới sau Chiến tranh lạnh có điều kiện thuận lợi cho các nước phát triển kinh tế: hòa bình thế giới được củng cố, nguy cơ chiến tranh bị đẩy lùi; những thành tựu kì diệu của cuộc cách mạng KH – CN tạo thời cơ lớn cho các dân tộc.

- Chiến tranh lạnh chấm dứt, trật tự hai cực Ianta sụp đổ…các quốc gia muốn xây dựng sức mạnh tổng hợp thay thế cho chạy đua vũ trang, trong đó kinh tế là nền tảng sức mạnh của mỗi quốc gia.

- Ngày nay, kinh tế đã trở thành trọng điểm của quan hệ quốc tế, nền tảng để xây dựng sức mạnh thực sự của mỗi quốc gia, là căn cứ cơ bản nhất để đánh giá sự phát triển của mỗi dân tộc.

...

Trên đây là toàn bộ nội dung Đề thi chọn HSG môn Lịch Sử 12 năm 2019 - 2020 Trường THPT Liễn Sơn có đáp án. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích các em vui lòng đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?