TRƯỜNG THCS PHÚ ĐỊNH
| ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2020-2021 MÔN SINH HỌC 8 Thời gian: 120 phút |
ĐỀ BÀI
Câu 1: ( 2,0 điểm)
a) Nêu rõ những đặc điểm tiến hóa của bộ xương người so với các động vật (ở lớp thú) theo hướng đứng thẳng và lao động?
b) Giải thích vì sao xương động vật được hầm thì bở?
Câu 2: ( 2,5 điểm)
Nêu cấu tạo và hoạt động của tim? Vì sao tim hoạt động suốt cả cuộc đời mà không mệt?
Câu 3: (1,5điểm)
Cơ thể đã có cơ chế như thế nào để tự bảo vệ mình khi bị các vết thương gây đứt vỡ mạch máu và làm chảy máu? Hãy trình bày các bước xử lí thích hợp khi gặp một người bị vết thương chảy máu động mạch ở cổ tay?
Câu 4: ( 1,5 điểm)
- Hãy cho biết ở dạ dày, biến đổi hóa học hay biến đổi lí học mạnh hơn? Hãy phân tích để chứng minh điều đó?
- Một người bị triệu chứng thiếu axít trong dạ dày thì sự tiêu hóa ở ruột non ảnh hưởng như thế nào?
Câu 5: ( 2,0 điểm)
a. So sánh phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện?
b. Có phải mọi phản xạ không điều kiện đều có ngay sau khi sinh ra và đều tồn tại suốt đời không? Cho ví dụ minh họa.
Câu 6: ( 0,5 điểm)
Giải thích vì sao nói tuyến yên là tuyến nội tiết quan trọng?
ĐÁP ÁN
Câu 1:
- Đặc điểm tiến hóa của bộ xương người so với các động vật (ở lớp thú) là thích nghi với dáng đi thẳng trên 2 chân, tay được giải phóng để sử dụng các công cụ lao động. Thể hiện ở các đặc điểm sau:
- Đặc điểm cấu tạo của xương đầu:
+ Hộp sọ người phát triển mạnh, chứa bộ não. Phần mặt ít phát triển hơn và ngắn lại do con người đã biết chế tạo và sử dụng vũ khí để tự vệ, không phải sử dụng bộ hàm để chống kẻ thù, biết dùng lửa để nấu chín thức ăn.
+ Diện khớp giữa xương sọ và cột sống ở người lùi về phía trước (trong khi não phát triển về phía sau), giữ cho đầu ở vị trí cân bằng trên cổ trong tư thế đứng thẳng
- Đặc điểm cấu tạo của cột sống và lồng ngực:
+ Với dáng đứng thẳng, di chuyển trên 2 chi dưới, chi trên được giải phóng, không ép vào lồng ngực và lồng ngực không chịu tác dụng của nội quan nên phát triển rộng ra 2 bên và xương ức dẹp theo hướng trước sau.
+ Cột sống có 4 chỗ cong, chia cột sống làm 5 đoạn đảm bảo cho trọng tâm của cơ thể rơi vào chân đế ở dáng đứng thẳng. Hơn nữa cột sống uốn như vậy có tác dụng như một lò xo làm giảm các chấn động đối với hộp sọ trong lúc chạy nhảy. Cấu tạo các đốt sống ở các đoạn khác nhau cũng rất phù hợp với dáng đứng thẳng của con người.
- Sự phân hóa giữa chi trên và chi dưới:
Xương chi trên:
+ Các xương chi trên nhỏ. Chi trên khớp với đai vai bằng khớp chỏm cầu nông → đảm bảo cho chi trên cử động linh hoạt hơn, thuận lợi cho hoạt động lao động.
+ Xương cổ tay khớp theo kiểu bầu dục, giúp bàn tay cử động linh hoạt. Ngón cái có khả năng đối diện với tất cả các ngón khác của bàn tay và khớp với bàn tay bằng khớp yên giúp cầm nắm các vật, sử dụng công cụ lao động dễ dàng
Xương chi dưới:
- Các xương chi dưới to khỏe, xương đùi khớp vào xương chậu cũng như các xương cổ chân khớp với nhau rất chặt chẽ, bàn chân cấu tạo thành vòm, một mặt nâng cao sức chống đỡ và vững chắc của chân đế, mặt khác di chuyển dễ dàng.
- Giải thích: Khi hầm xương bò, lợn... chất cốt giao bị phân hủy, vì vậy nước hầm xương thường sánh và ngọt, phấn xương còn lại là chất vô cơ không còn được liên kết bởi cốt giao nên xương bở.
Câu 2:
a) Cấu tạo của tim:
- Tim nằm trong lồng ngực, giữa 2 lá phổi, hơi lệch về trái, từ xương sườn thứ 2 đến xương sườn thứ 4.
- Tim có hình chóp lớn bằng nắm tay, nặng chừng 300 gam, đỉnh quay xuống dưới, đáy lên trên.
- Bên ngoài được bao bọc bởi một màng tim bằng mô liên kết, mặt trong màng tim tiết ra một chất dịch giúp cho tim hoạt động được dễ dàng.
- Tim được cấu tạo bởi cơ tim. Cơ tim cấu tạo giống cơ vân nhưng hoạt động tự động do các hạch thần kinh nằm ngay trên vách tim (chia tim thành 2 nửa : trái và phải). Độ dày của thành các khoang tim không giống nhau. Thành tâm thất dày hơn thành tâm nhĩ, vì nó phải co bóp tống máu đi lên phổi và đi khắp cơ thể. Thành của tâm nhĩ và tâm thất trái dày hơn thành các khoang tim tương ứng ở bên phải.
- Trong các khoang tim được lót bởi một màng mỏng và có các van tim nằm giữa tâm thất và tâm nhĩ, giữa tâm thất trái với động mạch chủ và giữa tâm thất phải với động mạch phổi. Nhờ các van tim này nên khi tim co, máu chỉ chảy theo một chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất và từ tâm thất ra động mạch.
b) Hoạt động của tim:
- Tim co bóp nhịp nhàng theo chu kì, mỗi phút co chừng 70 - 75 lần. Mỗi chu kì co tim gồm 3 pha:
+ Pha co tâm nhĩ: Hai tâm nhĩ co lại đẩy máu xuống tâm thất; pha này mất 0,1s.
+ Pha co tâm thất: Hai tâm nhĩ dãn ra, hai tâm thất co lại đẩy máu vào động mạch chủ và động mạch phổi; nhờ van nhĩ thất đóng lại, máu không chảy ngược về tâm nhĩ được; pha này mất 0,3s
+ Pha giãn chung: Toàn bộ tim dãn ra; tim nghỉ. Lúc này van tổ chim đóng lại làm cho máu từ động mạch không trở về tâm thất được; pha này mất 0,4s
- Giải thích: Tim làm việc liên tục suốt ngày đêm, kể từ lúc mới sinh đến lúc chết mà tim không mệt là do:
+ Mỗi chu kì co tim có \(\frac{1}{2}\) thời gian dãn chung, đủ để cơ tim phục hồi lại hoàn toàn.
+ Tim chỉ chiếm \(\frac{1}{200}\) khối lượng cơ thể nhưng lượng máu đến nuôi tim chiếm tới \(\frac{1}{10}\) lượng máu của toàn bộ cơ thể.
Câu 3:
a.
- Khi bị các vết thương gây đứt vỡ mạch máu và làm chảy máu cơ thể đã có cơ chế đông máu để tự bảo vệ mình.
- Cơ chế xảy ra như sau: Trong huyết tương có một chất prôtêin hòa tan và ion Ca2+. Trong các tiểu cầu có một loại enzim, khi tiểu cầu bị vỡ ra enzim đó được giải phóng, dưới tác dụng của ion Ca2+, làm cho chất prôtêin hòa tan biến thành các tơ máu giữ các hồng cầu, bạch cầu lại thành cục máu đông làm cho máu không chảy nữa.
b. Gồm các bước:
- Dùng ngón tay cái dò tìm vị trí các động mạch cánh tay, khi thấy dấu hiệu mạch đập rồi thì bóp mạnh để làm ngừng chảy máu ở vết thương vài ba phút.
- Buộc garô: dùng dây cao su hay dây vải mềm buộc chặt ở vị trí gần sát nhưng cao hơn vết thương (về phía tim) với lực ép đủ cầm máu. Cứ sau 15 phút lại nới dây ra và buộc lại vì các mô ở dưới vết buộc có thể chết do thiếu ôxi và các chất dinh dưỡng.
- Sát trùng vết thương, đặt gạc và bông lên miệng vết thương rồi băng lại.
- Đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.
Câu 4:
Trong 2 hoạt động biến đổi thức ăn ở dạ dày, thì sự biến đổi lí học mạnh hơn, chứng minh:
Ở dạ dày biến đổi lí học mạnh hơn: Cấu tạo của dạ dày rất phù hợp với hoạt động biến đổi lí học: Thành dạ dày có cấu tạo gồm 3 lớp: lớp màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. Cấu tạo lớp cơ rất dày, gồm 3 loại cơ là cơ vòng, cơ dọc và cơ chéo đan kết chằng chịt. Khi cơ dạ dày co rút tạo ra rất khỏe để nhào trộn làm nhỏ và nghiền nát thức ăn.
Ở dạ dày biến đổi hóa học yếu: Tác dụng hóa học ở dạ dày được thực hiện do dịch vị tiết ra từ các tuyến vị; nhưng lượng enzim trong dịch vị không nhiều và có tác dụng yếu. Enzim duy nhất trong dịch vị là pepsin được sự hỗ trợ của HCl chỉ tác dụng biến đổi không hoàn toàn một phần prôtêin, chuyển từ prôtêin mạch dài nhiều axit amin thành các prôtêin mạch ngắn có từ 3 đến 10 axit amin. Các loại thức ăn khác không được biến đổi ở dạ dày.
- Một người bị triệu chứng thiếu a xít trong dạ dày thì sự tiêu hóa ở ruột non diễn ra như sau: Môn vị thiếu tín hiệu đóng nên thức ăn sẽ qua môn vị xuống ruột non liên tục và nhanh hơn, thức ăn sẽ không đủ thời gian ngấm đều dịch tiêu hóa của ruột non nên hiệu quả tiêu hóa sẽ thấp
Câu 5:
- So sánh phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện.
* Những điểm giống nhau:
- Đều là phản ứng của cơ thể nhằm trả lời lại kích thích của môi trường
- Đều được hình thành trên cơ sở xung thần kinh dẫn truyền trong các cung phản xạ
- Các bộ phận tham gia vào mỗi loại cung phản xạ đều bao gồm: cơ quan thụ cảm, trung ương thần kinh và cơ quan phản ứng
- Đều mang ý nghĩa thích nghi giữa cơ thể với môi trường.
* Những điểm khác nhau:
Phản xạ không điều kiện | Phản xạ có điều kiện |
- Mang tính chất bẩm sinh và loài. - Di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - Bền vững, ổn định và tồn tại suốt đời -Mỗi kích thích hợp gây ra một phản xạ tương ứng
- Có trung khu thần kinh là các bộ phận nằm dưới bán cầu não (tủy sống, trụ não) | - Phải trải qua quá trình tập luyện và mang tính chất cá thể. - Không di truyền - Tạm thời, có thể bị biến đổi hay mất đi nếu không được củng cố - Một kích thích có thể gây ra nhiều phản xạ khác nhau. Ngược lại nhiều kích thích khác nhau có thể gây ra phản xạ giống nhau - Có trung khu thần kinh nằm ở lớp vỏ (lớp chất xám) của bán cầu não |
b.
- Không phải mọi phản xạ không điều kiện đều có ngay sau khi sinh ra và đều tồn tại suốt đời.
+ Hoạt động tạo giao tử ở người là phản xạ không điều kiện nhưng chỉ có ở tuổi dậy thì trở đi và kết thúc trước khi về già.
+ Phản xạ không điều kiện mút môi khi có vật chạm vào môi chỉ tồn tại chủ yếu ở giai đoạn sơ sinh.
Câu 6:
Nói tuyến yên là tuyến nội tiết quan trọng vì:
- Tuyến yên tiết kích thích tố điều hòa hoạt động sinh lí trong cơ thể.
- Tuyến yên tiết kích thích tố điều khiển hoạt động của các tuyến nội tiết khác như: ACTH ảnh hưởng hoạt động tuyến trên thận, TSH ảnh hưởng hoạt động tuyến giáp, FSH và LH ảnh hưởng hoạt động tuyến sinh dục....
---
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề thi chọn HSG cấp trường môn Sinh học 8 năm 2020 Trường THCS Phú Định có đáp án. Để xem thêm các tài liệu khác các em vui lòng đăng nhập vào trang Chúng tôi để tham khảo và tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !
Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tài liệu cùng chuyên mục tại đây: