TRƯỜNG THCS LÊ VĂN KHIÊM
| ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2020-2021 MÔN SINH HỌC 9 Thời gian: 150 phút |
ĐỀ BÀI
Câu 1 (4,0 điểm):
1) Nêu sự khác biệt giữa các loại mạch máu ở người, giải thích?
2) Những đặc điểm cấu tạo nào của các cơ quan trong đường dẫn khí có tác dụng làm ấm, làm ẩm không khí đi vào phổi và đặc điểm nào tham gia bảo vệ phổi tránh khỏi các tác nhân có hại?
Câu 2 (2,0 điểm):
1) Thế nào là tính trạng, cặp tính trạng tương phản? Tại sao Menđen lại chọn các cặp tính trạng tương phản khi thực hiện các phép lai?
2) Theo quan điểm của Menđen, các nhân tố di truyền tồn tại và vận động như thế nào?
Câu 3 (3,0 điểm):
1) Hoạt động của nhiễm sắc thể ở kì đầu, kì giữa và kì sau trong giảm phân I có gì khác với trong nguyên phân?
2) Kết quả của giảm phân I có điểm nào khác cơ bản so với kết quả của giảm phân II? Trong hai lần phân bào của giảm phân, lần nào được coi là phân bào nguyên nhiễm, lần nào được coi là phân bào giảm nhiễm?
Câu 4 (3,0 điểm):
1) Giải thích vì sao hai ADN con được tạo ra qua cơ chế nhân đôi giống nhau và giống hệt ADN mẹ? Có trường hợp nào qua nhân đôi ADN con khác ADN mẹ không?
2) Tế bào lưỡng bội của một loài mang 3 cặp NST tương đồng. Cặp I mang 1 cặp gen Aa. Cặp II mang 2 cặp gen dị hợp: Bb và Cc. Cặp III mang 1 cặp gen Dd. Qua giảm phân bình thường tế bào này cho những loại giao tử nào?
Câu 5 (2,0 điểm): Ở một loài thực vật, xét 3 tế bào sinh dưỡng của 3 thể đột biến khác nhau là thể không, thể bốn và thể bốn kép. Tổng số nhiễm sắc thể đơn trong các tế bào này là 124.
1) Xác định bộ nhiễm sắc thể 2n của loài? Tên loài này là gì?
2) Cơ chế phát sinh các thể đột biến trên?
Câu 6 (3,0 điểm):
1) Ở người, bệnh máu khó đông do gen lặn liên kết với giới tính quy định. Một phụ nữ bình thường có cha bị bệnh máu khó đông kết hôn với một người đàn ông bình thường. Cặp vợ chồng dự định sinh 2 người con. Tính xác suất để 2 người con: đều là con trai bình thường, đều là con trai bị bệnh, đều là con gái bình thường.
2) Tại sao khả năng mắc bệnh máu khó đông ở nữ giới ít hơn ở nam giới, trong khi đó khả năng mắc bệnh Đao ở hai giới là ngang nhau?
Câu 7 (3,0 điểm): Xét một cặp nhiễm sắc thể tương đồng chứa một cặp gen dị hợp (Aa), mỗi gen đều dài 4080 Ăngstron. Gen trội A có 3120 liên kết hiđrô; gen lặn a có 3240 liên kết hiđrô.
1) Số lượng từng loại nuclêôtit trong mỗi loại giao tử bình thường chứa gen nói trên bằng bao nhiêu?
2) Khi có hiện tượng giảm phân I phân li không bình thường thì số lượng từng loại nuclêôtit trong mỗi loại giao tử được hình thành bằng bao nhiêu?
3) Nếu cho các loại giao tử không bình thường đó tái tổ hợp với giao tử bình thường chứa gen lặn nói trên thì số lượng từng loại nuclêôtit của mỗi loại hợp tử bằng bao nhiêu?
ĐÁP ÁN
Câu 1:
1) - Động mạch: Lòng hẹp hơn tĩnh mạch, có thành dày nhất gồm 3 lớp cơ, đàn hồi nhiều phù hợp với chức năng nhận một lượng lớn máu từ tâm thất tống ra với áp lực lớn, vận tốc máu nhanh
-Tĩnh mạch: Có thành vách nhỏ hơn, ít đàn hồi hơn động mạch, lòng rộng hơn động mạch, phù hợp với chức năng vận chuyển máu về tim với vận tốc chậm hơn áp lực nhỏ, có van một chiều ở những nơi máu chảy ngược chiều trọng lực
- Mao mạch: Có thành vách rất mỏng phân nhánh nhiều chỉ có một lớp biểu bì phù hợp với chức năng vận chuyển máu rất chậm dễ thực hiện sự trao đổi chất
2) - Làm ẩm không khí là do lớp niêm mạc tiết chất nhầy lót bên trong đường dẫn khí.
- Làm ấm không khí do lớp mao mạch dày đặc, căng máu làm ấm nóng dưới lớp niêm mạc, đặc biệt ở mũi và phế quản
- Tham gia bảo vệ phổi
+ Lông mũo giữ lại các hạt bụi lớn, chất nhầy do niêm mạc giữ lại các hạt bịu nhỏ, lớp lông nhung quét chúng ra khỏi khí quản
+ Nắp thanh quản ( sụn thanh thiệt) đậy kín đường hô hấp không cho thức ăn lọt vào đường hô hấp khi nuốt
+ Các tế bào lim phô ở cá hạch amidan, V.A tiết các kháng thể để vô hiệu hóa các tác nhân gây nhiễm
Câu 2:
1. - Tính trạng: Là những đặc điểm về hình thái, cấu tạo, sinh lí của một cơ thể.
- Cặp tính trạng tương phản: Là hai trạng thái biểu hiện trái ngược nhau của cùng loại tính trạng.
Menđen chọn các cặp tính trạng tương phản, vì:
- Trên cơ thể sinh vật có rất nhiều các tính trạng không thể theo dõi và quan sát hết được
- Khi phân tích các đặc tính sinh vật thành từng cặp tính trạng tương phản sẽ thuận tiện cho việc theo dõi sự di truyền của các cặp tính trạng và đánh giá chính xác hơn.
2. - Nhân tố di truyền là loại vật chất di truyền nằm trong nhân tế bào và quy định nên tính trạng của cơ thể sinh vật.
- Trong tế bào nhân tố di truyền(NTDT) luôn tồn tại thành từng cặp nhưng không trộn lẫn vào nhau.
- Trong quá trình phát sinh giao tử các NTDT trong cặp nhân tố di truyền phân li về giao tử, các cặp NTDT phân li độc lập nhau.
- Trong quá trình thụ tinh, sự kết hợp giữa giao tử của bố với giao tử của mẹ đã đưa đến sự tổ hợp lại các cặp nhân tố di truyền.
Câu 3:
1) - Ở kì đầu của giảm phân I: Có sự tiếp hợp và có thể có sự bắt chéo giữa các NST trong cặp NST tương đồng. Nguyên phân không có.
- Ở kì giữa I: Các NST kép xếp thành 2 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi vô sắc, còn trong NP các NST kép xếp thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi vô sắc.
- Ở kì sau I:
+ Có sự phân li của mỗi NST kép trong cặp tương đồng về 1 cực của tế bào, ở nguyên phân là sự phân li của mỗi NST đơn.
+ Có sự phân li độc lập và tổ hợp tự do của các NST kép trong cặp tương đồng, ở nguyên phân là sự phân li đồng đều.
2) - Qua giảm phân I, số lượng NST ở tế bào con giảm đi 1 nửa nhưng mỗi NST ở trạng thái kép.
- Qua giảm phân II, từ 1 tế bào chứa n NST kép hình thành 2 tế bào con, mỗi tế bào con chứa n NST đơn.
- Trong 2 lần phân bào: lần I giảm nhiễm, lần II nguyên nhiễm.
Câu 4:
1) * Hai ADN con tạo ra qua cơ chế nhân đôi giống hệt ADN mẹ là do quá trình tự nhân đôi ADN diễn ra theo:
- Nguyên tắc khuôn mẫu: cả hai mạch của AND đều tham gia làm khuôn để tổng hợp ADN con.
- Nguyên tắc bổ sung: các nucleotit trên mỗi mạch đơn của ADN liên kết với các nucleotit trong môi trường nội bào theo nguyên tắc A – T; G – X và ngược lại.
- Nguyên tắc bán bảo toàn: Mỗi ADN con có một mạch đơn của ADN mẹ và một mạch mới được tổng hợp.
* Có trường hợp ADN con tạo ra qua cơ chế nhân đôi khác ADN mẹ đó là khi quá trình nhân đôi của ADN bị rối loạn.( Xảy ra mất một hoặc một số cặp nucleotit; thêm một hoặc một số cặp nucleoti; thay thế cặp nucleotit này bằng cặp nucleotit khác)
2) Qua giảm phân cho các loại giao tử:
- Nếu hai cặp gen Bb và Cc nằm trên một cặp nhiễm sắc thể và sắp xếp: BC/ bc thì các giao tử tạo ra là: ABCD ; AbcD ; aBCD ; abcD ; ABCd ; Abcd ; aBCd ; abcd
- Nếu hai cặp gen Bb và Cc nằm trên một cặp nhiễm sắc thể và sắp xếp Bc/ bC thì các giao tử tạo ra là: ABcD ; AbCD; aBcD ; abCD ; ABcd ; AbCd ; aBcd ; abCd
Câu 5:
1) - Gọi bộ MST lưỡng bội của loài là x, theo bài ra ta có:
(x - 2) + (x + 2) + (x + 2 + 2) = 124 => 3x = 120 => x = 40. => 2n = 40 (NST).
- Tên gọi của loài này là : Chuột
2) - Thể 2n - 2: Trong quá trình giảm phân đã xảy ra sự không phân li ở cùng một cặp của cả bố và mẹ => tạo ra giao tử (n - 1) và (n + 1) . Trong quá trình thụ tinh 2 giao tử (n - 1) kết hợp với nhau => hợp tử (2n - 2).
- Thể 2n + 2 : Cũng như trên, nhưng hai giao tử (n + 1) kết hợp với nhau trong thụ tinh => hợp tử (2n + 2).
- Thể 2n + 2 + 2: Trong quá trình giảm phân đã xảy ra sự không phân li ở 2 cặp NST giống nhau ở bố và mẹ => tạo ra giao tử (n - 1 - 1);(n + 1+1); (n+1-1); (n-1+1) . Trong quá trình thụ tinh 2 giao tử (n +1+1) kết hợp với nhau => hợp tử (2n +2+2).
Câu 6:
1)
- Bệnh máu khó đông do gen lặn nằm trên NST giới tính X quy định. Quy ước gen:
M: bình thường
m: bệnh máu khó đông
- Người phụ nữ bình thường nhưng có cha bị mắc bệnh máu khó đông nên kiểu gen của cô ta chắc chắn nhận được giao tử Xm từ người bố, do đó:
Kiểu gen của người vợ là: XMXm, chồng bình thường sẽ có kiểu gen: XMY.
- Sơ đồ lai: P: XMY x XMXm
GP: XM , Y XM , Xm
F1: XMXM, XMXm, XMY, XmY
- Tính xác suất:
+ 2 con trai bình thường (XMY): 1/4.1/4= 1/16
+ 2 con trai bị bệnh (XmY): (1/4)2= 1/16.
+ 2 con gái bình thường(XMXM) hoặc (XMXm) hoặc (XMXM, XMXm): 1/4.1/4= 1/16
2).
- Bệnh máu khó đông là bệnh do gen lặn trên NST giới tính X, ở nam chỉ cần 1 gen lặn cũng có cơ hội biểu hiện ra kiểu hình (XmY), còn ở nữ cần đến hai gen lặn (thể đồng hợp lặn XmXm) mới biểu hiện thành kiểu hình nên ít xuất hiện ở nữ.
- Khả năng mắc bệnh Đao ở hai giới là ngang nhau vì bệnh Đao là do đột biến dị bội thể dạng (2n+1) xảy ra ở NST thường- NST số 21 có 3 chiếc
Câu 7:
1) Gen =\(\frac{{4080}}{{3,4}}\) x 2 = 2400 nuclêôtit;
Giao tử chứa gen A: 2A + 3G = 3120; 2A + 2G = 2400. Giải ra ta có: A=T= 480; G=X = 720.
Giao tử chứa gen a: 2A + 3G = 3240; 2A + 2G = 2400. Giải ra ta có: A=T = 360; G=X = 840
2) Có 2 loại giao tử: Aa và 0.
Giao tử Aa có: A = T = 480 + 360 = 840 nuclêôtit; G = X = 720 + 840 = 1560 nuclêôtit
Giao tử 0 có: A = T = G = X = 0 nuclêôtit
3) Số lượng từng loại nuclêôtit của mỗi loại hợp tử:
- Aaa có: A = T = 1200 nuclêôtit G = X = 2400 nuclêôtit
- a0 có: A = T = 360 nuclêôtit G = X = 840 nuclêôtit
---
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục: